Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam
Thứ sáu, 21 Tháng 8 2020 15:54
4024 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam

(LLCT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vai trò của giáo dục, coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, trong đó có vấn đề quyền được giáo dục như là một quyền con người. Nhận thức và tư duy của Đảng ta về bảo đảm quyền được giáo dục theo hướng phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền giáo dục, bảo đảm quyền giáo dục ở Việt Nam.

Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão về khoa học kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cộng đồng quốc tế, khu vực ngày càng coi trọng vai trò nền tảng của giáo dục với sự phát triển chung của toàn cầu và khuyến nghị các quốc gia tăng cường đảm bảo quyền được giáo dục.

Bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam mang tính tất yếu, xuất phát từ nhu hội nhập quốc tế, khu vực và các nhu cầu nội tại trong nước. Các nhu cầu đó nằm ngay trong giáo dục và từ các yếu tố tác động trực tiếp đến quyền giáo dục ở nước ta. Với tư cách là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Việt Nam cam kết là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì quyền được giáo dục.

1. Quyền được giáo dục thể hiện trong các văn kiện của Đảng

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Đảng chỉ rõ: Tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước; phát triển giáo dục phổ thông; sắp xếp, từng bước mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; phát triển rộng rãi các trường dạy nghề.

Ngày 11-1-1979, Bộ Chính trị khóa IV đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW “Về cải cách giáo dục” nhằm cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết chuyên đề về giáo dục sau khi nước nhà thống nhất. Nghị quyết này đặt nền móng cho cải cách giáo dục những năm 80 của thế kỷ XX nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất chung trong cả nước là nhu cầu thực tiễn đặt ra ở nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1981) của Đảng đã xác định: Thực hiện cải cách giáo dục một cách vững chắc; hết sức coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Ở miền Nam và miền núi, đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục phải chú trọng phát triển về số lượng trường lớp, nhất là ở bậc phổ thông, đồng thời không xem nhẹ công tác bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là Đại hội mở đầu sự đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới giáo dục và đào tạo. Nghị quyết của Đại hội xác định rõ mục tiêu bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người, mọi lứa tuổi tiếp cận và hưởng thụ quyền được giáo dục từ cấp mầm non đến sau đại học.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đã xác định: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải được xem là quốc sách hàng đầu. Mục tiêu giáo dục và đào tạo là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần(1).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng nhấn mạnh: Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Coi trọng cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nêu rõ: Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển; là một động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng xác định: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IX, Đảng ta khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ thực hiện công bằng trong giáo dục, tăng cường đầu tư cho giáo dục.

Đảng ta xác định rõ, cần phải quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục - những người đại diện cho Nhà nước thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước bảo đảm quyền được giáo dục cho mọi người. Do đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 15-6-2004 “Về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, trong đó xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất lối sống, lương tâm tay nghề của nhà giáo thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cần chú ý: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện xã hội hóa giáo dục; Nhà nước tăng cường đầu tư tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển giáo dục, hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện việc miễn giảm đóng góp và cấp học bổng cho học sinh nghèo, các đối tượng chính sách, học sinh giỏi; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Văn kiện Đại hội XI của Đảng, với yêu cầu thể hiện rõ đổi mới tư duy về giáo dục, đó là yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Trong Cương lĩnh năm 2011, quan điểm phát triển giáo dục của Đảng ta tiếp tục được bổ sung, phát triển thể hiện qua 4 nội dung cơ bản: (i) Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. (ii) Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. (iii) Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (iv) Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiếp tục làm rõ quan điểm về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Nghị quyết đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: (i) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo; (ii) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo; (iii) Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; (iv) Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; (v) Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; (vi) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo; (vii) Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư; (viii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; (ix) Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo.

Các quan điểm trên tiếp tục được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ”(2); “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”(3)  nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”(4).

Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng qua các kỳ đại hội về lãnh đạo sự nghiệp giáo dục đào tạo, bảo đảm quyền được giáo dục ở Việt Nam, trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dự thảo nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực giáo dục đào tạo: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng người tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội...”(5). Dự thảo Báo cáo chính trị thể hiện rõ quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền giáo dục ở Việt Nam: (i) Xây dựng đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện chủ trương giáo dục đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển; (ii) Đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người; (iii) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh trung học cơ sở; sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; (iv) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời, chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động...; (v) Xây dựng, thực hiện có lộ trình tiến tời miễn học phí cho học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập... bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa; (vi) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở đào tạo; (vii) Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt…; (viii) Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục đào tạo gắn với đổi mới cơ chế để nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đúng hướng, hợp lý; (ix) Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục đào tạo; (x) Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế(6).

2. Một số nhận xét

Thứ nhất, nhận thức và tư duy của Đảng ta về bảo đảm quyền được giáo dục có sự kế thừa và phát triển theo hướng phù hợp với xu thế phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới. Nội dung cốt lõi trong quan điểm mới của Đảng về tư duy giáo dục là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuyển từ cách tiếp cận từng phần trước đây sang cách tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống (đổi mới tư duy theo tiếp cận hệ thống) trong phát triển giáo dục với trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội trong giáo dục; tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận và hưởng thụ quyền được giáo dục từ bậc mầm non đến đại học và sau đại học, bồi dưỡng kỹ năng lao động; cơ hội bình đẳng tiếp cận quyền giáo dục cho mọi đối tượng, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội. Bảo đảm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục ngày càng tốt hơn, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài, giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi.

Thứ hai, hệ thống quan điểm, tư tưởng của Đảng ta về bảo đảm quyền được giáo dục trên cơ sở phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu vận động đồng bộ với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Đảng ta đã khẳng định: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu;  phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học - công nghệ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”(7) .

Đảng ta có quan điểm đúng đắn về nguồn lực và bước đi của giáo dục: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, giáo dục phải đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Do đó, phải đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, Đảng ta đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về mục tiêu giáo dục là tạo cơ hội để mọi người chủ động tiếp cận và hưởng thụ quyền được giáo dục, hoàn thiện nhân cách bản thân: Trước đây, mục tiêu giáo dục quá nhấn mạnh vào việc hình thành các thế hệ, xem nhẹ sự phát triển cá nhân, thực chất chưa chú trọng tính độc đáo của cá nhân, Nghị quyết 29-NQ/TW đã thể hiện nhận thức rõ về tầm quan trọng của phát triển cá nhân và xác định: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(8). Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Thứ tư, Đảng ta nhất quán quan điểm chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được giáo dục: Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân, vì dân, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Các quan điểm trên đặt trọng tâm giáo dục vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, công bằng xã hội trong giáo dục, từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở, thực học, thực nghiệp.

Đảng ta luôn xác định phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan(9); “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”(10). Đồng thời, phải chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.

Thứ năm, Đảng đã quan tâm đến vấn đề thị trường giáo dục, xã hội hóa giáo dục để tăng cơ hội tiếp cận quyền được giáo dục của mọi người: Giáo dục và đào tạo đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, khi xã hội vận hành theo cơ chế thị trường thì mọi hoạt động trong xã hội không thể tránh khỏi tác động của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dưới góc độ quyền con người, giáo dục là phúc lợi xã hội, vì vậy, Đảng ta quán triệt quan điểm không nên tuyệt đối hóa vấn đề có thị trường hay không có thị trường giáo dục. Phải chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Thứ sáu, quan điểm của Đảng định hướng phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển con người Việt Nam. Đại hội XI đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là một yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Từ đó tạo các tiền đề cho bảo đảm quyền con người trong đó có quyền được giáo dục ở Việt Nam.

Thứ bảy, Đảng ta quan tâm bảo đảm quyền được giáo dục của mọi người  xuất phát từ nhận thức sâu sắc con người và sự phát triển của mỗi người và đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì: (i) Con người là trung tâm, quyết định tính chất và trình độ của đổi mới, ổn định và phát triển; (ii) Thực chất của phát triển bền vững là phát triển bền vững con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, bao gồm cả thể lực, trí lực và tâm lực (đạo đức); (iii) Quan tâm đến chất lượng giáo dục - đào tạo, đặc biệt là dạy nghề, phổ cập giáo dục, phát triển hệ thống các trường dạy nghề, giáo dục văn hóa nghề cho các đối tượng lao động, nhất là lao động trẻ; (iv) Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển cá nhân và phát triển cộng đồng, phát triển cân đối giữa các vùng, miền, chăm lo và đầu tư các nguồn lực đủ mạnh cho phát triển ở những vùng đặc biệt khó khăn (vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Quan tâm tới các đối tượng yếu thế, thua thiệt trong phát triển hoặc thường gặp phải những rủi ro, bất khả kháng trong phát triển (thiên tai, dịch bệnh); (v) Giáo dục đào tạo con người với hàm lượng chất xám cao là yêu cầu có tính chiến lược và có ý nghĩa quyết định đối với phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự: Quan điểm của Đảng về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trong Văn kiện Đại hội XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.9, http://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

(2), (3), (4), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.109, 295-296, 114, 113, 113-114.

(5), (6) ĐCSVN: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội của Chi bộ, Đảng bộ cơ sở), Hà Nội, 2020, tr.14, 21-22.

 

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.78, 78.

NCS Trịnh Như Quỳnh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền