Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Ph.Ăngghen về vai trò của sở hữu tư nhân qua tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”
Thứ năm, 15 Tháng 4 2021 15:50
4935 Lượt xem

Tư tưởng Ph.Ăngghen về vai trò của sở hữu tư nhân qua tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”

(LLCT) - Trong lịch sử xã hội loài người, sở hữu tư nhân và phái sinh của nó là chế độ sở hữu tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội. Bài viết luận giải, làm rõ tư tưởng của Ph.Ăngghen về vai trò sở hữu tư nhân trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” bao gồm: vai trò quyết định sự phát triển của xã hội trong những giai đoạn lịch sử; làm thay đổi cơ cấu xã hội - giai cấp, tác động trong hình thành các hình thái nhà nước; làm thay đổi các hình thái gia đình trong xã hội.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, sở hữu tư nhân, chế độ tư hữu.

Là một trong những tác phẩm quan trọng trình bày quan niệm duy vật về lịch sử, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” của Ph.Ăngghen, đã luận giải trên cơ sở khoa học sự ra đời và phát triển của các thiết chế trong xã hội có giai cấp, từ thiết chế gia đình qua các giai đoạn của lịch sử, sự thay đổi từ sở hữu tư nhân đến các chế độ tư hữu, và kéo theo đó là sự thay đổi của các thiết chế nhà nước và thượng tầng kiến trúc của xã hội. Hơn nữa, cùng với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tác phẩm đã làm rõ, chính sự thay thế lẫn nhau của các chế độ sở hữu là nguyên nhân cơ bản cho sự tiêu vong của chính chế độ này, và kéo theo nó là sự tiêu vong của giai cấp, của nhà nước - với tư cách là một bộ máy cai trị, áp bức giai cấp. Sự ra đời và phát triển của sở hữu tư nhân (trên cả hai tư cách: sở hữu cá nhân và chế độ sở hữu tư nhân) có vai trò quan trọng làm thay đổi kết cấu đa dạng của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử, qua đó làm xã hội loài người vận động và phát triển. Những vai trò chủ yếu là:

1. Sở hữu tư nhân và các chế độ tư hữu trong lịch sử là tất yếu khách quan, quyết định sự phát triển của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định

Nhấn mạnh lại quan niệm duy vật về lịch sử, trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen khẳng định, nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội quy đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp (bao gồm: các tư liệu sinh hoạt cho con người và chính bản thân con người với nghĩa là sự truyền nòi giống)(1). Lược khảo và luận giải lại những quan điểm của Moócgan khi phân chia sự phát triển của xã hội loài người thành ba thời kỳ (mông muội, dã man và văn minh) dựa vào việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, Ph.Ăngghen cũng cho rằng, sự phát triển xã hội loài người qua các giai đoạn, tuy có nhiều đặc trưng khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều xuất phát và được quy định từ sản xuất. Nếu như ở giai đoạn đầu của xã hội loài người (giai đoạn mông muội), khi con người còn chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, khai thác các sản vật từ tự nhiên để sinh tồn, thì sở hữu tư nhân chưa xuất hiện và do vậy, hoàn toàn không có sự chiếm hữu và quan hệ áp bức, bóc lột. Sự chiếm hữu ở giai đoạn này, nếu có thể được gọi, là sự chiếm hữu của con người đối với các sản vật của tự nhiên và việc chế tạo các công cụ tạo thuận lợi cho sự chiếm hữu đó(2).

Theo Ph.Ăngghen, quá trình sản xuất nói trên cùng sự phát triển của công cụ lao động đã làm gia tăng năng suất lao động của xã hội, và cùng với đó thì, “tư hữu và trao đổi, những chênh lệch về của cải, khả năng sử dụng sức lao động của người khác…” đã dần làm thay đổi cấu trúc của xã hội. Trong sản xuất, từ chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác các sản vật của tự nhiên, con người đã thuần hóa nhiều loài vật và chăn nuôi chúng để lấy sản phẩm; nông nghiệp đã hình thành và ngày càng trở thành “một ngành sản xuất chủ yếu”(3) của thế giới. Và từ đây, sở hữu tư nhân đã hình thành. Nhờ những sự thay đổi trong nền sản xuất, lượng sản phẩm với nhiều chủng loại đã tăng lên và trong xã hội đã có sự trao đổi mang tính chất hàng hóa và ngày càng thường xuyên hơn. Chính sở hữu tư nhân là nguyên nhân tạo ra sự trao đổi trong nền sản xuất xã hội. Theo Ph.Ăngghen, ở thời kỳ lịch sử bắt đầu thành văn, đất đai được phân chia và chuyển thành sở hữu tư nhân, qua đó dần thích hợp hình thành nền sản xuất hàng hóa và mua bán, trao đổi tương ứng với nền sản xuất ấy(4). Sự mua bán, trao đổi đó, lúc đầu, “được tiến hành giữa các bộ lạc thông qua những tù trưởng thị tộc của mỗi bên; nhưng khi những đàn gia súc bắt đầu chuyển thành sở hữu riêng (sở hữu tư nhân), thì sự trao đổi giữa cá nhân với nhau ngày càng chiếm ưu thế và cuối cùng trở thành hình thức trao đổi duy nhất”(5). Tiền tệ cũng trở thành nhu cầu cấp thiết cần phải có trong xã hội(6).

Cùng với các giá trị của sự phát triển công nghiệp và sự gia tăng các ngành nghề đã dẫn tới nhu cầu về lao động ngày càng tăng. Chính sở hữu tư nhân và qua các cuộc chiến tranh giành quyền trong sản xuất cũng như khẳng định quyền sở hữu đã dẫn tới xã hội hình thành những giai cấp đối nghịch nhau về lợi ích và quyền lợi. Chế độ nô lệ với chủ nô và nô lệ là hình thức đầu tiên của xã hội có giai cấp: những kẻ bóc lột - chủ nô; những người bị bóc lột, thậm chí còn không được coi là con người - những nô lệ(7). Từ sở hữu tư nhân đến chế độ sở hữu nô lệ đã nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ. Việc giải quyết mâu thuẫn này trong xã hội đã hình thành một quan hệ sở hữu mới - sở hữu phong kiến, với sở hữu đất đai là chủ yếu. Xét về giá trị lịch sử thì, sự ra đời của chế độ sở hữu phong kiến đã giải phóng người nô lệ từ không là gì cả trở thành các thần dân, những nông dân làm thuê cho các lãnh chúa, địa chủ phong kiến. Từ đây, chính chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất là cơ sở tạo ra sự áp bức, bóc lột về địa tô giữa giai cấp địa chủ, phong kiến đối với giai cấp nông dân. Xã hội tư bản với giai cấp tư sản ra đời đã làm thay đổi địa vị của người nông dân, từ thần dân trở thành công dân tự do với các quyền được quy định trong luật, tuy nhiên, trên thực tế, những quyền này mang tính hình thức là chủ yếu. Thông qua các cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi, xã hội tư bản và giai cấp tư sản, “trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(8). Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử(9). Tuy nhiên, xã hội tư bản, do bản chất của nó, đã “không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”(10).

Thống nhất với C.Mác, trong Tác phẩm, Ph.Ăngghen cũng cho rằng, sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải của xã hội; đồng thời qua đó, quyết định cả 3 khía cạnh, nội dung cơ bản của quan hệ sản xuất. Chính sở hữu tư nhân, khi với tư cách là chế độ sở hữu, điều kiện của nền sản xuất xã hội, luôn mang tính lịch sử, khách quan sẽ quy định ai, chủ thể nào trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, là người đóng vai trò quyết định trong tổ chức sản xuất, trong phân phối sản phẩm từ quá trình sản xuất của xã hội. Với sự hình thành và vận động của sở hữu tư nhân thì, “phúc lợi và sự phát triển của những người này được thực hiện bằng sự đau khổ và bị áp chế của những người khác”(11).

Tính lịch sử trên được quyết định do sự thay đổi và phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội dẫn tới yêu cầu cần xác lập một chế độ sở hữu cho phù hợp. Sự vận động, phát triển của quan hệ sở hữu về nguyên tắc là một quá trình lịch sử tự nhiên. Một hình thái xã hội với một hình thức sở hữu tương ứng chỉ mất đi và một hình thái xã hội với một hình thức sở hữu mới chỉ ra đời trong những điều kiện khách quan, không lệ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Xã hội chiếm hữu nô lệ với chế độ sở hữu tư nhân về nô lệ, xã hội phong kiến với chế độ sở hữu tư nhân chủ yếu về ruộng đất và xã hội tư bản với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là kết quả phát triển khách quan trong sự phát triển của xã hội loài người. Chính những nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ, ruộng đất trong chế độ phong kiến và tư bản (biểu hiện dưới nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là tiền tệ) trong xã hội tư bản là tư liệu sản xuất, nguồn lực sản xuất chủ yếu, quyết định quá trình sản xuất của xã hội và qua đó quyết định sự thay đổi và phát triển của xã hội loài người.

2. Sở hữu tư nhân và sự vận động của nó làm thay đổi cơ cấu xã hội - giai cấp và có tác động trong hình thành các hình thái nhà nước

Từ những cứ liệu lịch sử và trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã chứng minh rõ nguồn gốc, bản chất, quy luật hình thành và phát triển của nhà nước như một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Theo ông, chính quá trình phát triển của lực lượng sản xuất với sự phân công lao động xã hội(12) và sự phát triển không ngừng của công cụ(13) và tư liệu sản xuất là nguyên nhân căn bản làm xuất hiện sở hữu tư nhân và ngày càng hình thành và xuất hiện các hình thức sở hữu tư nhân khác nhau.

Chính sở hữu tư nhân với các biểu hiện đa dạng của nó tiếp tục lại là nhân tố quyết định việc phân chia xã hội thành những giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội khác nhau. Và, nhà nước ra đời là sản phẩm của xã hội đã phân chia giai cấp, là kết quả của mâu thuẫn giữa các giai cấp không thể điều hòa được, là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Ph.Ăngghen viết: “…, sự phân công xã hội lớn đầu tiên, do tăng năng suất lao động, tức là tăng của cải và do mở rộng lĩnh vực hoạt động sản xuất, nhất định phải đưa đến chế độ nô lệ. Từ sự phân công xã hội lớn lần đầu tiên, đã nảy sinh ra sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”(14). Chính “Sự phân biệt giữa kẻ giàu và người nghèo đã xuất hiện bên cạnh sự phân biệt giữa người tự do và người nô lệ: cùng với sự phân công mới là sự phân chia mới xã hội thành các giai cấp”(15).

Sự khác biệt trong mối quan hệ sở hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội đã tạo ra sự khác biệt khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Giai cấp, tầng lớp nào nắm giữ các tư liệu sản xuất chủ yếu trên có quyền quyết định trong toàn bộ quá trình sản xuất và thụ hưởng sản phẩm từ quá trình đó. Điều này đã tạo ra sự bất công trong xã hội, nảy sinh tình trạng áp bức, bóc lột và đối kháng giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Và, nhà nước ra đời với bản chất là bộ máy, tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. Nó chính là công cụ chuyên chính của một giai cấp, và trong điều kiện chế độ tư hữu, nhà nước biến thành kẻ áp bức và bóc lột đối với bộ phận đa số không có tư liệu sản xuất của xã hội. Sự ra đời của nhà nước, ban đầu, với mục tiêu là hạn chế những khác biệt trong xã hội, thủ tiêu áp bức, bóc lột, nhưng trên thực tế, nó ngày càng trở thành công cụ bảo vệ cho sự khác biệt đó, bảo vệ sự thống trị của giai cấp có của; nó không những không thủ tiêu bóc lột mà còn biến bóc lột thành một chế độ một cách hợp pháp(16). Ph.Ăngghen viết: “…nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp; vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức”(17). Do vậy, nhà nước, khi còn chế độ tư hữu, là nhà nước của giai cấp “hữu sản”, dùng để bảo vệ quyền tài sản, bảo vệ giai cấp mà nó đại diện; đồng thời, áp bức, bóc lột giai cấp, tầng lớp không có của(18).

Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen cũng luận giải rõ, sự thay đổi của các chế độ tư hữu khác nhau đã dẫn đến sự ra đời của các nhà nước khác nhau. Ví như, nhà nước thời cổ là nhà nước của bọn chủ nô dùng để đàn áp nô lệ; tiếp đó là nhà nước phong kiến là cơ quan của bọn quý tộc dùng để đàn áp nông nô và những nông dân bị phụ thuộc, còn nhà nước đại nghị hiện đại là công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê(19). Tuy nhiên, chính từ sự vận động của lịch sử thì, nhà nước, cũng như các giai cấp, sẽ dần tiêu vong khi, sở hữu tư nhân, với tư cách là một chế độ được xóa bỏ, và sở hữu xã hội, công cộng được hình thành. Ông viết: “Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu. Bây giờ,… đến gần một giai đoạn phát triển sản xuất, trong đó sự tồn tại của những giai cấp nói trên không những không còn là một sự tất yếu nữa, mà còn trở thành một trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Những giai cấp đó sẽ không tránh khỏi biến mất, cũng như xưa kia, chúng đã không tránh khỏi xuất hiện. Giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong theo. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào…viện bảo tàng…”(20). 

3. Sở hữu tư nhân và sự vận động của nó làm thay đổi của các hình thái gia đình trong xã hội

Trong tác phẩm, qua sự phân tích sự hình thành sở hữu tư nhân và các chế độ sở hữu tư nhân trong lịch sử, kéo theo đó là sự xuất hiện giai cấp, nhà nước với sự áp bức giai cấp, Ph.Ăngghen cũng luận giải sự tác động của sở hữu tư nhân đối với việc hình thành các hình thái gia đình trong lịch sử. Theo ông, ở những giai đoạn đầu của xã hội loài người, khi con người còn lệ thuộc vào tự nhiên, khai thác tự nhiên làm nguồn sống chủ yếu thì gia đình mẫu hệ với chế độ quần hôn là hình thái phù hợp nhất. Chế độ quần hôn không thể xác định được người cha, nhưng luôn xác định được người mẹ, và vì vậy, “chỉ có nữ hệ là được thừa nhận”(21). Do vậy, trong gia đình, nguồn gốc của người con luôn từ người mẹ và thuộc về người mẹ, người đàn ông không có quyền gì trong gia đình, nhất là với tư cách người cha(22). Quan hệ sở hữu và thừa kế giai đoạn này luôn gắn với chế độ mẫu hệ, và chỉ được thừa nhận trong nữ hệ.

Lực lượng sản xuất phát triển với việc luôn cải tiến công cụ lao động, chuyển từ khai thác tự nhiên, tự phát sang khai thác có chủ đích. Quá trình phân công lao động và vị thế giữa đàn ông và đàn bà đã có sự thay đổi. Việc sở hữu các công cụ lao động và sản phẩm thu được trong quá trình khai thác tự nhiên, trong các lĩnh vực sản xuất khác đã làm giảm vị thế của người phụ nữ và gia tăng vai trò của người đàn ông trong xã hội. Điều này tất yếu cần phải thay đổi trật tự, vị thế của các thành viên, của nam giới và nữ giới trong gia đình. Ph.Ăngghen viết: “Vậy là của cải mà dần dần tăng thêm thì, một mặt, trong gia đình của cải đó mang lại cho người chồng có một địa vị quan trọng hơn người vợ và, mặt khác, của cải đó khiến cho người chồng có xu hướng lợi dụng địa vị vững vàng hơn ấy để đảo ngược trật tự kế thừa cổ truyền đặng có lợi cho con cái mình. Nhưng chừng nào mà dòng dõi tính theo mẫu quyền vẫn còn thịnh hành thì điều đó vẫn không thể thực hiện được. Vì vậy, trước hết cần phải xóa bỏ chế độ tính dòng dõi theo mẫu quyền đi đã, và chế độ đó đã bị xóa bỏ. Lúc đó, việc này hoàn toàn không khó khăn như ngày nay ta vẫn tưởng. Vì cuộc cách mạng đó - một trong những cuộc cách mạng triệt để nhất mà nhân loại đã trải qua - đã không cần dùng đến một thành viên còn sống nào của thị tộc cả”(23).

Như vậy, sở hữu tư nhân với tư cách là sự chiếm hữu cá nhân các nguồn lực sản xuất của xã hội và sản phẩm từ các nguồn lực đó trong sản xuất xã hội đã kéo theo sự thay đổi các hình thức gia đình, là nguyên nhân làm thay đổi chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ và chế độ một vợ, một chồng (tuy rằng chủ yếu chỉ đúng với phụ nữ). Sự xóa bỏ chế độ mẫu quyền trong lịch sử chính là “thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới nữ. Ngay cả ở trong nhà, người đàn ông cũng nắm lấy quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị hạ cấp, bị nô dịch, bị biến thành nô lệ…, thành một công cụ sinh đẻ đơn thuần”(24). Quyền chuyên chế của đàn ông trong gia đình đã hình thành mô hình các gia đình gia trưởng(25), cơ sở ban đầu của chế độ chuyên chế.

Từ những luận giải về vai trò của sở hữu tư nhân trong phát triển xã hội, trong sự ra đời và thay đổi của các hình thức nhà nước cũng như sự thay đổi kết cấu và hình thức gia đình trong lịch sử cho thấy, sự ra đời và phát triển sở hữu tư nhân (với các giai đoạn, hình thức biểu hiện khác nhau) là một quá trình lịch sử tự nhiên, gắn liền và được quy định bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong từng giai đoạn nhất định. Do vậy, trong điều kiện ở Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN, thì việc chấp nhận sở hữu tư nhân ở những mức độ nhất định (số lượng, quy mô, tính chất…) vẫn là cần thiết, bảo đảm phát huy được tính tích cực và sự chủ động sáng tạo của thành phần kinh tế này. Tuy nhiên, cần nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước XHCN không chỉ đối với thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân, mà còn với cả các thành phần kinh tế hỗn hợp và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1), (2), (4), (6), (7), (13), (16), (18), (19), (22), (25) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.44, 53-54, 165-166, 238, 240, 239, 251-255, 256, 255, 72-73, 93-94 . 

(3), (5), (11), (14), (15), (17), (20), (21), (23), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.221, 238, 105, 240, 243, 255, 257-258, 73, 91-92, 93.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.603.

(9), (10) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.599, 597.

 

(12) Trong tác phẩm, Ph.Ăngghen đã luận giải 3 lần phân công lao động xã hội trong thời cổ đại. Lần phân công lao động thứ nhất là chăn nuôi tách ra khỏi trồng trọt trở thành các ngành kinh tế độc lập, và ngay từ lần phân công này đã tạo điều kiện cho sở hữu tư nhân phát triển lên một nấc thang cao hơn; Lần phân công lao động thứ hai là thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, qua đó tạo thành đối tượng sở hữu và chủ thể sở hữu mới có tính độc lập riêng, mang tính xã hội hóa cao hơn; Lần phân công lao động thứ ba đó là quá trình tách lưu thông trao đổi hàng hóa ra khỏi quá trình sản xuất, qua đó hình thành tầng lớp thương nhân, chủ thể sở hữu giá trị sản phẩm của hàng hóa - yếu tố quyết định quá trình sản xuất của xã hội - và do vậy, tầng lớp, giai cấp này, có khả năng bóc lột các giai tầng, bộ phận khác của xã hội.

TS Nguyễn Dương Hùng

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền