Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bàn thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thứ sáu, 13 Tháng 11 2020 16:05
1766 Lượt xem

Bàn thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cùng với việc nhấn mạnh “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”; “Tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng”; “Tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức”, Đảng ta nhấn mạnh “Tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức” và chỉ ra nhiệm vụ, các giải pháp lớn nhằm thực hiện đạt kết quả trong nhiệm kỳ Đại hội XIII tạo thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức trong nhiệm kỳ tiếp theo. Qua nghiên cứu Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về nội dung này, xin nêu một số suy nghĩ và đề nghị sau đây:

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc luôn coi trọng và tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta còn đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Đảng đã nhận thức sâu sắc và thực hiện tư tưởng của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng Đảng vững mạnh có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao uy tín chính trị của Đảng trong nhân dân và trên trường quốc tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tư tưởng của V.I. Lênin về xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện tập trung ở luận điểm nổi tiếng: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta nhìn thấy ở đó, trí tuệ danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”(1). Kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I. Lênin về xây dựng Đảng về đạo đức, phù hợp điều kiện Đảng ta, trong quá trình giáo dục, rèn luyện Đảng ta và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức rất đa dạng, phong phú và toàn diện, thể hiện tập trung ở luận điểm nổi tiếng của Người: “Đảng ta là đạo đức là văn minh(2).

Tư tưởng của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng về đạo đức là cơ sở, nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta trong xây dựng Đảng về đạo đức trong các giai đoạn cách mạng trước đây; đặc biệt cần thiết và quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đây là giai đoạn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh thuận lợi và sự tác động tích cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế cũng tác động mạnh đến cán bộ, đảng viên gây hậu quả nhiều mặt đáng lo ngại, trong đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả một số cán bộ cấp cao suy thoái về đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng Đảng gồm ba mặt: xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ba mặt này quan hệ mật thiết với nhau, trong đó xây dựng Đảng về chính trị có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Từ Đại hội XII (năm 2016) trở về trước, Đảng ta luôn kiên trì quan điểm nêu trên, song cũng quan tâm đến xây dựng Đảng về đạo đức. Đảng đã có một số chủ trương, quan điểm và giải pháp xây dựng đạo đức của Đảng, của các tổ chức đảng, song nhiều hơn, bao trùm là các chủ trương, nghị quyết, quan điểm và giải pháp giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.  Đến Đại hội XII, Đảng ta chính thức bổ sung vào Văn kiện Đại hội nội dung xây dựng Đảng về đạo đức với tư cách là một mặt của công tác xây dựng Đảng. Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta hiện nay, xây dựng Đảng gồm bốn mặt: xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bốn mặt này quan hệ mật thiết với nhau, trong đó xây dựng Đảng về chính trị có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đây là sự vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát có giá trị của Đảng ta về đạo đức mới, đạo đức cộng sản, đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự bổ sung có giá trị của Đảng ta vào Học thuyết Mác- Lênin về Đảng Cộng sản.

 Đạo đức của Đảng và đạo đức của đảng viên

 Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin thường luận bàn về đạo đức cộng sản (đạo đức của xã hội cộng sản chủ nghĩa) hay đạo đức mới. Đó là đạo đức được hình thành trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân; bắt nguồn từ đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân; kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của loài người, trước hết là của nhân dân lao động. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thường gọi đạo đức cộng sản, đạo đức mới, đạo đức của giai cấp công nhân Việt Nam là đạo đức cách mạng.

Có thể hiểu: đạo đức cách mạng là hệ thống những những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực để điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của những người cách mạng với nhau và quan hệ với xã hội, được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại, trước hết là của nhân dân lao động; được thực hiện bởi niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu cộng sản và sức mạnh của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được thể hiện ở: trung với nước, hiếu với dân; thương yêu con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.

Đạo đức của Đảng và đảng viên của Đảng là đạo đức cách mạng. Có thể hiểu đạo đức của Đảng và của đảng viên của Đảng ta là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, quy định, chuẩn mực để điều chỉnh, đánh giá hoạt động và cách ứng xử của Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên trong các quan hệ giữa các tổ chức đảng với nhau và với toàn Đảng; giữa đảng viên với đảng viên, đảng viên với tổ chức đảng và với toàn Đảng; giữa Đảng, các tổ chức đảng, đảng viên với các tổ chức trong xã hội và với nhân dân để Đảng và từng đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Đạo đức của Đảng thể hiện tập trung ở: Một là, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển của xã hội, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, trong đó một vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ở hoạt động của Đảng. Hai là, Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Ba là, sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên về đạo đức, lối sống, đó là đạo đức cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng vì độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, là lối sống trong sạch, lành mạnh của người cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức của đảng viên được thể hiện ở: Một là, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của nhân loại; kết hợp tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Hai là, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt và đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân; đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham ô, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, gia trưởng, độc đoán, lộng quyền, lạm quyền, ức hiếp nhân dân. Ba là, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn luôn lấy nhân dân làm gốc; vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; thống nhất lời nói với việc làm; luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bốn là, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Năm là, kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng và hành động sai trái, phản động, trước hết là chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, bệnh giáo điều. Sáu là, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của các tổ chức chính trị - xã hội mà đảng viên tham gia, các quy chế quy định của cơ quan, đơn vị mà đảng viên là thành viên, các quy định ở nơi đảng viên cư trú.

Mối quan hệ giữa đạo đức của Đảng với đạo đức của đảng viên

Đạo đức của Đảng và đạo đức của đảng viên quan hệ mật thiết với nhau.Đạo đức của Đảng là cơ sở của đạo đức của đảng viên; quy định, chi phối đạo đức của đảng viên; là căn cứ để xem xét, đánh giá đạo đức của đảng viên; căn cứ để xác định nội dung, các giải pháp giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức của đảng viên

Đạo đức của đảng viên tạo nên đạo đức của Đảng. Đạo đức của đảng viên được nâng cao thì đạo đức của Đảng được nâng cao. Không có và không thể có đạo đức của đảng viên thấp mà đạo đức của Đảng cao.

Khái niệm xây dựng Đảng về đạo đức

Có thể hiểu: xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận của xây dựng Đảng, đó là toàn bộ hoạt động của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên với sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng khác và nhân dân trong nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng, các tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên, trước hết là các cấp ủy, đảng viên là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống để nhân dân noi theo; Đảng là đạo đức, là văn minh, lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.                   

 Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức    

* Đối với Đảng

Một là,Đảng xây dựng Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng đúng đắn, khoa học, vì dân, vì nước.

Hai là,Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của mình, đưa đất nước phát triển vững mạnh về mọi mặt, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

 Ba là, Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phục vụ đắc lực nhân dân.

 Bốn là, Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có chất lượng tốt, trong sạch, vững mạnh, không quan liêu tham nhũng, lợi ích nhóm, lộng quyền, lạm quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, thật sự là người phục vụ, là công bộc, “đày tớ” thật trung thành của nhân dân.

 Năm là, xây dựng toàn Đảng là một tổ chức dân chủ; mọi đảng viên đoàn kết trên cơ sở tăng cường tự phê bình và phê bình đúng đắn, nghiêm túc; cấp trên tạo thuận lợi cho cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ; cấp dưới tôn trọng và phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đại hội toàn quốc của Đảng; đảng viên thương yêu, giúp đỡ nhau trong công việc và trong cuộc sống.

Sáu là,xây dựng và thực hiên nghiêm, đạt kết quả quy chế thực hiện nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

* Đối với đảng viên

Một là,xây dựng, rèn luyện sự trung thành của đảng viên với chủ nghĩa Mác-Lênin, sự kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của nhân loại; kết hợp tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng trong hoạt động của từng đảng viên.

Hai là,tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là việc tự học, tự rèn; đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với các suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 Ba là,luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân, là tấm gương về đạo đức, lối sống để nhân dân noi theo; giữ gìn và phát triển sự đoàn kết trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và nhân dân địa phương.

Bốn là,rèn luyện, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị.

 Năm là, rèn luyện, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh kiên quyết, hiệu quả với tư tưởng, quan điểm và hoạt động sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ.

Phương thức xây dựng Đảng về đạo đức    

Một là,xây dựng Đảng về đạo đứcbằng các chủ trương, quan điểm và các quyết định của Đảng về giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; bằng công tác tuyền truyền, giáo dục đạo đức cách mạng trong toàn Đảng.

 Hai là, bằng việc nâng cao năng lực xây dựng các nghị quyết, quyết định đúng đắn, khoa học, vì nhân dân, vì đất nước của Đảng và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, quyết định đó.

 Ba là, thông qua các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng trong cổ vũ, động viên những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mẫu mực về đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh; kết hợp hoạt động của các quan này với phát huy vai trò của dư luận xã hội trong phê phán, lên án những hành vi suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, bằng công tác kiểm tra, giám sát phát hiện những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mẫu mực về đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh để cổ vũ, động viên; đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống đến mức phải xử lý theo kỷ luật của Đảng. Lãnh đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước điều tra, xác minh, kết luận và xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống theo các quy định của pháp luật.

 Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng về đạo đức, giám sát về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Sáu là,phát huy vai trò của việc tự học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên và tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên tự học, tự rèn nâng cao đạo đức cách mạng.

Bảy là, thông qua xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức để tạo thuận lợi cho xây dựng Đảng về đạo đức đạt kết quả

Góp ý vào mục xây dựng Đảng về đạo đức trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Qua nghiên cứu nội dung của mục “Tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức” trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, xin có góp ý sau:

Nội dung của mục này rất đầy đủ và sâu sắc về giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, những nội dung về xây dựng đạo đức của Đảng còn chưa thật rõ. Cụ thể là; ở khổ chữ thứ hai của mục này, mới nêu: “Xây dựng văn hóa trong chính trị, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của Đảng, tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, giữ gìn đạo đức”; “kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật, xây dựng Đảng nghiêm minh với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các căn bênh của chủ nghĩa cá nhân”.

 Vì vậy, nên nghiên cứu và bổ sung vào mục này những nội dung về xây dựng đạo đức của Đảng.

__________________

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 122.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 5.

TS Đới Văn Tặng

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền