Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ ba, 27 Tháng 7 2021 10:32
3275 Lượt xem

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(LLCT) - Phản biện xã hội là một chức năngcơ bản của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam,đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận hiện nay. Bài viết làm rõ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốcViệt Nam là một thành tố của hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”(1), thể hiện sức mạnh của nhân dân có tổ chức; không có một tổ chức nào trong xã hội có thành phần rộng rãi như Mặt trận. Mặt trện có vai trò “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hôi; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Mặt trận Tổ quốcViệt Nam không những là phương thức tổ chức, tập hợp quần chúng mà còn là diễn đàn dân chủ của các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; là một diễn đàn hội tụ trí tuệ của nhân dân về những vấn đề của xã hội trên những lĩnh vực quan trọng của đời sống đất nước.

 

1. Quan điểm của Đảng ta về chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nối vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử. Trong thời kỳ hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhằm thực hiện mụ ctieue dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chính sách mặt trận là rất quan trọng đối với sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tiếp tục “đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(3). Nhiệm vụ đó đặt ra đối với công tác mặt trận là phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân và phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, mọi nguồn lực của nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phản biện xã hội thể hiện dân chu xã hội, ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọngthực hiện trong những năm gần đây. Chủ trương thực hiện phản biện xã hội thể hiện nhận thức mới của Đảng và Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Văn kiện Đại hội X của Đảng (năm 2006) đã chỉ rõ: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(4).

Đại hội X khẳng định Mặt trận Tổ quốcViệt Nam có chức năng phản biện xã hội, xuất phát từ nhận thức: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”(5). Đảng chủ trương “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(6); đồng thời đặt ra yêu cầu "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội"(7). Đại hội X nhấn mạnh những yêu cầu cụ thể: “Các cấp ủy đảng và chính quyền có chế độ tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật”(8).

Quan điểm đó được phát triển thêm một bước mới ở Đại hội XI (2011): “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(9), trong đó đặc biệt “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(10).

Để cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, để có cơ sở phản biện kịp thời, Đại hội yêu cầu “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước”; “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội…”; “Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình”(11); “Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình”(12).

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(13).

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-01-2012  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nêu rõ: “Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trình Bộ Chính trị ban hành”.

Chú trọng phản biện xã hội là đề cao vai trò của quần chúng nhân dân mà Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là những tổ chức đại diện. Để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương này, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị), quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền(ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị).

Với chủ trương này, tạo cơ sở để các giai tầng trong xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những tổ chức đại diện để phản ánh ý kiến của mình đối với chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước ban hành cũng như quá trình thực hiện chủ trương, chính sách đó.

Thông qua phản biện xã hội, các cấp ủy Đảng và chính quyền có thể nhận thức được sự đồng thuận hay bất đồng thuận của xã hội đối với những chủ trương, chính sách đã ban hành, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời hoặc ban hành chủ trương, chính sách mới phù hợp nguyện vọng đa số nhân dân. "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ"(14).

Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là văn kiện Đại hội Đảng đề cập một cách toàn diện đến vấn đề phản biện. Báo cáo đã nêu những định hướng lớn: “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”; “khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốcvà các tổ chức chính trị - xã hội; “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”… Đồng thời, yêu cầu “Mặt trận Tổ quốcđóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội”(15); “tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hộicủa Mặt trận Tổ quốcvà các tổ chức chính trị - xã hội”; “thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hộicủa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”…

Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục xác định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(16)

2. Chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam trong Hiến pháp 2013

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chính nhân dân, chính lịch sử cách mạng Việt Nam thừa nhận. Là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đơn thuần chỉ là tổ chức mang tính biểu tượng, hiệu triệu, không chỉ là một liên minh tự nguyện mang tính phong trào, mà còn là một thực thể chính trị, chủ thể chính trị có địa vị pháp lý chính thức được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hiến định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. 

Đồng thời Hiến pháp cũng ghi nhận vị trí, vai trò và chức năng của Mặt trận: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 Đây là lần đầu tiên vai trò, chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiến định, đánh dấu một bước mới trong nhận thức về chức năng hoạt động này.

Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc, lần đầu tiên Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã dành một chương riêng quy định chức năng phản biện xã hội. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã tạo nền tảng pháp lý khẳng định rõ để nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên, với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tính pháp lý về phản biện xã hộicủa Mặt trận Tổ quốchiện nay được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013, những quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định các cơ chế về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như tính chất, mục đích, nguyên tắc của hoạt động phản biện xã hội; quy định đối tượng, nội dung, phạm vi và hình thức phản biện xã hội; quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện. Phản biện xã hộiphải dựa trên cơ chế pháp lý mang tính bắt buộc, bảo đảm cho nhân dân thực hiện sự phản biện xã hội đối với quá trình xây dựng, hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quá trình thực hiện phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, tăng cường hoạt động phản biện của nhân dân.

Những quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 về địa vị pháp lý, về chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là những cơ sở pháp lý quan trọng để xác lập hệ thống quy định pháp lý khá hoàn thiện về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong các văn bản pháp lý khác như: Luật Tổ chức Quốc hội 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17-4-2014 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15-6-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các luật, văn bản dưới luật khác.

__________________

(1), (2) Điều 9, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

(3), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.170, 166.

(4), (5), (6), (7), (8), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.135, 124, 125, 135, 124, 305.

 (9), (10), (11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.87, 242, 240, 240, 87.

 (16) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, t.1, tr.172.

 

ThS VŨ VĂN PHONG

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền