Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đánh giá phát triển con người Việt Nam và một số khuyến nghị
Thứ năm, 24 Tháng 9 2020 15:56
5413 Lượt xem

Đánh giá phát triển con người Việt Nam và một số khuyến nghị

(LLCT) - Từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, trì trệ vào đầu những năm 1980, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp và gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển con người. Tuy nhiên, thực tế còn không ít hạn chế, yếu kém, đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: phát triển con người, Việt Nam.

1. Thành tựu chủ yếu trong phát triển con người Việt Nam

Thứ nhất, chỉ số phát triển con người (HDI) tăng lên

Chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng lên đáng kể sau hơn 30 năm đổi mới, từ 0,439 (năm 1990) lên 0,559 (năm 1995), 0,687 (năm 2000), 0,714 (năm 2005), 0,718 (năm 2006,) 0,725 (năm 2007) và 0,752 (năm 2009). Từ năm 2010, cách tính chỉ số HDI của UNDP có sự thay đổi: (1) Chỉ số tri thức: thay tiêu chí tỷ lệ người lớn biết chữ bằng số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng; (2) Chỉ số thu nhập: thay tiêu chí GDP bình quân đầu người bằng GNI bình quân đầu người. Theo cách tính mới này, chỉ số HDI của hầu hết các nước đều giảm xuống và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Như vậy, dù tính theo cách nào thì chỉ số HDI của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng lên. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1990-2018 của Việt Nam là 1,36%, trong khi của Thái Lan là 1,03%, Indonesia là 1,07%, Philippin là 0,67% và Malaysia là 0,8%(2).

Thứ hạng HDI của Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Năm 2010, Việt Nam xếp thứ 128/187 nước trên thế giới, đứng thứ 33/47 nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình. Năm 2014, Việt Nam đã vươn lên thứ 116/188 nước và đứng thứ 10/38 nước thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình. Đến năm 2018, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 02/37 nước thuộc nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình và chỉ số HDI xếp thứ 118/189 nước trên thế giới(3). Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,007 điểm để nâng hạng lên mức Phát triển Con người Cao và được xếp trong nhóm 40 nước đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những năm gần đây.

Thứ hai, các chỉ số thành phần của HDI đều tăng khá nhanh

Chỉ số sức khỏe: tăng từ 67,6 tuổi năm 1980 lên 75,3 tuổi năm 2018. Số giường bệnh tăng từ 192,3 nghìn giường năm 1990 lên 308,4 nghìn giường năm 2018 và tương ứng số bác sỹ tăng từ 31 nghìn lên 84,8 nghìn người(4). Chỉ số thu nhập: GNI bình quân đầu người tăng từ 850 USD năm 1990 lên 6.220 USD năm 2018 (tính theo PPP). Chỉ số tri thức: Số năm đi học kỳ vọng tăng từ 7,8 năm (năm 1990) lên 12,7 năm (năm 2018) và số năm đi học bình quân tăng từ 4,0 năm (năm 1990), lên 8,2 năm (năm 2018)(5).

Thứ ba, gia tăng số địa phương có HDI rất cao, cao, trung bình cao và giảm nhanh số địa phương có HDI trung bình, trung bình thấp, thấp.

Năm 1999, cả nước chỉ có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong nhóm có HDI rất cao (HDI>0,80), đến năm 2012, có thêm thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Năm 2004, cả nước có 2 địa phương nằm trong nhóm có HDI cao (0,75<HDI<0,80) là thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đến năm 2012 đã có 12 tỉnh, thành thuộc nhóm này.

Sự gia tăng số lượng các tỉnh, thành phố trong nhóm có HDI trung bình cao (0,70<HDI<0,75) cũng rất đáng kể. Năm 1999 chỉ có 4 tỉnh, thành phố, năm 2004, con số này là 7 và năm 2012 tăng lên 35 tỉnh, thành phố. Do đó, đến năm 2012, Việt Nam đã có 50/63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm có HDI từ trung bình cao trở lên.

Số lượng các tỉnh ở nhóm có HDI thấp (HDI<0,50), nhóm trung bình thấp (0,50 < HDI < 0,60) và nhóm trung bình (0,60 < HDI < 0,70) đã giảm đi nhanh chóng. Năm 2004, cả nước có 53 tỉnh, thành phố thuộc các nhóm trên, đến năm 2012 không còn tỉnh nào trong nhóm HDI thấp, 1 tỉnh thuộc nhóm HDI trung bình thấp và 11 tỉnh nằm trong nhóm HDI trung bình (năm 2004 là 47 tỉnh)(6).

Thứ tư, gia tăng tỷ trọng dân cư nhóm thu nhập cao, trung lưu, giảm tỷ trọng dân cư nhóm nghèo và cận nghèo  

Tỷ trọng dân cư thuộc nhóm thu nhập cao năm 2004 là 3,4%, đến năm 2012 tăng lên 7,0%; nhóm trung lưu lớp trên tăng từ 2,7% năm 2004 lên 6,7% năm 2012; nhóm trung lưu lớp dưới tăng nhanh chóng từ 28,4% năm 2004 lên 47,8% năm 2012. Tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo và cận nghèo giảm dần, tương ứng từ 26,7% và 38,8% năm 2004 xuống còn 12,4% và 26,1% năm 2012(7).

Năm 2018, Việt Nam có 13% dân số thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017. Từ năm 2014 đến 2018, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu(8). Tỷ lệ người nghèo giảm nhanh từ mức 58% (năm 1993) xuống 28,9% (năm 2002) và 5,8% (năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cũng giảm nhanh từ 9,2% (năm 2016) xuống 7,8% (năm 2017), 6,8% (năm 2018) và ước  còn khoảng 3,73 - 4,23% (năm 2019).

Thứ năm, chỉ số phát triển giới đạt nhiều tiến bộ

Theo Báo cáo phát triển con người 2019 của UNDP, chỉ số Bất bình đẳng giới của Việt Nam là 0,314, xếp thứ 68/189 nước trên thế giới. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (số liệu tương ứng là 0,065; 11/189 và Malaysia là 0,274; 58/189) và đứng trên Thái Lan (0,377; 84/189); Philippin (0,425; 98/189); Indonesia (0,451; 103/189); Lào (0,463;110/189) và Campuchia (0,474; 114/189)(9).

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội  đã liên tục tăng từ 17,7% nhiệm kỳ 1987-1992 lên 18,84% nhiệm kỳ 1992-1997, 26,2% nhiệm kỳ 1997-2002 và 27,3% nhiệm kỳ 2002-2007. Nhiệm kỳ 2007-2011 giảm nhẹ còn 25,8% (đứng thứ 31 thế giới), nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% (cao thứ 2 trong khu vực và thứ 43 trên thế giới). Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,2%, cấp huyện là 24,6%, cấp xã là 21,7%(10). Năm 2018, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, trong khi của Thái Lan là 5,3%; Malaysia 15,8%; Indonesia 19,8%, Campuchia 19,3%, Myanmar 10,2%(11).

Thứ sáu, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tốt đẹp

Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2017, số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) là 13,82 triệu người, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 81,189 triệu người và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,539 triệu người. Số người và lượt người được hưởng BHXH, BHYT, BHTN cũng ngày càng tăng lên. Năm 2010, số người hưởng BHXH hàng tháng là 2.403,0 nghìn người, năm 2017 là 3.026,5 nghìn người. Số lượt người hưởng BHXH 1 lần tăng từ 647,7 nghìn lượt người năm 2010, lên 863,7 nghìn lượt người năm 2017; Số lượt người được khám chữa bệnh BHYT năm 2010 là 106 triệu lượt người, tăng lên 169,9 triệu lượt người năm 2017 và số người được giải quyết hưởng BHTN tăng từ 157 nghìn người năm 2010 lên 706,5 nghìn người năm 2017(12). Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người khuyết tật không có khả năng lao động được nhận trợ cấp hằng tháng; hàng trăm nghìn người dễ bị tổn thương khác, như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người sống chung với HIV... được trợ cấp bằng tiền và hỗ trợ chăm sóc xã hội. Các hộ nghèo và dân tộc thiểu số cùng con em của họ được trợ cấp hằng tháng, được miễn học phí, hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề.

2. Một số vấn đề trong phát triển con người ở Việt Nam

- Thành tựu phát triển con người của Việt Nam có xu hướng chậm lại những năm gần đây

Tốc độ tăng chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn 1990-2018 liên tục giảm dần (1990-2000: 1,99%/năm, 2000-2010: 1,23%/năm, 2010-2018: 0,74%/năm) và bình quân đạt 1,36%/năm, thấp hơn của một số nước trong khu vực cùng thời kỳ như: Lào (1,49%/năm), Campuchia (1,49%/năm),

Myanmar (1,85%/năm), Trung Quốc (1,48%/năm)(13).

Trong khu vực ASEAN, năm 1995, HDI của Việt Nam đứng thứ 7/10, năm 2000 và 2003 xếp thứ 6/10, từ năm 2005 đến năm 2018 lại tụt xuống thứ 7/11 (chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanmar và  Đông Timor).

- Sự cải thiện về thứ bậc xếp hạng HDI của Việt Nam chậm hơn so với một số nước trong khu vực

Từ năm 1980 đến nay, chỉ số HDI của Việt Nam có những cải thiện nhất định, nhưng thứ hạng lại không thay đổi nhiều. Năm 1980, chỉ số HDI của Việt Nam nhỉnh hơn Trung Quốc và tương đương với Thái Lan, nhưng năm 2014 Trung Quốc đã được xếp vào nhóm các nước có chỉ số HDI cao (0,727, xếp thứ 90/188), Thái Lan cũng tương tự (0,726, xếp hạng 93/188); trong khi Việt Nam vẫn ở nhóm có HDI trung bình (0,676, xếp thứ 116/188)(14).

Năm 2018, Thái Lan vươn lên tốp đầu của nhóm các nước có chỉ số HDI cao (0,765, xếp hạng 77/198), Trung Quốc đạt 0,758, xếp thứ 85/189; còn Việt Nam mới chỉ ở tốp đầu của nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình (0,693, xếp hạng 118/189, kém Thái Lan 41 bậc và Trung Quốc 33 bậc)(15).

- Giáo dục Việt Nam đã có nhiều tiền bộ song còn tụt hậu hơn một số nước trong khu vực

Số năm đi học trung bình của người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng dần từ 3 năm (năm 1960) lên 4,6 năm (năm 1980), 6,4 năm (năm 2010) và 8,2 năm (năm 2018). Tuy nhiên, so với một số nước khác trong khu vực, thành tựu của nước ta thấp hơn nhiều và có xu hướng tụt hậu. Chẳng hạn, năm 1960, con số này của Malaysia là 2,8 năm và năm 2018 là 10,2 năm. Các số liệu tương ứng của Philippin là 4,7 năm và 9,4 năm; của Singapore là 3,7 năm và 11,5 năm; của Hàn Quốc là 4,3 năm và 12,2 năm(16).

- Thành tựu giảm nghèo chưa vững chắc

Mặc dù, đạt được một số thành tựu nhất định, song kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ tái nghèo/tổng số hộ thoát nghèo bình quân hai năm 2016, 2017 là 5,17%/năm (riêng vùng miền núi Tây Bắc là 26,86%); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh mới/tổng số hộ thoát nghèo lên tới 22,98%/năm. Riêng năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao, tập trung vào các vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi như: vùng miền núi Đông Bắc 24,67%, vùng miền núi Tây Bắc 39,21%, Tây Nguyên 31,74%. Một số tỉnh có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hằng năm rất cao: Hà Giang 28,25%, Cao Bằng 25,44%, Bắc Kạn 59%, Sơn La 52,31%, Điện Biên 41,5%, Đắk Nông 44%, Kon Tum 41% (Số hộ nghèo mới phát sinh trên phạm vi cả nước bằng 23% số hộ thoát nghèo)(17).

Tính đến tháng 3-2018, cả nước có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (từ 0,03% trở lên), trong đó, một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hằng năm rất cao(18).

3. Một số khuyến nghị chính sách

Từ những phân tích trên, để thúc đẩy phát triển con người, thu hẹp dần khoảng cách phát triển con người giữa Việt Nam với các nước tiến tiến trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ cần chú ý vào ba nhóm chính sách sau:

- Nhóm chính sách duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng sáng tạo. Các chính sách này giúp phát huy năng lực của mọi người dân, tạo cơ hội cho họ nâng cao năng suất và thu nhập trong quá trình làm việc. Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng GNI bình quân đầu người (một chỉ số thành phần của HDI), nhóm chính sách này còn tạo điều kiện thúc đẩy hai thành phần còn lại của HDI đó là giáo dục và y tế.

Nhóm chính sách cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề. Cải thiện chất lượng và mở rộng cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng bao trùm cũng như chuyển dịch sang một nền kinh tế thịnh vượng. Nhóm chính sách này hướng trọng tâm vào nâng cao năng lực cho con người, mang lại cơ hội để con người phát huy đầy đủ tiềm năng của mình.

- Nhóm chính sách hướng đến hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và công bằng hơn. Nhóm chính sách này sẽ giúp cho mọi công dân có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm, vừa góp phần tạo ra tăng trưởng, vừa hưởng lợi nhiều hơn từ tăng trưởng, qua đó giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào dịch vụ xã hội và an sinh xã hội để bảo đảm cơ hội công bằng cả về chất và lượng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1) Báo cáo phát triển con người của UNDP, tổng hợp qua các năm từ 1994 đến 2019.

(2), (5), (9), (11), (13), (15) Báo cáo phát triển con người 2019, UNDP, tr.304-307; 301; 316, 317, 318, 319; 316, 317, 318, 319; 304-307; 304-307.

(3) Tóm tắt Báo cáo phát triển con người 2011, UNDP, tr.17,18; Tổng quan Báo cáo phát triển con người 2015, UNDP, tr.31,32 và Báo cáo phát triển con người 2019, UNDP, tr. 301,302,303.

(4) Tổng cục thống kê, http://www.gso.gov.vn và Niên giám thống kê 2018.

(6), (7) Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội 2016, tr.35, 50.

(8) World Bank: “13% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới”, https://nhipcaudautu.vn.

(10) Bình đẳng giới qua số liệu thống kê, http://baochinhphu.vn.

(12) Niên giám thống kê 2018.

(14) Phát triển con người Việt Nam đang chậm dần và tụt hậu, http://dantri.com.vn.

(16) Số liệu từ bộ số liệu về thành tích giáo dục của Barro-Lee (Phan và Coxhead 2013) và Báo cáo phát triển con người 2019, UNDP, tr.301, 302, 303.

(17) “Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững”, https://giaoducthoidai.vn.

(18) “Giảm nghèo chưa bền vững”,http://daidoanket.vn.

PGS, TS Nguyễn Thị Thơm

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền