Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nâng cao văn hóa chính trị cho sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 15:29
2171 Lượt xem

Nâng cao văn hóa chính trị cho sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao về xây dựng, phát triển văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng trong đội ngũ sĩ quan Quân đội. Sĩ quan trẻ trong Quân đội là lực lượng chính làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị cơ sở. Do tuổi đời, tuổi quân chưa nhiều, chủ yếu trưởng thành trong điều kiện thời bình, nên kinh nghiệm hoạt động chính trị - xã hội của đội ngũ này còn hạn chế. Vì vậy, nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

1. Sự cần thiết khách quan của việc nâng cao văn hóa chính trị cho sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị thiên tài, mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Người đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và văn hóa, tạo nên nghệ thuật ứng xử chính trị có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là nội dung nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm các giá trị về tri thức, lý tưởng, niềm tin, phẩm chất, năng lực, hành vi chính trị. Tư tưởng đó có giá trị xây dựng chuẩn mực văn hóa trong tất cả các tổ chức, đơn vị, cộng đồng dân cư và mỗi cán bộ, đảng viên. Đội ngũ sĩ quan trẻ là một bộ phận sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lực lượng nguồn kế cận, kế tiếp đội ngũ sĩ quan cấp chiến dịch, chiến lược trong xây dựng, phát triển quân đội; có tuổi đời dưới 35, cấp bậc quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá, giữ các chức vụ cán bộ cấp phân đội (cấp trung đội, đại đội và tiểu đoàn); là lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vai trò đó đòi hỏi các sĩ quan trẻ phải có trình độ văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng. Nội dung tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là nền tảng để họ giữ vững phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, hành vi chính trị và nâng cao, phát triển nhân cách. Trong những năm qua, các cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ. Tuy vậy, nhận thức của sĩ quan trẻ về văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng chưa thật đầy đủ, sâu sắc, chưa đi vào chiều sâu bản chất; sự chuyển hóa từ việc học tập nâng cao kiến thức, năng lực thành giá trị văn hóa chính trị ở một số sĩ quan trẻ chưa ngang tầm với chức trách, nhiệm vụ được giao; các giá trị văn hóa chính trị chưa được phát huy tốt trong thực tiễn công tác. Việc giáo dục, định hướng về lập trường tư tưởng, giác ngộ giai cấp, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của một số đơn vị cho sĩ quan trẻ chủ trì về chính trị chất lượng chưa cao... Điều này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, song nguyên nhân chủ quan từ sĩ quan trẻ là chủ yếu. Trước thực trạng trên và yêu cầu “xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(1); việc nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết hiện nay.

2. Những nội cơ bản của văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh cần giáo dục cho sĩ quan trẻ

Thứ nhất, mối quan hệ chính trị với văn hóa và mục tiêu hoạt động chính trị. Xuyên suốt trong tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự nhất quán giữa lý luận và thực tiễn cách mạng: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(2); “có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được”(3). Đây là tư tưởng cốt lõi văn hóa trong chính trị của Người.

 Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương về văn hóa trong lãnh đạo và trong chính trị; dù trên cương vị, lĩnh vực công tác nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt mục tiêu chính trị lấy dân làm gốc: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(4); “tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(5); “chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(6). Đây là những tư tưởng xuyên suốt trong hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh.

Thứ hai, giáo dục đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(7); “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng... Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”(8).

Theo Người, vấn đề đặt ra là các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải làm sao cho văn hóa trong lãnh đạo, quản lý thấm sâu, thể hiện ở việc kiên quyết đấu tranh chống tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy nhà nước. Người khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”(9); “vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ yếu kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”(10). Người cho đây là bệnh cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội; làm mất uy tín của Đảng, chế độ với nhân dân, chính hành vi đó làm méo mó tính ưu việt của chế độ văn hóa cộng sản. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(11). Trong 24 năm trên cương vị cao nhất của quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ý thức được vị thế và quyền lực của mình do nhân dân giao phó và Người đã sử dụng nó vì dân, vì nước, với nguyên tắc hoạt động chính trị là: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải biết yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(12). Chỉ có trên nền tảng đó mới khắc phục được tệ tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, có tinh thần vì nước quên mình, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Thứ ba, giáo dục tri thức chính trị để mỗi cá nhân tích cực, tự giác tham gia vào đời sống chính trị. Để quảng đại quần chúng nhân dân giác ngộ về chính trị, nhận rõ thủ đoạn chính trị của thực dân, phong kiến và tích cực tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở lên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”(13). Tư tưởng đó của Hồ Chí Minh thống nhất với quan điểm của V.I.Lênin: “người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị”(14). Điều này cũng đã được C.Mác và Ph.Ăngghen cảnh báo từ rất sớm: “Sự ngu dốt là sức mạnh ma quỷ và chúng ta lo rằng, nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch”(15). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(16). Trên cơ sở những tri thức và sự hiểu biết về chính trị, cán bộ, đảng viên mới có thể giác ngộ về lập trường, quan điểm giai cấp đúng đắn, qua đó xác định đúng mục tiêu, thái độ và động cơ chính trị, phát huy tính tự giác, quyết tâm, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn chính trị.

3. Một số giải pháp nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể vận dụng văn hóa chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay. Nhận thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng mới có hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được”(17). Thực tiễn chỉ ra, chỉ trên cơ sở nắm vững nội dung, giá trị tư tưởng văn hóa chính trị của Người, các tổ chức, các lực lượng mới có thái độ, hành vi đúng, trách nhiệm cao trong xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ. Do vậy, các chủ thể cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao văn hóa chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sĩ quan trẻ; cấp ủy, chỉ huy các cấp phải nhận thức đúng về vai trò, nội dung giá trị tư tưởng của Người để bồi dưỡng sĩ quan trẻ.

Thường xuyên tổ chức cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt về chính trị ở đơn vị nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị. Nội dung quán triệt, học tập cần tập trung vào nâng cao tri thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về “xây dựng văn hóa trong chính trị”; đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng các tiềm lực khác trong sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(18). Phải xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, tổ chức ở cơ sở; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tổ chức chỉ huy, các chính ủy, chính trị viên tiến hành những hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức học tập chính trị, mở các lớp tập huấn, thi báo cáo viên, thông qua sinh hoạt đảng, sinh hoạt đơn vị; thông qua hoạt động chính trị - xã hội; thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, nhiệm vụ diễn tập chiến đấu, làm công tác dân vận giúp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; qua phong trào thi đua quyết thắng... các chủ thể kiểm tra, giám sát, điều chỉnh những nhận thức và việc làm cho sát, cho trúng.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị cho sĩ quan trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trước hết nhằm làm cho sĩ quan trẻ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở hình thành văn hóa chính trị. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; một bộ phận đảng viên chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu”(19). Giáo dục mục tiêu, lý tưởng nhằm giúp cho sĩ quan trẻ kiên định lập trường giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc, củng cố thế giới quan và phương pháp luận khoa học; giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chung và đường lối quân sự của Đảng; bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân. Bởi vì: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(20). Cần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, nội dung tập trung vào thực hiện “Đề án đổi mới giáo dục công tác chính trị ở cơ sở” của Tổng cục Chính trị; tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; các chuẩn mực về phẩm chất chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống của “Bộ đội Cụ Hồ”; kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là kỹ năng hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa chính trị, văn hóa giao tiếp; phương pháp đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái thù địch... Những nội dung trên chính là yếu tố nòng cốt để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa chính trị. Đồng thời, đây cũng là điều kiện rất quan trọng để nâng cao, phát triển phẩm chất chính trị tinh thần trong hoạt động chính trị, quân sự của sĩ quan trẻ - yếu tố đã được V.I.Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(21). Tinh thần ở đây không phải tinh thần trừu tượng, mà thấm sâu vào hoạt động của sĩ quan trẻ, “tinh thần của con người phải truyền qua súng”(22).

Ba là, tạo môi trường thuận lợi, khắc phục những tác động tiêu cực trong quá trình nâng cao văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị là cái nôi nuôi dưỡng, bảo vệ sự hình thành, phát triển văn hóa chính trị cho sĩ quan trẻ. Trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”(23). Môi trường văn hóa luôn tác động tới quá trình nâng cao văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ; môi trường văn hóa lành mạnh sẽ tạo động lực phấn đấu, rèn luyện văn hóa chính trị của họ; ngược lại, nếu môi trường văn hóa thiếu lành mạnh sẽ tác động tiêu cực tới quá trình rèn luyện, phấn đấu của sĩ quan trẻ. Do đó, phải xây dựng các tổ chức, tập thể quân nhân ở đơn vị vững mạnh về mọi mặt; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đơn vị và sĩ quan trẻ.

Bốn là, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trách nhiệm nêu gương ở đơn vị cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt học tập, nghiên cứu nghị quyết các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện tốt việc nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy về văn hóa, đạo đức, lối sống, phong cách ứng xử với cấp trên, cấp dưới, với nhân dân... theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”(24). Đồng thời, thường xuyên đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực ở đơn vị. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đại hội XIII: “Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái”(25).

Nâng cao văn hóa chính trị cho sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình lâu dài, phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, cùng với sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Quân đội, mỗi sĩ quan trẻ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, làm cho Quân đội ta mãi mãi xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1), (23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.158, 262.

(2), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246, 357, 357.

(3) Phạm Duy Đức, Vũ Thị Phương Hậu: Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế ở Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.34.

(4), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 453, 390.

(5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.627, 622.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.141.

(12), (13), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.64-65, 7, 7.

(14) V.I. Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 218.

(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.166.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.360.

(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.

(20), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611, 466.

(21) V.I. Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.147.

(19), (24), (25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172, 237-238, 232-233.

ThS KHUẤT TRỌNG NAM

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền