Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sự phát triển nhận thức của Đảng về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới
Thứ hai, 30 Tháng 8 2021 14:38
14728 Lượt xem

Sự phát triển nhận thức của Đảng về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội XIII xác định “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”, khẳng định sự đóng góp cho phát triển đất nước của các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Bức tranh đời sống tôn giáo Việt Nam có nhiều điểm sáng, thúc đẩy tôn giáo đi liền với dân tộc và CNXH, đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết làm rõ quá trình phát triển nhận thức của Đảng về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới qua các văn kiện Đảng.

Ảnh: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam năm 2019

1. Quan điểm của Đảng về tôn giáo trước năm 2003

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng ta đã có điều kiện để nhìn nhận rõ và sâu sắc hơn về vấn đề tôn giáo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo thực sự được vận dụng vào thực tiễn, đưa đến sự đổi mới nhận thức về tôn giáo. Đảng ta đã chỉ rõ cần khắc phục những nhận thức phiến diện về tôn giáo trong một bộ phận cán bộ, địa phương; hiểu tôn giáo một cách sơ cứng, siêu hình, khắc sâu mâu thuẫn giữa tôn giáo và CNXH, đồng nhất tôn giáo như một thứ công cụ tinh thần của các thế lực thù địch với dân tộc và CNXH. Mặt khác, Đảng ta yêu cầu phải khắc phục việc dùng biện pháp hành chính để giải quyết vấn đề tôn giáo, tạo khe hở để các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới được coi là bước ngoặt lớn, là dấu mốc quan trọng đối với sự đổi mới tư duy của Đảng về tôn giáo. Sự đổi mới nhận thức đó hoàn toàn không xa rời nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo. Nghị quyết 24-NQ/TW khẳng định: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Nghị quyết thể hiện quan điểm mới của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo với ba luận điểm quan trọng:

Một là, khẳng định quan điểm tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Đây là quan điểm mà lần đầu tiên Đảng chính thức đưa vào văn kiện Nghị quyết, phản ánh sự đổi mới có tính đột phá trong tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo. Khẳng định tôn giáo đồng hành lâu dài cùng dân tộc, do đó cần phải có thái độ khách quan, khoa học để giải quyết vấn đề tôn giáo. Quan điểm này đòi hỏi phải khắc phục tư tưởng nóng vội, chủ quan trong ứng xử với tôn giáo, muốn nhanh chóng xóa bỏ tôn giáo bằng mệnh lệnh hành chính tại nhiều địa phương. Đây chính là sự kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo. Ph.Ăngghen chỉ rõ: trong CNXH tôn giáo vẫn tồn tại, ông phê phán tư tưởng cho rằng có thể xoá bỏ tôn giáo bằng sắc lệnh. Ông cho rằng, những quan niệm có thể xoá sạch ý thức tôn giáo chẳng qua chỉ bộc lộ sự hiểu biết nghèo nàn, tuyệt đối không được nóng vội, chủ quan trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo.

Hai là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Quan điểm này sau đó được Đảng ta chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội VII năm 1991: “Tín ngưỡng là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”(1). Có nghĩa là tôn giáo vẫn có lý do để tồn tại. Nơi nào vẫn còn sự hiện diện của đau thương, hay giản đơn là cần đến sự an ủi, xoa dịu nỗi đau... thì tôn giáo vẫn còn tồn tại. Nhìn nhận tôn giáo dưới góc độ tâm linh - văn hóa là một điểm mới của Đảng trong nhận thức về vai trò, chức năng của tôn giáo. Đó là một bước tiến mới về nhận thức lý luận của Đảng đối với vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo.

Ba là, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng CNXH. Lần đầu tiên, trong văn kiện của Đảng khẳng định sự cảm thông, chia sẻ với những người có đức tin, không đối lập về mặt ý thức hệ để thừa nhận lý tưởng, đạo đức của tôn giáo có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng, đạo đức XHCN. Đảng ghi nhận nhiều giá trị đạo đức của tôn giáo, đó cũng chính là sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo và là sự kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tương đồng giữa tôn giáo và CNXH. Đạo đức con người mới XHCN có những điểm khác biệt với đạo đức tôn giáo, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng như lòng thương người, bao dung, nhân văn, đức hy sinh, vị tha, tính thiện,...

Đạo đức XHCN là sự kế thừa những tư tưởng đạo đức tiến bộ của nhân loại trong đó có đạo đức tôn giáo. Đây là sự kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về tính tương đồng giữa tôn giáo và CNXH và là bước đột phá trong nhận thức của Đảng về vai trò của tôn giáo; tôn giáo và CNXH đều đặt con người vào vị trí trung tâm, quan tâm đến con người và mong muốn con người hạnh phúc. Quan điểm về sự tương đồng giữa tôn giáo và CNXH xuyên suốt trong quan điểm, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vấn đề tôn giáo.

Những luận điểm trên đã tạo nên sự đột phá trong nhận thức, không nhìn nhận tôn giáo xơ cứng, phiến diện mà nhìn nhận tôn giáo như một “thực tại xã hội” và là nhu cầu của một bộ phận quần chúng, tôn giáo đồng hành với CNXH, gắn kết các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo với giá trị văn hóa dân tộc.

Sự đổi mới đó chứng tỏ bản lĩnh và sự trưởng thành của Đảng trong công tác lý luận nói chung và công tác tôn giáo nói riêng. Đảng ta đã khai thác toàn diện quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, vận dụng sáng tạo trong điều kiện đặc thù của cách mạng Việt Nam, vượt qua cách nhìn chính trị - tôn giáo quen thuộc để có cách nhìn mới, trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu tôn giáo như một nhu cầu chính đáng, tất yếu của một bộ phận nhân dân.

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 02-7-1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới, khẳng định sự tiếp tục phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo, cụ thể hóa các quan điểm của Nghị quyết 24, chỉ ra những bất cập mà các cấp, ngành Trung ương đến cơ sở cần phải khắc phục.

Đại hội IX, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội, Đảng khẳng định “từng bước hoàn thiện luật pháp về tín ngưỡng tôn giáo” và điều này được tiếp tục nhấn mạnh trong Đại hội XI: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng”. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, đã có những đổi mới về chính sách tôn giáo, nhiều văn bản mới ra đời. Các chính sách đó cơ bản phù hợp với thực tiễn, luật pháp về tôn giáo, ngày càng được đồng bào có đạo đồng tình, ủng hộ, giúp họ yên tâm, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng.

2. Quan điểm của Đảng về tôn giáo từ năm 2003 đến nay

Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 là Nghị quyết riêng về công tác tôn giáo, vấn đề tôn giáo lần đầu tiên được đưa ra bàn bạc, quyết định ở cấp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Nghị quyết 24-NQ/TW, Đảng mới chỉ nêu ra ba quan điểm chỉ đạo thì đến Nghị quyết 25-NQ/TW, Đảng đã nêu ra năm quan điểm và chính sách, trong đó tiếp tục khẳng định những quan điểm đã được nêu tại Nghị quyết 24-NQ/TW và bổ sung một số quan điểm mới, cụ thể là:

Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Nhận thức rõ sự tồn tại của tín ngưỡng, tôn giáo là một thực tế khách quan, lâu dài, trong suốt thời kỳ quá độ, do đó, Đảng tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, là chính sách lâu dài của đất nước. Khẳng định tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH là sự đổi mới trong nhận thức về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, là cơ sở để hình thành các chủ trương, giải pháp về tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ mới.

Hai là, đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị ban hành chính sách “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Quan điểm đoàn kết tôn giáo là một bộ phận trong tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần làm nên sức mạnh, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đây là sự kế thừa điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, là sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Quan điểm đoàn kết tôn giáo là một bộ phận trong tư tưởng đại đoàn kết - một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, được hình thành từ truyền thống đoàn kết của dân tộc và được xây dựng trên nền tảng cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân. Để tạo nên sức mạnh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một quốc gia đa dân tộc, nhiều tôn giáo, Việt Nam tất yếu phải đoàn kết toàn dân. Các tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam, lợi ích của từng tôn giáo gắn với lợi ích của cả dân tộc. Quan điểm này đã góp phần làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 

Trong thời kỳ mới, với những yêu cầu mới, đoàn kết tôn giáo, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng trở thành chủ đề trung tâm của các kỳ Đại hội của Đảng.

Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đảng ta khẳng định, thực chất công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ tôn giáo; nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm đời sống nhân dân.

Bốn là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm này, Đảng đã khẳng định các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trực tiếp làm công tác tôn giáo, góp phần làm tốt công tác tôn giáo trong thời kỳ mới. Trong công tác tôn giáo, Đảng lãnh đạo, đề ra chủ trương, phương hướng, Nhà nước quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách để vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách tôn giáo.

Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo. Đây là điểm quan trọng nhằm xác định các hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận thì được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách, giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật. Không được lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật.

Ngày 04-02-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành, thể hiện sự đổi mới trong quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, không chỉ thừa nhận sáu tôn giáo mà tiến tới thừa nhận nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo.

Đại hội X của Đảng (2006) tiếp tục thể hiện rõ sự đổi mới tư duy của Đảng trên lĩnh vực tôn giáo. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội X là đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do của nhân dân.

Đại hội XI của Đảng (2011) tiếp tục khẳng định một số quan điểm đã được nêu trong các kỳ Đại hội trước, và có một số điểm mới bổ sung. Vấn đề tôn giáo được trình bày chủ yếu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Báo cáo Chính trị. Cương lĩnh ghi: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”(2). Đây là quan điểm nhất quán được nêu ra và khẳng định nhiều lần qua các kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ VIII trở về trước, các quan điểm của Đảng chỉ nêu “tôn trọng”, đến Đại hội IX, X và XI bổ sung thêm cụm từ “bảo đảm”.

Như vậy, để “bảo đảm” quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách đầy đủ phải có quá trình chuyển biến nhận thức và quán triệt quan điểm đổi mới sâu sắc. Thuật ngữ tín ngưỡng, tôn giáo ở Đại hội XI có sự phân biệt rõ ràng “tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”. “Tự do tín ngưỡng” theo nghĩa rộng là bao hàm cả tự do tôn giáo, đó là tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, không chỉ đơn thuần trong tự do tư tưởng, niềm tin mà còn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do thực hành, hoạt động tôn giáo.

Việc “chủ động phòng ngừa” để không xảy ra hành vi lợi dụng tôn giáo đã được nêu ra từ các đại hội trước, đến Đại hội XI nhấn mạnh việc “chủ động”.

Đại hội XI đã có những nhận định mở đường cho việc tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo. Một mặt yêu cầu “tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo”, đồng thời nhấn mạnh “hoàn thiện luật pháp tôn giáo”, đây là một nội dung trong nghiên cứu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đại hội XII năm 2016 nêu các quan điểm, chính sách tôn giáo, nhấn mạnh các vấn đề cơ bản sau: (i) tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; (ii) tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; (iii) phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; (iv) tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ theo quy định của pháp luật; (v) kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Như vậy, các quan điểm, chính sách tôn giáo tại Đại hội XII của Đảng là sự tiếp tục khẳng định những quan điểm đã được nêu ra trong các kỳ Đại hội trước, đồng thời có sự bổ sung và phát triển cho phù hợp với tình hình mới về công tác tôn giáo.

Tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV ngày 18-11-2016, Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 01-12-2016, Chủ tịch nước ký Lệnh số 12/L-CTN công bố Luật tín ngưỡng, tôn giáo và có hiệu lực chính thức từ ngày 01-01-2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm 68 điều, 9 chương, 8 mục thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác tôn giáo. Đồng thời, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã mở rộng chủ thể thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho “mọi người”, điều mà trước đây chỉ là “công dân”, có nghĩa là những người bị bắt tạm giữ, tạm giam, người đang bị phạt tù, cơ sở giáo dục bắt buộc,... đều có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tôn giáo, đồng thời, Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng bảo đảm cho những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu được sinh hoạt và hoạt động tôn giáo.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định hạn chế can thiệp hành chính nhà nước vào công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo. Chuyển đổi cơ chế quản lý từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn. Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời thực hiện phân cấp thẩm quyền quản lý ở Trung ương và địa phương về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng chuyên môn hóa, phù hợp với tính chất, mức độ, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể quản lý và thống nhất với các quy định của pháp luật.

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-01-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới có điểm mới khi xác định “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”. Như vậy, tôn giáo không chỉ là ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng mà tôn giáo còn là một thực thể xã hội, thực thể văn hóa và là một thực thể kinh tế. Tôn giáo là một nguồn lực xã hội to lớn với số lượng chức sắc, chức việc cùng đông đảo tín đồ đã và đang có những đóng góp cho sự phát triển xã hội. Trong xã hội đương đại, tôn giáo đang hướng về xã hội thực tại, tích cực nhập thế vào mọi mặt của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện...

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới đó là tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo Chính trị của Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”(3).

Như vậy, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa vào Văn kiện Đại hội nội dung tôn giáo là nguồn lực xã hội, và nhấn mạnh cần phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Nhìn lại quá trình phát triển nhận thức, đổi mới quan điểm của Đảng về tôn giáo, có thể khẳng định, trong Nghị quyết 24-NQ/TW lần đầu Đảng ta nêu lên vấn đề “đạo đức tôn giáo” với cách nhìn mới “có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Nghị quyết số 25-NQ/TW năm 2003, Đảng đã ghi thêm một nấc thang mới cho nhận thức lý luận trên lĩnh vực tôn giáo. Đây cũng là lần đầu tiên Trung ương Đảng ra nghị quyết riêng về công tác tôn giáo. Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, tình hình tôn giáo ở nước ta ổn định, chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vạch trần các âm mưu vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.

Việt Nam hiện nay có 16 tôn giáo, với 43 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và đăng ký hoạt động, với khoảng 26 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 55 nghìn chức sắc, hơn 130 nghìn chức việc, gần 28 nghìn cơ sở thờ tự; 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo(4). Đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo nêu cao tinh thần yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo thực hiện đúng đường hướng, phương châm hành đạo gắn bó với dân tộc; tăng cường hoạt động xã hội, từ thiện, đóng góp ngày một lớn cho công tác an sinh xã hội; các chức sắc tôn giáo tham gia vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ngày càng nhiều.

Sự đổi mới trong nhận thức về tôn giáo của Đảng là kết quả của quá trình tư duy lâu dài trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và là kết quả của hoạt động thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo ở nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Các tổ chức tôn giáo có xu hướng nhập thế, tham gia vào đời sống chính trị sâu rộng hơn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.24.

(2) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

(4) Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo tổng kết năm 2020.

TS TRẦN THỊ THÚY NGỌC

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

Cục Cơ yếu - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền