Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Thứ hai, 14 Tháng 6 2021 11:11
10571 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực bao gồm các quan điểm nhằm bảo đảm quyền làm chủ của người dân, nâng cao tính trách nhiệm của Đảng, của chính quyền trước nhân dân, đồng thời khắc phục sự tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực của cán bộ và cơ quan nhà nước. Đây là tiêu điểm của quá trình mở rộng và phát huy quyền dân chủ của người dân ở nước ta hiện nay.

1. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là vấn đề được Người đặc biệt quan tâm ngay sau khi giành được chính quyền, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan điểm của Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực, bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ được hiểu là mọi quyền lực của nhà nước đều là của dân, xuất phát từ nhân dân. Quyền lực mà nhà nước có được là do nhân dân giao phó, ủy thác. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(1). Vì vậy, Chính phủ phải làm việc vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi. “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(2). Cơ sở để kiểm soát quyền lực, theo Hồ Chí Minh, đó là luật pháp. Luật pháp phải thể hiện ý chí của dân mới trở thành công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Người viết: “Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”(3).

Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, kiểm soát để khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực. Người chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(4). Hồ Chí Minh coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước và khuyến khích nhân dân thực hiện công việc này. Người viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”(5).

Thứ hai, kiểm soát quyền lực để khắc phục sự tha hóa quyền lực, trừng trị và xử lý nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của cán bộ và cơ quan nhà nước. Là người đứng đầu nhà nước lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh sớm thấy được hậu quả của tình trạng lạm quyền cũng như tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, Người thấy rõ nguy cơ của quyền lực làm tha hóa những kẻ nắm quyền. Người từng nhiều lần phê phán rất nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của một số cán bộ, đảng viên và chỉ ra những căn bệnh hay lỗi lầm của Chính phủ, của những “ông quan” này là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, công thần, quan liêu, biến quyền lực của dân thành quyền lực của một số ít người.

Để khắc phục tình trạng trên, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực. Công tác kiểm tra được Người ví như “ngọn đèn pha” vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Hồ Chí Minh cho rằng phải kiên quyết trừng trị những kẻ lạm dụng quyền lực, lợi dụng quyền lực nhân dân trao cho rồi cậy quyền, cậy thế ức hiếp dân chúng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.

Thứ ba, kiểm soát quyền lực để nâng cao tính trách nhiệm của Đảng, của chính quyền trước nhân dân, làm cho các chủ trương, chính sách được ban hành và thực thi một cách hiệu quả nhất.

Về hình thức kiểm tra, giám sát cán bộ và cơ quan nhà nước, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều hình thức khác nhau như: khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.. Trong các hình thức đó, Hồ Chí Minh vẫn đề cao sự kiểm soát của nhân dân và cho rằng nhân dân chính là chủ thể kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất. Người viết: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(6). Như vậy, giám sát, phê bình Chính phủ là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của nhân dân, để cho Chính phủ ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho chủ thể quyền lực.

Bên cạnh việc đề cao sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Khi bàn về sự giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm nội các. Theo Hồ Chí Minh, các thành viên Chính phủ phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Hồ Chí Minh đã trả lời giản dị nhưng cũng thật khúc chiết, chặt chẽ và thành tâm nhận lỗi trước các đại biểu Quốc hội về những sai lầm, khuyết điểm của các thành viên Chính phủ. Trong hoàn cảnh đất nước lúc đó phải đối phó với thù trong, giặc ngoài và sau đó là những năm tháng tập trung sức lực và trí tuệ của cả dân tộc cho công cuộc giành độc lập tự do cho Tổ quốc nên vấn đề giám sát của Quốc hội, đặc biệt là vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế từ chức của các thành viên Chính phủ chưa được thực hiện trên thực tế. Nhưng đó là những tư tưởng rất quan trọng, là cơ sở cho việc nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện lý luận và cơ chế giám sát của Quốc hội.

Để việc kiểm soát quyền lực được hiệu quả, Hồ Chí Minh đề cao những phương thức sau:

Một là, kết hợp cách kiểm tra từ dưới lên và kiểm tra từ trên xuống. Kiểm tra từ trên xuống là “người cán bộ kiểm soát những công việc của cán bộ mình”. Kiểm tra từ dưới lên là “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó”(7). Người phân tích sự cần thiết phải kết hợp cả hai phương pháp kiểm tra vì mỗi một cách kiểm tra đều có hạn chế. Trong đó, Người nhấn mạnh “không có dân chúng giúp sức thì không xong”(8).

Hai là, kiểm tra “không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”(9). Người ghét thói quan liêu, bàn giấy, hội họp nhiều. Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí cán bộ phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải xem xét người thật, việc thật. Từ đó mới có sự đánh giá đúng đắn, khách quan về cán bộ và công việc.

Ba là, kiểm soát phải có hệ thống, phải được tổ chức chu đáo “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”. Việc phái người đi kiểm soát phải được cân nhắc kỹ. Đặc biệt là phải quy trách nhiệm đối với cán bộ kiểm tra: “Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”. Việc quy trách nhiệm phải đi liền với xử lý vi phạm một cách nghiêm minh và khuyến khích biểu dương những đơn vị và cá nhân làm tốt.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát với tự kiểm tra, kiểm điểm của mỗi cá nhân. Đây là nội dung chính của sinh hoạt phê bình, tự phê bình và cũng là nội dung của việc kiểm soát quyền lực.

Bàn về vấn đề phê bình và tự phê bình, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của một đảng”, là “vũ khí cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa sai lầm và phát triển ưu điểm”. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”(10). Còn tự phê bình là động lực giúp cán bộ, đảng viên tự kiểm soát lấy mình, là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình, là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.

2. Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước, trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta luôn xác định kiểm soát quyền lực phải trở thành một trong những trọng tâm của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng ta khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(11). Cùng với sự phát triển tư duy lý luận trong thời kỳ lịch sử mới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn của quá trình 25 năm đổi mới, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(12). Đến Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”(13).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(14). Sự khẳng định trên đã thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng ta trước bối cảnh lịch sử mới, Đảng không chỉ khẳng định rõ ràng: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mà còn đưa một nội dung mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là: “Kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Nước ta đang trong quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước vừa là nội dung cơ bản, vừa cấp bách. Cơ bản vì đó là một trong những nội dung cốt lõi của nhà nước dân chủ, là tiêu chí của nhà nước pháp quyền, đồng thời là yếu tố cấu thành khách quan của hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Cấp bách vì việc lạm quyền, quan liêu, tham nhũng đang là vấn nạn, là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thực tiễn này đã và đang cho thấy sự yếu kém của cơ chế kiểm soát quyền lực nói riêng và vai trò của Nhà nước trong việc thực thi quyền lực Nhà nước nói chung. Để khắc phục những yếu kém, hạn chế trên cần quán triệt và vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trên những vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Vấn đề cơ bản hiện nay là xây dựng cơ chế vận hành quyền lực có cơ cấu hợp lý, trình tự chặt chẽ, chế ước hữu hiệu. Cần tăng cường giám sát quyền lực từ khâu hoạch định chính sách đến khâu thực thi chính sách. Trong việc giám sát quyền lực, trọng tâm là tăng cường giám sát đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; tăng cường giám sát và quản lý tài sản công; thực hiện đồng bộ hệ thống luật pháp liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hình sự, Luật Thanh tra, Luật kiểm toán..., đồng thời khắc phục những mâu thuẫn, sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, sự phân định phạm vi giữa quyền lực của Đảng và Nhà nước, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa Trung ương và địa phương có vai trò quan trọng. Sự phân định này đòi hỏi phải được thể chế hóa thành những quy định cụ thể, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự vận hành của quyền lực. Sự phân công giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền kiểm tra, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan Thanh tra Nhà nước liên quan chặt chẽ, gắn liền với việc phân công giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện các quyền của quyền lực nhà nước thống nhất. Do vậy, cần phải nghiên cứu sâu sắc về lý luận kiểm tra, thanh tra trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tổng kết thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước ta. Từ đó, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh phạm vi của giám sát, kiểm sát, thanh tra, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của cơ quan Thanh tra Nhà nước.

Có thể nói, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực chất là giải pháp có tính tổng thể nhằm xây dựng một thể chế có hiệu quả để thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ hai, đổi mới nhận thức về vấn đề kiểm soát quyền lực.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, lạm quyền, tham nhũng là hiện tượng phổ biến, là căn bệnh cố hữu trong tất cả các bộ máy nhà nước. Nếu không có các biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả, tất yếu sẽ dẫn đến việc quyền lực nhà nước bị lạm dụng. Trong các biện pháp để kiểm soát quyền lực thì dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực là thiết chế hiệu quả nhất vì đây là thiết chế chính thức, mang tính cưỡng chế.

Cần nhận thức rằng, việc kiểm soát quyền lực bằng sự kêu gọi đạo đức là cần, nhưng chưa đủ và nó thường chỉ có ý nghĩa về mặt dài hạn. Phải áp dụng các biện pháp kiểm soát bằng các thể chế quyền lực thì mới đủ sức hạn chế được sự tha hóa của quyền lực và hoạt động của Nhà nước mới có hiệu quả. Tuy nhiên, việc thiết lập các thể chế này như thế nào cho hiệu quả lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của quốc gia; phương thức tổ chức bộ máy nhà nước cũng như cơ chế vận hành cho việc kiểm soát quyền lực; quyết tâm chính trị của đảng cầm quyền, của các nhà lãnh đạo trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và mức độ nhiệt tình của người dân trong việc tham gia vào đời sống chính trị đất nước.

Thứ ba, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng bảo đảm và mở rộng các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.

Để dân chủ trở nên thực chất, trở thành hành động và thói quen của người dân, trước hết phải tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng thực hiện quyền làm chủ của mình. Dân chủ phải được triển khai, cụ thể hóa thành các thể chế, chứ không phải chỉ là những tuyên bố. Cụ thể, cần đa dạng hóa các hình thức thực hiện quyền làm chủ của dân, bảo đảm các quyền tự do bầu cử và ứng cử, cụ thể hóa các quyền bãi miễn của dân đối với cán bộ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được thông tin, thực hiện trưng cầu dân ý, thúc đẩy sự phát triển của truyền thông, thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình phản biện các quyết sách chính trị,... Khi dân chủ được phát huy mạnh mẽ sẽ là “liều thuốc kháng sinh” hiệu quả trong việc chữa trị tận gốc các căn bệnh của Nhà nước, làm cho “cơ thể” Nhà nước trở nên khỏe mạnh hơn.

Ở nước ta, việc đưa giám sát xã hội trở thành yếu tố chủ đạo, có thể sẽ bổ sung cho những thiếu sót và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các thiết chế giám sát mang tính quyền lực nhà nước. Dân chủ, với vai trò là phương thức kiểm soát quyền lực phải được thực hiện trên tinh thần xây dựng. Vì vậy, để dân chủ không bị lợi dụng vào những mục đích xấu, cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2021

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.263.

(2), (4), (6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.75, 636, 75, 328, 325, 637, 272.

(3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.259, 81.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.129.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.141-142.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.176.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.174-175.

PGS, TS Doãn Thị Chín

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền