Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quá trình đổi mới tư duy đối ngoại đa phương của Đảng từ Đại hội VI đến nay
Thứ hai, 06 Tháng 9 2021 13:55
40553 Lượt xem

Quá trình đổi mới tư duy đối ngoại đa phương của Đảng từ Đại hội VI đến nay

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Việt Nam với chủ trương triển khai đồng bộ và toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh song phương và đa phương.Bài viết tập trung làm rõ sự phát triển tư duy đối ngoại đa phương của Đảng ta từ Đại hội VI đến nay; những quan điểm cơ bản của Đại hội XIII về đối ngoại đa phương.

Ảnh minh họa: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Sự vận động hết sức đa dạng,phức tạpvà khó lường của tình hìnhquốc tế hiện nay đặt ra những thách thức cho việc triển khai công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đặc biệt, sự vận động của cục diện nhằm hình thành trật tự thế giới mới theo hướng dân chủ hóa, đa cực hóa các mối quan hệ,khiến cho quá trình Việt Nam tham gia, khẳng định vai trò trong các cơ chế đa phương trên thế giới diễn ra phức tạp hơn, đòi hỏi có sự đổi mới trong tư duy đối ngoại. Từ năm 1986 đến nay, tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng được định hình ngày một rõ nét, phát triển có hệ thống và liên tục được hoàn thiện. Điều này được thể hiện trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng.

1. Sự phát triển tư duy đối ngoại đa phươngcủa Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội VI

Những diễn biến nhanh, mạnh của bối cảnh thế giới thập niên 1980, trong đó phải kể đến những thỏathuận của các cường quốc trong cuộc chạy đua vũ trang cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh đã cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong sắp xếp lực lượng sắp diễn ra. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, kéo theo sự khủng hoảng trên các lĩnh vực chính trị, xã hội… đãkhiến mâu thuẫn trong lòng hệ thống các nước XHCN ngày càng gia tăng, gây ranhững bất trắc trong quá trình tập hợp lực lượng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến các nước nhỏ trong hệ thống. Bên cạnh đó, để chống lại sự lôi kéo từ các nước lớn, nhiều phong trào, tổ chức khu vực… đã được thành lập hoặc điều chỉnh cơ chế hoạt động,trở thành diễn đàn đấu tranh của các nước vừa và nhỏ.

Đối với nước ta, những năm 80 thế kỷ XX,Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: (i) về kinh tế,sản xuất đình trệ, ngân sách thiếu hụt, lạm phát cao…; (ii) về chính trị chịu tác động lớn từ khủng hoảng chính trị trong hệ thống các nước XHCN, bị cô lập chính trị do những hiểu lầm trong vấn đề Campuchia; (iii) về đối ngoại gặp nhiều khó khăn do Mỹ và phương Tâycấu kết với nhau hình thành trận tuyến chống lại chúng ta.

Bối cảnhquốc tế và trong nước nêutrên đặt ra những thách thứclớn đối với sự phát triển và mục tiêu CNXH của Việt Nam, đồng thời cũng tạo cơ sở cho việc hình thành tư duy đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trước tình hình mới. Đại hội VI của Đảng đã đặt nền móng cho quá trình đổi mới tư duy nói chung và trong lĩnh vực đối ngoạinói riêng, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tư duy “mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, … mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòabình”(1). Tiếp đó, Trung ươngkhóa VI đã làm rõ nét hơn tư duy đối ngoại theo định hướng đa phương của Việt Nam khi lần đầu tiên đưa cụm từ “đa dạng hóa quan hệ” trên cơ sở “thêm bạn bớt thù” vào Nghị quyết số 13của Bộ Chính trị ngày 20-5-1988“về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Điều này cho thấy, Nghị quyết 13 là văn kiện đầu tiên của Đảng mang ý nghĩa nền tảng cho chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa”; đồng thời thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Việt Nam. Quan điểm “thêm bạn, bớt thù” là phù hợp với phương thức tập hợp lực lượng mới giai đoạn sau Chiến tranh lạnh. Từ quan điểm này, phương châm đối ngoại “thêm bạn, bớt thù” được hình thành nhằm tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế ngoài phe XHCN trên cơ sở đề cao lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam. Từ chủ trương và phương châm đối ngoại này,  từ năm 1986 đến năm 1990, Việt Nam bắt đầu triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương tại mộtsố diễn đàn đa phương trên thế giới, trong đó có Liên hợp quốc với việc tham gia sâu hơn vào các cơ quan của tổ chức này; tham gia phong trào Không liên kết nhằm từng bước cải thiện mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ củacác nước.

 Như vậy, trong 5 năm (1986 - 1990),Đảng ta đã cósự thay đổi vượt bậc trong nhận thứcvề thế giới và các mối quan hệ của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Quan điểm “đa dạng hóa, đa phương hóa” các mối quan hệ quốc tế đặt cơ sở cho việc hình thành chủ trương “đa dạng hóa quan hệ quốc tế” trên quy mô khu vực và thế giới, tạo nên bước chuyển mới trong các hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta. Có thể xem đây là bước đi quan trọng định hình chính sách ngoại giao đa phương, tạo tiền đề cho việc triển khai công tác đối ngoại đa phương sau này của Việt Nam.   

2. Sự phát triển tư duy đối ngoại đa phương của Đảng từ Đại hội VII đến Đại hội IX

Tháng 6-1991, Đại hội VII của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn. Bên cạnh mưu đồ “thế giới mộtcực” của Mỹ, khoảng trống quyền lực sau khi hệ thống XHCNsụp đổđãtạo ra những cơ hội chomột số nước nhăm nhe thế chỗ; bên cạnh đó, cơ hội cho yếu tố đa cực cũng dần trở thành xu thế nổi trội trong quá trình tập hợp lực lượng của các nước thông qua hoạt động ngày càng mạnh hơn của các tổ chức khu vực và các phong trào cách mạng thế giới. Việc các nước XHCN Đông Âu sụp đổ cũng khiến cho chỗ dựa vững chắc của chúng ta không còn nữa.

Quan điểm, chủ trương “thêm bạn, bớt thù” trong quá trình thực thi đã làm xuất hiện những tình huống mới,trong đó khái niệm “bạn”,“thù” cầnđược hiểu rộng hơn. Đại hội VII khẳng định:“Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòabình, độc lập và phát triển”(2)và từ chủ trương đó, hình thành nên chính sách đối ngoại theo hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”. Nhận thức mới trong tư duy lý luận về nội hàm khái niệm “bạn” và “thù” được thể hiện cụ thể trong việc thực thi chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực, các phong trào chính trị thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong nhiệm kỳ Đại hội VII, quá trình đổi mới tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện rất rõ tại Hội nghị Trung ương3 khóa VII(năm 1992). Hội nghị đã chỉ ra nhiệm vụ trước mắt là khai thông mối quan hệ với các cơ chế đa phương trên thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)(3); mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực, trước hết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trước tiên là ASEAN. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã đánh dấu bước tiến mới trong tư duy về ngoại giao đa phương của Đảng, đó là mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhiều tổ chức khu vực và thế giới, không phân biệt chế độ chính trị cũng như trình độ phát triển.

Từ những thành công trong thực tiễn triển khai chủ trương “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” tại Đại hội VII, cụ thể là việc khai thông quan hệ với các thiết chế kinh tế - tài chính thế giới; các tổ chức quốc tế, khu vực; đặc biệt là một số nước lớn có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…Đại hội VIII của Đảng đã có những định hướng rất cụ thể về đối ngoại đa phương, trongđó,tiếp tục chú trọng việc thiết lập quan hệ với các thiết chế đa phương trên thế giới ở những cấp độ khác nhau như: Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Thương mại thế giới,Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương… Đại hội cũng chỉ ra cần chú trong hơn việc mở rộng đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ… nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đại hội IX (2001) đánh dấu bước tiến trong tư duy của Đảng về đối ngoại đa phương khi chuyểntừ “muốn là bạn” sang“sẵn sàng là bạn, là “đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”(4)trong chủ trương đối ngoại của Đảng giai đoạn này. Điềunày cho thấy sự chủ động, tích cực, đồng thời ngày càng khẳng định đượcvị thế, vai trò của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế. Trong giai đoạn này, những diễn biến mau lẹ và phức tạp của bối cảnh quốc tế đang chuyển nhanh từ xu thế một cực (Mỹ) sang xu thế đa cực, đa trung tâm quyền lực; trong đó xu thế toàn cầu hóa diễn biến hết sức nhanh, mạnh và ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chính sách phát triển của các quốc gia trên thế giới… Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 về Hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm tận dụng những thuận lợi của cục diện thế giới cho mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Cùng với quá trình triển khai các nội dung cụ thể trong đường lối đối ngoại với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, tư duy của Đảng về “bạn”, “thù” dần được hoàn thiện, thay thế bằng cụm từ “đối tác”, “đối tượng” với nội hàmcụ thể hơn. Nghị quyết Trung ương  8 khóa IX chỉ rõ: “Đối tác của chúng ta là bất kể ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, mong muốn thiết lập và xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam; đối tượng ta cần kiên quyết đấu tranh là những ai tìm cách chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ta. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có những mặt cần tranh thủ và trong một số đối tác vẫn có thể có những khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”(5). Nghị quyết thể hiện nội dungcốt lõi trong tư duy của Đảng về công tác đối ngoại nói chung, là cơ sở then chốt triển khai đối ngoại đa phương trong thực tế.

Như vậy, từ Đại hội VII đến Đại hội IX,tư duy đối ngoại đa phương của Đảng được định hình ngày càng rõ nét và chính thức hóa trong các văn kiện của Đảng. Qua thực tế triển khai, tư duy về đối ngoại đa phương ngày càng được bổ sung, điều chỉnh và ngày càng hoàn thiện hơn. Trong giai đoạn này, tư duy về đối ngoại đa phương mới chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, với đặc trưng là hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đối ngoại nhân dân.

3. Sự phát triển tư duy đối ngoại đa phương của Đảng từ Đại hội X đến Đại hội XIII

Thực tiễn triển khai chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trong các nhiệm kỳ Đại hội trước đã đạtnhững thành công bước đầu rất quan trọng trong việc thực hiện “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ quốc tế. Chúng ta không chỉ khai thông quan hệ với những quốc gia, những tổ chức lớn trên thế giới mà ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các mối quan hệ đó. Đây là những nhân tố thực tiễn thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, đồng thời đổi mới sâu sắc hơn trong tư duy lý luận của Đảng về đối ngoại đa phương.

Tiếp tục“Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế…”, “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương”(6), Đại hội X của Đảng (2006) lần đầu tiên khẳng định chủ trương hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: “tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực khác”(7).

Điểm nhấn thể hiện quá trình đổi mới trong tư duy đối ngoại đa phương của Đảng chính là ở chỗ đưa ra phương châm cụ thể cho công tác đối ngoại nhân dân “…chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới”(8).

Đại hội XI của Đảng (2011) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy về đối ngoại đa phương khi đưa ra định hướng:“thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòabình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…”(9). Đại hội cũng nhấn mạnh sựkết hợp chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương với yêu cầu giữ vững an ninh,quốc phòng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tại Đại hội XIIcủa Đảng (2016), lần đầu tiênĐảng ta đưa rakhái niệm “đối ngoại đa phương”. Kể từ đây, đối ngoại đa phương trở thành một định hướng chiến lược của Đảng trong đường lối đối ngoại chứ không còn là công cụ thực hiện công tác đối ngoại như trước đó. Đại hội XII chỉ rõ định hướng “nâng cao chất lượng công tác đối ngoại đa phương”, theo đó,Việt Nam cần “chủ động tham gia và phát huy vai trò trong cáccơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”(10). Định hướng này đòi hỏi công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn trong việc góp phần xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ của các cơ chế đa phương chứ không chỉ dừng lại ở việc tham gia. Bởi lẽ đó, Đại hội XII cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại đa phương giai đoạn này là phải chuyển mạnh từ “ký kết, gia nhập, tham gia” sang “chủ động và tích cực góp phần xây dựng, định hình” các quy tắc, luật lệ mới của các cơ chế đa phương mà chúng ta đang tham gia.

Tại Đại hội XIIIcủa Đảng (2021), trên cơ sở xác định định hướng đối ngoại cho giai đoạn 2021- 2030là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả(11),Đảng ta chỉ rõ, về đối ngoại đa phương cầnthực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(12). Trong đó nội hàm,“toàn diện” thể hiện triển khai đối ngoại của nước ta qua các chủ thể, đối tượng và các địa bàn, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh…; nội hàm “hiện đại” là trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi,thích ứng linh hoạt trước những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực.

Như vậy, thực tiễn triển khai đường lối đối ngoại đổi mới từ năm 1986 đến nay là cơ sở để tư duy đối ngoại đa phương của Đảng phát triển một cách hệ thống, liên tục,được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử. Tuy đến Đại hội XII, cụm từ “đối ngoại đa phương” mới được đưa vào văn kiện, song trong thực tế, tinh thần của đối ngoại đa phương đã được Đảng thể hiện rõ nétqua các kỳ đại hội Đảng, từ đó đặt cơ sở lý luận để Nhà nước ta tiến hành các hoạt động đa phương, thúc đẩy phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Việt Nam.

__________________

Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của đề tài cơ sở phân cấp: “Phát triển ngoại giao đa phương Việt Nam trong hội nhập quốc tế hiện nay,  mã số CS.02-2021, Học viện Chính trị khu vực I

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội,2001, tr.561.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr.49.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,t.52, tr.147.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,t.62, tr.416.

(5) BanTư tưởng - Văn hóa Trung ương:Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội,2003.

(6), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,t.65, tr.209, 211; 209, 210; 210.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tr.138.

(10) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,2016, tr.156.

 (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.117-118, 162.

TS Đinh Thanh Tú

 ThS Trần Thị Huyền Trang

Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị khu vực 1

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền