Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Ph.Ăngghen về tính tất yếu bị phủ định của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 09:38
2717 Lượt xem

Quan điểm của Ph.Ăngghen về tính tất yếu bị phủ định của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa

(LLCT) - “Tính tất yếu bị phủ định của chế độ sở hữu tư nhân TBCN” hay “phủ định chế độ tư hữu TBCN” là một vấn đề lớn trong chủ nghĩa Mác - Lênin. Nội dung này được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày ở nhiều tác phẩm, cả viết chung và viết riêng. Bài viết phân tích quan điểm của Ph.Ăngghen về phủ định chế độ tư hữu TBCN trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước.

Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước là tác phẩm triết học lớn, được Ph.Ăngghen viết từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-1884, dựa trên những tư liệu trong tác phẩm Xã hội cổ đại, hay là sự nghiên cứu những tuyến tiến bộ của loài người từ mông muội, dã man đến văn minh”của L.H.Morgan. Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã trình bày một cách có hệ thống và phát triển sáng tạo những vấn đề mà L.H.Morgan đề cập. Ph.Ăngghen xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để sửa đổi và bổ sung cho nhiều quan điểm của L.H.Morgan, đồng thời đề xuất những quan điểm mới có tính khoa học và cách mạng về cả ba chủ đề là gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước.

Ngay ở tên tác phẩm, vấn đề “chế độ tư hữu” được Ph.Ăngghen đặt ở vị trí trung tâm. Như vậy, gia đình có trước rồi mới đến chế độ tư hữu và nhà nước; lịch sử bắt đầu từ đâu thì Ph.Ăngghen trình bày từ đó.

Theo những cứ liệu của L.H.Morgan về nguồn gốc gia đình, xã hội thị tộc (ở hai giai đoạn mông muội và dã man) với các hình thức gia đình huyết thống, gia đình pu-na-lu-an, gia đình cặp đôi đều dựa trên sở hữu công cộng nguyên thủy. Nhưng, sở hữu tư nhân xuất hiện đã dẫn đến sự phát triển mang tính bước ngoặt - tạo cơ sở cho gia đình một vợ một chồng ra đời. Ph.Ăngghen viết: “Trong khuôn khổ của cấu trúc xã hội dựa trên quan hệ thị tộc ấy, năng suất lao động ngày càng phát triển lên; cùng với năng suất đó thì tư hữu và trao đổi, những chênh lệch về của cải, khả năng sử dụng sức lao động của người khác, và do đó, cơ sở của các mâu thuẫn giai cấp cũng phát triển lên: những yếu tố xã hội mới đó, trải qua nhiều thế hệ, ra sức làm cho chế độ xã hội cũ thích ứng với những điều kiện mới, cho đến khi rốt cuộc sự không thể dung nạp nhau giữa hai cái đó dẫn tới một bước ngoặt hoàn toàn”(1); “đến khi người ta biết chăn nuôi, làm đồ kim khí, biết dệt và cuối cùng biết trồng trọt, thì tình hình thay đổi”(2). Trong thời kỳ đó, từ người phụ nữ, sức lao động, đàn gia súc đến những người bị bắt trong các cuộc chiến tranh đều trở thành sở hữu của các gia đình riêng rẽ, trở thành những món hàng có giá trị trao đổi, mua bán. Điều đó giáng “một đòn rất mạnh vào xã hội dựa trên chế độ hôn nhân cặp đôi và trên thị tộc mẫu quyền”(3). Trên cơ sở kinh tế đó, chế độ hôn nhân một vợ một chồng ra đời. Ph.Ăngghen nhận thấy, căn nguyên làm cho hình thức gia đình có sự biến đổi là sự xuất hiện và thắng thế của chế độ tư hữu. Người khẳng định: “Chế độ một vợ một chồng là hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế - tức là trên thắng lợi của sở hữu tư nhân đối với sở hữu công cộng nguyên thủy và tự phát”(4). Như vậy, chế độ tư hữu, một mặt mang đến “một bước tiến lịch sử lớn” cho hình thức tổ chức gia đình với tư cách là “hình thức tế bào của xã hội văn minh”; mặt khác, “cũng là một bước lùi tương ứng, trong đó phúc lợi và sự phát triển của những người này được thực hiện bằng sự đau khổ và bị áp chế của những người khác”(5) kéo dài cho đến ngày nay, nhất là đối với người phụ nữ.

Ngay ở thời kỳ đầu - như Ph.Ăngghen phân tích - sở hữu tư nhân có sức ảnh hưởng rất lớn: một là, nó làm cho chế độ mẫu quyền bị thay thế bởi chế độ phụ quyền; hai là, của cải, tài sản được chuyển vào tay người chồng, mà hơn thế nữa, ba là, làm cho chế độ thị tộc đi tới diệt vong. Người chỉ rõ: “Chính những lợi ích thấp hèn nhất - tính tham lam tầm thường, lòng khao khát hưởng lạc thô bạo, tính bủn xỉn bẩn thỉu, nguyện vọng ích kỷ muốn ăn cắp của công - báo hiệu sự ra đời của xã hội văn minh mới, xã hội có giai cấp; chính những thủ đoạn bỉ ổi nhất - trộm cắp, bạo lực, tính giảo quyệt, sự phản bội - đã làm suy yếu xã hội thị tộc không có giai cấp và đã đưa xã hội đó đến chỗ diệt vong. Và bản thân xã hội mới, trong suốt hai nghìn năm trăm năm tồn tại, vẫn không phải là cái gì khác mà chỉ là sự phát triển của cái thiểu số nhỏ, một sự phát triển bằng mồ hôi nước mắt của tuyệt đại đa số những người bị bóc lột, áp bức và hiện nay xã hội đó vẫn là như vậy, trên một mức độ còn lớn hơn bao giờ hết”(6).

Không những vậy, chế độ tư hữu còn được giai cấp thống trị trong xã hội bảo vệ bằng cách lập ra “một thiết chế...bảo vệ những của cải mà các cá nhân vừa mới có được, chống lại những truyền thống cộng sản của chế độ thị tộc”(7) - đó là nhà nước. Rõ ràng là, sở hữu chung của xã hội cộng sản nguyên thủy đã bị sở hữu tư nhân phủ định. Thời kỳ “cùng nhau làm ra và dùng chung, là tài sản chung”(8) đã chấm dứt. Thậm chí, sở hữu tư nhân còn được thần thánh hóa, coi “đó là mục đích tối cao của mọi xã hội loài người”(9) và nó “còn kéo dài mãi mãi quyền của giai cấp có của được bóc lột giai cấp không có của, và quyền thống trị của giai cấp có của đối với giai cấp không có của”(10).

Chế độ tư hữu đã làm biến đổi các hình thức gia đình và tiếp đó, sự tồn tại, vận động và phát triển của chế độ tư hữu cũng đưa đến sự ra đời nhà nước. Ph.Ăngghen kết luận: “Vậy, nhà nước quyết không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội. Nó cũng không phải là cái “hiện thực của ý niệm đạo đức”, là “hình ảnh và hiện thực của lý tính” như Hêghen khẳng định. Đúng ra, nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định; nó là sự thú nhận rằng xã hội đó bị lúng túng trong một mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được, rằng xã hội đó đã bị phân thành những mặt đối lập không thể điều hòa mà xã hội đó bất lực không sao loại bỏ được. Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng rõ ràng là đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội, chính là nhà nước”(11).

Ph.Ăngghen làm rõ thêm: “Vì nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp; vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức. Chính do vậy mà nhà nước thời cổ trước hết là nhà nước của bọn chủ nô dùng để đàn áp nô lệ, cũng như nhà nước phong kiến là cơ quan của bọn quý tộc dùng để đàn áp nông nô và những nông dân bị phụ thuộc, còn nhà nước đại nghị hiện đại là công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê”(12). Ở thời đại của nhà nước tư sản - như Ph.Ăngghen phân tích - sở hữu tư nhân “đã trở thành cơ sở pháp lý giả dối cuối cùng mà chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa hiện đại đang còn dựa vào”(13).

Ph.Ăngghen phân tích những hậu quả xã hội mà đa số người lao động phải gánh chịu từ khi chế độ tư hữu ra đời, song không bác bỏ, chê bai hay coi thường nó; trái lại, đánh giá cao những giá trị mà chế độ tư hữu mang lại. Chẳng hạn, Ph.Ăngghen coi sở hữu tư nhân như là một “động lực xã hội mới”(14) đem đến sự chuyển biến của các hình thức gia đình, “là một bước tiến lịch sử lớn”(15) đối với xã hội, “là mầm mống của mọi cuộc đảo lộn về sau này”(16). Những quan điểm này của Ph.Ăngghen hoàn toàn thống nhất với khẳng định của C.Mác trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 rằng: “tư bản công nghiệp là hình thức khách quan hoàn bị của chế độ tư hữu, giờ đây chế độ tư hữu mới có thể hoàn thành sự thống trị của mình đối với con người và trở thành lực lượng lịch sử toàn thế giới trong hình thức phổ biến nhất của nó”(17).

Tuy nhiên, chế độ tư hữu có tính hai mặt, Ph.Ăngghen chỉ ra bốn điểm cụ thể. Một là, “mỗi bước tiến của sản xuất đồng thời cũng đánh dấu một bước lùi trong tình cảnh của giai cấp bị áp bức, nghĩa là của đại đa số. Cái là phúc lợi đối với những người này lại tất yếu phải là tai họa đối với những người khác, mỗi cuộc giải phóng mới của một giai cấp này đều là sự áp bức mới đối với một giai cấp khác”(18). Hai là, “bước tiến” ấy sẽ phát triển đến một giai đoạn, bản thân chế độ tư hữu sẽ bị phủ định bởi sở hữu chung trong xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự phủ định này không phải bằng những mệnh lệnh hành chính, mà do sự vận động theo quy luật khách quan, nội tại của nó đến khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ TBCN của chúng nữa. Khi đó, cái vỏ ấy sẽ “vỡ tung ra”. Ba là, “thật hoàn toàn đúng là từ hai nghìn năm trăm năm nay, sở hữu tư nhân chỉ có thể duy trì bằng cách xâm phạm vào quyền sở hữu mà thôi”(19). Bốn là, sở hữu tư nhân xâm nhập vào nhà nước: “Như vậy là ở đây một yếu tố hoàn toàn mới đã xâm nhập vào tổ chức cai quản: sở hữu tư nhân. Quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân của nhà nước bắt đầu được quy định tùy theo sở hữu ruộng đất của họ nhiều hay ít”(20).

Ph.Ăngghen không đề cập trực tiếp đến quá trình phủ định tất yếu đối với chế độ tư hữu, nhưng bằng các phương thức khác, đã gián tiếp nói về sự phủ định đó. Cụ thể là:

Thứ nhất, gắn với sự tồn tại chế độ tư hữu là hình thức gia đình một vợ một chồng với sự bất bình đẳng về vị trí, mà thế yếu thuộc về người vợ, dù là ở phương Đông hay phương Tây. Do đó, “sự giải phóng người phụ nữ, địa vị bình đẳng của người phụ nữ với nam giới, là không thể có được và mãi mãi sẽ không thể có được, chừng nào mà phụ nữ vẫn còn bị gạt ra ngoài lao động xã hội có tính chất sản xuất và còn phải khuôn mình trong lao động tư nhân của gia đình. Chỉ có thể giải phóng được người phụ nữ khi người phụ nữ có thể tham gia sản xuất trên một quy mô xã hội rộng lớn và chỉ phải làm công việc trong nhà rất ít”(21). Điều đó có nghĩa là, phải xóa bỏ sự bất bình đẳng về sở hữu tài sản giữa người vợ và người chồng, xóa bỏ sự coi thường đối với người vợ, không thể coi người vợ là kẻ ăn bám, là vai phụ trong gia đình, mà phải thực sự tôn trọng nhau. Hơn thế nữa, công việc nhà phải được san sẻ để cùng lo toan, gánh vác. Tất nhiên, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, mang lại vị thế bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại không thể nào làm biến mất chế độ tư hữu tồn tại hàng nghìn năm qua, nhưng nó là một nhân tố quan trọng góp phần tiến tới xóa bỏ chế độ tư hữu TBCN.

Thứ hai, lịch sử loài người sẽ vận động, phát triển đến giai đoạn tiến tới xóa bỏ sự tồn tại của “hạng người có đặc quyền và hạng người không có đặc quyền”(22), xóa bỏ tình trạng bất công, người bóc lột người, giai cấp này áp bức giai cấp khác. Thông qua đấu tranh chính trị trong lòng xã hội tư bản, với sự lớn mạnh về lực lượng, nhận thức và năng lực lãnh đạo, giai cấp công nhân sẽ giành thắng lợi trước giai cấp tư sản và đi đến xóa bỏ tình trạng trên. Ph.Ăngghen viết: “chừng nào giai cấp vô sản càng trưởng thành để có thể tự giải phóng mình thì họ sẽ tự tổ chức thành một đảng riêng biệt, bầu ra những đại biểu của riêng mình chứ không phải những đại biểu của các nhà tư bản. Vậy thì đầu phiếu phổ thông là cái thước đo sự trưởng thành của giai cấp công nhân. Nó chỉ là như thế, không thể hơn được, và sau này, nó cũng sẽ chỉ là như thế, không thể hơn được trong nhà nước ngày nay; nhưng như vậy cũng đủ rồi. Ngày mà cái nhiệt kế đầu phiếu phổ thông chỉ điểm sôi trong những người công nhân thì, cũng như các nhà tư bản, họ sẽ biết rằng họ phải làm gì”(23). Khi đó, sự tồn tại của chế độ sở hữu tư nhân TBCN sẽ không còn ý nghĩa.

Thứ ba, gắn liền với đấu tranh chính trị để giành lấy chính quyền, trong quá trình tổ chức lại đời sống xã hội và nền sản xuất, giai cấp công nhân cũng dần thủ tiêu nhà nước. Ph.Ăngghen lý giải, vì “nhà nước tồn tại không phải là mãi mãi từ ngàn xưa. Đã từng có những xã hội không cần đến nhà nước, không có một khái niệm nào về nhà nước và chính quyền nhà nước cả. Đến một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định, giai đoạn tất nhiên phải gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp thì sự phân chia đó làm cho nhà nước trở thành một tất yếu. Bây giờ, chúng ta đang bước nhanh đến gần một giai đoạn phát triển sản xuất, trong đó sự tồn tại của những giai cấp nói trên không những không còn là một sự tất yếu nữa, mà còn trở thành một trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Những giai cấp đó sẽ không tránh khỏi biến mất, cũng như xưa kia, chúng đã không tránh khỏi xuất hiện. Giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong theo. Xã hội sẽ tổ chức lại nền sản xuất trên cơ sở liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng”(24). Như vậy, khi nhà nước và giai cấp tiêu vong, xã hội không còn sự áp bức, sự phục tùng của người này với người kia, thì chế độ tư hữu - chế độ đẻ ra sự áp bức, bóc lột - cũng không còn lý do để tồn tại.

Có thể vận dụng quan niệm của Ph.Ăngghen về chế độ tư hữu và “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước vào vấn đề sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là điều kiện tất yếu để nước ta đi lên CNXH. Song, trong thực tế, xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đây “là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ” và “nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ”(25). Hiện nay, nền kinh tế thị trường ở nước ta “cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã hoàn chỉnh ngay từ đầu, mà còn phải trải qua một quá trình xây dựng rất lâu dài”(26). Do vậy, có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh đòi hỏi phải nghiên cứu và giải đáp thỏa đáng, trong đó có vấn đề sở hữu nói chung, sở hữu tư nhân nói riêng.

Cần nắm vững phương pháp luận của C.Mác: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”(27). Do vậy, muốn đánh giá tính tiến bộ của quan hệ sản xuất nói chung, chế độ sở hữu nói riêng phải xem nó còn góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, tạo ra công việc cho xã hội hay không. Rõ ràng, ở Việt Nam, sở hữu tư nhân còn có vai trò lịch sử nhất định. Bản thân sở hữu tư nhân cũng có quá trình vận động, biến đổi, phát triển. Nó phải phát triển chín muồi rồi mới chuyển hóa sang hình thức sở hữu khác, tức chuyển sang sở hữu xã hội. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, vận dụng các quan điểm của Ph.Ăngghen trong tác phẩm này, cần lưu ý:

Một là, quan niệm về “chế độ tư hữu” và “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” của Ph.Ăngghen được hình thành vào thời kỳ CNTB đã phát triển mạnh mẽ và điển hình ở châu Âu, với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và sự tích tụ, tích lũy tư bản đã phát triển mạnh mẽ. Còn con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam không trực tiếp trải qua giai đoạn phát triển TBCN. Do đó, sự vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, quan niệm của Ph.Ăngghen về “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” nói riêng vào con đường phát triển XHCN ở Việt Nam đòi hỏi phải tính tới hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng như xu thế vận động của thời đại. Hơn nữa, phải phân biệt rõ phạm trù “quan hệ tư hữu” hay “quan hệ tư nhân về tài sản” với phạm trù “chế độ tư hữu” hay “chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”. Chúng ta không chủ trương xây dựng “chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”, nhưng vẫn cho phép tồn tại, thậm chí tạo điều kiện cho các “quan hệ tư hữu” phát triển, áp dụng chính sách đa hình thức sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi chủ thể trong xã hội nhằm giải phóng sức sản xuất, sự năng động, sáng tạo và đa dạng các mối quan hệ kinh tế trong xã hội, tham gia góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nền kinh tế chưa bền vững, trình độ của lực lượng sản xuất chưa cao, đời sống nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, chúng ta không “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” ngay lập tức hay trong một thời gian ngắn trong tương lai, mà chỉ khi đất nước đạt được mục tiêu đã đề ra, trở thành một nước công nghiệp với nền sản xuất xã hội phát triển, thu nhập cao, thì mới có thể tính tới thực hiện từng bước “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa”. Song, phải hiểu và thực thi theo nghĩa: không phải là xóa bỏ mọi sự chiếm hữu cá nhân đối với những sản phẩm xã hội do người lao động tạo ra khi xã hội phát triển tới một giai đoạn cao hơn, mà chỉ hướng tới xóa bỏ “tính chất bi thảm của phương thức chiếm hữu” TBCN nô dịch lao động đối với người khác.

Hai là, quá trình “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” ở nước ta phải gắn liền với thực hiện mạnh mẽ vấn đề bình đẳng giới, xây dựng hình thức gia đình một vợ một chồng văn minh, hạnh phúc, tôn trọng nhau thực sự, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ quan niệm lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”, bảo đảm hiệu quả quyền lợi và nghĩa vụ của nữ giới so với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ba là, “phủ định chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa” gắn liền với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN, quản trị xã hội để ngăn chặn tình trạng áp bức, bất bình đẳng trong kinh tế, giảm mức độ bóc lột trong quan hệ kinh tế giữa người sử dụng lao động đối với người lao động, bảo vệ tối đa lợi ích của người lao động và mang lại dân chủ thực sự cho nhân dân. Với đường lối, chính sách và mục tiêu đó, Nhà nước cũng dần trở thành nhà nước không nguyên nghĩa, là bộ máy quản lý của nhân dân và nhân dân tự giác, tự nguyên cùng nhau tham gia quản lý chính đời sống và hoạt động lao động sản xuất của mình, khi ấy chế độ tư hữu - với tư cách là nguồn gốc sinh ra áp bức, bóc lột, bất công - sẽ không thể tồn tại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.44, 90, 90, 103-104, 105, 150, 163-164, 237, 164, 164, 252-253, 255, 237, 88, 104-105, 170, 263, 174, 175, 241, 167, 257, 257-258.

(17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.162.

(25) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.26.

(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.330.

(27) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.15-16.

TS NGUYỄN LƯƠNG NGỌC

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền