Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Quan điểm của chủ nghĩa Mác về tác động của đại công nghiệp tới quan hệ quốc tế
Thứ ba, 18 Tháng 5 2021 16:02
5264 Lượt xem

Quan điểm của chủ nghĩa Mác về tác động của đại công nghiệp tới quan hệ quốc tế

(LLCT) - Nền sản xuất đại công nghiệp bắt đầu ở nước Anh từ nửa sau thế kỷ XVIII đã mở ra trang sử mới của nhân loại. Đó là động lực chính thúc đẩy quá trình quốc tế hóa, tạo ra sự gắn kết, phụ thuộc và xung đột giữa các quốc gia dân tộc. Đồng thời, đại công nghiệp giúp cho giai cấp tư sản lớn mạnh, mở rộng địa bàn hoạt động ra phạm vi toàn cầu và giai cấp vô sản (giai cấp công nhân) bước lên vũ đài chính trị quốc tế. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm của Chủ nghĩa Mác về tác động của đại công nghiệp tới quan hệ quốc tế.

Từ khóa: chủ nghĩa Mác, đại công nghiệp, quan hệ quốc tế.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác về tác động của sản xuất đại công nghiệp tới quan hệ quốc tế phản ánh tập trung qua các tác phẩm: Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Hệ tư tưởng Đức, Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và bộ Tư bản.

1. Đại công nghiệp tạo ra sự gắn kết, phụ thuộc và xung đột giữa các quốc gia, dân tộc

C.Mác và Ph.Ăngghen là những người phát hiện ra quy luật vận động của xã hội loài người, đưa ra quan điểm duy vật lịch sử, trong đó chỉ ra vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đến sự phát triển của xã hội. Hai ông cho rằng, sản xuất vật chất khiến cho con người tách khỏi giới tự nhiên, đồng thời là cơ sở của mối quan hệ giữa con người với nhau, ở mức độ cao hơn là mối quan hệ quốc gia, quốc tế. Nói cách khác, mối quan hệ quốc tế hay quốc gia, dân tộc được xây dựng dựa trên cơ sở của lực lượng sản xuất: “Những quan hệ qua lại giữa các dân tộc khác nhau đều phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi dân tộc đó về mặt lực lượng sản xuất, sự phân công lao động và sự giao tiếp

nội bộ”(1).

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, cuộc cách mạng công nghiệp (diễn ra trước tiên ở Anh vào nửa cuối thế kỷ XVIII, sau đó lan rộng sang các quốc gia, khu vực khác) có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, tạo điều kiện cho các nước tham gia vào nền văn minh chung của nhân loại. Sản xuất đại công nghiệp xóa bỏ tình trạng khép kín giữa các quốc gia, làm cho lịch sử nhân loại từ phân tán, mang tính chất dân tộc, địa phương trở thành lịch sử toàn thế giới. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1846), C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “... sự biệt lập ban đầu giữa các dân tộc riêng biệt càng bị phá hủy bởi phương thức sản xuất đã được cải tiến, bởi sự giao tiếp và bởi sự phân công lao động do đó mà hình thành ra một cách tự nhiên giữa các dân tộc khác nhau thì lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới”(2). Trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847), Ph.Ăngghen viết: “Nền đại công nghiệp đã gắn liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, đã thống nhất tất cả các thị trường địa phương nhỏ bé thành một thị trường toàn thế giới, đã chuẩn bị cơ sở, ở khắp nơi, cho văn minh và tiến bộ, đã làm cho tất cả những cái gì xảy ra trong các nước văn minh đều có ảnh hưởng đến tất cả các nước khác”(3). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) khẳng định: “Đại công nghiệp do đã tạo nên thị trường thế giới nên đã nối liền tất cả các dân tộc trên trái đất lại với nhau, nhất là các dân tộc văn minh, khiến cho mỗi một dân tộc đều phụ thuộc vào tình hình xảy ra ở dân tộc khác”(4).

Mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc được thiết lập, trước hết theo xu hướng: các nước có nền công nghiệp phát triển xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia kém phát triển; ngược lại, các quốc gia kém phát triển trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu thô cho các nước phát triển. Từ đó, các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, các nước công nghiệp phát triển hơn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ở thuộc địa, các nước kém phát triển phụ thuộc vào vốn, kỹ thuật của các nước công nghiệp phát triển hơn.

Khi lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ cao (CNTB), thị trường thế giới được hình thành thì quan hệ giữa các dân tộc trở nên phụ thuộc lẫn nhau, “mỗi dân tộc phải phụ thuộc vào những cuộc đảo lộn xảy ra trong các dân tộc khác”(5). Kinh tế của các quốc gia phụ thuộc nhau về nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. “Những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong xứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa”(6). Sự phụ thuộc đó khiến cho nhiều sự kiện diễn ra ở một quốc gia này nhưng có tác động đến một quốc gia khác, thậm chí ở khoảng cách rất xa xôi. Điều đó được thông qua một loạt các ví dụ như: việc sáng chế ra một chiếc máy ở Anh đã cướp mất cơm ăn của vô số người lao động ở Ấn Độ và Trung Quốc, việc Napôlêông phong tỏa lục địa đã thúc đẩy người Đức nổi dậy chống lại Napôlêông(7).

Lực lượng sản xuất phát triển thúc đẩy sự phân công lao động thế giới. Trong Bản thảo kinh tế năm 1857-1858, C.Mác đã đề cập tới phạm trù phân công quốc tế, trao đổi quốc tế, xuất nhập khẩu; nghiên cứu về hối đoái, khủng hoảng và thị trường thế giới. Khi viết bộ Tư bản, C.Mác đã phản ánh rõ điều này. Quan hệ quốc tế được C.Mác đề cập là hệ thống trao đổi và sản xuất toàn cầu được hình thành thông qua hoạt động kinh tế thị trường như phân công quốc tế, trao đổi thị trường quốc tế. Nó tạo nền tảng vật chất của quan hệ xã hội quốc tế không dựa vào một cá nhân, một quốc gia nào. Quan hệ sản xuất quốc tế không chỉ tạo nên tính tổng thể hữu cơ của kinh tế thế giới, khiến sự phát triển của một quốc gia không thể tách biệt khỏi nền kinh tế toàn cầu, mà còn hình thành nên quy tắc, tập quán quốc tế và cơ chế vận hành thị trường tương ứng. Vì vậy, đó cũng là quan hệ xã hội quốc tế được xây dựng trên cơ sở sản xuất và trao đổi quốc tế(8).

Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chứng minh rằng, nhờ sự phát triển của lực lượng sản xuất, với động lực chính là cách mạng công nghiệp, quan hệ quốc tế phát triển, mở rộng trong hình thái TBCN. Phương thức sản xuất TBCN là nhân tố thúc đẩy quốc tế hóa, toàn cầu hóa, từ đó thúc đẩy lịch sử thế giới, làm cho toàn cầu hóa trở thành xu hướng khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Tiến bộ của phương thức sản xuất và cách mạng kỹ thuật đã thúc đẩy xã hội quốc tế phát triển. Sức sản xuất là nhân tố sống động nhất của xã hội loài người, quan hệ quốc tế bắt nguồn chủ yếu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, của đại công nghiệp.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất tại nhiều quốc gia dẫn đến nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nên sự cạnh tranh giữa các nước, làm xuất hiện hai xu thế trái ngược là bảo hộ thương mại và tự do thương mại. Ngay từ thời kỳ công trường thủ công thế kỷ XVI-XVIII, nhiều quốc gia bắt đầu cạnh tranh thương mại, thậm chí gây chiến tranh để giành giật thị trường. Những quốc gia có thuộc địa đã dựng lên hàng rào thuế quan để độc chiếm thị trường thuộc địa của mình. Và “thuộc địa bắt đầu trở thành những khách hàng tiêu thụ lớn; qua những cuộc chiến đấu lâu dài, các nước chia nhau thị trường thế giới đã được mở ra”(9). Việc tranh giành ảnh hưởng, tìm kiếm tài nguyên, thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiến tranh xâm lược ngày một quyết liệt của các nước. “Việc chinh phục những đất đai mới phát hiện đã cung cấp thêm cho cuộc đấu tranh thương nghiệp giữa các dân tộc với nhau một chất nuôi dưỡng mới và do đó cuộc đấu tranh ấy có quy mô lớn hơn và có tính chất quyết liệt hơn”(10). Như vậy, mục tiêu kinh tế lại tác động, ảnh hưởng đến các mối quan hệ chính trị, quân sự giữa các nước.

Mặt khác, quá trình xâm nhập, mở rộng ảnh hưởng kinh tế công nghiệp, thương nghiệp, giai cấp tư sản trên thế giới đã góp phần làm thức tỉnh ý thức của các dân tộc. “Và quả thật, cùng với sự phát triển của thương nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, và đồng thời của sự hùng mạnh xã hội của giai cấp tư sản, đâu đâu tình cảm dân tộc cũng bắt đầu dâng cao, các dân tộc bị chia cắt và bị áp bức đòi thống nhất và tự chủ”(11).

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp và sự ra đời của thị trường thế giới khiến cho các quốc gia gắn bó với nhau, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả văn hóa. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(12). Như vậy, quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen là phương thức sản xuất vật chất mở rộng ảnh hưởng đến đâu thì sẽ tác động đến đời sống văn hóa tinh thần tới đó.

2. Đại công nghiệp thúc đẩy giai cấp tư sản lớn mạnh, hoạt động trên phạm vi thế giới

Sự phát triển của công nghiệp giúp giai cấp tư sản xác lập địa vị thống trị, làm biến đổi cơ cấu xã hội. Cách mạng công nghiệp làm tăng thêm nhiều của cải và thế lực cho giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản đánh đổ sự thống trị của tầng lớp quý tộc, phong kiến, vươn lên đứng đầu trong xã hội tư bản trên cả phương diện kinh tế và chính trị. Trên phương diện kinh tế, giai cấp tư sản nắm giữ tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội. Trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen viết: “Hiện nay, trong tất cả các nước văn minh, hầu như họ là những người độc chiếm mọi tư liệu sinh hoạt và cả nguyên liệu, công cụ (máy móc, công xưởng, v.v.) cần thiết để sản xuất ra những tư liệu đó. Đó là giai cấp những người tư sản hay giai cấp tư sản”(13).“Ở tất cả những nơi mà đại công nghiệp đã thay thế cho công trường thủ công thì cách mạng công nghiệp làm tăng thêm rất nhiều của cải và thế lực của giai cấp tư sản, làm cho nó trở thành giai cấp thứ nhất trong nước(14).

Trên phương diện chính trị, trong xã hội TBCN, giai cấp tư sản là người thống trị nhà nước. Nhờ sự phát triển của công nghiệp, giai cấp tư sản xác lập địa vị thống trị, làm biến đổi cơ cấu xã hội và hoàn thiện nhà nước tư sản. Ở tất cả những nơi đã xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp, giai cấp tư sản đều nắm chính quyền trong tay và gạt bỏ được những tầng lớp trước đó vẫn giữ quyền thống trị. “Từ khi việc quản lý nhà nước và việc lập pháp chuyển sang giai cấp tư sản kiểm soát thì tầng lớp quan liêu không còn là một lực lượng độc lập nữa”(15). Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: “Thực ra thì phải hiểu như thế này: người tư sản trả nhiều tiền cho nhà nước của chúng và bắt cả nước phải trả tiền cho nhà nước để chúng có thể trả ít mà không nguy hiểm”(16). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhấn mạnh: “Đại công nghiệp hiện đại thay cho công trường thủ công; tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng nhường chỗ cho các nhà công nghiệp triệu phú, cho những kẻ cầm đầu cả hàng loạt đạo quân công nghiệp, những tên tư sản hiện đại”(17). “Giai cấp tư sản, từ khi đại công nghiệp và thị trường thế giới được thiết lập, đã độc chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị trong nhà nước đại nghị hiện đại. Chính quyền nhà nước hiện đại chỉ là một ủy ban quản lý những công việc chung của toàn thể giai cấp tư sản”(18). Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: Nhà nước tư sản mang bản chất của giai cấp tư sản, giai cấp tư sản đã sử dụng nhà nước là công cụ để thống trị các giai cấp còn lại.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, trong xã hội tư bản, giai cấp tư sản ở tầng trên và chi phối đời sống kinh tế - chính trị, các giai cấp khác (công nhân, nông dân, tiểu tư sản) ở tầng dưới. Các quốc gia tư bản bị thống trị bởi giai cấp tư sản nên lợi ích của giai cấp tư sản trở thành lợi ích quốc gia. Vì thế, chính sách đối ngoại của quốc gia thường được đề ra nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp tư sản. Đồng thời, các lợi ích này còn định hướng và dẫn dắt các hoạt động đối ngoại của quốc gia nhằm thỏa mãn lợi ích của giai cấp thống trị. Như vậy, vấn đề giai cấp và dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong phương thức sản xuất TBCN, giai cấp tư sản nắm lấy ngọn cờ dân tộc, nhưng dân tộc luôn chứa đựng trong nó tính giai cấp, phản ánh tính chất của giai cấp tư sản. Tình trạng dân tộc này xâm chiếm, thống trị dân tộc khác thực chất là tư tưởng và hành động của giai cấp tư sản. Do sự thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi toàn thế giới nên quan hệ quốc tế cũng do giai cấp tư sản chi phối. Qua đó cho thấy lợi ích giai cấp đóng vai trò quyết định hành vi của quốc gia.

C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, sự thắng thế của giai cấp tư sản trên toàn thế giới dẫn đến sự mở rộng quan hệ quốc tế, giúp hình thành thị trường và tạo ra các liên kết kinh tế, chính trị xuyên quốc gia giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản và giữa giai cấp tư sản với nhau trên phạm vi thế giới. “Nhà tư sản đại biểu cho nền thương mại thế giới, cho việc trao đổi sản phẩm trực tiếp giữa mọi miền trên trái đất, cho việc buôn tiền, cho nền công nghiệp công xưởng lớn mà cơ sở là lao động bằng máy móc, đại biểu cho những ngành kinh tế đòi hỏi địa bàn hết sức rộng, số tư bản thật lớn và vòng chu chuyển thật nhanh và đẻ ra tình trạng cạnh tranh phổ biến và mãnh liệt...”(19). “Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”(20). Trong bộ Tư bản, C.Mác cũng khẳng định: “Nhà tư bản công nghiệp bao giờ cũng nghĩ đến thị trường thế giới; hắn so sánh và thường xuyên phải so sánh chi phí sản xuất của hắn với giá cả thị trường không những của nước hắn mà còn so với giá cả thế giới nữa”(21).

Sở dĩ giai cấp tư sản trở thành chủ thể quan hệ quốc tế vì họ lật đổ được chế độ phong kiến, lật đổ sự thống trị của tầng lớp quý tộc với những quan hệ chật hẹp mang tính địa phương bằng sức mạnh kinh tế của mình. Hoạt động có tính chất quốc tế của giai cấp tư sản diễn ra sau các phát kiến địa lý lớn cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Việc tìm ra châu Mỹ và con đường biển vòng qua châu Phi đã đem lại địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Từ đó, giai cấp tư sản mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Mỹ và châu Á. Giai cấp tư sản có vai trò rất to lớn trong quá trình hình thành thị trường thế giới. “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”(22).

Cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là sự phát triển của phương tiện giao thông tạo điều kiện cho giai cấp tư sản mở rộng địa bàn hoạt động của mình ra khắp thế giới. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản viết: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản”(23).

3. Giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị thế giới, trở thành một chủ thể quốc tế quan trọng

Giai cấp vô sản là “con đẻ” của nền đại công nghiệp. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, giai cấp công nhân ra đời, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, trở thành một lực lượng xã hội ổn định và độc lập. Giai cấp công nhân phát triển song hành cùng với giai cấp tư sản. Cách mạng công nghiệp thúc đẩy giai cấp vô sản phát triển theo cùng một tốc độ với giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản càng giàu bao nhiêu thì giai cấp vô sản càng trở nên đông đúc bấy nhiêu(24). Đồng thời, cách mạng công nghiệp tập trung tư sản và vô sản vào các thành thị lớn, điều đó làm cho vô sản nhận thức được sức mạnh của mình.

C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ làm rõ quá trình ra đời, phát triển của giai cấp vô sản mà còn khẳng định đây là một giai cấp hùng hậu trong xã hội, có tính quốc tế, có sứ mệnh lịch sử thế giới - giải phóng giai cấp vô sản, nhân dân lao động khỏi mọi áp bức bóc lột bằng con đường lật đổ CNTB, xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa, lấy công hữu về tư liệu sản xuất làm nền tảng. Sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản tạo ra mâu thuẫn trong đời sống quốc tế, trong đó mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với tư sản. Đó cũng chính là cơ sở để giai cấp vô sản bước lên vũ đài quốc tế.

Trong tác phẩm Ngày hội của các dân tộc ở Luân Đôn, Ph.Ăngghen viết: “... giai cấp vô sản tất cả các nước đều cùng chung một lợi ích, cùng chung một kẻ thù và cùng đứng trước một cuộc đấu tranh; tất cả những người vô sản vốn dĩ sinh ra đã không mang thiên kiến dân tộc và toàn bộ sự phát triển về tinh thần và hoạt động của họ về thực chất đã mang tính chất nhân đạo và chống lại chủ nghĩa dân tộc. Chỉ có người vô sản mới có khả năng xóa bỏ sự cách biệt giữa các dân tộc, chỉ có giai cấp vô sản giác ngộ mới xây dựng được tình anh em giữa các dân tộc khác nhau”(25). Giai cấp vô sản thắng lợi sẽ khắc phục được những xung đột của các dân tộc, đồng thời còn là dấu hiệu giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tại cuộc mít tinh quốc tế ở Luân Đôn ngày 29-11-1847, nhân dịp kỷ niệm 17 năm cuộc khởi nghĩa Ba Lan, Ph.Ăngghen khẳng định: “Bởi lẽ tình cảnh công nhân tất cả các nước giống nhau, bởi lẽ lợi ích của họ thống nhất, những kẻ thù của họ cùng là một, cho nên họ cần hiệp lực đấu tranh chung”(26).

Giai cấp vô sản vươn lên trở thành chủ thể quốc tế trong cuộc đấu tranh với giai cấp tư sản, nền sản xuất đại công nghiệp và thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp mình. Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen viết: “Đại công nghiệp đã san bằng sự phát triển xã hội ở trong tất cả các nước văn minh, khiến cho ở khắp nơi, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã trở thành hai giai cấp có tác dụng quyết định trong xã hội và cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đó đã trở thành cuộc đấu tranh chủ yếu của thời đại chúng ta [...]. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác trên thế giới, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn và thúc đẩy cực kỳ nhanh chóng tiến trình phát triển trước kia của các nước đó. Nó là một cuộc cách mạng có tính chất toàn thế giới và vì vậy nó sẽ có một vũ đài toàn thế giới”(27). Cũng chính vì vậy, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”(28).

Vai trò quốc tế của giai cấp vô sản gắn với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân được C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định là một tất yếu khách quan. Giai cấp công nhân ra đời từ nền sản xuất đại công nghiệp mang tính chất xã hội hóa cao nên gắn bó với nhau trong phương thức sản xuất TBCN. Điều đó là tất yếu bởi trong cuộc đấu tranh của mình, giai cấp công nhân có chung một kẻ thù là giai cấp tư sản. Họ phải đấu tranh chống lại giai cấp tư sản có liên minh quốc tế chặt chẽ trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, để đánh bại kẻ thù chung, giai cấp công nhân không thể không liên kết với nhau để hành động. Vì thế, “giai cấp vô sản chỉ có thể tồn tại trên quy mô của lịch sử thế giới, cũng như chủ nghĩa cộng sản, tức hoạt động của giai cấp vô sản, hoàn toàn chỉ có thể tồn tại được với tư cách là một tồn tại “có tính lịch sử thế giới”(29). Trên thực tiễn, tính chất quốc tế của giai cấp công nhân được phản ánh rõ qua Hội Liên hiệp công nhân quốc tế - Quốc tế I (1864-1876), Quốc tế Xã hội chủ nghĩa - Quốc tế II (1889-1914), Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III (1919-1943), v.v..

Theo chủ nghĩa Mác, giai cấp tư sản và vô sản trở thành chủ thể trong quan hệ quốc tế, còn lại các giai cấp khác không thể trở thành chủ thể quốc tế.

Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp, hay sản xuất đại công nghiệp là nguồn gốc, động lực mở rộng các quan hệ quốc tế, dẫn đến quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, làm xuất hiện các vấn đề quốc tế mới như cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, chiến tranh xâm lược thuộc địa... Đồng thời, nền đại công nghiệp cũng tạo ra giai cấp tư sản và vô sản là hai giai cấp cơ bản trong xã hội, là những chủ thể quốc tế chính. Những quan điểm đó được chứng minh, luận giải bằng thực tiễn lịch sử, trở thành “công cụ” nhận thức về bản chất nhiều mối quan hệ quốc tế lúc bấy giờ cũng như trong giai đoạn hiện nay.         

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021

(1), (2), (6), (8), (10, (11), (16), (29) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.30, 66, 50, 66, 84, 82, 277, 51.

(3), (4), (5), (7), (13), (14), (15), (17), (18), (19), (20), (22), (23), (24), (26), (27), (28) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.462-463, 472, 602, 601, 459, 463, 84-85, 598, 599, 71, 601, 601, 602, 464, 529, 472, 646.

(9) Ngô Gia Dung: Quan niện của C.Mác và Ph.Ăngghen về thời đại và quan hệ quốc tế, Thông tin những vấn đề lý luận, số 16, tháng 8-2009, tr.6.

(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.592.

(21) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.513.

(25) C.Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.792-793.

 

TS Nguyễn Văn Chuyên

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền