Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế
Chủ nhật, 06 Tháng 6 2021 15:44
2498 Lượt xem

Xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế

(LLCT) -  Trước xu thế toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước ngày càng hội nhập toàn diện và sâu rộng, toàn Đảng, toàn dân nỗ lực hướng tới hiện thực hóa khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Yêu cầu đặt ra cho ngành ngoại giao là có những bước chuyển mạnh mẽ theo hướng xây dựng một nền ngoại giao hiện đại, phục vụ hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước. Bài viết nêu những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để ngành ngoại giao phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới. 

Từ khóa: ngoại giao kinh tế, ngoại giao Việt Nam, phát triển kinh tế, người dân, địa phương, doanh nghiệp.

1. Chủ trương, quan điểm

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý tới công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Ngay trong Lời kêu gọi Liên Hợp quốc (1946), Người đã nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình...sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế...chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc...”(1). Quán triệt tư tưởng của Người, ngoại giao kinh tế đã sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng qua từng thời kỳ và dần trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, toàn diện (chính trị, kinh tế, văn hóa).

Vào đầu thập niên 70 thế kỷ XX, khi đất nước vẫn còn chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã sớm đặt ra yêu cầu cho ngành ngoại giao nghiên cứu các xu thế, mô hình phát triển kinh tế trên thế giới và chuẩn bị sẵn sàng thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước sau chiến tranh. Trên cơ sở chủ trương đó, năm 1972, Bộ Ngoại giao đã thành lập Tổ Kinh tế, thuộc Văn phòng Bộ và đến ngày 27-2-1974, Vụ Kinh tế được thành lập(2). Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao kinh tế tập trung vào nhiệm vụ vận động, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của các nước XHCN và bạn bè quốc tế để khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước, vượt qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế - xã hội và sự bao vây cấm vận.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh các nước XHCN khủng hoảng và sụp đổ, nhất là từ năm 1990, ngoại giao kinh tế có những bước phát triển quan trọng, phát huy vai trò tiên phong và đóng góp tích cực vào sự thành công của quá trình đổi mới, phá thế bao vây cô lập, khai thông quan hệ giữa nước ta với các đối tác lớn, các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại và tài chính tiền tệ khu vực, quốc tế, qua đó phục vụ đắc lực tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước. Ngày 10-2-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2003/NĐ-CP, quy định rõ về nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế đất nước của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2007, với việc ban hành Chỉ thị số 01/2007/CT-NG và được chọn là “Năm Ngoại giao kinh tế”, trụ cột kinh tế đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Tiếp sau đó, Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15-4-2010 của Ban Bí thư về “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 2014 và 2017 về công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và nhiệm vụ của ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó tạo cơ sở, định hướng để triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách chủ động, toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn. 

Với chủ trương và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, ngoại giao kinh tế đã không ngừng được đổi mới cả về tư duy nhận thức, quan điểm, chính sách và chỉ đạo thực tiễn. Ngoại giao trước hết là lực lượng chủ công trong việc kiến tạo và củng cố môi trường bên ngoài hòa bình, thuận lợi cho hợp tác phát triển của đất nước, tạo dựng và củng cố các mối quan hệ chính trị-đối ngoại rộng mở, tốt đẹp, trở thành nhân tố nền tảng cho đất nước phát triển. Ngoại giao kinh tế không những thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, tư vấn và đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế cho Đảng và Nhà nước, đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế với bên ngoài, mà còn tích cực, trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ kinh tế đối ngoại then chốt là khai mở thị trường cho hàng hóa trong nước, tìm kiếm đối tác, thu hút đầu tư, viện trợ nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường lao động, thu hút khách du lịch quốc tế... Qua đó có đóng góp to lớn vào sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam.

Đất nước bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI trong bối cảnh có nhiều chuyển biến sâu sắc của môi trường trong nước, quốc tế. Đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới, tác động mạnh mẽ tới việc tái định hình các xu hướng và mô hình kinh tế; cạnh tranh thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ ngày càng gay gắt, dòng chảy đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, làm trầm trọng thêm những vấn đề an ninh và cạnh tranh địa chính trị ở khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đã có quan hệ chính trị - ngoại giao rộng mở và tốt đẹp với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó đã xác lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cùng với đó, việc tham gia hàng loạt các FTA thế hệ cũ và mới thời gian qua đã đưa đất nước hội nhập, gắn kết rất sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Sau 35 năm đổi mới với những thành tựu lịch sử và cả những hạn chế và bài học kinh nghiệm giá trị, đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới có tính then chốt hướng tới những mục tiêu và khát vọng đã được xác định để sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên những nấc thang phát triển cao hơn vào năm 2030 và 2045 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Môi trường quốc tế, thế và lực của quốc gia, nền tảng đối ngoại, hội nhập cũng như mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước có cả những động lực và thuận lợi lớn, nhưng thách thức cũng rất lớn, đặt ra yêu cầu chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn và quyết tâm cải cách mạnh mẽ, tìm kiếm những động lực phát triển mới, đồng thời phải biết tận dụng, khai thác hiệu quả những tiền đề và môi trường đối ngoại, hội nhập đã mở ra để thúc đẩy đất nước tiếp tục phát triển bứt phá và bền vững. Trong đó, ngoại giao kinh tế cần phải nâng tầm, đi tiên phong, đổi mới không ngừng và nâng cao hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần đó, Đại hội XIII đã nêu ra phương châm đối ngoại trong thời kỳ mới là: “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”(3).Quan điểm ngoại giao phục vụ phát triển đã được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần đề cập. Với chủ trương và quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành ngoại giao phải nỗ lực, không ngừng đổi mới tư duy và cách tiếp cận, quyết liệt hành động, xây dựng một nền ngoại giao năng động, hiện đại, đặt nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế ở vị trí trung tâm, từ đó gắn với phục vụ nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới(4).

2. Phương hướng, nhiệm vụ

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang chuyển biến phức tạp, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, để đóng góp hiệu quả cho nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, ngoại giao kinh tế cần tập trung vào những phương hướng trọng tâm sau đây:

Một là, gắn kết chặt chẽ ba trụ cột là chính trị, kinh tế và văn hóa trong chiến lược ngoại giao tổng thể để tối đa hóa lợi ích của đất nước. Trước bối cảnh môi trường quốc tế biến chuyển khó lường, đối ngoại phải có khả năng thích ứng năng động trước sự biến động của quan hệ quốc tế, sự điều chỉnh chính sách của các đối tác để có thể bảo vệ và thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất lợi ích quốc gia dân tộc trong môi trường quan hệ quốc tế hiện đại. Ngoại giao phải gắn kết đất nước trong dòng chảy thời đại, trong xu thế vận động của thế giới, hòa vào dòng chảy của ngoại giao quốc tế, định vị đất nước trong thế giới hiện đại trên cơ sở thế và lực đất nước, vị thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Hai là, thống nhất tư tưởng và hành động, xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn hiện nay, từ đó lấy hiệu quả ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở lợi thế quan hệ chính trị-ngoại giao rộng mở, tốt đẹp đã được thiết lập với các nước trên thế giới, ngoại giao cần tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế để đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo sự đan xen lợi ích ngày càng sâu rộng, chặt chẽ, chuyển hóa quan hệ chính trị tốt đẹp thành các lợi ích kinh tế thiết thực, các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Ba là, tập trung thực hiện tốt, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới, với những thị trường rộng lớn, đối tác quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP... Việc phát huy hiệu quả các FTA đòi hỏi ngoại giao kinh tế vừa phải tiên phong trong vai trò mở đường, làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá cơ hội hợp tác với Việt Nam, tích cực vận động thu hút viện trợ, đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, vừa phải hỗ trợ trực tiếp, đắc lực các doanh nghiệp và người dân nắm vững luật chơi, tìm hiểu thị trường, xúc tiến kinh tế đối ngoại và hội nhập, tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp trong hợp tác.

Bốn là, cùng với việc làm tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh truyền thống của mình là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, quốc gia trong quan hệ quốc tế, nền ngoại giao hiện đại cần đổi mới mạnh mẽ nhận thức về đối tượng phục vụ, theo đó đặt người dân, địa phương và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng là đối tượng phục vụ chính của ngành. Qua đó, cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ(5). 

Năm là, xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại vì lợi ích quốc gia dân tộc, phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng phải là một nền ngoại giao mang bản sắc độc đáo Việt Nam. Đó là một nền ngoại giao kết hợp hài hòa những giá trị bản sắc truyền thống với những bản sắc mới của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa cái chung và cái riêng; giữa dân tộc với quốc tế; giữa bảo đảm lợi ích quốc gia với tôn trọng lợi ích của bạn bè và đối tác, với việc thực hiện ngày càng chủ động, hiệu quả trách nhiệm, nghĩa vụ của một thành viên trong cộng đồng quốc tế. 

Sáu là, trong bối cảnh của kỷ nguyên số, đất nước hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ngành ngoại giao cần cập nhật, thích ứng nhanh với xu thế của ngoại giao thế giới theo hướng “ngoại giao thời đại 4.0”, “ngoại giao số”, “ngoại giao công nghệ”. Theo đó, cần đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương thức triển khai, tổ chức bộ máy, nguồn lực và nhất là đội ngũ cán bộ làm ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Trên cơ sở những định hướng lớn nêu trên, xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, thích ứng với thời đại và phục vụ hiệu quả sự phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới cần bám sát các nhiệm vụ lớn sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, bám sát tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, các đối tác, đánh giá, dự báo các mô hình, xu thế kinh tế quốc tế, để kịp thời nắm bắt, thông tin, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển, chính sách kinh tế vĩ mô và điều hành kinh tế, xã hội, ứng phó với những biến động quốc tế.

Thứ hai, tham gia trực tiếp vào việc khai mở thị trường, lĩnh vực và địa bàn, đối tác hợp tác mới, chủ động tham gia định hình thể chế, luật chơi, đàm phán và ký kết các thỏa thuận, hiệp định hợp tác song và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác; vận động viện trợ, đầu tư, tuyên truyền, thông tin, quảng bá đất nước; theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc triển khai các cam kết quốc tế về kinh tế giữa Việt Nam với thế giới.

Thứ ba, tiếp tục chủ động đồng hành, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương và người dân trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Ngành ngoại giao làm tốt vai trò cầu nối trong tìm hiểu, cung cấp thông tin về tập quán, pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh, đối tác làm ăn, xúc tiến đầu tư, kết nối các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước và đáp ứng những yêu cầu cụ thể của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, bảo hộ lợi ích và tham gia tháo gỡ khó khăn trong hợp tác, xử lý các vướng mắc, tranh chấp của họ trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Thứ tư, làm tốt hơn nữa công tác kết nối, gắn kết, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, vận động kiều bào hướng về Tổ quốc, tạo thuận lợi và huy động ngày càng tốt hơn tiềm lực chất xám, tài chính, tiềm lực khoa học công nghệ, tài sản, kinh nghiệm quản lý của cộng đồng và doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài đóng góp cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của đất nước nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

3. Định hướng giải pháp

Một là, ngành ngoại giao cần xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể và chi tiết về triển khai ngoại giao kinh tế. Kế hoạch đó mang tính vĩ mô, với tầm nhìn, định hướng và mục tiêu hành động rõ ràng trong trung và dài hạn trên cơ sở bám sát chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045, với nội hàm, lộ trình, lĩnh vực và địa bàn triển khai cụ thể. Kế hoạch tổng thể và chi tiết cũng cần xác định rõ nguồn lực, phương thức triển khai, tổ chức và con người. Kế hoạch đó cần mang tính thiết thực, linh hoạt, có tính khả thi, phù hợp với thế và lực, điều kiện thực tế của đất nước.

Hai là, đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa trong nước và ngoài nước, giữa các bộ, ngành, địa phương. Các đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại, đại diện các cơ quan truyền thông Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường phối hợp và xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động, hợp tác chặt chẽ, đồng bộ trong việc tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau cũng như với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan đến kinh tế đối ngoại, tạo sự kết nối liên thông trong thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao kinh tế. Sự kết nối, phối hợp, hợp tác liên bộ giữa các bộ, ban, ngành liên quan chặt chẽ đến đối ngoại và kinh tế đối ngoại như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là quan trọng trong việc triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế.

Hội nghị Ngoại giao hàng năm nên có sự tham gia thảo luận của đại diện các bộ ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế đối ngoại. Cần có hội nghị về ngoại giao kinh tế với sự tham dự của các bộ, ban, ngành liên quan đến kinh tế đối ngoại nhằm tăng cường sự phối hợp thực hiện hiệu quả ngoại giao kinh tế.

Ba là, ngành ngoại giao, mà trước hết là các trang thông tin điện tử của Bộ và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại cho đối tượng gồm cả người dân và doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước, lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành liên quan đến kinh tế đối ngoại. Thông tin kinh tế đối ngoại cần được cập nhật kịp thời, đa dạng cả về nội dung và hình thức. Nội dung thông tin trước hết là các hiệp định hợp tác kinh tế mà Việt Nam đã ký kết, môi trường, cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh doanh của đất nước, chính sách, luật pháp về đầu tư kinh doanh trong nước, tình hình và chính sách kinh tế của các đối tác, nhất là các đối tác lớn, quan trọng của ta, nhu cầu, thế mạnh của từng đối tác, cũng như các bài nghiên cứu về những vấn đề mới nổi bật về kinh tế đối ngoại và hội nhập.

Bốn là, dựa trên nhu cầu cụ thể, thiết thực của ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngành Ngoại giao, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động cung cấp thông tin, đồng hành hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thu hút đầu tư, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở hơn 90 quốc gia cần tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn hợp tác, đối thoại, xúc tiến thương mại, đầu tư định kỳ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để quảng bá môi trường, cơ hội hợp tác, kết nối, tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tháo gỡ vướng mắc, chắp nối hợp tác, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động kinh tế đối ngoại giữa doanh nghiệp và địa phương Việt Nam với các nước.

Năm là, trong thời đại số, ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng cần đổi mới kịp thời theo hướng số hóa dịch vụ công, công khai minh bạch, tinh gọn, tiện lợi đối với cả người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bộ Ngoại giao cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng ngoại giao số gắn với ngoại giao công chúng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện, áp dụng chính phủ điện tử trong ngành ngoại giao nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền đối ngoại và phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Sáu là, chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Cán bộ làm ngoại giao cần có bản lĩnh vững vàng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, ngoại ngữ, có kiến thức kinh tế, có kỹ năng và tri thức về công nghệ số, ngoại giao số, nhạy bén thích ứng với tình hình, thực sự nhiệt huyết vì đất nước, tận tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các đại sứ, nhà ngoại giao cần giỏi cả hai vai, vừa là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, vừa phải thực sự như là các sứ giả kinh tế, đại sứ công nghệ, là học giả, là doanh nhân, là người xúc tiến đầu tư, người tiếp thị, bán hàng, người tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của đất nước ở nước ngoài, là người kết nối, đoàn kết tập hợp cộng đồng người Việt ở nước ngoài, là cầu nối vận động và thu hút nhân tài cho đất nước, nhất là đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Bảy là, với chủ trương xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá thành tích, hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế cũng như đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với cán bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao nên nghiên cứu bình xét và trao giải thưởng hàng năm về thành tích thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế. Giải thưởng này dành cho các cá nhân là cán bộ ngoại giao hoặc các tập thể là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế. Những thành tích nổi bật có thể là những sáng kiến, ý tưởng đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc thúc đẩy kinh tế đối ngoại của đất nước, hay là những đóng góp trực tiếp, cụ thể trong thu hút đầu tư, vận động viện trợ, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường hàng hóa và lao động, kết nối hợp tác trong và ngoài nước... Đặc biệt, cần tôn vinh, khích lệ những vị đại sứ hay sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực vận động thành công những nhà đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài lớn về cho đất nước, hay có công tìm kiếm, mở ra một thị trường mới cho những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội, việc làm, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.520.

(2) Nguyễn Văn Lịch, Phùng Huy Hoàng: Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 27-4-2020.

 (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.284.

(4), (5) Đức Tuân, Quang Hiếu: Chính phủ sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới chưa có tiền lệ, http://baochinhphu.vn, ngày 15-8-2018.

PGS, TS PHAN VĂN RÂN

TS NGÔ CHÍ NGUYỆN

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền