Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những gợi mở cho Việt Nam từ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin
Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 14:40
30587 Lượt xem

Những gợi mở cho Việt Nam từ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin

(LLCT) - Xuất phát từ đặc trưng về trình độ của lực lượng sản xuất ở Việt Nam là hiện đại, bán hiện đại, thô sơ đan xen, kết hợp nên quan hệ sản xuất ở Việt Nam nhất định phải là đa dạng, nhiều thành phần; kiến trúc thượng tầng của chúng ta cũng chưa thể có đặc trưng thuần nhất xã hội chủ nghĩa ngay được. Vận dụng Lý luận hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam chúng ta cần: đào tạo người lao động có kỹ năng và phong cách làm việc đổi mới, sáng tạo để xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại; Cùng với giải pháp từ kiến trúc thượng tầng phải có giải pháp từ cơ sở hạ tầng để dần hình thành đặc trưng xã hội chủ nghĩa của kiến trúc thượng tầng - củng cố quan hệ sản xuất, quan hệ trao đổi trong kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.  


 

Vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài  theo đường biển_ Ảnh: MH

Từ khóa: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng.

1. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác đã có 172 năm tồn tại, phát triển. Thực tiễn chính trị - xã hội có nhiều đổi thay, khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Nhưng học thuyết này về cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Trong điều kiện thực tiễn hiện nay vận dụng học thuyết này vào Việt Nam chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

Trình độ lực lượng sản xuất của Việt Nam hiện nay rất không đồng đều. Đây là đặc trưng rất rõ nét. Sự không đồng đều của trình độ lực lượng sản xuất thể hiện ở cả hai yếu tố cấu thành là người lao động và công cụ lao động. Về trình độ của người lao động ở nước ta rất rõ là vừa có người lao động với trình độ cao ở cấp độ quốc tế vừa có người lao động với trình độ lao động giản đơn bằng chân tay, vừa có người lao động vừa có trình độ tay nghề cao ở lĩnh vực này nhưng lại có tay nghề thủ công ở công đoạn khác của chuỗi sản xuất. Đối với công cụ lao động cũng tương tự, có sự đan xen của công cụ lao động thủ công, cơ khí, hiện đại, tự động hóa. Đầu vào của sản xuất vật chất cũng vậy, vừa hiện đại, vừa không hiện đại, vừa có đầu vào vật thể, vừa có đầu vào phi vật thể. Các điều kiện của sản xuất vật chất như sân bay, bến cảng, đường xá, cầu cống cũng tương tự vừa hiện đại vừa bán hiện đại và có khi còn thô sơ. Từ đây cho thấy đặc trưng về trình độ lực lượng sản xuất ở Việt Nam là không đồng đều; hiện đại, bán hiện đại và thô sơ đan xen, kết hợp.Từ đặc trưng lực lượng sản xuất như vậy nên quan hệ sản xuất ở Việt Nam nhất định phải là đa dạng, nhiều thành phần. Bởi lẽ, thích ứng với từng trình độ của lực lượng sản xuất sẽ có một loại hình quan hệ sản xuất phù hợp. Do vậy, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam là đúng quy luật và phù hợp thực tiễn. Do vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đa dạng hóa hình thức sở hữu, đa dạng hóa hình thức phân phối, tổ chức quản lý sản xuất và trao đổi là đúng đắn. Điều này cho thấy có thể có quan hệ sản xuất mặc dù không tiến bộ về bản chất nhưng còn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, còn phát huy tác dụng trong việc tạo ra của cải vật chất, tạo ra công việc cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế thì vẫn còn tồn tại. Đúng như C.Mác đã từng khẳng định: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”(1).

Do vậy, không thể áp đặt hoặc loại bỏ một loại hình quan hệ sản xuất nào đó một cách tùy tiện, duy ý chí được. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải bảo đảm được quan hệ sản xuất của chúng ta phát triển vừa theo đúng quy luật vừa theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa của việc phát triển quan hệ sản xuất ở nước ta phải được thể hiện ở chỗ sự phát triển của quan hệ sản xuất phải mang lại đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn cho con người Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta phải định hướng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trở thành quan hệ đặc trưng trong quan hệ sản xuất của chúng ta. Do vậy, quan điểm phát triển các loại hình quan hệ sản xuất nhưng không để quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa xác lập địa vị thống trị là hoàn toàn đúng đắn.

Từ quan hệ sản xuất đa dạng nhiều thành phần cũng như quan hệ trao đổi đan xen như vậy chúng ta phải chấp nhận kiến trúc thượng tầng của chúng ta cũng chưa thể có đặc trưng thuần nhất xã hội chủ nghĩa ngay được. Nếu không nhận rõ điều này sẽ làm cho chúng ta chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Chúng ta phải chấp nhận kiến trúc thượng tầng của chúng ta cũng có sự không thuần nhất cả về các yếu tố cấu thành, cả về các khía cạnh trong nội bộ từng yếu tố. Chẳng hạn, trong từng yếu tố của ý thức thì tri thức, tình cảm, niềm tin cũng chưa đồng bộ, chưa tương thích với nhau. Giữa các hình thái ý thức với các thiết chế xã hội, hay trong mỗi thiết chế xã hội như cơ sở pháp lý; cơ chế, bộ máy và con người cũng chưa đồng bộ, thống nhất, tương thích với nhau. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm mọi cách để kiến trúc thượng tầng của chúng ta phải tiến tới có đặc trưng xã hội chủ nghĩa mà hiện tại là định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mặt ý thức thì nhất định phải làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của xã hội. Về mặt thiết chế xã hội thì quan trọng nhất là phải xây dựng, củng cố được nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

2. Từ những phân tích trên cho thấy, để vận dụng sáng tạo lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhận thức và thực hiện một số điểm:

Thứ nhất, về lực lượng sản xuất: Cùng với việc phát huy tối đa những lực lượng sản xuất hiện có, chúng ta phải có các biện pháp để chuyển đặc trưng về trình độ lực lượng sản xuất ở Việt Nam là không đồng đều; hiện đại, bán hiện đại và thô sơ đan xen, kết hợp thành đặc trưng có lực lượng sản xuất hiện đại. Muốn vậy, trước mắt phải bằng hợp tác quốc tế và lâu dài bằng đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo, dạy nghề để thực hiện cuộc cách mạng trong đào tạo người lao động hiện đại. Chắc chắn không còn xa nữa nhân loại sẽ đi đến chỗ bằng cấp đào tạo không còn là căn cước duy nhất để tìm kiếm việc làm nữa mà điều quan trọng là kỹ năng làm việc cũng như phong cách làm việc đổi mới sáng tạo mới là cái quyết định. Kỹ năng làm việc cũng như phong cách làm việc đổi mới sáng tạo của người lao động cũng chính là cái mà hiện nay và tương lai sẽ đóng vai trò quyết định để làm cho lực lượng sản xuất trở thành hiện đại. Việc đào tạo nghề cho người lao động phải trở thành chức năng của chính doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp hay hiệp hội các doanh nghiệp sẽ là nơi đào tạo kỹ năng và phong cách làm việc đổi mới sáng tạo cho người lao động tốt nhất. Bởi lẽ, doanh nghiệp mới có thực tiễn sản xuất, môi trường, điều kiện vật chất để trau dồi, rèn luyện, thử thách, nâng cao kỹ năng tay nghề cũng như phong cách làm việc đổi mới sáng tạo. Giáo dục, đào tạo khi ấy tự thân sẽ phải gắn với sản xuất. Đồng thời, chúng ta phải khắc phục điểm nghẽn của cơ sở hạ tầng giao thông, hiện đại hóa sân bay, bến cảng, nhất là hạ tầng cơ sở thông tin để chuẩn bị cho kinh tế số, kinh tế tri thức phát triển. Rõ ràng là cùng với đầu vào của sản xuất vật chất là những nguyên, nhiên liệu thì xu hướng của kinh tế số, kinh tế tri thức đòi hỏi đầu vào cho sản xuất là những phát minh, sáng chế, thông tin, tri thức. Những yếu tố đầu vào của sản xuất như phát minh, sáng chế, thông tin, tri thức chỉ được phát huy khi cơ sở hạ tầng thông tin phát triển, hiện đại hóa.

 Thứ hai, đối với quan hệ sản xuất. Chúng ta cần thống nhất nhận thức quan hệ sản xuất nào dù phi xã hội chủ nghĩa nhưng còn phát huy tác dụng cho phát triển sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, còn phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì sẽ còn cơ sở tồn tại. Nghĩa là, chúng ta không thể áp đặt hoặc loại bỏ một loại hình quan hệ sản xuất nào đó ở nước ta một cách tùy tiện, duy ý chí được mà phải căn cứ vào sự phù hợp hay không phù hợp của nó với trình độ của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, từ nhiều loại hình quan hệ sản xuất như vậy, chúng ta phải định hướng được quỹ đạo của chúng là định hướng xã hội chủ nghĩa. Một điều mà xưa nay chúng ta đều hiểu là quan hệ sản xuất do trình độ lực lượng sản xuất quyết định nhưng khi định hướng quan hệ sản xuất, chúng ta lại chỉ có các giải pháp từ chính quan hệ sản xuất. Rõ ràng như vậy là không đủ và không triệt để. Từ bài học này cho thấy phải xuất phát từ trình độ của lực lượng sản xuất của thành phần kinh tế đặc trưng đóng vai trò quyết định. Nghĩa là muốn xây dựng được quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (hay quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa), chúng ta về lâu dài, căn cốt phải xuất phát từ lực lượng sản xuất của kinh tế xã hội chủ nghĩa, mà ở Việt Nam chính là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Tất nhiên phải kết hợp với các giải pháp từ quan hệ sản xuất như giải pháp về sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất, giải pháp về phân phối sản phẩm lao động. Nhưng những giải pháp từ phía quan hệ sản xuất chỉ là hỗ trợ, hậu thuẫn chứ không phải là giải pháp đóng vai trò quyết định. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra là vừa phát huy vai trò của lực lượng sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế phi nhà nước, phi tập thể, vừa phải có biện pháp phát triển lực lượng sản xuất của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó mới từng bước xây dựng, hoàn thiện được quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Do vậy, trong thời kỳ quá độ này, một mặt chúng ta phải từng bước thực hiện sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, nhưng mặt khác, Nhà nước cũng phải có những “ưu tiên” nhất định đối với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Những giải pháp từ phía quan hệ sản xuất phải được chú ý, đặc biệt là chế độ phân phối. Chúng ta nên tiếp tục thực hiện phân phối theo kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh; theo đóng góp vốn và các nguồn lực khác; theo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Hình thức phân phối này vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Thứ ba, đối với quan hệ trao đổi. Một hạn chế là chúng ta dường như không để ý tới quan hệ trao đổi trong nền kinh tế thị trường - điều mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đề cập. Cũng giống như quan hệ sản xuất, quan hệ trao đổi của Việt Nam hiện nay cũng không thuần nhất, chúng không hoàn toàn là tuân theo quy luật của thị trường và cũng không hoàn toàn là tuân theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thiện quan hệ trao đổi, trước hết chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp lý của trao đổi để giải quyết hài hòa các bên của quan hệ trao đổi. Trên cơ sở đó hình thành cơ chế vận hành cho quan hệ trao đổi. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ trao đổi phải dựa trên quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật thị trường nói chung. Nhưng nền kinh tế thị trường của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một mô hình kinh tế thị trường mới đặc biệt, khác với các mô hình kinh tế thị trường đã có. Do vậy, đối với Việt Nam, một trong những biện pháp quan trọng để hoàn thiện quan hệ trao đổi là giải quyết tốt quan hệ: nhà nước - thị trường - xã hội và quan hệ giữa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản sản Việt Nam đã nhận thức rõ. Đồng thời phải hoàn thiện đồng bộ các loại thị trường. 

Thứ tư, đối với kiến trúc thượng tầng. Cần nhận thức rõ là không được nóng vội chủ quan trong việc khẳng định đặc trưng xã hội chủ nghĩa trong kiến trúc thượng tầng ở nước ta. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, các quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi ở nước ta cũng chưa thuần nhất tuân theo quy luật của thị trường hoặc thuần nhất tuân theo các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội thì đương nhiên kiến trúc thượng tầng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi như vậy cũng chưa thể thuần nhất được. Từ đây cho thấy chúng ta phải chấp nhận trong kiến trúc thượng tầng của chúng ta vẫn còn những mảnh, những yếu tố của ý thức xã hội chưa được như mong muốn. Thực tế đời sống xã hội Việt Nam những năm qua cũng cho thấy chúng ta chưa chú ý đúng mức tới xây dựng ý thức đạo đức, ý thức thẩm mỹ. Lỗi một phần do nhận thức chủ quan chưa đầy đủ, nhưng một phần do cơ sở hạ tầng - các quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi - cơ sở của những ý thức xã hội này cũng chưa hoàn thiện, chưa thuần nhất xã hội chủ nghĩa. Nói như vậy không có nghĩa là cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng một chiều đơn giản, thô thiển, nhưng dù sao nó cũng là một nguyên nhân khách quan thực tế mà không thể bác bỏ.

Từ cách tiếp cận tương tự như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao các thiết chế của kiến trúc thượng tầng của chúng ta như Nhà nước, Đảng, quân đội, tòa án, v.v.. vẫn còn những hạn chế yếu kém nhất định. Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải chủ động xây dựng kiến trúc thượng tầng của chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là công việc không giản đơn, nhưng có thể khẳng định là chúng ta sẽ thực hiện được, mặc dù cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ. Bởi lẽ, kiến trúc thượng tầng, mặc dù xét đến cùng bị quy định bởi cơ sở hạ tầng, nhưng nó có tính độc lập tương đối so với cơ sở hạ tầng. Trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng, đặc biệt là nhà nước với tư cách là công cụ, phương tiện thống trị của giai cấp thống trị về kinh tế, bằng các biện pháp quản lý của mình, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm  việc xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, nhà nước bằng các chính sách của mình có thể thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, trên cơ sở đó hậu thuẫn, hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, quan hệ trao đổi xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện. Theo đó, kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa được xây dựng, hoàn thiện, củng cố.

Để từng bước xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa, xét đến cùng, chúng ta phải từng bước hoàn thiện được quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời thực hiện những giải pháp từ phía kiến trúc thượng tầng. Các giải pháp từ phía kiến trúc thượng tầng đối với chính các hình thái ý thức xã hội đòi hỏi phải tăng cường tri thức, tình cảm, niềm tin trong từng hình thái ý thức xã hội. Đồng thời phải chú trọng phát triển đồng bộ các hình thái ý thức xã hội cả ý thức chính trị, ý thức khoa học, ý thức thẩm mỹ, ý thức đạo đức, v.v.. xã hội chủ nghĩa. Ở đây cần chú ý lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với kẻ địch thứ nhất rất nguy hiểm là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc thì “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài.

Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(2). Rõ ràng là thói quen và truyền thống lạc hậu cũng như chủ nghĩa cá nhân đều thuộc ý thức xã hội. Cho nên trong công cuộc xây dựng ý thức xã hội xã hội chủ nghĩa cần chú ý đấu tranh chống thói quen, truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân. Thói quen, truyền thống lạc hậu và chủ nghĩa cá nhân đều là sản phẩm và tàn dư của quan hệ sản xuất phi xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng, xây cái mới phải đi đôi với chống cái cũ, cái lạc hậu là vậy. Xét đến cùng phải xây dựng được quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa thì mới có cơ sở để xây dựng ý thức xã hội chủ nghĩa.

Còn đối với các thiết chế của kiến trúc thượng tầng, đặc biệt phải chú ý xây dựng Đảng và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp xây dựng Đảng và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từ chính kiến trúc thượng tầng, nghĩa là từ chính trị là chủ yếu. Thực tế cho thấy, chúng ta còn thiếu những biện pháp từ  kinh tế, từ cơ sở hạ tầng.

Xét từ góc độ của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiến trúc thượng tầng do cơ sở hạ tầng quyết định. Vậy để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ tâm, đủ tầm, bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo cách mạng; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì cần có giải pháp căn cốt từ quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi. Rõ ràng là việc hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện quan hệ trao đổi xã hội chủ nghĩa xét đến cùng đóng vai trò quyết định sự thành công trong xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong sạch, vững mạnh. Thực tế cũng cho thấy, chúng ta về cơ bản đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị - hạt nhân của mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng nói chung. Nhưng chúng ta chưa giải quyết triệt để quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Ở đây là mối quan hệ giữa quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, quan hệ trao đổi xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Nhận thức và quán triệt tốt những lưu ý trên, chúng ta sẽ tránh không bị giáo điều, cứng nhắc, rập khuôn trong việc vận dụng lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Hơn nữa, đây chính là việc làm góp phần khẳng định, vận dụng, bổ sung sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.15-16.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr.287.

GS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền