Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 10:18
2964 Lượt xem

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đề ra giải pháp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh: Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn:baodantoc.vn

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Người, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không phải là việc một, hai người có thể làm được. Do đó, cần đoàn kết toàn dân tộc, có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người Việt Nam vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Hồ Chí Minh khẳng định, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tinh thần cộng đồng của dân tộc Việt Nam, phải có lòng khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người. 

Hồ Chí Minh chỉ rõ, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,/Thành công, thành công, đại thành công”(1); tăng cường đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ cơ bản, nhất quán, lâu dài, sống còn của cách mạng.

Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là phương pháp tổ chức, tập hợp lực lượng, mà cao hơn là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng. Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(2). Đoàn kết toàn dân tộc vừa là điều kiện tiên quyết, sống còn, vừa là tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức, mà phải được cụ thể hóa trong mọi bước đi, tình huống của cách mạng. Người nhấn mạnh “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”(3).

Hồ Chí Minh chỉ ra lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là toàn dân trong đó, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng. Theo nghĩa đó, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc; đoàn kết rộng rãi tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ. Theo Người, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người đều có thể còn có những hạn chế, nhược điểm. Nhưng, vì lợi ích chung của cách mạng phải có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng phần thiện dù là nhỏ nhất ở mỗi người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(4).

2. Quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc

Kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân tộc, trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm này được Đảng đề ra từ Đại hội VI (năm 1986) và không ngừng được bổ sung, phát triển qua mỗi kỳ Đại hội Đảng. Bốn bài học lịch sử mà Đại hội VI chỉ ra đã bao hàm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nổi bật là bài học lấy dân làm gốc và kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, thực hiện đoàn kết quốc tế. Dân là gốc, là nền tảng của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Quan điểm này đã trở thành linh hồn của đường lối đổi mới, là gốc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc đã được nâng lên một bước phát triển mới, trong Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17-11-1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất. Nghị quyết đã thể hiện sự kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định yếu tố dân tộc là một “đặc điểm cực kỳ quan trọng”, đồng thời chỉ rõ phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, đưa khối đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới.

 Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(5) vì mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  Đại hội X nhấn mạnh: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”(6). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế là một bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(7).

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích trong xã hội, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(8).

Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đan xen cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đối với sự nghiệp đổi mới nói chung, với xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, tạo ra mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, làm mất ổn định chính trị - xã hội. Những vấn đề đó đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

3. Giải pháp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc.

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, các ngành, các lực lượng, mọi người dân nhận thức rõ và đúng về sự cần thiết của tăng cường đại đoàn kết toàn dân. Tuyên truyền, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mọi người Việt Nam nhận thức sâu sắc lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(9). Đồng thời, phải quán triệt và thực hiện lời dạy của Người: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”(10). Quán triệt và thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội nhằm khuyến khích, động viên, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện những chính sách cụ thể, quan tâm các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, như: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi; các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng, tạo điều kiện để họ khắc phục khó khăn, bảo đảm cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, v.v.. Phổ biến và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để “bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(11), nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng những mặt còn hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, tăng cường vai trò của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước hướng vào tăng cường củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ sở cho sự thống nhất các lợi ích, thống nhất về ý chí và hành động của các giai cấp, tầng lớp, nhất là giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”(12). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phải là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để nhân dân tin tưởng, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia bàn bạc những vấn đề quan trọng của đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc, lợi ích chính đáng của nhân dân trên cơ sở tin nhân dân và tôn trọng nhân dân.

Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc

Trân trọng, tôn vinh những đóng góp, công hiến của nhân dân; có cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài. Tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. “Xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân...”(13). Có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực để cống hiến cho đất nước. Tôn trọng và tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân tham gia thảo luận, góp ý những vấn đề quan trọng của đất nước.

 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”(14). Quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “... vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”(15); “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(16) để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới; hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Đối với đồng bào định cư ở nước ngoài, cần có chính sách hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Đồng thời, “... tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”(17).

Tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xóa đói giảm nghèo.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.119.

(2), (3), (4), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.244, 244, 244, 244.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.123.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.116-117.

(7), (11), (12), (14), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158-159, 159, 156-157, 158, 165-166.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.165-166.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.11.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.3, tr.256.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.95.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.232.

TS LÊ THỊ HẠNH

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền