Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ph.Ăngghen với việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học
Thứ hai, 15 Tháng 3 2021 14:27
35189 Lượt xem

Ph.Ăngghen với việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học

(LLCT) - Nói đến học thuyết Mác, một học thuyết khoa học và cách mạng, là ngọn cờ tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công để thiết lập một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, không thể không ghi công của Ph.Ăngghen, một người đồng chí cùng tư tưởng, người bạn thân thiết của C.Mác. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã tham gia sáng lập chủ nghĩa Mác và có những đóng góp đặc biệt xuất sắc về chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó có có những quan điểm đúng đắn về giai cấp công nhân, về chính đảng vô sản, về con đường, biện pháp để xây dựng chủ nghĩa cộng sản... đã và đang được các chính đảng cách mạng nghiên cứu và vận dụng để hiện thực hóa.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, chủ nghĩa xã hội khoa học.

Nửa đầu thế kỷ XIX, trong đời sống của nhân loại đã xuất hiện một học thuyết khoa học và cách mạng, đó là chủ nghĩa Mác. Với ba bộ phận cơ bản cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa Mác nhanh chóng được truyền bá vào phong trào công nhân, trở thành ngọn cờ tư tưởng trong cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt chống giai cấp tư sản nhằm xác lập một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Mặc dù hết sức khiêm nhường song Ph.Ăngghen đã để lại dấu ấn không thể thay thế, là người đồng sáng lập ra chủ nghĩa Mác.

Đánh giá về vai trò của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, Ph.Ăngghen là bó đuốc sáng ngời trong những trí tuệ anh minh, là một trái tim vĩ đại trong những trái tim nhân loại: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Phri-đrích-Ăngghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”(1).

Với chủ nghĩa xã hội khoa học, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc, có thể khái quát ở các nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, góp phần xây dựng một thế giới quan khoa học mới, đưa lý luận về chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học

Có thể nói, chủ nghĩa xã hội khoa học không thể có cơ sở vững chắc nếu không dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư cùng những thành tựu khoa học của nhân loại. Tham gia vào quá trình đó, ngoài các công trình khoa học viết chung với C.Mác, như: Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản... Ph.Ăngghen đã có nhiều tác phẩm viết riêng nhưng đồng tư tưởng với C.Mác, như: Biện chứng của tự nhiên, Chống Đuyrinh, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước... Trong các tác phẩm của mình, Ph.Ăngghen đã trình bày một cách sáng rõ những quan điểm khoa học mới về các quy luật của đời sống xã hội.

Trong Chống Đuyrinh, ông cho rằng: “Như chúng ta đã thấy, sở dĩ những nhà không tưởng là những người không tưởng bởi vì họ không thể là gì khác ở một thời kỳ mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa còn rất ít phát triển. Sở dĩ họ bắt buộc phải cấu tạo từ đầu óc ra những nhân tố của một xã hội mới, chính là vì trong bản thân xã hội cũ những nhân tố ấy còn chưa xuất hiện một cách rõ ràng đối với mọi người; khi đặt những nền móng cho tòa nhà mới của họ, họ đã phải tự giới hạn trong việc kêu gọi đến lý trí, chính là vì họ còn chưa có thể kêu gọi đến lịch sử đương thời được”(2). Luận điểm trên đây của Ph.Ăngghen cho thấy: Một là, ông rất thông cảm với những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng - phê phán bởi thời đại của họ, sự phát của xã hội chưa đạt đến mức độ chín muồi để cung cấp những chất liệu cần thiết cho tư duy; Hai là, Ph.Ăngghen đã khẳng định dứt khoát lập trường duy vật của mình, rằng, suy cho cùng, đời sống xã hội là cơ sở cho sự hình thành, biến đổi của đời sống tư tưởng.

Ngoài vấn đề trên, lập trường duy vật biện chứng về lịch sử còn được Ph.Ăngghen thể hiện nhất quán trong nhiều tác phẩm. Chung quy, các quan niệm ấy đều thống nhất rằng, chủ thể của lịch sử là những con người hiện thực và quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử và suy cho cùng, sản xuất vật chất là nền tảng, quyết định sự tồn tại phát triển của lịch sử.

Từ nhận thức trên, Ph.Ăngghen đã có một niềm tin khoa học chắc chắn rằng, sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản là tất yếu. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản (...) Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(3).

Thứ hai, Ph.Ăngghen tham gia phát kiến sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, một phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác

Bằng sự nghiên cứu lý luận và thực tiễn hết sức công phu, toàn diện, Ph.Ăngghen đã từng bước phát hiện ra một sự thật vĩ đại, rằng giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp đau khổ trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mà còn là giai cấp có sứ mệnh đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của mình, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó ngày càng chín muồi để vào năm 1845, cùng với C.Mác trong tác phẩm Gia đình thần thánh, trên cơ sở thế giới quan khoa học mới, ba phát hiện đặc biệt quan trọng được trình bày. Theo đó, lịch sử loài người không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên hay bị quyết định bởi đời sống tư tưởng hay của những cá nhân kiệt xuất nào đó. Ngược lại, chính sản xuất vật chất là nhân tố quyết định nhất cho sự tồn tại, biến đổi của lịch sử. Rằng, không phải các vĩ nhân quyết định lịch sử mà quần chúng nhân dân là lực lượng vĩ đại nhất sáng tạo ra lịch sử và giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử dẫn dắt nhân loại trong cuộc đấu tranh nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Sứ mệnh lịch sử đó của giai cấp công nhân không phải là một mong muốn có tính chủ quan, không phải là một sự áp đặt từ bên ngoài mà bị quy định bởi địa vị lịch sử của nó. Địa vị đó, được trình bày một cách cô đọng, sáng rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, chính sự phát triển của sản xuất vật chất đã làm cho lịch sử loài người vận động, phát triển qua các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Cũng vì lý do đó mà chủ nghĩa tư bản từng bước ra đời và trở thành phương thức sản xuất thống trị sau thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản. Nhờ “thường xuyên cách mạng hóa công cụ sản xuất và mở rộng thị trường” nên giai cấp tư sản đã làm tăng một cách nhanh chóng lực lượng sản xuất. Đó là vũ khí để giai cấp tư sản chiến thắng giai cấp địa chủ phong kiến và trở thành giai cấp thống trị xã hội.

Trong quá trình phát triển đại công nghiệp, giai cấp công nhân đã từng bước lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(4). Có thể nói, đó là sự tìm tòi, bổ sung cơ sở thực tiễn cho nhận định của Ph.Ăngghen những năm trước đó: “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”(5).

Đánh giá về cống hiến to lớn đó, V.I.Lênin cho rằng: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(6).

Để giai cấp công nhân có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình, Ph.Ăngghen còn đặc biệt quan tâm nghiên cứu về chính đảng cách mạng và đã có nhiều đóng góp cho việc hình thành các tổ chức công nhân, nhất là tham gia sáng lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) và Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II).

Phân tích sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trên lập trường duy vật triệt để, Ph.Ăngghen cho rằng, sở dĩ chủ nghĩa tư bản có thể chiến thắng chế độ phong kiến bởi suy cho cùng, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra được một lực lượng sản xuất hiện đại, có tính xã hội hóa ngày càng cao độ cùng với việc thường xuyên mở rộng thị trường trao đổi hàng hóa. Với chủ nghĩa cộng sản cũng vậy, để chiến thắng chủ nghĩa tư bản, việc làm trên càng phải được đẩy mạnh. Tuy nhiên, để thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải được giác ngộ, được tổ chức thông qua đội tiền phong là chính đảng cách mạng: “cũng như sinh ra những con người... mà chỉ có họ mới đủ sức mạnh và ý chí để xây dựng xã hội mới, tốt đẹp hơn”(7).

Thứ ba, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đưa ra phác thảo cơ bản về chủ nghĩa cộng sản và con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản

Trong khoa học, vấn đề dự báo có vai trò đặc biệt quan trọng. Để tránh thái độ chủ quan, tư biện mà chính Ph.Ăngghen đã nhiều lần phê phán, thái độ của những người sáng lập chủ nghĩa Mác rất khoa học, đặc biệt thận trọng. Vì lẽ đó, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã dày công suy nghĩ để trả lời câu hỏi, xã hội nào có thể thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa và nếu đó là chủ nghĩa cộng sản thì đặc trưng chủ yếu của nó là gì và con đường, biện pháp cơ bản nào để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.

Bằng việc tổng kết kinh nghiệm lịch sử, nghiên cứu lý luận và đặc biệt là hòa mình vào hoạt động thực tiễn, mặc dù khó khăn, phức tạp song những vấn đề trên đã được phác thảo. Theo đó, chủ nghĩa cộng sản gồm hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn thấp, đó là chủ nghĩa xã hội và giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản. Để hoàn thành sự nghiệp của mình, giai cấp vô sản phải tự tổ chức mình thành giai cấp “...giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc...”(8) và dùng chính quyền cách mạng để tổ chức xây dựng xã hội mới.

Xã hội cộng sản theo phác thảo sẽ là một xã hội không chỉ lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng đến mức đủ khả năng thỏa mãn các nhu cầu của con người, “của cải tuôn ra dào dạt”; có quan hệ sản xuất tốt đẹp, ở đó tư liệu sản xuất không còn là phương thức để giai cấp này tước đoạt lao động và áp bức, nô dịch các giai cấp khác và con người được phát triển tự do, toàn diện. Đến lúc đó, “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(9).

Để chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trở thành hiện thực, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen luôn trăn trở việc tìm ra con đường, biện pháp để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.

Vấn đề đặt ra đầu tiên là, phương pháp nào để giành chính quyền, nhằm thực hiện mục tiêu là “giành lấy dân chủ”, “trở thành dân tộc” và “sau khi chiếm lấy” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) hay sau Công xã Pari được bổ sung thành “phá hủy”, “đập tan” bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản thì bộ máy nhà nước của xã hội mới như thế nào, xây dựng bằng cách gì, vận hành theo những nguyên tắc nào?...

Trả lời các vấn đề trên, trong nhiều tác phẩm viết chung với C.Mác và những nghiên cứu độc lập, tư tưởng của Ph.Ăngghen từng bước được hoàn chỉnh. Theo đó, có nhiều phương thức giành chính quyền song phổ biến là phương thức bạo lực. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “...Trong khi phác ra những nét lớn của các giai đoạn phát triển của giai cấp vô sản, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến ít nhiều mang tính chất ngấm ngầm trong xã hội hiện nay cho đến khi cuộc nội chiến ấy nổ bung ra thành cách mạng công khai, mà giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản”(10). Theo Ph.Ăngghen, ngoài tác dụng phá hủy, bạo lực cũng có tác dụng khác: “Bạo lực còn đóng một vai trò khác trong lịch sử, vai trò cách mạng; nói theo Mác, bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đương thai nghén một xã hội mới; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”(11).

Về vấn đề sau khi đập tan nhà nước cũ, thì mô hình nhà nước nào sẽ thay thế. Đây quả thật là vấn đề hóc búa. Như V.I.Lênin nhận định trong Nhà nước và cách mạng, vấn đề trên mới chỉ được đặt ra một cách trừu tượng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và phải đợi sau khi tổng kết kinh nghiệm Công xã Pari mới có câu trả lời thỏa đáng.

Nghiên cứu về vấn đề nhà nước, trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen đã có công chỉ ra cái cơ sở làm hình thành nhà nước và bản chất của nhà nước. Theo đó, sản xuất vật chất được xem là nền tảng quyết định sự hình thành, biến đổi của lịch sử. Quá trình sản xuất vật chất được thúc đẩy đã làm xuất hiện chế độ tư hữu và đó là nguyên nhân cho sự ra đời của nhà nước. Về bản chất, nhà nước là cơ quan thống trị giai cấp, mang bản chất của giai cấp nắm địa vị kinh tế thống trị xã hội. Theo nghĩa như vậy, khi giai cấp và đối kháng giai cấp không còn, xã hội “sẽ xuất hiện một liên hiệp mà ở đó, tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Nhà nước tự tiêu vong.

Ngoài các vấn đề trên, Ph.Ăngghen còn dày công nghiên cứu để làm rõ con đường, biện pháp thực hiện cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Trong các quan điểm đó, vấn đề phát triển “rút ngắn” là một đặc sắc. Sau này, chính V.I.Lênin đã tiếp tục phát triển và hình thành lý luận khoa học về “quá độ gián tiếp” lên chủ nghĩa cộng sản. Theo ông, với các nước tiền tư bản “không những có thể mà còn chắc chắn... rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa và có thể tránh được phần lớn những khổ đau và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu... phải trải qua”(12).

Thứ tư, Ph.Ăngghen, mẫu mực của tình bạn vĩ đại, thủy chung, một nhân cách cao thượng, đẹp đẽ

Trong hành trình của những người cộng sản, sự vĩ đại của những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ trí tuệ uyên bác, lòng nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, tình cảm nồng nàn với những người cần lao mà Ph.Ăngghen là một trong số đó. Ngoài ra, với C.Mác, Ph.Ăngghen còn là mẫu mực của một tình bạn vĩ đại, thủy chung.

Là trí tuệ uyên bác bởi Ph.Ăngghen không chỉ thông thạo hàng chục ngoại ngữ, am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, kể cả khoa học tự nhiên, khoa học quân sự mà còn có một tư duy sắc sảo, một tầm nhìn xa về các vấn đề của xã hội. Trí tuệ ấy được thôi thúc bởi một lòng nhiệt tình cách mạng hiếm có, một tình cảm cách mạng cháy bỏng và đặc biệt là tình cảm nồng nàn với những người lao động cần lao. Chỉ điều đó thôi đã đủ để lịch sử tạc ông thành một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn hiện đại - chủ nghĩa nhân văn tận hiến vì hạnh phúc con người.

Với nhân cách cao thượng, Ph.Ăngghen không chỉ cảm hóa những người lao động cần lao mà còn khiến kẻ thù phải nể phục. Nhân cách đó thể hiện một cách sinh động qua tình bạn vĩ đại, thủy chung với C.Mác và đồng chí của mình. Bằng chứng sinh động nhất đó là, không chỉ Ph.Ăngghen chấp nhận làm thư ký cho hãng buôn để kiếm tiền giúp đỡ C.Mác và gia đình, dành cho các con của C.Mác một khoản tài sản thừa kế lớn mà cao cả hơn là, ông đã đồng hành tư tưởng cùng với C.Mác, đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Khi C.Mác qua đời, ông đã dành hết tâm sức để hoàn thành công trình để đời của C.Mác, biên tập, hiệu chỉnh tập 2 và tập 3 của bộ Tư bản. Vì lẽ đó, khi đánh giá về ông, V.I.Lênin cho rằng: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phri-đrích Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”(13).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.110.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.368-369.

(3), (4), (8), (9), (10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.613, 610, 624, 628, 611- 612.

(5), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.393, 259.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.1.

(7), (12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.659, 632.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.3.

PGS, TS Hồ Trọng Hoài

TS Đới Văn Tặng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền