Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ph.Ăngghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học giai đoạn 1883-1895
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 07:53
3147 Lượt xem

Ph.Ăngghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học giai đoạn 1883-1895

(LLCT) - Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăngghen là người tiếp tục bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trên các phương diện: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Bài viết tập trung làm rõ những đóng góp to lớn của Ph.Ăngghen trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học giai đoạn 1883 - 1895.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, chủ nghĩa xã hội khoa học.

1. Ph.Ăngghen phê phán các quan điểm cơ hội, cải lương trong phong trào công nhân

Chủ nghĩa cơ hội, cải lương trong phong trào công nhân đã xuất hiện từ rất sớm, ngay trong Quốc tế I đã xuất hiện chủ nghĩa vô chính phủ của Bacunin, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản của Prudon, năm 1862 xuất hiện chủ nghĩa cải lương F.Lassalle, đến những năm 1890, chủ nghĩa cơ hội đã phát triển rộng khắp châu Âu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào công nhân. Chủ nghĩa cải lương, cơ hội được biểu hiện ở một số đặc điểm chủ yếu như: Phủ nhận tính tất yếu của đấu tranh giai cấp, cách mạng XHCN, chuyên chính vô sản; tuyên truyền hợp tác giai cấp, tin tưởng vào cải cách có thể thay đổi được bản chất của chủ nghĩa tư bản; tuyên truyền luận điệu “xã hội hiện đại đẻ ra chủ nghĩa xã hội”...Đứng trước tình hình đó, để thúc đẩy phong trào công nhân phát triển, Ph.Ăngghen đã kiên quyết đấu tranh, vạch trần nguyên nhân ra đời, bản chất và các tác hại của chủ nghĩa cơ hội.

Về nguồn gốc ra đời chủ nghĩa cơ hội, Ph.Ăngghen cho rằng, cũng như các quan điểm chính trị - xã hội khác, chủ nghĩa cơ hội, cải lương không phải ngẫu nhiên xuất hiện theo ý muốn chủ quan của một cá nhân hay tổ chức nào, mà có căn nguyên sâu xa từ các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nhất định. Căn cứ vào bối cảnh cụ thể lúc đó, Ph.Ăngghen đã chỉ ra nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân.

Về nguồn gốc xã hội, chủ nghĩa cơ hội, cải lương thường gắn với tầng lớp tiểu tư sản, công nhân “quý tộc”. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền, sự tập trung sản xuất và tư bản tăng lên làm bộ phận lớn các nghiệp chủ nhỏ bị phá sản. Do vậy, những người tiểu tư sản đã ồ ạt ra nhập vào giai cấp công nhân, họ mang theo tâm tư, nguyện vọng, ý thức của giai cấp mình. Một bộ phận không nhỏ trong số đó cũng trở thành thủ lĩnh của các đảng công nhân, và khi đó, tiếng nói của họ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp tiểu tư sản.

Về kinh tế, chủ nghĩa cơ hội hình thành do sự phụ thuộc lợi ích kinh tế của giai  cấp công nhân vào giai cấp tư sản: “Sự tham gia vào sự thống trị trên thị trường thế giới đã là và vẫn là cơ sở kinh tế của tính thụ động của công nhân Anh. Bám theo đuôi giai cấp tư sản trong việc sử dụng về phương diện kinh tế địa vị độc quyền đó, nhưng dù sao vẫn luôn luôn tham gia vào việc hưởng lợi nhuận của nó”(1). Chủ nghĩa cơ hội hình thành còn do những thủ lĩnh của phong trào công nhân đã bị lợi ích vật chất của giới tư sản mua chuộc. Ở Pháp, bọn thủ lĩnh phái Khả năng(2) đã: “bán rẻ các nguyên tắc cho giai cấp tư sản để lấy những sự nhân nhượng cục bộ, mà chủ yếu là để được những chiếc ghế ấm cúng cho các thủ lĩnh”(3). Còn ở Anh, hội Pha biêng(4) là: “bè lũ các nhà “xã hội chủ nghĩa” tư sản đủ các màu sắc...họ liên hiệp với nhau chỉ vì sợ hãi sự thống trị của công nhân đang đe dọa, và họ sẵn sàng làm tất thảy để phòng ngừa mối nguy cơ ấy, bảo đảm cho mình, cho “những người có học vấn” quyền lãnh đạo”(5).

Về chính trị, chủ nghĩa cơ hội, cải lương trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế giai đoạn cuối thế kỷ XIX ở các nước Tây Âu hình thành một mặt do sự đàn áp tàn khốc của giai cấp tư sản làm cho một bộ phận công nhân sợ hãi, thui chột ý chí đấu tranh; mặt khác, bọn tư sản còn dùng chiêu bài thỏa hiệp, nhượng bộ một số lợi ích nào đó làm cho giai cấp vô sản có ảo tưởng giành thắng lợi bằng con đường hòa bình. Tại châu Âu, thông qua con đường bầu cử, một số đại biểu của giai cấp công nhân cũng giành được ghế trong nghị viện, từ đó dẫn tới tư tưởng chủ quan cho rằng, bằng con đường hòa bình, thông qua bầu cử có thể tiến lên CNXH mà không cần đến cách mạng xã hội.

Về bản chất của chủ nghĩa cơ hội. Khác với các trào lưu tư sản chống chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cơ hội, cải lương không phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác, phủ nhận mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà họ dùng các biện pháp cắt xén, sửa đổi chủ nghĩa Mác thích hợp với nhu cầu của giai cấp tư sản. Cho nên, bên ngoài thì nói chủ nghĩa Mác nhưng bên trong chống chủ nghĩa Mác; danh nghĩa là đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân nhưng thực tế là bảo vệ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Ph.Ăngghen kết luận, tư tưởng, quan điểm cơ hội chủ nghĩa là quan điểm tư sản, các phần tử cơ hội chủ nghĩa là cái đuôi của giai cấp tư sản. Họ tạo ra một mặt trận tư sản trong phong trào công nhân và đảng công nhân.

Ảnh hưởng chủ nghĩa cơ hội với phong trào công nhân. Về mặt khách quan, trong những thời điểm mà nhiệm vụ chính trị đặt ra là tập hợp, tổ chức giai cấp vô sản nhằm thúc đẩy phong trào đi lên thì chủ nghĩa cơ hội, cải lương lại đề xuất những quan điểm có tính chất thỏa hiệp, hành động đó tạo ra một số ảo tưởng của phong trào công nhân: “Người ta đang tự lừa dối mình và lừa dối đảng rằng “xã hội hiện nay đang dần dần phát triển thành chủ nghĩa xã hội”(6).  Từ đó, chủ nghĩa cơ hội làm tê liệt tư tưởng giai cấp công nhân, cổ vũ những kiểu đấu tranh nhỏ giọt, những cải cách nhượng bộ, lấy đó làm mục tiêu của phong trào. Để thống nhất phong trào công nhân, đấu tranh chống các quan điểm cải lương, cơ hội, năm 1889, Ph.Ăngghen đã đứng ra thành lập Quốc tế II, Quốc tế xã hội chủ nghĩa.

2. Ph.Ăngghen phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học

Một là, phát triển quan điểm về khả năng phát triển rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội ở các nước lạc hậu. Tháng Giêng năm 1894, Ph.Ăngghen viết Lời bạt cho tác phẩm “Về vấn đề xã hội ở Nga”(7) đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề xã hội ở nước Nga nói riêng, các nước chậm phát triển nói chung và khả năng quá độ lên CNXH ở các nước đó. Người nhận thấy rằng, sự phát triển phong trào công nhân ở các nước Tây Âu đã hé mở những con đường phát triển mới cho các nước chậm phát triển, không nhất thiết phải đi theo con đường của phương Tây.

Nếu theo quy luật phát triển tuần tự, các nước chậm phát triển phải thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản, trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mới tiến lên cách mạng XHCN. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm cách mạng thế giới và đặc thù xã hội các nước chậm phát triển, Ph.Ăngghen đưa ra dự báo các nước chậm phát triển hoàn toàn có thể rút ngắn quá trình phát triển để tiến thẳng lên CNXH: “không những có thể mà còn chắc chắn là sau thắng lợi của giai cấp vô sản và sau việc xã hội hóa các tư liệu sản xuất ở các dân tộc Tây Âu thì những nước vừa mới bước vào con đường sản xuất tư bản chủ nghĩa và vẫn còn có các chế độ thị tộc nguyên vẹn hoặc những tàn dư của chế độ thị tộc, có thể sử dụng những tàn dư đó của sở hữu chung và những tập quán nhân dân tương ứng làm công cụ mạnh mẽ để rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu chúng ta phải trải qua”(8). Điều này không chỉ đúng với nước Nga mà đối với tất cả các nước đang ở trong giai đoạn phát triển tiền tư bản.

Hai là, phát triển lý luận về nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Trước khi chủ nghĩa Mác xuất hiện, những quan điểm duy tâm, siêu hình thường cho gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước là hiện tượng tự nhiên, những phạm trù bất biến. Căn cứ vào những thành tựu mới nhất của dân tộc học, Ph.Ăngghen đã có những lý giải hết sức thuyết phục về nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước.

Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, ở giai đoạn thấp của thời kỳ mông muội, loài người vừa tách ra khỏi giới động vật, trình độ sản xuất còn thấp “tình trạng thiếu khả năng tự vệ của cá thể phải được thay thế bằng sức mạnh liên hợp và hành động tập thể của bầy”(9). Từ quan hệ tạp giao, chưa có hình thái gia đình theo nghĩa khoa học, nhân loại trải qua các hình thức gia đình khác nhau như gia đình quần hôn, gia đình pu-na-lu-an, bước sang giai đoạn dã man, hôn nhân chuyển sang hôn nhâncặp đôi.

Theo đà phát triển của lực lượng sản xuất, phạm vi sản xuất không ngừng mở rộng, số lượng của cải tăng lên: “Những của cải ấy, một khi đã trở thành sở hữu riêng của các gia đình riêng rẽ và một khi đã tăng lên nhanh chóng, thì đánh một đòn rất mạnh vào xã hội dựa trên chế độ hôn nhân cặp đôi và trên thị tộc mẫu quyền”(10). Gia đình một vợ một chồng thay thế gia đình cặp đôi, chỗ khác biệt là quan hệ hôn nhân mang tính bền vững hơn, nguyên nhân cơ bản do tài sản đã thuộc sở hữu tư hữu: “Chế độ một vợ một chồng là hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế - tức là trên thắng lợi của sở hữu tư nhân đối với sở hữu công cộng nguyên thủy và tự phát. Sự thống trị của người chồng trong gia đình, sự sinh đẻ ra những đứa con chỉ có thể là con của người chồng và phải được quyền thừa hưởng tài sản của người ấy, đấy là những mục đích đặc biệt của chế độ một vợ một chồng”(11).

Từ việc khảo sát tỉ mỉ quá trình phát triển lâu dài các hình thái gia đình, Ph.Ăngghen đã vạch ra mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình với chế độ sở hữu tài sản và sự phát triển xã hội nói chung. Trong thời kỳ xã hội thị tộc chuyển sang xã hội có giai cấp, sự thay đổi của quan hệ gia đình diễn ra xen kẽ với sự ra đời của chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước. Cho nên, việc nghiên cứu sự phát triển, thay thế nhau của các hình thái gia đình có ý nghĩa tham khảo quy chiếu đối với việc lý giải các hiện tượng của xã hội có giai cấp và nhà nước. Ph.Ăngghen đã bổ sung vào chỗ đang còn trống của lịch sử gia đình, làm phong phú quan điểm duy vật lịch sử, đặt cơ sở khoa học vững chắc cho nghiên cứu xã hội nguyên thủy.

Về nguồn gốc của chế độ tư hữu, giai cấp, Ph.Ăngghen đã lý giải một cách khoa học sự xuất hiện chế độ tư hữu và giai cấp chủ yếu gắn với sự phát triển của sản xuất. Xã hội nguyên thủy, trình độ lực lượng sản xuất thấp, dẫn đến sở hữu chung tư liệu sản xuất, sản phẩm làm ra thuộc sở hữu chung. Phân công lao động tự nhiên theo giới tính (nam và nữ). Xã hội bình đẳng, không có giai cấp, áp bức, bóc lột, bất công. Do sự phát triển lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động, dẫn đến các đợt phân công lao động (chăn nuôi tách khỏi trồng trọt, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, thương nghiệp ra đời). Sự phân công này làm năng suất lao động xã hội tăng lên, sản phẩm sản xuất ra đa dạng, phong phú, vượt quá nhu cầu thiết yếu để duy trì sức lao động của cá nhân hay gia đình, tạo ra cơ sở hiện thực cho trao đổi hàng hóa. Nhưng cũng chính quá trình sản xuất đó đặt ra yêu cầu khách quan người ta không chỉ sử dụng sức lao động của bản thân và gia đình mà còn có nhu cầu sử dụng lao động của người khác. Chiến tranh biện pháp chiếm đoạt sức lao động, họ biến các tù binh thành nô lệ. Hệ quả về mặt chính trị và xã hội là: “đã nảy sinh ra sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”(12). Sự phát triển kinh tế hàng hóa còn làm xuất hiện công cụ trao đổi là tiền tệ, từ đó kéo theo tình trạng cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản, làm tích tụ của cải vào tay một số người, trong khi một số khác bị phá sản, bần cùng hóa, sự phân hóa xã hội thành các giai cấp khác nhau ngày càng sâu sắc.

Về nguồn gốc, bản chất của nhà nước, cũng giống như gia đình và giai cấp, nhà nước xuất hiện có nguồn gốc từ sự phát triển kinh tế. Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, vào cuối thời kỳ xã hội nguyên thủy, do sự ra đời chế độ tư hữu và giai cấp, kết cấu xã hội có sự thay đổi. Thị tộc - tổ chức xã hội dựa trên quan hệ huyết thống không còn phù hợp. Tính cộng đồng về lợi ích trong nội bộ thị tộc tan rã, thay thế vào đó là quan hệ có tính đối kháng về lợi ích kinh tế. Những tập quán của xã hội thị tộc không còn đủ khả năng để giải quyết các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh. Những người giàu nắm đại bộ phận của cải xã hội, ngày càng đòi hỏi phá bỏ chế độ thị tộc cũ, xây dựng trật tự xã hội mới để bảo vệ lợi ích của họ và giải quyết tốt hơn các công việc chung của cộng đồng. Do đó, nhà nước, thiết chế quyền lực mới của giai cấp thống trị đã ra đời trên đống đổ nát của xã hội thị tộc. Ph.Ăngghen khái quát nguồn gốc, bản chất của nhà nước: “Nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định; nó là sự thú nhận rằng xã hội đó bị lúng túng trong một mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được, rằng xã hội đó đã bị phân chia thành những mặt đối lập không thể điều hòa mà xã hội đó bất lực không sao loại bỏ được. Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng rõ ràng là đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội, chính là nhà nước”(13). Nhà nước không phải là “hiện thực của ý niệm đạo đức”, “hình ảnh hiện thực của lý tính” như các nhà lý luận của giai cấp tư sản giải thích mà là sản phẩm của xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định.

Từ việc phân tích nguồn gốc ra đời nhà nước, Ph.Ăngghen cũng dự báo khi lực lượng sản xuất phát triển đến một mức độ nhất định, sự tồn tại của giai cấp không những không còn là một tất yếu nữa mà trở thành trở ngại trực tiếp cho sản xuất thì giai cấp sẽ tiêu vong, giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng tiêu vong. Khi đó: “Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào các vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ”(14).

Với các luận điểm trên, Ph.Ăngghen đã làm rõ sự ra đời của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội, là kết quả sự phát triển các nhân tố kinh tế. Xuất phát từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ sự thay đổi các điều kiện kinh tế, sự phân công lao động xã hội để lý giải nguồn gốc ra đời gia đình, chế độ tư hữu, nhà nước, ông đã góp phần bóc trần “vầng hào quang thần thánh” bao trùm nhận thức của con người về giai cấp và nhà nước. Quan điểm trên càng làm sâu sắc hơn phép biện chứng duy vật về lịch sử xã hội loài người.

Ba là, nêu lên những quan điểm đúng đắn về giai cấp nông dân và cải tạo nông nghiệp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giai cấp nông dân có vị trí quan trọng trong lý luận cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng này đã có từ những năm 1850. Khi đó, C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thấy, công nhân nông nghiệp với số lượng đông đảo là đồng minh tự nhiên của công nhân công nghiệp, tuy đã giác ngộ cách mạng nhưng chưa tích cực tham gia phong trào, do vậy phong trào công nhân thành thị chưa thành công được.

Đến những năm 1890, chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn độc quyền, tập trung tư bản không chỉ diễn ra trong công nghiệp mà cả nông nghiệp. Rất nhiều nông dân bị phá sản, hoặc gần như bị phá sản. Tâm lý bất mãn tăng lên, phong trào đấu tranh nổ ra ở nhiều nơi. Thực trạng đó đặt ra cho các đảng công nhân phải có chính sách đúng đắn để thu hút nông dân vào phong trào cách mạng.

Tuy nhiên, một bộ phận lãnh tụ của giai cấp công nhân say sưa đấu tranh nghị trường hợp pháp, coi nhẹ vấn đề nông dân, cho đến khi các phong trào nông dân nổ ra, các đảng công nhân ở Pháp, Đức mới chú ý đến vấn đề này. Dù vậy, thực chất của khuynh hướng này là mưu toan tranh thủ nông dân để tăng phiếu bầu vào nghị viện - một biểu hiện rất rõ của chủ nghĩa cơ hội.

Năm 1892, Đại hội Marseille của Đảng Công nhân Pháp thông qua cương lĩnh ruộng đất với nhiều nội dung trái với nguyên tắc XHCN. Đến Đại hội Nantes (9-1894), khuynh hướng cơ hội càng nghiêm trọng hơn, khi đưa ra quan điểm cách mạng XHCN chỉ ở việc duy trì sở hữu ruộng đất của nông dân. Ở Đức năm 1894, Đại hội Frankfurt của Đảng Dân chủ xã hội Đức nêu vấn đề đặc thù của sự phát triển nông nghiệp để trình bày quan điểm cơ hội chủ nghĩa, khi cho rằng, khác với tư bản công nghiệp, trong nông nghiệp, phương thức phù hợp để đi lên chủ nghĩa xã hội là phát triển quy mô nhỏ, với chế độ tiểu nông tư hữu.

Trước tình hình đó, tháng 11-1894, Ph.Ăngghen đã viết bài Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức(15) nhằm phê phán các quan điểm cơ hội trong vấn đề nông dân của hai đảng công nhân Pháp và Đức. Qua đó, trình bày một cách có hệ thống nguyên tắc, lập trường của chủ nghĩa Mác về vấn đề nông dân, vạch ra cương lĩnh của các đảng XHCN trong cải tạo nông nghiệp.

Ph.Ăngghen chỉ rõ, phải thấy rõ vị trí, vai trò chiến lược của nông dân trong cách mạng XHCN. Nông dân không phải là đối tượng để tranh thủ phiếu mà là nhân tố quan trọng về nhân khẩu, sản xuất, chính trị: “người nông dân đều là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và lực lượng chính trị”(16). Cách mạng XHCN cũng không thể thành công nếu không quan tâm tới lợi ích của nông dân: “không thể có được một cuộc cách mạng bền vững nào, một khi nó chống lại nguyện vọng của tiểu nông”(17).

Ông nêu rõ quan điểm về cải tạo XHCN trong nông nghiệp. Đặc điểm khác biệt của nông dân so với công nhân là, một bộ phận nông dân (tiểu nông, trung nông, phú nông) đều là những người có sở hữu tư liệu sản xuất. Họ luôn luôn có nhu cầu “duy trì vĩnh viễn quyền sở hữu miếng đất manh mún của họ”(18), nhưng cách mạng XHCN hướng tới mục tiêu công hữu các tư liệu sản xuất. Vậy, làm thế nào để thu hút nông dân tham gia phong trào cách mạng và cương lĩnh của những người XHCN với nông dân ra sao? Ph.Ăngghen đã đưa ra hai quan điểm chính: (i) những người cộng sản thấy được sự tiêu vong tất yếu của tiểu nông, nhưng tuyệt nhiên không can thiệp để đẩy nhanh sự tiêu vong đó; (ii) sau khi giành được chính quyền, không dùng bạo lực để tước đoạt tiểu nông mà chỉ tước đoạt địa chủ. Nhiệm vụ của những người cộng sản là: “hướng nền kinh doanh cá thể và sở hữu của họ vào con đường kinh doanh hợp tác”(19). Phải làm cho nông dân thấy được con đường hợp tác là phù hợp nhất với lợi ích của họ, giúp họ thoát khỏi nguy cơ phá sản, việc sở hữu chung những tư liệu sản xuất là mục đích chính phải đạt tới, không những trong công nghiệp mà cả nông nghiệp.

Bốn là, phát triển tư tưởng về sách lược của phong trào công nhân. Trước những thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị tại các nước châu Âu lúc đó, về sách lược cách mạng, Ph.Ăngghen đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nếu như thời kỳ 1848-1850, các ông quả quyết rằng, một cuộc cách mạng vô sản sắp nổ ra và giai cấp công nhân bằng bạo lực cách mạng có thể giành được chính quyền: “tuyệt đối không nghi ngờ gì nữa rằng trận quyết chiến vĩ đại đã bắt đầu, rằng trận quyết chiến đó phải được tiến hành đến cùng trong một thời kỳ cách mạng lâu dài và đầy những chuyển biến, nhưng trận chiến đấu ấy chỉ có thể kết thúc bằng thắng lợi cuối cùng của giai cấp vô sản mà thôi”(20).

Tuy nhiên, đến những năm 90 thế kỷ XIX, trước bối cảnh sự trưởng thành về chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các hoạt động chính trị, nhận định về thời cơ cách mạng, Ph.Ăngghen đã thừa nhận: “Lịch sử đã chỉ rõ rằng trạng thái phát triển kinh tế trên lục địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”(21). Trong bối cảnh mâu thuẫn giai cấp không còn gay gắt, tình thế cách mạng đã chuyển sang trạng thái hòa bình, Ph.Ăngghen đưa ra hình thức mới để giai cấp công nhân giành chính quyền đó là thông qua bầu cử dân chủ: “sử dụng chế độ đầu phiếu phổ thông một cách có hiệu quả như vậy, là giai cấp vô sản đã vận dụng một phương thức đấu tranh hoàn toàn mới và phương thức đó ngày càng phát huy tác dụng”(22); “quyền đầu phiếu - từ chỗ trước đây là một thủ đoạn lừa bịp nay thành một công cụ giải phóng”(23).

Như vậy, đã thấy rõ những sự thay đổi về sách lược cách mạng trong tư tưởng của Ph.Ăngghen. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là thay đổi lập trường, mục tiêu của phong trào công nhân mà chỉ là sự điều chỉnh phương pháp cách mạng cho phù hợp với yêu cầu của thực tế xã hội. Vì, thời cơ và hình thức cách mạng có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong những thời cơ này phải có hình thức nhất định tương ứng. Khi tình thế cách mạng chín muồi, có thể nổ ra rộng khắp; khi đó, dùng bạo lực cách mạng để đồng loạt giành chính quyền là cần thiết và phù hợp. Ngược lại, khi thời cơ chưa đến, việc sử dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau, nhất là các biện pháp hợp pháp là cần thiết. Nếu ở giai đoạn 1848 -1850 mà đưa ra những hình thức như những năm 1895 thì thật là ảo tưởng, bởi những quan hệ giai cấp, xã hội không cho phép. Tuy nhiên, trải qua một thời gian phát triển tương đối hòa bình, bối cảnh xã hội cụ thể cho phép đưa ra những dự báo mới về hình thức giành chính quyền.

Từ những sự phân tích trên cho thấy, trong giai đoạn 1883-1895, trên phương diện chủ nghĩa xã hội khoa học, Ph.Ăngghen đã có đóng góp to lớn trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Sự phát triển này đều xuất phát từ thực tiễn phong trào công nhân lúc đó chứ tuyệt nhiên không phải từ mong muốn chủ quan của cá nhân Ph.Ăngghen r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.88.

(2) “Phái Khả năng”, tiếng Pháp possibilité, một nhánh được tách ra từ đảng Công nhân Pháp năm 1882, theo tư tưởng có tính chất cải lương

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.319.

(4) Hội Fabian (lấy theo tên gọi một thống soái La Mã Fabius Maximus 280-203 TCN) thành lập năm 1889 ở Anh, gồm những thành viên thuộc tầng lớp trí thức tư sản, quan điểm cơ bản là phủ nhận học thuyết Mác về đấu tranh giai cấp, họ quả quyết có thể chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bằng những cải cách nhỏ, cải tạo xã hội dần dần - quan điểm này còn gọi là “chủ nghĩa xã hội thị chính”.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 591.

(6), (7), (8), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.345, 622-643, 632, 713-746, 715, 734, 735, 736, 757, 761, 769, 767-768.

 

(9), (10), (11), (12), (13), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 63, 90, 103-104, 240, 252-253, 258.

TS Nguyễn Văn Quyết

ThS Lê Minh Phương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền