Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ph.Ăngghen đấu tranh chống Đuyrinh, bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác
Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 14:58
8825 Lượt xem

Ph.Ăngghen đấu tranh chống Đuyrinh, bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác

(LLCT) - Ph.Ăngghen đã quyết liệt đấu tranh chống lại quan điểm duy tâm chủ quan của Đuyrinh, bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác. Điều này thể hiện rõ nét ở việc ông đã phê phán Đuyrinh, bảo vệ vấn đề cơ bản của triết học trên tinh thần duy vật biện chứng; phê phán quan điểm siêu hình của Đuyrinh về phép biện chứng; về nhận thức. Những lập luận của Ph.Ăngghen chống Đuyrinh vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận cho chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, đấu tranh chống lại quan điểm duy tâm chủ quan của Đuyrinh, bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác.

Đuyrinh (1833-1921), nhà triết học chiết trung, nhà kinh tế học tầm thường người Đức, với triết học duy tâm chủ quan đã xuyên tạc triết học Mác. Ông ta cho rằng triết học Mác là “cũ rích”, là “phi khoa học”, là sự “nhắc lại chủ nghĩa Hêghen và làm mới chủ nghĩa Phoiơbắc và tự nhận mình “là người cộng sản” và chỉ có ông ta mới là người trung thành với CNXH... Trước tình hình đó, Lípnếch, chủ biên báo Volksstaat - một trong những người sáng lập và là lãnh tụ của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức đề nghị trực tiếp với Ph.Ăngghen viết bài chống lại Đuyrinh trên những trang báo “Volksstaat”. Trong bối cảnh cấp bách đó, Ph.Ăngghen đã ngừng viết tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” để quay sang vạch trần những sai lầm nghiêm trọng của Đuyrinh, qua đó đã xuất sắc bảo vệ và phát triển triết học Mác.

1. Ph.Ăngghen phê phán Đuyrinh, bảo vệ vấn đề cơ bản của triết học trên tinh thần duy vật biện chứng

Thứ nhất, Ph.Ăngghen phân tích, chỉ ra tính chất duy tâm chủ quan của Đuyrinh khi giải quyết mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại. Ph.Ăngghen chỉ rõ, Đuyrinh giải quyết mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại trên lập trường duy tâm chủ quan. Bởi lẽ, theo Đuyrinh: “những nguyên lý rút ra từ tư duy, chứ không phải từ thế giới bên ngoài, đến những nguyên lý hình thức phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và loài người, do đó, giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với chúng”(1). Như vậy, quan điểm của Đuyrinh là “quan điểm hoàn toàn đặt lộn ngược mối quan hệ hiện thực, và cấu tạo thế giới hiện thực từ tư duy, từ những đồ thức, từ những phương án hay những phạm trù tồn tại vĩnh cửu ở đâu đó trước khi có thế giới, hoàn toàn theo kiểu của... một Hêghen nào đó”(2).

Theo Ph.Ăngghen, quan điểm duy vật về quan hệ giữa tư duy với tồn tại thừa nhận rằng “tư duy không bao giờ có thể lấy và rút ra được hình thức ấy từ bản thân nó, mà chỉ từ thế giới bên ngoài (...) các nguyên lý không phải là điểm xuất phát của sự nghiên cứu mà là kết quả cuối cùng của nó; những nguyên lý ấy không phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và vào lịch sử loài người, mà được trừu tượng hóa từ giới tự nhiên và lịch sử loài người; không phải là giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý, mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với giới tự nhiên và lịch sử. Đó là quan điểm duy vật duy nhất đối với sự vật”(3).

Thứ hai, Ph.Ăngghen vạch trần thủ đoạn của Đuyrinh khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học.

Ph.Ăngghen chỉ ra rằng Đuyrinh đã lợi dụng tính chất trừu tượng của các khái niệm toán học để chứng minh về sự tồn tại hoàn toàn độc lập của tư duy. Theo Đuyrinh “có thể trực tiếp rút toàn bộ môn toán học thuần túy từ đầu óc của con người một cách tiên nghiệm, nghĩa là không cần đến kinh nghiệm mà thế giới bên ngoài cung cấp cho chúng ta”; “những khái niệm về số và hình là “đối tượng đầy đủ của toán học và do bản thân toán học sáng tạo ra”, và vì thế toán học “có một ý nghĩa độc lập đối với kinh nghiệm đặc biệt và đối với nội dung hiện thực của thế giới””(4). Ph.Ăngghen đã phê phán quan niệm sai lầm, duy tâm này của Đuyrinh và khẳng định “Những khái niệm về số lượng và hình dáng không thể rút ra từ đâu khác, mà chỉ là từ thế giới hiện thực mà thôi”(5), “Cũng như tất cả các khoa học khác, toán học sinh ra từ những nhu cầu thực tiễn của con người”(6). Toán học cũng như tất cả các khoa học khác, phản ánh một phần những hình thức liên hệ vốn có của thế giới và vì vậy nó được ứng dụng vào thế giới.

Về tính thống nhất vật chất của thế giới, Đuyrinh cho rằng, thế giới thống nhất ở tính tồn tại của nó. Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, điều đó chưa chứng minh được tính thống nhất của các sự vật trong thế giới, bởi vì “tồn tại của thế giới” mới chỉ nói lên các đối tượng trong thế giới đang có mặt, đang tồn tại, còn các đối tượng khác thực chất là gì thì chưa thể kết luận được, do vậy, cơ sở của sự thống nhất của thế giới chưa được giải quyết. Đuyrinh còn cho “Bản chất của mọi tư duy là ở chỗ hợp nhất mọi yếu tố của ý thức lại thành một thể thống nhất nào đó”, “chính nhờ khả năng hợp nhất đó của tư duy mà nảy sinh khái niệm không thể chia cắt được về thế giới, và vũ trụ,...”(7). Như vậy, Đuyrinh hiểu sự thống nhất của tồn tại được suy ra từ sự thống nhất của tư duy. Phê phán quan điểm này, Ph.Ăngghen đã hài hước đưa ra ví dụ: “Nếu tôi gộp cái bàn chải giày vào phạm trù thống nhất của loài có vú, thì cũng không phải vì thế mà nó sẽ mọc ra những tuyến vú được”(8). Đối lập với quan điểm duy tâm chủ quan của Đuy-rinh, Ph.Ăngghen đã đưa ra quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về sự thống nhất của thế giới. Theo Ph.Ăngghen, “Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên”(9).

2. Ph.Ăngghen phê phán quan điểm sai lầm, siêu hình của Đuyrinh về phép biện chứng

Đuy-rinh coi phép biện chứng như là một công cụ “tầm thường”, “chỉ dùng để chứng minh, giống như khi nhận thức một cách nông cạn thì người ta có thể coi lôgic hình thức hay toán học sơ cấp là một công cụ như thế - để chứng minh, rằng ông Đuyrinh hoàn toàn không hiểu gì bản chất phép biện chứng cả”(10). Ph.Ăngghen phê phán quan điểm siêu hình của Đuyrinh và chỉ ra sự đối lập giữa phép biện chứng và phép siêu hình. Theo Ph.Ăngghen, Đuyrinh là một nhà siêu hình chính cống, thoạt tiên ông ta đào giữa “động và tĩnh” một cái vực sâu không có trong thực tế, rồi sau đó ông rất lấy làm ngạc nhiên, rằng không thể tìm ra được cái cầu để vượt qua cái vực thẳm do chính ông ta đã nặn ra nó. Đối với ông Đuyrinh, sự vận động là hoàn toàn không thể hiểu được vì nó là một mâu thuẫn. Bởi lẽ, theo Đuyrinh, bất kỳ một mâu thuẫn nào cũng đều là điều phi lý và ông khẳng định, nói chung cho đến ngày nay, vẫn “không có một cái cầu nào nối liền giữa cái tĩnh triệt để và cái động ở trong khoa cơ học hợp lý”(11). Rõ ràng là một người mà đầu óc suy nghĩ theo cách siêu hình thì tuyệt đối không thể từ quan niệm tĩnh mà chuyển sang quan niệm động được, vì ở đây cái mâu thuẫn nói trên đã chặn mất đường đi, triệt tiêu sự suy nghĩ. Theo Ph.Ăngghen, đối với nhà siêu hình học, thì những sự vật và phản ánh của chúng vào tư duy, tức là những khái niệm, đều là những đối tượng nghiên cứu riêng biệt, cố định, chết cứng, vĩnh viễn, phải được xem xét cái này sau cái kia, cái này độc lập với cái kia. Khi phê phán quan điểm của Đuyrinh về phép biện chứng, Ph.Ăngghen đã trình bày lịch sử phát triển của phép biện chứng. Hình thức thứ nhất là phép biện chứng tự phát trong triết học Hy Lạp cổ đại. Hình thức thứ hai là phép biện chứng duy tâm của Hêghen. Hình thức cao nhất là phép biện chứng duy vật. Ph.Ăngghen coi đó là hình thức phát triển cao nhất của tư duy khoa học, do C.Mác sáng lập. Ph.Ăngghen đã phân tích sự đối lập giữa phương pháp siêu hình và phương pháp biện chứng, chỉ ra thực chất và những hạn chế của phương pháp siêu hình. Ph. Ăngghen cho rằng, quan điểm siêu hình “... chỉ thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”(12).Trái với quan điểm đó, quan điểm biện chứng không chỉ thấy những sự vật riêng biệt mà còn thấy cả mối liên hệ qua lại giữa chúng, không chỉ thấy sự tồn tại mà còn thấy cả quá trình sinh thành, tiêu vong của sự vật, không chỉ thấy trạng thái tĩnh mà còn nhìn thấy cả trạng thái động của sự vật, không chỉ thấy cây mà còn thấy cả rừng. Ph.Ăngghen nêu lên “điều căn bản” của phương pháp biện chứng là “xem xét những sự vật và những phán ánh của chúng trong tư tưởng trong mối liên hệ qua lại lẫn nhau của chúng, trong sự ràng buộc, sự vận động, sự phát sinh và sự tiêu vong của chúng”(13). Ph.Ăngghen cũng chỉ ra sự đối lập giữa phép biện chứng duy vật của C.Mác và phép biện chứng duy tâm của Hêghen. Ph.Ăngghen đánh giá cao công lao của Hêghen, nhưng cũng chỉ rõ Hêghen là một nhà duy tâm, vì phép biện chứng của Hêghen “tất cả đều bị đặt lộn ngược và mối liên hệ hiện thực của các hiện tượng của thế giới đều hoàn toàn bị đảo ngược”(14). Đồng thời, Ph.Ăngghen cũng đưa ra định nghĩa phép biện chứng là “khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”(15) và khẳng định phép biện chứng duy vật là khoa học. Trên cơ sở đó, Ph.Ăngghen khẳng định các quy luật của phép biện chứng duy vật, mang tính khách quan, phổ biến.

Về quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ tính chất sai lầm trong quan niệm của Đuyrinh khi ông ta phủ định mâu thuẫn, coi mâu thuẫn là vô nghĩa. Ph.Ăngghen đã phản bác lại quan điểm này và cho rằng, “Chừng nào chúng ta xem xét các sự vật như là đứng im và không có sinh khí, cái nào riêng cho cái ấy, cái này bên cạnh cái kia và cái này nối tiếp cái kia, thì chắc chắn là chúng ta không thấy được một mâu thuẫn nào trong các sự vật cả”(16). Ông cũng khẳng định mâu thuẫn tồn tại khách quan trong mọi sự vật: “Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn; ngay như sự di động một cách máy móc và đơn giản sở dĩ có thể thực hiện được, cũng chỉ là vì một vật trong cùng một lúc vừa ở nơi này lại vừa ở nơi khác, vừa ở cùng một chỗ lại vừa không ở chỗ đó”(17). Bản thân sự vật là một mâu thuẫn. Điều này đã được Ph.Ăngghen khẳng định: “sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, một mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh và tự giải quyết và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến... trong lĩnh vực tư duy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn; chẳng hạn như mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người với sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài...”(18).

Mâu thuẫn là phổ biến, nó diễn ra trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy con người. Với thế giới quan siêu hình, ông Đuyrinh không hiểu nổi điều này. Theo Ph.Ăngghen, vận động có khả năng biểu hiện bằng cách đối lập với nó, tức là thể tĩnh. Điều này cũng chỉ là tương đối. Vận động cá biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại loại trừ thăng bằng. Còn cái vô tận, không phải là một trừu tượng trống rỗng. Bởi lẽ, “Cái vô tận là một mâu thuẫn, và nó chứa đầy những mâu thuẫn”(19), “Chính vì cái vô tận là một mâu thuẫn nên nó là một quá trình vô tận diễn ra vô tận trong thời gian và không gian”(20). Tương tự như vậy, khi đã quan niệm rằng, vận động cơ giới đã là một mâu thuẫn thì tất nhiên các hình thức khác của vận động phải chứa đựng mâu thuẫn. Rõ ràng là, nhờ có mâu thuẫn mà có sự vật vận động, phát triển, nếu mâu thuẫn kết thúc thì sự vật chấm dứt, có lẽ vì thế mà phép biện chứng thời cổ đại đã khẳng định rõ, mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.

Ph.Ăngghen cũng cho rằng, mâu thuẫn của sự vật được thể hiện ở mối liên hệ giữa hai mặt đối lập của nó, chúng vừa thống nhất lại vừa thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau. Ph.Ăngghen viết: “Theo quan điểm biện chứng, khả năng biểu hiện vận động bằng cái đối lập với nó, tức thể tĩnh, hoàn toàn không phải là một điều gì khó khăn cả. Theo quan điểm biện chứng, tất cả sự đối lập ấy, như chúng ta đã thấy, đều chỉ là tương đối; không thể có tĩnh tuyệt đối, không có sự thăng bằng vô điều kiện. Vận động riêng biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại loại trừ thăng bằng”(21).

Về quy luật chuyển hóa từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại, Ph.Ăngghen cho rằng cũng có tính khách quan, phổ biến. Ông đã dẫn chứng hàng loạt các thí dụ trong các lĩnh vực khác nhau, cả tự nhiên, xã hội và tư duy để chứng minh. Ông chỉ ra, bản chất của quy luật chuyển hóa từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại là ở chỗ, trong thế giới hiện thực sự thay đổi về chất là kết quả của những sự thay đổi về lượng. Quá trình chuyển hóa từ chất này sang chất khác là sự đứt đoạn trong liên tục, là sự nhảy vọt về chất. Song đồng thời với quá trình đó, cũng diễn ra quá trình ngược lại, chuyển hóa từ những biến đổi về chất thành những biến đổi về lượng. Theo Ph.Ăngghen: “thay đổi về lượng làm cho chất của sự vật biến đổi, cũng như thay đổi về chất làm cho lượng của sự vật biến đổi”(22). Đối với Đuy-rinh, ông ta không hiểu quy luật này, xuyên tạc C.Mác một cách lố bịch khi cho: “một món tiền đặt cọc nếu đạt đến một giới hạn nào đó thì trở thành tư bản chỉ vì tăng thêm đơn giản về lượng như vậy”(23). Để phê phán và vạch trần sự xuyên tạc trắng trợn của Đuy-rinh, Ph.Ăngghen đã phải trích dẫn lại quan điểm của C.Mác trong bộ Tư bản: “không phải bất kỳ một số tiền nào, hoặc giá trị nào, cũng có thể chuyển hóa thành tư bản được; trái lại, tiền đề của sự chuyển hóa đó là một số tiền hoặc giá trị trao đổi tối thiểu nhất định trong tay kẻ sở hữu tiền hay hàng hóa”(24). Như vậy, sự thay đổi về lượng làm thay đổi về chất của các sự vật, cũng như sự thay đổi về chất làm cho lượng của sự vật thay đổi là quy luật khách quan và phổ biến.

Về quy luật phủ định của phủ định, Đuyrinh đã xuyên tạc, vu cáo C.Mác, cho rằng: “Vì thiếu những lý lẽ tốt hơn và sáng suốt hơn, nên ở đây sự phủ định của phủ định theo lối Hêghen đã phải làm nhiệm vụ bà đỡ để đỡ cho tương lai lọt ra khỏi lòng của quá khứ”(25). Theo Đuy-rinh, ở quy luật phủ định của phủ định, C.Mác không có gì khác Hêghen, tức là C.Mác chỉ việc dẫn lại Hêghen. Để chống lại luận điểm xuyên tạc của Đuy-rinh, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, Đuyrinh đã “gán cho Mác những điều hoàn toàn do ông Đuyrinh bịa đặt ra. Một con người hoàn toàn không có khả năng trích dẫn một cách đúng đắn”(26). Đồng thời, Ph.Ăngghen đã tuần tự trình bày quan điểm của C.Mác trên từng phương diện cụ thể, chỉ ra rằng, không phải C.Mác áp dụng quy luật phủ định của phủ định vào xã hội tư bản mà đi từ việc nghiên cứu, phân tích xã hội tư bản để rút ra quy luật này. “Như vậy là khi gọi quá trình đó là sự phủ định của phủ định thì Mác không phải là muốn lấy điều đó để chứng minh tính tất yếu lịch sử của nó. Trái lại: chỉ sau khi đã lấy lịch sử để chứng minh rằng, trên thực tế, quá trình đó đã có một phần đã diễn ra rồi, còn một phần nhất định sẽ phải diễn ra nữa, thì Mác mới vạch thêm rằng đấy là một quá trình diễn ra theo một quy luật biện chứng nhất định”(27).

Ph.Ăngghen làm rõ quan điểm của C.Mác về: “chế độ sở hữu vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất xã hội”, chỉ ra lịch sử của các chế độ sở hữu thông qua những lần thay đổi (phủ định) và do nguyên nhân từ chính bản thân nền sản xuất, như vậy, phủ định mang tính khách quan, “Quy luật phủ định cái phủ định thực hiện một cách không có ý thức trong tự nhiên, trong lịch sử, và cả trong đầu óc ta nữa, trước khi ta nhận thức được nó”(28). Tức là quy luật này mang tính khách quan, nó vẫn luôn diễn ra cho dù chúng ta có nhận thức được hay không. Đồng thời, Ph.Ăngghen đưa ra những thí dụ trong tự nhiên, xã hội và tư duy để chứng minh cho tính khách quan, phổ biến của quy luật phủ định của phủ định và Ph.Ăngghen khẳng định: “Vậy phủ định cái phủ định là gì? Là một trong quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy; một quy luật, như ta đã thấy, biểu hiện trong giới động vật và thực vật, trong địa chất học, toán học, lịch sử, triết học,...”(29).

Ph.Ăngghen cũng chỉ ra sự khác nhau giữa quan điểm phủ định siêu hình và phủ định biện chứng. Theo Ph.Ăngghen, quan điểm phủ định siêu hình cho phủ định giống như xay hạt đại mạch, xéo nát một con sâu, xóa một số dương A... và nếu vậy, thì phủ định đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ph.Ăngghen chỉ ra: “Không những tôi phải phủ định, mà còn phải xóa bỏ sự phủ định ấy một lần nữa. Cho nên phải thiết lập phủ định thứ nhất như thế nào cho phủ định thứ hai vẫn sẽ còn hay có thể có được”(30). Tức là, trong đó có sự phát triển, muốn vậy, phải trải qua “phủ định của phủ định”, một hạt đại mạch phải trải qua từ lúc nảy mầm cho đến lúc thành công (cái phủ định) và kết hạt rồi chết đi, tức là quay về cái hạt thông qua phủ định, sự phủ định này là “phủ định cái phủ định”. Như vậy, phủ định biện chứng là sự phủ định gắn liền với sự phát triển, là sự kế thừa lịch sử của cái mới đối với cái cũ. Cái mới ở đây dường như quay trở lại cái ban đầu nhưng trên cơ sở cao hơn.

3. Ph.Ăngghen phê phán quan điểm siêu hình của Đuyrinh về nhận thức

Về nhận thức và chân lý, Đuyrinh cho rằng, tư duy con người là vô thượng tối cao, chân lý là chân lý tuyệt đối vĩnh viễn, tuyệt đối bất biến: “Những chân lý thật sự thì nói chung không biến đổi”(31). Đuyrinh coi những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng là những chân lý đối với mọi thời gian, mọi thời đại. Do đó, Đuyrinh đòi hỏi những nguyên lý đạo đức vĩnh cửu cho mọi thời đại. Với Đuy-rinh, chân lý không thay đổi theo thời gian, không phụ thuộc vào sự biến đổi của hoàn cảnh của lịch sử.

Tính chất siêu hình và máy móc trong lý luận nhận thức của Đuyrinh còn thể hiện ở sự tách biệt, đối lập chân lý và sai lầm. Đối với Đuyrinh hoặc chân lý hoặc sai lầm, bất chấp mọi điều kiện và tính khuynh hướng của sự vận động tri thức. Nếu là chân lý thì đó là chân lý tuyệt đối. Ph.Ăngghen phê phán Đuyrinh và chỉ ra tính tương đối của nhận thức con người. Theo Ph.Ăngghen, sự vận động của tri thức thể hiện sự vận động của lịch sử, khiến cho cái hôm qua được gọi là chân lý, hôm nay có thể trở thành cái cá biệt, cái sai lầm; và ngượi lại, cái hôm qua là sai lầm, hôm nay có thể trở thành cái đối lập với nó. Theo Ph.Ăngghen, “tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn và vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng, không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt về thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định”(32). Do đó, nhận thức về cơ bản là mang tính chất tương đối, vì nó chỉ giới hạn trong việc làm sáng tỏ những mối liên hệ và những hậu quả của một số hình thức xã hội và nhà nước chỉ tồn tại vào một thời gian nhất định và ở những dân tộc nhất định, và xét theo bản chất thì có tính chất nhất thời. Cho nên, ai đó muốn đi tìm chân lý vĩnh cửu, chân lý tuyệt đích cuối cùng, nói chung không biến đổi, thì việc làm của người đó chỉ là vô ích.

Về chân lý và sai lầm, Ph.Ăngghen cũng khẳng định: “Chân lý và sai lầm cũng giống như tất cả những phạm trù logic học vận động trong những cực đối lập, chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế”(33). Ph.Ăngghen khẳng định không có chân lý vĩnh viễn tuyệt đối theo đúng nghĩa của nó.

Qua những điều trình bày ở trên cho thấy, Ph.Ăngghen đã quyết liệt đấu tranh chống lại quan điểm duy tâm chủ quan của Đuy-rinh, bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác. Những lập luận của Ph.Ăngghen vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận cho chúng ta bảo vệ chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng cũng như đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, duy tâm các loại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31), (32), (33) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.54, 54, 54, 58, 58, 59, 63, 65, 67, 191, 173, 37, 38, 41, 201, 172, 172-173, 173-174, 77, 77, 93, 181, 178, 178-179, 185, 187-188, 191, 202, 200, 201, 124, 127, 132.

TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền