Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đồng chí Hồ Tùng Mậu với công tác xây dựng Đảng
Chủ nhật, 20 Tháng 6 2021 16:30
1420 Lượt xem

Đồng chí Hồ Tùng Mậu với công tác xây dựng Đảng

(LLCT) - Đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 - 23/7/1951) là một trong những người cộng sản tiền bối, tiêu biểu của Đảng, nhà lãnh đạo tài năng, tận tụy, người học trò, cộng sự gần gũi, đắc lực và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức trong sáng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.Bài biết tập trung làm rõ những cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu với công tác xây dựng Đảng.

Ảnh: Đồng chí Hồ Tùng Mậu và Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Đồng chí Hồ Tùng Mậu vớicông tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ

- Tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng: Tâm Tâm xã, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, An Nam Cộng sản Đảng

  Đồng chí Hồ Tùng Mậu sớm thoát ly gia đình, sang nước ngoài để tham gia hoạt động cách mạng khi mới 24 tuổi. Năm 1923, HồTùng Mậu là một trong những thanh niên trí thức yêu nước tham gia sáng lập nhóm Tâm Tâm xã(sau đổi thành Tân Việt Thanh niên đoàn)(1), một tổ chức yêu nước của thanh niên trí thức tiến bộ, tiền thân của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tìm gặp nhóm Tâm Tâm xã, giác ngộ về đường lối và phương pháp cách mạng mới, từ đó Hồ Tùng Mậu có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động cách mạng, chuyển biến từ một người yêu nước chân chính thành người chiến sĩ cộng sản.

Tại Quảng Châu, tháng 6-1925, Hồ Tùng Mậu đã tích cực giúp Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí là trợ thủ đắc lực củaNgười trong việc dự thảo Điều lệ Hội, tham gia việc xuất bản báo Thanh niên (cơ quan ngôn luận của Hội), xuất bản Đường Kách mệnh - tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu.Tại các khóa huấn luyện cán bộ đầutiên do Hội tổ chức, Hồ Tùng Mậu làhọc viên khóađầu tiên. Sau khóahọc, đồng chí cùng 4 đồng chí khác được kết nạp là đảng viên cộng sản dự bị và được tham gia vào bộ phận tổ chức, hướng dẫn cho các khóahuấn luyện tiếp theo. Hồ Tùng Mậu được Nguyễn Ái Quốc phân công làm trợ giảng, quản lý các khóa học, làm phiên dịch cho giảng viên người nước ngoài khi giảng dạy, thu xếp việc ăn, ở và sinh hoạt cho các học viên từ trong nước sang. Đồng chí cũng giúp Nguyễn Ái Quốc trong việc tuyển chọn thanh niên yêu nước Việt Nam vào học Trường Quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc, đi học Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô...

HồTùng Mậu trực tiếp giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng, củng cố các cơ sở liên lạc của Hội từ Quảng Châu về trong nước và từ trong nước với Quảng Châu, trực tiếp xây dựng cơ sở của Hội tại Xiêm (Thái Lan). Nhờ hoạt động tích cực của Hồ Tùng Mậu và các đồng chí thành viên Hội Thanh niên, sau một thời gian ngắn (1926-1929), Hội đã có hàng nghìn hội viên hoạt động mạnh trong và ngoài nước khiến thực dân Pháp run sợ. Một bộ máy lãnh đạo hình thành với hệ thống tổ chức tương đối hoàn thiện, từ Tổng bộ, đến Tỉnh bộ cho đến các Hội, nhiều nơi có sự phân công chuyên trách theo từng mảng như tuyên truyền, báo chí, tổ chức, tài chính…Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Những hoạt động tích cực của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần quan trọng cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùaXuânnăm 1930.

- Đồng chí Hồ Tùng Mậu có những đóng góp tích cực trong việc khắc phục sự phân liệt của các tổ chức cộng sản trong nước và tham gia chuẩn bị Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng

Là nhà cách mạng hoạt động tích cực và có uy tín cao, nên sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu,tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (5-1929), dù đang ở trong tù (Hồ Tùng Mậu bốn lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Quảng Đông, Hồng Kông),nhưng Hồ Tùng Mậu được Đại hội bầu vắng mặt vào Ban Chấp hành Tổng bộ Hội. Sau Đại hội, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị phân liệt, dẫn đến sự hình thành Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 10-1929, phân bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở hải ngoại tuyên bố thành lập An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí đã gia nhập tổ chức này, tích cực tuyên truyền, vận động cho việc thành lập Đảng Cộng sản thống nhất.

Vào nửa cuối năm 1929, ở Việt Nam lần lượt xuất hiện các tổ chức cộng sản(2) nhằm mục tiêu làm cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng để tập hợp lực lượng, các tổ chức tranh chấp ảnh hưởng trong quần chúng và mỗi đảng đều muốn tự đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản, gây trở ngại đối với phong trào cách mạng chung của cả nước. Cuối năm 1929, sau khi từ Quảng Đông đến Hồng Kông và biết được tình trạng phân tán của các tổ chức đảng cộng sản ở trong nước, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, đồng chí đã nhiều lần viết thư(3) kêu gọi các tổ chức cộng sản hợp nhất, mời đại biểu các đảng đến Hồng Kông để bàn việc hợp nhất, nhưng hai đảng chưa đồng thuận (vì các bên chưa đồng ý về cách thức hợp nhất, quan trọng nhất là thiếu một lãnh tụ đủ uy tín về mọi phương diện). Nhận được thư của các đồng chí ở Hồng Kông báo tin, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm bí mật đến Trung Quốc cuối năm 1929. Sau khi tìm hiểu thêm tình hình, Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến họp tại bánđảo Cửu Long, Hồng Kông để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và hai đồng chí Hồ Tùng Mậu,Lê Hồng Sơn tích cực tham gia giúp việc cho Hội nghị thành công. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.

Sau Hội nghị hợp nhất Đảng, cuối năm 1930, Hồ Tùng Mậu trở lại Hồng Kông, tham gia chuẩn bị cho kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì. Với bí danh là Lương, đồng chí đã tích cực chuẩn bị những cơ sở vật chất cần thiết để Hội nghị diễn ra thành công, đồng chí còngiúp làm phiên dịch cho đồng chí Trần Phú và các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc(4).

- Tại Đại hội II của Đảng (1951), đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu làm Ủyviên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng, tận tụycủa Đảng và Chính phủ trên phương diện tổ chức và đào tạo cán bộ

Sau Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị Chính ủy Liên khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế);chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ trong lực lượng vũ trang. Khi làm Giám đốc, kiêm Chính ủy của Trường Quân chính Chiến khu IV, đồng chí đã đào tạo hàng trăm cán bộ chỉ huy và chính ủy viên cấp đại đội, tiểu đoàn cho lực lượng Vệ quốc đoàn Quân khu IV và các đoàn quân Nam tiến.

Khi Trung ương Đảng chủ trương tổ chức các khu ủy và ủy ban kháng chiến khu, Hồ Tùng Mậu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu IV. Đồng chí đã cùng các đồng chí trong Liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu IV tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cải tiến lề lối làm việc, cách thức điều hành hoạt động,… đồng thời trực tiếp chuyển mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh để quân và dân Liên khu IV xây dựng lực lượng, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 12-1949, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.Đồng chí đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, tham ô, mất dân chủ,… như: vụ sai phạm về tín dụng sản xuất ở Liên khu III (năm 1949); thanh, kiểm tra tình hình các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sau khi có đơn, thư phản ánh của nhân dân; vụ biển thủ công quỹ, tham ô, lãng phí… trong quân đội do Trần Dụ Châu gây ra (năm 1950); phối hợp với Liên khu III kiểm tra, báo cáo những thiếu sót, hạn chế của Mặt trận đường 5(1-1951)… Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm trên cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần xây dựng nền móng cho ngành Thanh tra Việt Nam; kiên quyết xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên, làm trong sạch tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, củng cố mối quan hệ quân, dân, chính, Đảng; góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi.

  2. Đồng chí Hồ Tùng Mậu vớicông tác xây dựng Đảng về đạo đức

- Đồng chí Hồ Tùng Mậu là hiện thân sinh động về gương đạo đức cách mạng của người chiến sỹ cộng sản với lý tưởng cách mạng cao cả, hoạt động cách mạng nhiệt thành, phẩm chất kiên trung, bản lĩnh kiên định, trí tuệ nhạy bén, người lãnh đạo tận tuỵ, sẵn sànghoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu được NguyễnÁi Quốc - Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng vàChính phủ giao cho nhiều trọng tráchquan trọng. Trên cương vị công tác nào, đồng chí đều nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng của người đứng đầu, đã “không quản khó nhọc, luôn luôn vui vẻ làm tròn nhiệm vụ”(5), thể hiện rõ phẩm chất của một nhà lãnh đạo tài năng, tận tụy, xứng đáng với sự tin cậy của Người.

Trên cương vị công tác đứng đầu ngành Thanh tra, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nêu cao tinh thần liêm chính, cương trực, không sợ khó khăn gian khổ, không ngại va chạm, luônđề cao trách nhiệm,phát hiện những vi phạm trong Đảng và bộ máy Nhà nước để kiến nghị xử lý sai phạm và có biện pháp ngăn chặn. Đồng chí luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, gương mẫu tự rèn luyện, giữ mình, tuyệt đối liêm khiết, không bao giờ lợi dụng chức vụ đểtư lợi cho cá nhân và gia đình.

- Tấm gương kiên trung, bất khuất trong nhà tù thực dâncủa người chiến sĩ cngsản

Vì những hoạt động cách mạng sôi nổi ở nước ngoài, HồTùng Mậu đã 4 lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ giữa năm 1927 đến nửa cuối năm 1929) …Ở trong nước, Tòa án Nam triều hai lần tuyên án tử hình đồng chí Hồ Tùng Mậu (năm 1929 và 1931) vì tội đi làm cách mạng, xúi giục thanh niên ra nước ngoài mưu đồ phản loạn, chống đối chính quyền và vận động lập Đảng Cộng sản. Năm 1931,sau khi bị bắt ở Thượng Hải, đồng chí bị giải về Việt Nam và bị kết án tử hình lầnthứ hai, nhưng do không đủ chứng cứ nên hạ xuống chung thân. Từ năm 1931 đến 1945, địch lưu đày đồng chí ở rất nhiều nhà tù như: Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Phú Yên… Mặc dù bị địch tra tấn, đày ải dã man trong chốn lao tù khắc nghiệt, nhưng đồng chí đã không ngừng đấu tranh và rèn luyện mình trở thành người cộng sản trung kiên, luôn tràn đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí trở thành trung tâm đoàn kết anh em tù chính trị, cổ vũ, động viên, giáo dục họ bằng cáchoạt động văn hóa, văn nghệ ở cá cnhà ngục… Lợ idụng tình hình Nhật đảo chính Pháp (3-1945), chi bộ nhà tù đã tổ chức cho anh em tù thoát khỏi căng an trí Trà Khê (Phú Yên), trong đó có đồng chí Hồ Tùng Mậu, trở về quê hoạt động, tiếp tục đóng góp cho Đảng, cho cách mạng.Sau khi Nhậtlật đổ Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim thânNhật được thành lập đã cho mời Hồ Tùng Mậu làm cố vấn, nhưng đồng chí dứt khoát từ chối, kiên định lập trường cách mạng, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người chiến sĩcộng sản kiên trung, mẫu mực.

Hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây đắp pho sử vàng của Đảng

Đồng chí Hồ Tùng Mậu là người học trò, người cộng sự đắc lực, người “đồng chí trung thành”, “người anh em chí thiết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồngchí Hồ Tùng Mậu có những quãng thời gian gắn bó mật thiết, để lại tình cảm sâu đậm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những năm tháng Người đến Quảng Châu hoạt động cách mạng (1924-1927) cho đếnsự kiện Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kong (1931), Hồ Tùng Mậu đã cùng cácđồng chíliên hệ, chắp nối với Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Loseby bào chữa, giúp Người thoát khỏi nhà tù đế quốc, rời khỏi Hồng Kông, trở lại Liên Xô, tiếp tục hoạt động cách mạng.Tình thân giữa hai người đồng chí rất gắn bó: “Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân”(6).

Ngày 23-7-1951, đồng chí hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụtại Thanh Hóa trong lúc năng lực cống hiến tràn đầy, để lại niềm tiếc thương cho toàn Đảng, toàn dân. Sự hy sinh của đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ cách mạng trọn đời vì nước, vì dân, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay thảo Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu: “Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đã tận trung với nước, tận hiếu với dân”(7), để đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi đến thắng lợi. Đồngchí được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng vì những công lao và đóng góp to lớn của đồng chí.

Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng và những đóng góp quan trọng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đối với công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân và quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị năm 2016) gắn với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên (Kết luận 01 của Bộ Chính trị năm 2021), trọng tâm chính là để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, làm tròn trọng trách của Đảng với dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

__________________

(1) Tổchức này ban đầu có các thành viên: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu và Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ),… về sau có thêm Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái…

(2) Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời 6-1929, An Nam Cộng sản Đảng ra đời 8-1929 và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời đêm 31-12-1929, rạng sáng 01-1-1930.

(3) Xem: Hồ Tùng Mậu -Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.86-90.

(4) Kỷyếu Hội thảo Khoa học: Đồng chí Hồ Tùng Mậu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.89.

(5), (6), (7)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.148, 148, 148.

TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền