Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số nhận thức về việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 12:33
2284 Lượt xem

Một số nhận thức về việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045

(LLCT) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị rất quan trọng, bởi đây là thời điểm nhìn lại chặng đường Việt Nam trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045. Bài viết tập trung làm rõ một số nhận thức về việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 hướng tầm nhìn 2045.

Từ khóa: mục tiêu phát triển; tầm nhìn 2030, 2045.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên sự đồng lòng của cả dân tộc, toàn thể các lực lượng xã hội tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiến hành Đại hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; song các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng gay gắt và dịch bệnh xuất hiện, diễn tiến khó đoán định. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, kinh tế số và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đan xen với mọi quốc gia và Việt Nam không là ngoại lệ.

Đứng trước thực tiễn nêu trên cho thấy việc xác định mục tiêu phát triển đất nước là vô cùng quan trọng, bởi chỉ khi xác lập chính xác mục tiêu sẽ giúp cho chúng ta biết nên tập trung vào đâu, cần chuẩn bị những điều kiện gì ... từ đó có căn cứ xây dựng kế hoạch, hoạch định lộ trình phát triển phù hợp.

1.Nhận thức cơ bản về mục tiêu và việc xác định mục tiêu phát triển của một quốc gia

 Mục tiêu là một ý tưởng của tương lai, hoặc kết quả mong muốn của một người hay một nhóm người đã hình dung ra, kế hoạch và cam kết để đạt được. Những nỗ lực để đạt được mục tiêu trong một hữu hạn thời gian, bằng cách đặt ra hạn chót. Từ đó mà mỗi chủ thể đều có thể đặt mục tiêu cho riêng mình. Một quốc gia có thể đặt mục tiêu đạt mức thu nhập, đạt trình độ phát triển nào đó khi đến mốc thời gian xác định nào đó trong tiến trình phát triển. Như vậy, khi nói đến mục tiêu cần xác định 2 vấn đề cơ bản đó là: kết quả mong muốn đạt được là gì? Thời hạn đạt kết quả đó là bao lâu. Còn việc sử dụng phương pháp nào; lộ trình ra sao; cần chuẩn bị những công cụ, phương tiện nào... để thực hiện mong muốn đạt được mục tiêu đã đề ra là vấn đề thuộc chủ thể đặt ra mục tiêu phải tiến hành, nó không thuộc phạm vi nội hàm của mục tiêu.

Có những cách tiếp cận phân định mục tiêu khác nhau, nếu phân định theo thời gian, mục tiêu có thể là dài hạn, trung hạn hoặc ngắn hạn. Sự khác biệt ở cách phân định này chính là thời gian cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Nếu phân định theo kết quả mong muốn, mục tiêu có thể là mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể. Điểm căn cốt trong cách phân định này là mức độ/trình độ hay các điều kiện đảm bảo của chủ thể hiện có và tiềm năng để có thể đạt được mục tiêu đã xác định. Điều này đồng nghĩa với tính khả thi hay mức độ hiện thực của mục tiêu mà chủ thể xác định.

Trên thực tế, các cách phân định này thường được sử dụng đồng thời, đan xen, trong đó với các tổ chức, quốc gia, cách phân định mục tiêu theo kết quả mong muốn sẽ được xem xét trước, trên cơ sở đó, mỗi đối tượng thuộc cấu phần của chủ thể mục tiêu tổng thể sẽ có những phân định mục tiêu theo thời gian trong lộ trình thực hiện mục tiêu tổng thể hoặc đó là sự cụ thể hóa của những mục tiêu cụ thể.

 Với mỗi quốc gia, trước hết, việc xác định mục tiêu phát triển sẽ được tiếp cận theo kết quả mong muốn, với cách phân định dựa trên kết quả mong muốn. Theo đó, mọi quốc gia luôn xác định mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể trên cơ sở đánh giá tổng quát về thực trạng phát triển, trình độ phát triển, bối cảnh phát triển, tiềm năng phát triển... trên cơ sở đó xác định tầm nhìn, xác định mục tiêu phát triển tổng thể/ cụ thể của quốc gia. Cũng vì vậy, mục tiêu phát triển ở mỗi quốc gia là không giống nhau kể cả có cùng trình độ phát triển.

Từ thực tiễn vận hành các quốc gia cho thấy, xác định mục tiêu quốc gia là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia về sự phát triển trong tương lai của quốc gia bằng việc định lượng những kết quả mong muốn mà quốc gia cần đạt được trong những khoảng thời gian xác định. Tuy nhiên, để xác định được mục tiêu quốc gia, đòi hỏi phải dựa trên việc phân tích, đánh giá đúng bối cảnh, diễn biến của tình hình quốc tế, xu thế phát triển của thời đại; nhận diện những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đang đặt ra, những mâu thuẫn lớn, cơ bản cần phải giải quyết để phát triển đất nước. Phân tích, đánh giá đúng hiện trạng phát triển của đất nước để có cơ sở lượng hóa tiềm năng phát triển của đất nước. Đây là những căn cứ quan trọng để xác định nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đã xác định.

2. Các căn cứ xác định mục tiêu phát triển của Việt Nam và kiến nghị mục tiêu phát triển Việt Nam đến năm 2030 và 2045.

Từ thực tiễn lịch sử xây dựng và phát triển đất nước 90 năm qua kể từ khi có Đảng cho thấy việc xác định đúng đắn mục tiêu phát triển là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, làm nên những thành tựu quan trọng để đất nước bước lên những nấc thang phát triển sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nói riêng. Chính vì vậy, trong lãnh đạo đất nước, mỗi khi chuẩn bị cho các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng sẽ chỉ đạo việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội, trong đó quan trọng là Báo cáo chính trị - là văn kiện trung tâm của Đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực trong cả nhiệm kỳ.

Hiện nay, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021. Đảng cũng đang chỉ đạo xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội. Do tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội lần này - hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm Quốc khánh (năm 2045), dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội được yêu cầu không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm 2021 - 2025, mà còn phải xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đây là chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, truyền thống quý báu của Đảng, là yêu cầu về sự phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi của mục tiêu phát triển, cũng là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân.

Tuy nhiên, đến nay, vấn đề hệ trọng này vẫn còn những ý kiến khác nhau. Tựu chung có hai loại ý kiến(1): i/ loại ý kiến thứ nhất nhấn mạnh mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo ý tưởng trong văn kiện (từ Văn kiện Đại hội VIII đến nay), trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), một số nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa IX đến khóa XII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Theo đó, xác định mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại với ba mốc quan trọng: đến năm 2025, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. ii/ Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần tham khảo cách phân loại các quốc gia theo xu hướng hiện nay của các tổ chức quốc tế. Theo đó, nên xác định mục tiêu theo trình độ phát triển.

Từ tổng hợp nêu trên cho thấy, mỗi loại ý kiến đều hàm chứa yếu tố hợp lý và có căn cứ, song sự tồn tại những khác nhau giữa ý kiến về xác định mục tiêu phát triển đất nước cũng là điều dễ hiểu, bởi đang hiện hữu sự khác nhau về cách tiếp cận của mỗi luồng ý kiến, tất yếu sẽ dẫn đến kết quả không giống nhau: i/ Đề cương Báo cáo chính trị của Tiểu ban Văn kiện xác định hai phương án: Phương án 1 phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 với lộ trình theo 3 mức. Phương án 2 phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa với lộ trình theo 3 mức(2). ii/ Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 của Tiểu ban Kinh tế - xã hội xác định ba phương án mục tiêu, trong đó có điểm chung là: đến năm 2030 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(3).

Do vậy, để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động cần có những phân tích căn bản, khoa học để có được căn cứ xác đáng cho việc xác định đúng mục tiêu phát triển đất nước - một vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Thực vậy, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay thế giới cũng đang tồn tại sự khác nhau trong cách phân loại quốc gia (hoạt động được thực hiện dựa trên việc đánh giá thành quả phát triển của mỗi quốc gia), bởi sự khác nhau từ cách tiếp cận. Cụ thể, với chức năng là những tổ chức quốc tế hình thành vì sự phát triển, nhiều tổ chức quốc tế, như Liên Hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) đã thường xuyên thực hiện việc phân loại các quốc gia để có những lựa chọn hỗ trợ phát triển theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nhưng hiện đang tồn tại nhiều cách để phân loại các quốc gia trên thế giới, một mặt, do những tổ chức này, có các chức năng, mục tiêu khác nhau nên đưa ra các cách phân loại khác nhau, nhưng có tham khảo, phối hợp, thống nhất với nhau ở nhiều nội dung. Nhưng mặt khác, cũng do cách tiếp cận đánh giá phân loại, xác định mức độ/ trình độ phát triển quốc gia còn có những phương cách khác nhau(4).

Hiện nay, Liên Hợp quốc phân chia các nước trên thế giới thành ba loại: 1- Nước kém phát triển; 2- Nước đang phát triển; 3- Nước phát triển, dựa trên cơ sở là thu nhập bình quân đầu người. Mức thu nhập này được điều chỉnh theo các giai đoạn phát triển, dựa trên các số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới phân loại các nước dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) thành bốn nhóm: 1- Nước có thu nhập thấp; 2- Nước có thu nhập trung bình thấp; 3- Nước có thu nhập trung bình cao; 4- Nước có thu nhập cao. Nghĩa là cũng dựa trên bình quân thu nhập đầu người với các tiêu chí cụ thể được xác lập ở năm tiêu chuẩn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế định kỳ 3 năm một lần rà soát và lựa chọn các nước đủ điều kiện nhận ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) cũng dựa trên chỉ số thu nhập bình quân đầu người để phân loại quốc gia được nhận hay không được nhận ODA, theo đó, phân loại thành các nước kém phát triển/đang phát triển hay nước phát triển.

Riêng với UNIDO, do vai trò, chức năng của một tổ chức thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các nước trên thế giới, nên thường sử dụng thuật ngữ “công nghiệp hóa” nhiều hơn là “phát triển”. Cũng vì vậy, UNIDO lấy chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA) bình quân đầu người (MVA/người) làm tiêu chí xác định nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa). Dựa trên tiêu chí này, UNIDO chia các nền kinh tế trên thế giới thành bốn nhóm:1- Các nước đã công nghiệp hóa(5) ; 2- Các nước công nghiệp mới nổi; 3- Các nước đang phát triển khác; 4- Các nước kém phát triển. Tuy nhiên, trong cách phân định này, UNIDO vẫn phải dựa trên chỉ số bình quân thu nhập đầu người - mặc dù bình quân thu nhập đầu người dựa trên gia trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA/người). Điều này một mặt khẳng định chỉ số thu nhập bình quân đầu người là căn cứ quan trọng hàng đầu với mỗi quốc gia, là kết quả, là mục tiêu cần xác lập của mỗi quốc gia; nhưng mặt khác, cũng cho thấy điều chưa thực sự toàn diện trong cách phân loại quốc gia của UNIDO (vì chỉ số gia tăng công nghiệp chế biến chưa thể đủ bao quát, đại diện cho sự phát triển của một quốc gia, kể cả quốc gia đó là quốc gia thuần công nghiệp); cũng chưa bao hàm được quốc gia mà sự phát triển không dựa trên công nghiệp do đặc thù riêng, đồng thời với cách phân loại này cũng chưa đảm bảm tính thống nhất về tiêu chí - nước đã công nghiệp hóa, hay nước công nghiệp mới nổi về thực chất là phản ánh quy trình chủ đạo vận hành nền kinh tế; các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về bản chất là nói lên trình độ phát triển của một quốc gia.

Từ khái quát, phân tích trên, có thể coi đến nay tạm thời đang tồn tại hai cách phân chia các quốc gia là: i/ chia các quốc gia thành: Nước kém phát triển; Nước đang phát triển và nước phát triển; ii/ chia các quốc gia thành: Nước có thu nhập thấp; Nước có thu nhập trung bình thấp; Nước có thu nhập trung bình cao; Nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, 2 cách phân loại này có sự liên thông, tương hỗ với nhau đó là đều dựa trên chỉ số thu nhập bình quân đầu người ở mỗi quốc gia. Các nước kém phát triển là những nước có thu nhập thấp, những nước đang phát triển là những nước có thu nhập trung bình, nước phát triển là những nước có thu nhập cao. Mặc dù không có một quy định chính thức, nhưng thuật ngữ “nước phát triển” và “nước đã công nghiệp hóa” được sử dụng thay thế nhau ở các văn bản của các tổ chức quốc tế. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc phân loại quốc gia có thể ở những tiếp cận khác nhau, tên gọi trong các cách phân loại cũng có thể khác nhau, nhưng tựu chung và suy đến cùng đều căn cứ vào chỉ số thu nhập bình quân đầu người, qua đó xác định trình độ phát triển. Còn việc đạt được chỉ số thu nhập bình quân đầu người ở mức độ nào phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn, hiện trạng nền kinh tế và cách thức vận hành nền kinh tế phù hợp hay không phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nhiều năm qua, trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu để làm rõ thế nào là một nước công nghiệp và xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp, nhưng các kết quả đưa ra còn rất khác nhau. Hơn nữa, đến nay sau gần 30 năm triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và gần 10 năm hiện thực Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nhưng thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thế nào là tạo được nền tảng của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn đang là vấn đề vô cùng khó khăn trong việc định lượng, trong xác định tiêu chí, nghĩa là đến nay vẫn còn là vấn đề đang cần lời giải, song đời sống kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp diễn và yêu cầu phát triển ngày càng cấp thiết trong bối cách Cách mạng công nghiệp 4.0, vậy liệu rằng chúng ta có nên đứng đợi hay tập trung để giải quyết vấn đề rồi bước tiếp?

Từ những phân tích căn bản, khoa học về mục tiêu, về việc xác định mục tiêu phát triển của một quốc gia; căn cứ vào sự hợp lý trong các cách tiếp cận phân loại quốc gia và xuất phát từ hiện thực phát triển đất nước thời gian qua, có thể thấy có những căn cứ sau cần bám sát để xác định chuẩn xác mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới đó là:

Thứ nhất, khi nói đến mục tiêu cần xác định 2 vấn đề cơ bản đó là: kết quả mong muốn đạt được là gì? Thời hạn đạt kết quả đó là bao lâu/khi nào?

Thứ hai, xác định mục tiêu quốc gia là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia về sự phát triển trong tương lai của quốc gia bằng việc định lượng những kết quả mong muốn mà quốc gia cần đạt được trong những khoảng thời gian xác định.

Thứ ba, mục tiêu phát triển là dự báo tương lai, là đích phát triển mà quốc gia cần đạt được, nên phải là những thông số đo lường được, định lượng được.

Thứ tư, điều kiện thực tiễn, bối cảnh phát triển, tiềm năng, giới hạn của sự phát triển, cách thức tổ chức, vận hành kinh tế - xã hội...là những căn cứ tối quan trọng cho việc xác định mục tiêu phát triển với mỗi quốc gia.

Thứ năm, do khác nhau trong các điều kiện phát triển, cũng không giống nhau trong cách thức tổ chức vận hành kinh tế-xã hội...nhưng để khẳng định sự phát triển của quốc gia thì trực tiếp hay gián tiếp, thì cuối cùng chỉ số thu nhập bình quân đầu người vẫn là căn cứ quan trọng hàng đầu với mỗi quốc gia, là kết quả, là mục tiêu, là đích đến của mỗi quốc gia trong phát triển;

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và sự quan tâm sâu sắc của các cấp, ngành và đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của những nhà lãnh đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội, có thể nói từng nội dung trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đã thể hiện những nhận thức mới, sâu sắc và ngày càng cụ thể, định lượng và sát thực hơn - trong đó nhận thức và đề xuất về mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng là một điểm đáng ghi nhận như vậy. Trên cơ sở những phân tích, luận giải đã trình bày và căn cứ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với mức thu nhập bình quân đầu người hiện dao động trong khoảng 2.500 -3.000 USD/người/năm(6), chúng tôi xin kiến nghị mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn đến 2030 và đến 2045 đề cập trong Báo cáo chính trị; Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 như sau:

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, là nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước phát triển có thu nhập trung bình cao.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, là nước phát triển có thu nhập cao.

Ngoài những căn cứ đã nêu, kiến nghị này có tính tới yếu tố Việt Nam vốn là nước nông nghiệp và phát triển trong bối cách Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu hướng chủ đạo, nên việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực, trong từng lộ trình phát triển là một tất yếu, nhưng đó chỉ là phương thức tổ chức vận hành phát triển đất nước, vậy thì không nên ghép phương thức lựa chọn để vận hành phát triển đất nước vào mục tiêu phát triển, vì như vậy sẽ khiên cưỡng, thiếu đi tính đặc thù, hạn chế sự linh hoạt trong điều hành, vận hành phát triển và hạn chế sự tiệm cận xu hướng phát triển của thế giới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1), (2), (3) Xem thêm: Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện tại buổi tọa đàm khoa học “Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 10-8-2019. http://dangcongsan.vn.

(4) PGS, TS Nguyễn Văn Thạo: Tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, http://www.tapchicongsan.org.vn.

(5) Nước đã công nghiệp hóa là nước có chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA) bình quân đầu người (MVA/người) 2.500 USD.

(6) Do chưa có công bố chính thức về phương pháp tính GDP, nên theo cơ quan chức năng (Tổng Cục Thống kê) GDP đầu người theo cách tính GDP mới sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì cách tính hiện nay đang áp dụng thì con số này là 2.590 USD/người/năm.

Tài liệu tham khảo

1. ĐCSVN: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 2-2020.

2. Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, ngày 26-4-2020, http://www.tapchicongsan.org.vn.

PGS, TS Phạm Thị Túy

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền