Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 24 Tháng 9 2020 15:52
4662 Lượt xem

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, cùng với đổi mới kinh tế - xã hội, đổi mới chính trị, trong đó vấn đề đổi mới hệ thống chính trị (HTCT) đang đặt ra rất cấp bách. Chính vì vậy, Đảng ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chủ trương rất quan trọng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề với những khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục giải quyết.

Từ khóa: đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, Việt Nam.

1. Cơ sở chính trị và pháp lý về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Trong quá trình đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận(1) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT, hướng tới xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước và cả HTCT thực sự tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 07-KH/TW năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa bằng các nghị quyết, luật, nghị định(2), điển hình như: Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24-11-2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Đây là cơ sở chính trị, pháp lý để các cấp cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy HTCT ở cấp mình; đồng thời cũng thể hiện sự quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng đối với nhiệm vụ hệ trọng, phức tạp này. Từ đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã bám sát tình hình thực tế, chủ động cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch, đề án, triển khai thực hiện nghiêm túc, có lộ trình, bước đi phù hợp, với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Cho đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã được các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương tiến hành quán triệt tương đối toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

2. Những kết quả bước đầu

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ từ Trung ương, cùng sự đồng lòng, dốc sức, phối hợp của cả HTCT đã đem lại những kết quả nổi bật:

Một là, mô hình tổ chức tổng thể của HTCT đã từng bước được tinh gọn, sắp xếp lại theo hướng hợp lý hơn, bước đầu đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Tổ chức bộ máy của HTCT được sắp xếp tinh gọn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh phân cấp, xây dựng chính quyền điện tử nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tính đến 30-6-2019, giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 100 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; 2.658 phòng và tương đương; 1.946 đội thuộc chi cục; giảm 4.162 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 2.237 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương. Giảm 9.893 cấp trưởng, cấp phó (trong đó: 5.289 cấp trưởng, 4.604 cấp phó) ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Giảm 2.998 cấp trưởng, 3.231 cấp phó ở các đơn vị sự nghiệp công lập địa phương(3).

Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm đã góp phần tinh gọn bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Có thể nói, kết quả cụ thể, thấy rõ nhất là việc sáp nhập một số cơ quan, tổ chức có cùng các chức năng tương ứng trong HTCT như: hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh (đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân). Hợp nhất Ban tổ chức cấp ủy với cơ quan nội vụ cấp huyện; Ủy ban kiểm tra cấp ủy với cơ quan thanh tra cấp huyện; hợp nhất đảng bộ khối doanh nghiệp với đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh; văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, hay mô hình Trưởng ban dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố đang được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp. Tính đến 30-6-2019, các tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, gửi về Bộ Nội vụ sẽ giảm 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã; đã giảm 10.639 thôn, tổ dân phố(4)...

Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả rõ rệt. Biên chế của cả HTCT có xu hướng giảm liên tục, nhất là những năm gần đây, cơ bản bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế theo quy định. Sau 04 năm thực hiện, đã giảm được 236.039 người (giảm 6,58% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30-4-2015). Biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giảm 10,46%. Đã giảm 25.109 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (giảm 12,84% so với thời điểm 30-4-2015) và 100.924 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (giảm 13,88% so với thời điểm 30-4-2015)(5).

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Theo Báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, đã giảm trên 10 nghìn tỷ đồng (theo kế hoạch giao năm 2019) kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời dự toán chi thường xuyên của cả nước năm 2018 chiếm 61,8% tổng chi ngân sách Nhà nước, giảm 3,1% so với năm 2017, tương đương trên 30 nghìn tỷ đồng (vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm) và thấp hơn kế hoạch 2016-2020 (dưới 64%) chi cho đầu tư phát triển từ 19,7% năm 2016 lên 26,2% theo dự toán năm 2018(6).

Hai là, các thành tố trong HTCT đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, đưa ra được các quyết sách giải quyết các vấn đề bức thiết đặt ra đối với sự phát triển của đất nước. Cụ thể: (1) Đảng đã xây dựng, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và lề lối làm việc, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn và những biến chuyển của xã hội. Đảng đã lãnh đạo các cơ quan nhà nước tiến hành thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể để thực hiện. (2) Hoạt động giám sát của Quốc hội đã diễn ra kịp thời và tập trung vào những vấn đề bức thiết và quan trọng của đất nước. Việc thảo luận và quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, dự án, công trình trọng điểm quốc gia đã có chất lượng và thực chất hơn. (3) Chính phủ và các Bộ, ngành đã tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô và năng động hơn trong việc giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực. (4) Nhiều hoạt động cải cách tư pháp, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Chất lượng hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hạn chế tình trạng oan, sai.

Ba là, các thiết chế và cơ chế kiểm soát quyền lực được tăng cường, có nhiều đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp được đẩy mạnh, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có vấn đề nổi cộm và tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chỉ tính trong 3 năm (từ năm 2016 đến 2018) đã kiểm tra 168.682 tổ chức đảng và 782.907 đảng viên; UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 10.255 tổ chức đảng và 30.709 đảng viên. Qua kiểm tra thi hành kỷ luật 791 tổ chức đảng và 42.298 đảng viên bằng các hình thức khác nhau. Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra 14 tổ chức đảng, 44 đảng viên, trong đó có 8 đồng chí Ủy viên Trung ương và thi hành kỷ luật 67 đảng viên. Các cấp ủy đã giám sát 108.592 tổ chức đảng và 370.729 đảng viên; UBKT các cấp đã giám sát 76.359 tổ chức đảng và 111.787 đảng viên. UBKT các cấp đã nhận được 56.478 đơn, thư tố cáo, phản ánh tổ chức đảng, đảng viên, trong đó, đơn phải giải quyết là 19.290; đã giải quyết tố cáo 5.446 đảng viên, sau giải quyết tố cáo có kết luận đúng, đúng một phần là 2.817 đơn (chiếm 51,7%); đã giải quyết 183 tổ chức đảng, đã kết luận tố cáo đúng có vi phạm đối với 62 tổ chức đảng, đúng một phần đối với 94 tổ chức đảng, phải thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng(7).

Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh hoạt động điều tra, phát hiện, xử lý tệ nạn tham nhũng. Hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước đã được phát hiện, đưa ra xét xử; nhiều cán bộ giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước đã bị truy tố và bị kết án. Cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu(8). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được xử lý triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà  nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ đến 30-6-2019, đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 44 vụ án (518 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; với 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo phạt tù với mức án 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 15 bị cáo...(9)

3. Những điểm hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của HTCT:

Một là, chưa phân biệt và phân định thật rõ ràng, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức tổ chức, hoạt động giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Về mặt lý luận và thực tiễn vẫn chưa xử lý được thật rành mạch các mối quan hệ giữa các tổ chức trong HTCT. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội vẫn chưa có được các cơ sở pháp lý cụ thể; chế độ trách nhiệm giữa các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng cũng chưa được xác định rõ ràng. Nhất là, mối quan hệ giữa thường vụ cấp ủy và thường trực Ủy ban nhân dân, giữa một số ban và tổ chức đảng với nhau và với một số cơ quan nhà nước cùng cấp, giữa một số cơ quan nhà nước với nhau và với các doanh nghiệp; giữa tập thể cơ quan lãnh đạo và thủ trưởng...vẫn chưa phân định mạch lạc.

Hai là, tổ chức bộ máy của HTCT dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc.

Hệ thống tổ chức của Đảng gồm 67 đảng bộ trực thuộc, 8 cơ quan đảng, 4 đơn vị sự nghiệp cấp Trung ương; 40 đảng đoàn, ban cán sự đảng; 6 cơ quan đảng, 2 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và 1.146 đảng bộ trực thuộc; 5 cơ quan đảng, 1 đơn vị sự nghiệp cấp huyện và 57.093 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp huyện. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế các cơ quan đảng vẫn còn phải tiếp tục thực hiện với yêu cầu cao hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn(10).

Bộ máy Chính phủ: tính đến tháng 6-2017, trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, số bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) tuy có giảm so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI, nhưng đầu mối bên trong của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tăng lên so với năm 2011. Cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với thời điểm năm 2011; có 826 cục, vụ thuộc tổng cục, tăng 4,7%; có 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7%; có 750 cục, vụ và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6% và 3.970 phòng trong cục, vụ trực thuộc bộ, tăng 13% (chưa tính Quân đội và Công an). Riêng các cơ quan tham mưu giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối cấp vụ (21,9%) và 40 đầu mối cấp phòng (37,4%). Các cơ quan tham mưu giúp việc các tỉnh, thành ủy tăng 162 đầu mối cấp phòng (9,32%) và tăng 1.265 biên chế (12,12%)(11).

Chính quyền địa phương cũng đang trong tình trạng còn nhiều bất cập. Trong 30 năm qua, từ 1986 đến 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 277 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã)(12). Hiện nay, cả nước có 724 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% 2 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có xã có diện tích trên dưới 1km2, có phường có diện tích trên dưới 0,5km2.

Ba là, cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung chưa được tiến hành hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương thực hiện không nghiêm minh dẫn tới tình trạng quan liêu, tham nhũng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được giải quyết triệt để. Theo các đánh giá của Đảng, tình trạng tham nhũng, lãng phí ở nước ta vẫn còn khá nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí có nguyên nhân quan trọng là do quyền lực không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ; quyền lực chưa thực sự gắn với trách nhiệm, từ đó, dẫn tới việc lạm dụng quyền lực công, phân bổ nguồn lực quốc gia một cách vô trách nhiệm, gây thất thoát lớn trong đầu tư công và chi tiêu ngân sách.

4. Các giải pháp xây dựng mô hình tổ chức bộ máy của HTCT đáp ứng yêu cầu mới.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể HTCT từ Trung ương xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:  

Một là, có quyết tâm chính trị cao, sự quyết đoán của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn Đảng, HTCT và toàn dân. Bởi lẽ, đổi mới tổ chức bộ máy của HTCT là nhiệm vụ rất hệ trọng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc làm, đời sống và nhất là tâm tư của từng cán bộ trong toàn HTCT. Bên cạnh đó, người dân kỳ vọng vào tinh thần sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng xóa bỏ những lạc hậu, cồng kềnh của các cơ quan nhà nước. Do đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả HTCT; phải được nghiên cứu thấu đáo cơ sở lý luận - thực tiễn, có sự chỉ đạo sát sao, có kế hoạch, lộ trình, bước đi và các giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn. Xây dựng các nguyên tắc và cơ chế thống nhất (có sự phân cấp) quản lý mô hình tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và biên chế của HTCT.

Hai là, đồng thời với nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của HTCT theo hướng thống nhất giữa hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của HTCT theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Cần phải nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn về sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; định hướng việc thể chế hóa việc giám sát quyền lực giữa các thành tố trong hệ thống chính trị. Phải tạo ra những chuyển biến thật sự tích cực trong mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước theo đúng phương châm: “Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước”, đồng thời, phát huy mạnh mẽ tính chủ động của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối của Đảng.

Ba là, quá trình sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương tập trung vào tinh gọn biên chế, tăng chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối bên trong. Việc hợp nhất, sáp nhập, tinh giản tổ chức, biên chế phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ; thực hiện cải cách hành chính sâu rộng, thực hiện bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Việc tinh giản các đầu mối bên trong phải được thực hiện với phương châm: không thành lập mới, sáp nhập hoặc giải thể những tổ chức, cơ quan, đơn vị dôi dư, xã hội hóa dịch vụ công.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, thích ứng với mô hình tổ chức mới. HTCT chỉ thực sự vận hành mạnh mẽ, hiệu quả khi có đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Muốn vậy, việc trước tiên cần rà soát, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ một cách bài bản, khách quan, khoa học. Việc đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Bên cạnh việc làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện, thử thách cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, gắn với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín đối với nhân dân.

Năm là, làm tốt việc kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức HTCT. Trong công tác kiểm tra, giám sát cần chọn những vấn đề trọng tâm, những vấn phức tạp trong quá trình đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức, cán bộ để có chủ truơng, giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp nhà nước: “Cơ sở lý luận - thực tiễn về xây dựng mô hình tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới”, mã số KX.04/16-20, do PGS, TS Nguyễn Văn Giang làm Chủ nhiệm.

(1) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VIII “Một số vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” (số 13-NQ/TW ngày 16-8-1999); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X “về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” (số 10-NQ/TW, ngày 9-2-2007); Kết luận 64-KL/TW năm 2013 tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở do Ban Chấp hành Trung ương ban hành...

(2) Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021. Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (11) Ban Chấp hành Trung ương: Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ngày 6-1-2020, tr.8, 8, 8, 8, 14, 14, 17, 8.

(10) Ban Tổ chức Trung ương, Dự thảo Báo cáo tình hình kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019; phương hướng nhiệm vụ năm 2020, tháng 12-2019, tr.6.

(12) Thu Hằng: 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước có thể sáp nhập, http://news.zing.vn.

PGS, TS Nguyễn Văn Giang

TS Nguyễn Ngọc Ánh

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền