Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Cống hiến lý luận của Ph.Ăngghen về xây dựng Đảng Cộng sản
Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 15:08
2725 Lượt xem

Cống hiến lý luận của Ph.Ăngghen về xây dựng Đảng Cộng sản

(LLCT) - Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen đã tiếp tục có những cống hiến to lớn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, trong đó có lý luận khoa học về xây dựng Đảng. Tư tưởng của Ph.Ăngghen về xây dựng Đảng gắn liền và nhất quán với tư tưởng của C.Mác về quy luật ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản. Những luận điểm của Ph.Ăngghen về xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Từ khóa: Ph.Ăngghen, lý luận về xây dựng Đảng.

Trong kho tàng lý luận của Ph.Ăngghen về xây dựng Đảng, ngoài những tác phẩm kinh điển viết chung với C.Mác như: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”, Ph.Ăngghen còn viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Chống Ðuyrinh, Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản,... Đó là những tác phẩm có tính khái quát rất cao về nguồn gốc và quá trình ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản và nêu lên những quan điểm lý luận về xây dựng Đảng Cộng sản. Có thể khái quát những cống hiến lý luận này của Ph.Ăngghen như sau:

Một là, khẳng định quy luật ra đời của các chính đảng và Đảng Cộng sản

Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp dẫn đến và đòi hỏi sự ra đời của chính đảng để lãnh đạo giai cấp đấu tranh thực hiện mục tiêu chính trị. Các chính đảng ra đời là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến mức độ nhất định với hệ tư tưởng của giai cấp mà đảng là người đại diện. Ph.Ăngghen đã khái quát luận điểm khoa học mang tính quy luật về sự ra đời của đảng chính trị nói chung: “trong những nước mà đại công nghiệp đã làm cho những đối kháng giai cấp ấy phát triển đầy đủ, do đó, nhất là ở nước Anh, những đối kháng giai cấp ấy là cơ sở của sự hình thành ra các chính đảng, của các cuộc đấu tranh giữa các đảng và do đó, là cơ sở của toàn bộ lịch sử chính trị”(1).

Đảng Cộng sản - đảng của giai cấp công nhân ra đời tuân theo quy luật: chủ nghĩa cộng sản khoa học kết hợp với phong trào công nhân. Ph.Ăngghen viết: “(từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn  mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai  cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp”(2).

Nhận thức sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đòi hỏi phải xây dựng Đảng Cộng sản mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc, khác biệt với các đảng của giai cấp tư sản và đảng công nhân trước đây: “không một đảng dân chủ nào ở Anh, cũng như ở bất kỳ nơi khác, có thể đạt được thắng lợi thực sự nếu không phải là một đảng công nhân với tính chất giai cấp kiên quyết của nó. Không có tính chất đó, thì nó chỉ còn là phe phái và những sự giả dối mà thôi”(3).

Hai là, tiếp tục khẳng định và kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng

Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn những người chính nghĩa (mùa Xuân năm 1847) - Đại hội không có sự tham gia của C.Mác, Ph.Ăngghen đã thuyết phục và khẳng định lý luận của chủ nghĩa Mác vào phần tuyên bố mục đích của Liên đoàn những người chính nghĩa: “Mục đích của Liên đoàn là: lật đổ giai cấp tư sản, lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiêu diệt xã hội tư sản cũ, dựa trên sự đối kháng giai cấp và xây dựng một xã hội mới không có giai cấp và không có chế độ tư hữu”(4).

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chỉ rõ: “Đảng có tính giai cấp” đó là Đảng Cộng sản, tính giai cấp của Đảng chính là tính chất giai cấp công nhân. Đảng mang tính giai cấp, đại diện cho lợi ích của giai cấp:

“Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công

nhân khác.

Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản.

Họ không đặt ra những nguyên tắc riêng biệt nhằm khuôn phong trào công nhân theo những nguyên tắc ấy”(5).

Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản còn chỉ rõ sự giống nhau và đặc biệt là sự khác nhau về chất giữa Đảng Cộng sản với các đảng khác của giai cấp công nhân (những đảng chưa phải là Đảng Cộng sản) và những đảng cải lương, đưa ra tiêu chí phân biệt sự khác nhau ấy. Đảng Cộng sản là đảng triệt để cách mạng nhất của giai cấp công nhân, nhưng lại không đối lập với các đảng khác của giai cấp công nhân:

“Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào”(6).

Vì thế, đảng tiên phong cả về lý luận và thực tiễn, tiên phong trong hành động và tiên phong về lý luận: “về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(7).

Ba là, đề xướng lý luận về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản

Về nội hàm nguyên tắc tập trung dân chủ

Ph.Ăngghen chưa gọi tên nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức và hoạt động quan trọng nhất của Đảng Cộng sản, nhưng đã nêu được những luận điểm căn bản nhất của nguyên tắc này. Điều đó thể hiện trước hết ở việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những ban chấp hành được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn; chỉ điều đó thôi cũng đủ chấm dứt mọi toan tính manh động - tức là những toan tính đòi hỏi một chế độ độc tài, và biến Liên đoàn thành - ít nhất là trong thời bình thông thường - một hội tuyên truyền thuần túy. Điều lệ mới đó được đưa ra cho các chi bộ thảo luận, sau đó được thảo luận ở Đại hội thứ hai và cuối cùng đã được đại hội này thông qua ngày 8 tháng Chạp năm 1847 - thủ tục dân chủ hiện nay là như vậy” và “mọi ý kiến trái ngược và mọi điểm tranh cãi, sau hết, đều được giải quyết, những nguyên lý mới được toàn thể đại hội nhất trí tán thành”(8). Trong Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản, do C.Mác và Ph.Ăngghen khởi thảo năm 1847, tuy chưa xác định Liên đoàn được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ song nội dung đã thể hiện việc thực hiện tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng:

Về thực hiện dân chủ, thể hiện rõ nhất ở việc hình thành tổ chức là chế độ bầu cử. Theo đó, cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn đều do bầu cử dân chủ lập ra: “Các ủy viên ban chấp hành khu bộ và Ban chấp hành trung ương được bầu hàng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”(9). Hơn nữa, vấn đề dân chủ trong đảng còn thể hiện ở mối quan hệ giữa các đảng viên với tư cách là thành viên của tổ chức mà mình tham gia: “Tất cả các hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng, họ là anh em và trong mọi trường hợp, đều có nghĩa vụ giúp nhau như anh em”(10).

Tuy vậy, việc thực thi dân chủ gắn liền với việc giữ vững kỷ cương của Đảng. Nói các khác, thực hành dân chủ luôn đi đôi với tập trung, trở thành chỉnh thể của một nguyên tắc. Đó là quy định mọi đảng viên đều phải chấp hành nghị quyết của Liên đoàn; đảng viên phải tự giác tham gia sinh hoạt đảng và phải nộp đảng phí. Kỷ luật đảng cũng đã được quy định cụ thể như: người vi phạm Điều lệ, kỷ luật của Liên đoàn sẽ bị khai trừ, hoặc đình chỉ sinh hoạt; kiên quyết chống các phần tử vô tổ chức, các phần tử cơ hội, xét lại và các quy định nghiêm ngặt về thu, chi tài chính đảng.

Về tự phê bình và phê bình

Ph.Ăngghen đưa ra nhiều luận điểm quan trọng về vai trò của tự phê bình và phê bình, đồng thời là tấm gương của tự phê bình và phê bình.

Ph.Ăngghen luôn xem xét lại những luận điểm của mình khi thực tiễn vượt qua, thậm chí có cả những khiếm khuyết ngay từ khi nó ra đời. Chính Ph.Ăngghen viết trong Lời tựa viết cho Tuyên ngôn bản tiếng Anh xuất bản năm 1888 chỉ rõ: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi... Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”(11). Đó cũng là sự thể hiện bản lĩnh của Đảng và việc tự phê bình và phê bình sau này đã trở thành quy luật phát triển của Đảng.

Về đoàn kết thống nhất, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bè phái, xét lại

Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Chỉ nguyên tinh thần đoàn kết, dựa trên cơ sở giác ngộ về hoàn cảnh giai cấp giống nhau, cũng đủ để tạo ra và duy trì một chính đảng to lớn của giai cấp vô sản gồm những người công nhân của tất cả các nước và thuộc mọi ngôn ngữ”(12). Về cơ sở của đoàn kết thống nhất trong đảng, khi đánh giá về đoàn kết giai cấp của Quốc tế thứ nhất, Ph.Ăngghen viết: “... ngày hôm nay, khi tôi viết những dòng này, giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ đang điểm lại lực lượng chiến đấu của mình, lực lượng lần đầu tiên được huy động thành một đạo quân duy nhất dưới cùng một ngọn cờ và nhằm cùng một mục đích”(13).

C.Mác, Ph.Ăngghen khẳng định: “Quốc tế không thể được củng cố vững chắc nếu chủ nghĩa bè phái không bị tiến trình lịch sử đập tan”(14). Ph.Ăngghen cũng viết: “Ở đâu không có lợi ích chung thì ở đó không thể có sự thống nhất về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động được”(15). Đây là kết luận hoàn toàn phù hợp với những trải nghiệm của Ph.Ăngghen khi Liên đoàn những người cộng sản tan vỡ sau 5 năm ra đời do sự chia rẽ của Ban Chấp hành Trung ương của Liên đoàn về vấn đề sách lược. Đặc biệt, kinh nghiệm lãnh đạo Quốc tế I, Quốc tế II, trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong Đảng và phong trào công nhân.

Về chủ nghĩa quốc tế vô sản

Liên đoàn những người cộng sản đã tổ chức Đại hội lần thứ hai (từ ngày 29-11-1847 đến ngày 8-12-1847), với sự có mặt và lãnh đạo của C.Mác và Ph.Ăngghen. Liên đoàn đã đổi khẩu hiệu chỉ đạo hành động của mình từ “Tất cả mọi người đều là anh em” thành “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.

Ph.Ăngghen viết: “Thật ra, bản thân Quốc tế chỉ sống có chín năm. Nhưng sự đoàn kết bất diệt do Quốc tế đã xây dựng được giữa những người vô sản tất cả các nước vẫn tồn tại và ngày càng mạnh hơn bao giờ hết”(16).

Cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phong trào công nhân quốc tế được thể hiện sinh động thông qua 10 năm tồn tại của Quốc tế I và hoạt động của ông trong phong trào công nhân quốc tế cho đến cuối đời.

Sau khi Quốc tế I ngừng hoạt động, Quốc tế II ra đời, vấn đề đoàn kết thống nhất trong phong trào quốc tế, đặc biệt là sự thống nhất về tư tưởng được Ph.Ăngghen hết sức quan tâm. Ông đã đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết chống những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa vô chính phủ ảnh hưởng xấu đến phong trào công nhân và tiếp tục khôi phục, khẳng định vị thế của học thuyết Mác trong phong trào công nhân.

Bốn là, vấn đề hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và chống xu hướng tả khuynh trong Đảng

Niềm tin của giai cấp công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bắt đầu từ tôn chỉ, mục đích của cuộc cách mạng và mục đích, lý tưởng đó phải được thể hiện ở chủ trương, chính sách của Đảng và vấn đề hoạch định đường lối, chính sách của Đảng tất yếu trở thành một trong những phương thức hoạt động quan trọng của Đảng. Tính đúng đắn của đường lối, chính sách phụ thuộc vào tư duy lý luận khoa học, tầm nhìn của những người cộng sản và căn cứ cụ thể vào tình hình thực tiễn để có quyết sách chính trị phù hợp. Ph.Ăngghen viết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải xây dựng quan điểm của chúng tôi một cách khoa học, nhưng một điều cũng rất quan trọng đối với chúng tôi là phải làm cho giai cấp vô sản châu Âu và nhất là giai cấp vô sản Đức tin tưởng vào những quan điểm của chúng tôi”(17).

Để tránh tổn thất cho cách mạng, Ph.Ăngghen đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm trong suốt cuộc đời hoạt động của mình là không thể căn cứ vào tình cảm, ý chí và mong muốn chủ quan để khởi xướng các phong trào cách mạng, mà phải phân tích tình hình cụ thể, chống nóng vội, muốn đạt được mục tiêu cách mạng ngay lập tức khi những điều kiện chưa chín muồi. Ph.Ăngghen đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng 1848-1852 khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân... Ông viết: “Trong cảnh phồn vinh chung như thế, khi lực lượng sản xuất của xã hội tư sản phát triển phong phú tới mức là những quan hệ tư sản đó cho phép, thì không thể nói đến cách mạng thật sự được. Một cuộc cách mạng như thế chỉ có thể có trong những thời kỳ mà cả hai nhân tố ấy, lực lượng sản xuất hiện đại và hình thức sản xuất tư sản, mâu thuẫn với nhau. Những cuộc xung đột liên tiếp mà những đại biểu của các nhóm khác nhau của đảng trật tự ở lục địa tham gia và làm tổn hại đến uy tín của nhau, thì khó lòng tạo ra cơ hội cho những cuộc cách mạng mới; trái lại, những cuộc xung đột ấy sở dĩ xảy ra được là vì cơ sở của những quan hệ xã hội lúc đó còn tạm thời rất vững chắc”(18).

Những luận điểm về xây dựng Đảng của Ph.Ăngghen có ý nghĩa to lớn cho công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1), (2), (4), (8), (11), (12), (17), (18)  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.321, 11-12, 326, 326-327, 524-525, 338, 322, 334-335.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 408-409.

(5), (6), (7), (9), (10)  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 614, 614, 614-615, 735, 615.

(13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.526.

(14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t. 33, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.449.

(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t. 8, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.21.

(16) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.99.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

ThS Bùi Văn Hải

Viện Xây dựng Đảng,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền