Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước vào đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:04
1551 Lượt xem

Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước vào đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Sau gần 35 năm đổi mới kinh tế và chính trị, Việt Nam chúng ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế(1) như Đảng ta đã thừa nhận nên chưa phát huy hết tiềm lực kinh tế cho sự phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, để công cuộc đổi mới kinh tế đạt được nhiều thành tựu hơn nữa thì cần phải đổi mới chính trị để chính trị thúc đẩy đổi mới kinh tế một cách hiệu quả nhất. Quan điểm của V.I.Lênin về mục tiêu, nguyên tắc, giải pháp cải tiến bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung vẫn còn nguyên giá trị đối với đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay.  

Từ khóa: V.I.Lênin, bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.

1. Quan điểm V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước

Quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung được thể hiện trong những tác phẩm cuối đời ông trong năm 1923, đó là những tác phẩm như: Thư gửi đại hội, Bàn về chế độ hợp tác, Về cuộc cách mạng của chúng ta, đặc biệt là hai tác phẩm Chúng ta phải cải tổ Bộ dân ủy thanh tra công nông như thế nào và Thà ít mà tốt. Quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị hình thành khi kinh tế nước Nga có sự thay đổi, cụ thể là chuyển hướng từ “Chính sách cộng sản thời chiến” sang “Chính sách kinh tế mới - NEP”.

Theo C.Mác, Ph.Ăngghen, giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó chính trị có tác động to lớn đối với kinh tế (có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy kinh tế phát triển), nhưng xét đến cùng kinh tế có vai trò quyết định chính trị, vai trò quyết định của kinh tế thể hiện ở chỗ khi kinh tế thay đổi thì sớm hay muộn chính trị cũng sẽ thay đổi theo(2). Do đó, đổi mới về kinh tế thì tất yếu phải cải tiến, đổi mới về chính trị. Là người kế thừa C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin nhận thức sâu sắc rằng, kinh tế nước Nga từ “Chính sách cộng sản thời chiến” chuyển sang “Chính sách kinh tế mới” thì chính trị cũng phải cải tiến, đổi mới cho tương thích, phù hợp với sự đổi mới của kinh tế để chính trị thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo V.I.Lênin, trong bối cảnh chuyển đổi chính sách kinh tế thì vai trò của chính trị là rất lớn, nó quyết định sự thành bại của của quá trình chuyển đổi đó, chính vì vậy ông nói: “chính trị không thể không ưu tiên hơn so với kinh tế”(3). Cho nên vấn đề đổi mới hệ thống chính trị, cải tiến bộ máy nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nước Nga là quan tâm, trăn trở sâu sắc của V.I.Lênin.

Theo V.I.Lênin, muốn đổi mới, cải tiến một hệ thống hay một bộ máy thì trước hết phải đánh giá khách quan mặt tích cực và hạn chế của nó. Do đó trước hết V.I.Lênin đánh giá hệ thống chính trị ở Nga, trong đó ông tập trung vào bộ máy nhà nước. Về mặt tích cực, V.I.Lênin khẳng định, nhà nước Xôviết Nga là kiểu nhà nước ưu việt nhất, thể hiện tính nhân dân sâu sắc. Trong lịch sử, có nhiều kiểu nhà nước đã được thiết lập như: nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản. Những nhà nước đó là nhà nước của thiểu số giai cấp bóc lột, tức dân chủ cho thiểu số. Còn nhà nước vô sản (tức nhà nước xã hội chủ nghĩa) ở nước Nga là nhà nước tiến bộ nhất, dân chủ nhất trong lịch sử, “đó là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, một kiểu Nhà nước vô sản được sáng tạo ra”(4). Là nhà nước được thiết lập để xây dựng một xã hội mới, tốt đẹp hơn cho đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của đại đa số nhân dân. Về mặt hạn chế, V.I.Lênin thẳng thắn thừa nhận hiện tượng quan liêu, tham nhũng, hối lộ... trong hệ thống chính trị nói chung, ông viết: “xin nói thêm ở ta bọn quan liêu ấy đang tồn tại không những trong những chính quyền Xô-viết mà cả trong những cơ quan Đảng nữa”(5), “Nạn hối lộ đang tồn tại trên đất của nạn mù chữ”(6)... Chính vì những hạn chế như vậy nên V.I.Lênin yêu cầu: “chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”(7). Đồng thời, ông cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó vì trên cơ sở nhận thức rõ những nguyên nhân thì mới đề ra được những giải pháp phù hợp, hiệu quả cho việc khắc phục hạn chế, yếu kém. Theo V.I.Lênin, bên cạnh sự chống phá của lực lượng thù địch còn có một số nguyên nhân sau: “Bộ máy ấy của chúng ta thực ra là kế thừa của chế độ cũ”(8); ảnh hưởng phong cách lãnh đạo quản lý của thời kỳ chiến tranh; trình độ đội ngũ cán bộ hạn chế “Họ chưa có đầy đủ học thức. Họ rất muốn đem lại cho chúng ta một bộ máy tốt hơn. Nhưng họ không biết làm như thế nào”(9).

Sau khi làm rõ thực trạng hệ thống chính trị nước Nga nói chung, bộ máy nhà nước Nga nói riêng, V.I.Lênin đề ra nguyên tắc trong đổi mới: Một là, đổi mới không có nghĩa là thay đổi bản chất tốt đẹp của chế độ, mà là bảo toàn chế độ, “Chúng ta cần tỏ ra hết sức thận trọng để bảo toàn chính quyền công nhân của ta”(10), trên cơ sở bảo toàn chế độ làm cho bản chất tốt đẹp của chế độ được triển khai một cách thực chất trong hiện thực đất nước, bởi vì “chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ nào cũng dân chủ hơn gấp triệu lần”(11). Hai là, “Phải tuân theo nguyên tắc này: Thà ít mà tốt”(12). Theo V.I.Lênin, trong quá trình cải tiến bộ máy nhà nước không được chạy theo số lượng, “Cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng”(13) mà phải chú trọng chất lượng. Ba là, phải kiên trì, quyết liệt, không được nửa vời. V.I.Lênin cho rằng, đổi mới, cải cách bao giờ cũng gặp sự cản trở của những lực lượng bảo thủ, thủ cựu nên phải kiên trì, quyết liệt, ông nói: “Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường”(14). Người còn nhấn mạnh: “Nếu không kiên nhẫn, nếu không giành cho công tác ấy nhiều năm tháng thì tốt hơn đừng bắt tay vào việc”(15). Hơn nữa, V.I.Lênin lưu ý là trong đổi mới, cải cách hệ thống chính trị không được làm nửa vời, vì “những biện pháp nửa chừng sẽ hết sức tai hại”(16).

Căn cứ và thực trạng của hệ thống chính trị nước Nga thời bấy giờ và bám sát nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị, V.I.Lênin đề ra các giải pháp cơ bản nhằm phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế như sau: Một là, tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với các cơ quan của bộ máy nhà nước nói riêng, của cả hệ thống chính trị nói chung. Theo V.I.Lênin, kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng, nếu không thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thì việc đổi mới không thể thực hiện được. Kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức để đảm bảo các cơ quan, tổ chức đó hoạt động đúng và hiệu quả, đồng thời để kịp thời khắc phục khuyết điểm, sai lầm nếu có. Hai là, sáp nhập một số cơ quan nhà nước với cơ quan đảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị; Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ với tinh giản biên chế một cách triệt để, nghiêm ngặt.

2. Vận dụng quan điểm V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước vào đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1986, trên cơ sở thành công của đổi mới kinh tế, Đảng ta từng bước đổi mới chính trị. Cách làm như vậy là phù hợp với quy luật về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế và chính trị vừa qua, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Về kinh tế, từ kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa đã chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường và quy mô nền kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp và dịch vụ; quá trình hội nhập với kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng... Về chính trị, giữ vững được sự ổn định chính trị (điều mà Liên Xô và các nước Đông Âu không làm được trong cải tổ, cải cách); sự lãnh đạo của hệ thống chính trị càng ngày càng nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả; đường lối, chủ trương chính trị càng ngày càng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn... Tuy nhiên, đổi mới chính trị ở nước ta cũng chưa đạt như mong muốn, điều đó được các Đại hội đại biểu toàn quốc các nhiệm kỳ trước đó thừa nhận và Đại hội XII một lần nữa thẳng thắn thừa nhận: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”(17). Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là “Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo”(18) và “Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”(19)... Do đó, đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay vẫn là yêu cầu mang tính thời sự cấp bách.

Kế thừa nguyên tắc đổi mới chính trị của V.I.Lênin, có thể khẳng định đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay không phải là thay đổi chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà Đảng và nhân dân ta đã tốn nhiều công sức, xương máu để gây dựng và bảo vệ. Đổi mới chính trị ở Việt Nam là đổi mới hệ thống chính trị để có một hệ thống chính trị tinh gọn, khoa học, trong sạch, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao. Đổi mới hệ thống chính trị để hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới kinh tế hiện nay, từ đó có thể thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Đổi mới chính trị là để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” một cách sớm và tốt nhất. Để thực hiện được mục tiêu của đổi mới chính trị ở Việt Nam như kể trên thì phải kiên trì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tự chủ chính trị, không lệ thuộc vào những lực lượng chính trị bên ngoài. Phải thống nhất nhận thức rằng, đổi mới chính trị không phải là thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như những phần tử phản động và thế lực thù địch đang rêu rao và “diễn biến” mà phải giữ vững nguyên tắc một đảng lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì lịch sử nước ta gần một trăm năm qua đã chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản mới có đủ uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước và không có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản. Đổi mới chính trị ở Việt Nam không phải là thay đổi nền tảng tư tưởng chính trị, mà phải kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng tinh thần nhân văn, nhân bản, bao hàm tính khoa học, tính cách mạng và đã được kiểm nghiệm giá trị “soi đường, dẫn lối” trong thực tiễn cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình đổi mới hơn ba mươi năm qua ở Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay lực lượng thù địch đang tăng cường xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng, điều đó đòi hỏi chúng ta càng cần phải kiên định, kiên trì hơn nữa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn hiện nay.

Một là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cá nhân, tổ chức của hệ thống chính nhằm phát hiện sớm những sai lầm lệch lạc để điều chỉnh cho hệ thống chính trị hoạt động tốt hơn.

Trong những năm đổi mới, đặc biệt là từ sau Đại hội XII của Đảng, công tác kiểm tra giám sát đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu. Bằng chứng là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí là sai lầm của nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát nói chung vẫn còn những hạn chế nhất định, điều này Đảng ta đã thừa nhận: “Cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát và xử lý vi phạm còn yếu”(20). Để công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt cần quán triệt tinh thần của V.I.Lênin. Thứ nhất, kiểm tra, giám sát với tinh thần là không có ngoại lệ với bất cứ cơ quan, tổ chức nào nào, dù cơ quan đó, tổ chức đó hoạt động ở cấp nào, lĩnh vực nào, tức không có “vùng cấm” như V.I.Lênin đã căn dặn: “phải chú ý đến toàn thể bộ máy nhà nước của ta và phải hướng sự hoạt động... vào tất cả các cơ quan nhà nước không trừ một cơ quan nào cả, dù là ở địa phương hay ở trung ương, thuộc ngành thương nghiệp hay thuần túy hành chính, giáo dục, lưu trữ, hay sân khấu, v.v.., nói tóm lại, tất cả các cơ quan, không trừ một cơ quan nào”(21). Thứ hai, muốn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tốt thì phải có đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát đủ năng lực trình độ và bản lĩnh. Cán bộ kiểm tra, giám sát ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải hội đủ bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức sau đây: “không được vị nể cá nhân”(22), luôn trung thực và hành động theo lương tâm trong sáng “Họ sẽ không tin một lời nào, không nói một lời nào trái với lương tâm họ”(23),“không sợ thừa nhận bất cứ một khó khăn nào và không lùi bước trước bất cứ một cuộc đấu tranh nào để đạt được mục đích”(24), “Không một quyền uy nào của tổng bí thư hay là của một ủy viên nào trong ban chấp hành trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”(25).

Hai là, sáp nhập một số cơ quan Nhà nước với cơ quan Đảng tương đồng về chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn hệ thống chính trị, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống chính trị.

Trong quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam trong những năm qua, vấn đề sáp nhập các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp đã được Đảng ta quan tâm như Văn kiện Đại hội XII đã chủ trương: “Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”(26).

Để triển khai chủ trương đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (25-10-2017), Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW (25-10-2017) Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các Nghị quyết này đang được triển khai ở những mức độ nhất định, như hợp nhất trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện với ban tuyên giáo huyện ủy, hợp nhất chức danh lãnh đạo một số cơ quan... và bước đầu đạt được những hiệu quả đáng khích lệ. Do đó, để tinh gọn hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập một số cơ quan có sự trùng lặp về chức năng nhiệm vụ với tinh thần đem lại lợi ích cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như V.I.Lênin luôn trăn trở: “Làm thế nào để kết hợp được một cơ quan đảng và một cơ quan chính quyền xô-viết?”. Và Người tự giải đáp: “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?... Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của nhân tố chính quyền với nhân tố đảng lại không phải là nguồn gốc sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?”(27). V.I.Lênin ủng hộ việc sáp nhập các cơ quan nhà nước và cơ quan đảng nhưng đồng thời ông cũng lưu ý rằng, việc sáp nhập phải trên cơ sở xem xét một cách cẩn thận và khoa học, phải tránh tình trạng cực đoan muốn sáp nhập tất cả, ông nhắc nhở rằng, không được “Đồng nhất hóa quá mức và do đó có xu hướng muốn sáp nhập tất cả lại, đều có hại”(28).

Ba là, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sử dụng hiệu quả cán bộ, tiết kiệm, chống lãng phí một cách triệt để để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Trong những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế, và chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế đã, đang được triển khai và đã thu được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định, điều này Đại hội XII đã thẳng thắn thừa nhận: “Cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu”(29), “Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu”(30). Do đó, cần phải tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản biên chế với một quyết tâm chính trị cao và coi đây là công việc thường xuyên, liên tục trong những năm tới như tinh thần của V.I.Lênin là: “không ngừng tinh giảm bộ máy xô-viết và giảm bớt chi phí của nó bằng cách giảm nhẹ biên chế, cải tiến tổ chức, xóa bỏ tác phong lề mề hành chính, bệnh quan liêu và giảm bớt các khoản chi tiêu phi sản xuất”(31).

Giữa cải cách hành chính, tinh giản biên chế và tiết kiệm, chống lãng phí có quan hệ biện chứng với nhau. Việc cải cách hành chính, tinh giản biên chế sẽ góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, nhờ đó làm tăng ngân sách nhà nước. Ngược lại, ngân sách tăng thêm lại tạo thêm tiền đề vật chất cho việc cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Hơn nữa, cải cách hành chính, tinh giản biên chế sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy nhà nước và tạo cơ sở vững chắc cho sự tồn tại của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa như V.I.Lênin đã khẳng định: “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(32).

Cải cách hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ là hai mặt của một vấn đề và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Muốn cải cách hành chính, tinh giản biên chế thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, do đó phải có cơ chế thu hút, sử dụng được người tài một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh thu hút người tài phải có chính sách đào tạo cán bộ, đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi nhanh do khoa học phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Trong điều kiện thay đổi nhanh như hiện nay thì phải coi việc học tập của cán bộ để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... là công việc thường xuyên như tinh thần của V.I.Lênin nói “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”(33).

Ngoài việc đào tạo cán bộ đủ đức, tài, theo V.I.Lênin cần phải bố trí, sử dụng cán bộ trong bộ máy nhà nước nói riêng, trong hệ thống chính trị nói chung một cách khoa học. Trong một cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị cần có nhiều loại cán bộ với nhiều đức tính và tài năng khác nhau nhằm tránh sự đơn điệu. Người lãnh đạo, quản lý phải biết cách tổ chức liên kết các đức tính, tài năng khác nhau đó sao cho có được hiệu quả cộng hưởng tốt nhất như V.I.Lênin căn dặn khi ông nói về cải tiến Bộ dân ủy thanh tra công nông của bộ máy nhà nước Nga: “Có lẽ chúng ta nên làm sao cho cơ quan ấy có đủ các loại nhân viên trong đó chúng ta cần liên kết được nhiều đức tính, liên kết được nhiều tài năng về mọi mặt..., không gì chán ngán bằng nếu bộ dân ủy mới này lại chỉ gồm toàn những người rập theo một khuôn duy nhất”(34).

Quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung đã trang bị những tri thức, lý luận chung về đổi mới bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1), (17), (18), (19), (20), (26), (29), (30) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.68, 68, 193, 248, 101, 203, 174, 259.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.441.

(3) V.I.Lênin: Toàn tâp, t.42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.350.

(4), (5), (7), (8), (9), (10), (12), (13), (14), (15), (16), (21), (22), (23), (24), (25), (27), (28), (31), (32), (33), (34) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.130, 451, 442-443, 397, 443, 457, 445, 446, 445, 447, 448, 452-453, 440, 444-445, 445, 440, 452, 438, 359, 459, 444, 449-450.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.219.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.312.

TS Đinh Văn Thụy

Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền