Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng viên có chức vụ, quyền hạn
Thứ sáu, 29 Tháng 10 2021 09:08
4700 Lượt xem

Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng viên có chức vụ, quyền hạn

(LLCT) - Kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn là phương thức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Bài viết làm rõ những hạn chế bất cập trong quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định về: nội dung, nghĩa vụ kê khai, công khai bản kê khai, thẩm quyền kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm...

Ảnh: Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng và đề xuất nghiên cứu Luật Đăng ký tài sản tại phiên họp 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguồn:vov.vn

Kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn là tổng thể những biện pháp, cách thức mà Đảng, Nhà nước sử dụng để theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Qua đó, góp phần phát hiện, ngăn chặn việc đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tham nhũng.

Nhận thức sâu sắc vai trò của kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta đã nhất quán quan điểm chỉ đạo chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chứcvụ, quyền hạn.

Đại hội XII của Đảng (2016) yêu cầu “xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, ... các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm về kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng”(1).

Nhà nước đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong các văn bản luật và dưới luật và tổ chức thực hiện. Kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn (hầu hết là đảng viên) đã được quy định trong Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 và tiếp tục được hoàn hiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012và năm 2018).

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2019) đã dành riêng Mục6 gồm 24 điều trong tổng số 96 điều của Luật (từ Điều 30 đến Điều 54) quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm: việc kê khai, công khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, (gồm 25 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018) .

Về cơ bản, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập đã khá hoàn thiện, đầy đủ. Tuy nhiên,để các quy định này đi vào cuộc sống, một số nội dung của Luật và Nghị định cần được xem xét sửa đổi, bổ sung chi tiết và hoàn thiện hơn; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XIIIcủa Đảng: “Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”(2), “Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(3).          

1. Hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về nội dung kê khai tài sản, thu nhậpcủa đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Theo quy định hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (trong đó hầu hết là đảng viên) chủ yếu thực hiện với các tài sản, tổng thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, thu nhập của vợ, con chưa thành niên và tổng thu nhập chung (trường hợp không phân tách được hoặc chưa phân tách). Phần kê khai về thu nhập, quy định chỉ kê tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai. Tuy nhiên, để phòng ngừa tham nhũng, việc kê khai các nguồn thu nhập lại có ý nghĩa quan trọng. Đây là cơ sở để kiểm soát nhằm ngăn ngừa các khoản thu nhập được hình thành từ các nguồn có thể bị xung đột lợi ích với người có nghĩa vụ kê khai. Từ các kê khai cụ thể các nguồn đầu vào cũng sẽ là cơ sở để xác minh nguồn gốc hình thành tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Kiểm soát các nguồn hình thành thu nhập và cả các nguồn có nguy cơ hình thành là cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, cần xem xét quy định cụ thể hơn về các nguồn thu nhập trong Luật và Chính phủ quy định chi tiết hơn vấn đề này trong nghị định.

Bên cạnh đó,cũng cần quy định cụ thể hơn một số nội dung trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35: “Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên”. Quy định này được hiểu là một tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên mới phải kê khai. Một tài sản ở đây được hiểu là tài sản độc lập, mặc dù cùng loại. Nhưng theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP là tài sản có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Tức là tài sản cùng loại, ví dụ vàng, có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai. Quy định này không thống nhất với tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũngnăm 2018. Do đó,cần xem xét sửa đổi quy định về vấn đề này cho rõ ràng, thống nhất để thực hiện.

Quy định về tài khoản phải kê khai tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay. Hiện nay, không chỉ có tài khoản ngân hàng có giá trị và chứa tiền, có nhiều tài khoản khác cũng chứa tiền hay có giá trị lớn nếu được quy đổi ra tiền, như tài khoản game, tài khoản trong các ứng dụng thanh toán, tài khoản đầu tư, tài khoản tích điểm,… Vì vậy, nếu coi đây là một dạng tài sản và cần được kiểm soát thì cần có hướng dẫn cụ thể hơn, bao quát và phù hợp với thực tiễn cuộc sống hơn. Nội dung này đã được hướng dẫn trong Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, tuy nhiên chưa thật cụ thể và vẫn cần thiết quy định bao quát hơn trong Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng là các loại tài khoản có giá trị thanh toán hay được quy đổi ra tiền có giá trị ở trong nước và ở nước ngoài.

Quy định về tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai cũng cần được xem xét quy định cho phù hợp, khả thi và có tác dụng phòng, chống tham nhũng. Việc quy định kê khai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai sẽ khó trong thực tiễn cả cho người kê khai và người xác minh. Nếu là người thuộc diện phải kê khai hằng năm thì đây là quy định phù hợp, nhằm theo dõi kịp thời được sự biến động của thu nhập, từ đó có thể đối chiếu với tài sản đã kê khai. Tuy nhiên, nếu là người kê khai lần đầu khi được tuyển dụng và rất lâu sau đó (vài chục năm) mới được bổ nhiệm - để phải kê khai - thì sẽ rất khó để người đó kê tổng thu nhập sau mấy chục năm. Điều này cũng gây khó khăn cho người đi xác minh nếu người kê khai trong diện phải xác minh. Nên có thể sửa đổi quy định này để chỉ áp dụng đối với người thuộc diện phải kê khai hằng năm. Bên cạnh đó, có thể quy định việc kê khai chỉ thực hiện với người được tuyển dụng, bổ nhiệm và kê khai tiếp theo là khi có biến động tài sản, thu nhập đến mức phải kê khai hay khi đã kết thúc nhiệm vụ được phân công. Chẳng hạn, kết thúc sau 05 năm bổ nhiệm, hay kết thúc khi được giao nhiệm vụ tương tự.

Các khoản nợ, các khoản chi tiêu dùng hay chi đầu tư có giá trị lớn cũng cần được bổ sung vào nội dung phải kê khai. Do đây là những nội dung thể hiện rõ nhất biến động về tài sản, theo hướng giảm đi, nhằm tạo cơ sở đối chiếu với các nội dung về hình thành tài sản, thu nhập. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc xác minh, làm rõ tài sản, thu nhập của người phải kê khai.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Hiện nay, việc kê khai hằng năm vẫn là con số lớn, do quy định từ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và được cụ thể hóa trong Nghị định số 130/2020/NĐ-CP,bao gồm 13 ngạch công chức và chức danh, những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong 105 lĩnh vực, và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cho nên về cơ bản, số lượng người phải kê khai hằng năm rất lớn. Điều này dẫn đến việc xác minh ngẫu nhiên hằng năm cũng rất lớn, sẽ khó khăn cho việc bảo đảm thực hiện được tỷ lệ 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện quản lý và 10% số người thuộc diện phải kê khai hằng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh. Vì vậy, cần nghiên cứu để những người thuộc diện phải kê khai hằng năm với số lượng hợp lý mới có thể thực thi nhiệm vụ xác minh. Bên cạnh đó, cần quy định bổ sung đối tượng kê khai là người đứng đầu các tổ chức xã hội, các nghiệp đoàn, các hiệp hội lớn có sự ảnh hưởng đến đời sống chính trị-xã hội của đất nước.

Vì quy định những người thuộc diện phải kê khai hằng năm quá nhiều sẽ dẫn đến ít hiệu quả do nguồn lực dành cho việc xác minh quá lớn, mà nếu chỉ kê khai mà không xác minh thì sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về công khai bản kê khaitài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Công khai, minh bạch là một biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn, là một phương thức quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế Hiện nay chưa xem việc công khai, minh bạch bảng kê khai là biện pháp nhằm hạn chế các sai phạm trong kê khai"(4); “Yêu cầu niêm yết tại trụ sở, nơi cư trú hay tổ chức họp để công bố… đều chưa có tính khả thi(5). Vì vậy, cần có các quy định để “cơ quan phòng, chống tham nhũng có quyền biết thông tin về tài sản, ngân hàng có nghĩa vụ phải cung cấp và chỉ sử dụng thông tin đó vào phòng, chống tham nhũng, còn nếu sử dụng vào mục đích khác thì bị xử lý(6).Dưới góc độ pháp luật về quyền con người, tăng cường công khai nhưng phải bảo đảm bảo vệ quyền chính đáng về tài sản của cán bộ, đảng viên, tránh các rủi ro khi công bố công khai các thông tin về tài sản kèm theo danh tính của người kê khai. Dưới góc độ chính trị, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ,quyền hạn phải thực hiện đúng, đủ theo tinh thần các quy định của Đảng nhằm nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhậpcủa đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Luật Phòng, chống tham nhũng quy định tại Điều 30 về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gồm có 08 cơ quan cùng kiểm soát tài sản, thu nhập đối với một đối tượng. Có những người thuộc nhiều cơ quan quản lý, vừa cơ quan Đảng, vừa cơ quan chính quyền kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong khi, quy định của Đảng và quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản thu nhập có sự khác nhauNên thực tế phát sinh việc một người có nghĩa vụ kê khai chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Nhất là khi hầu hết các cán bộ, công chức đều là đảng viên. Nhiều trường hợp cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý thì việc kiểm soát sẽ bị chồng chéo giữa cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng với cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản của Nhà nước. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng để quy định rõ thẩm quyền và việc phối hợp xử lý giữa cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Đảng với các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác.

Thứ năm, hoàn thiện các quy định về xác minh tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn

 Việc xác minh tài sản, thu nhập được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũngnăm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP còn một số vấn đề chưa thật cụ thể, như việc tổ chức xác minh, trưng tập người tham gia tổ xác minh, phối hợp trong xác minh tài sản, thu nhập. Do đó, cần thiết phải quy định chi tiết vấn đề này.

Về trưng tập cán bộ tham gia tổ xác minh: Cần quy định hướng dẫn cụ thể hơn theo hướng Ban Tổ chức Trung ương trưng tập cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ; trong trường hợp cần thiết thì trưng tập cán bộ của bộ, ngành, địa phương có cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập để thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập của người được xác minh. Văn phòng Trung ương Đảng và các ban của Đảng giao đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tiến hành xác minh và trưng tập cán bộ thuộc các đơn vị do mình quản lý.

Về báo cáo phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập: Cần quy định cụ thể theo hướng người được xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm báo cáo và cam kết về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng trong bản kê khai tài sản, thu nhập của mình với tổ xác minh tài sản, thu nhập. Báo cáo đồng thời được gửi cho ủy ban kiểm tra, ban tổ chức của cấp ủy có thẩm quyền quản lý đảng viên theo quy định của Đảng về phân cấp quản lý cán bộ.

Về xác minh tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ: Cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc xác minh trong trường hợp xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng quy định cụ thể về việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên phải tiến hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử; trong trường hợp có kết luận xác minh tài sản, thu nhập được ban hành trong vòng 06 tháng thì sử dụng bản kết luận đó vào việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử. Khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên có thể tiến hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử; trong trường hợp không tiến hành xác minh hoặc đề nghị xác minh thì phải chịu trách nhiệm nếu người được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử đã kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Về việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập: Các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về việc lựa chọn ngẫu nhiên mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, mà chưa có những quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện. Do đó,cần có các quy định cụ thể về vấn đề này theo hướng xác định nguyên tắc việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, công bằng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai phải lập mã số kê khai ổn định, lâu dài cho từng người có nghĩa vụ kê khai.

Thứ sáu, hoàn thiện các quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập

Các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũngnăm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP chưa thể hiện rõ các nội dung của cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có các dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên. Do vậy,cần thiết có các quy định về vấn đề này, trong đó xác định rõ cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập; các cơ quan quản lý các dữ liệu này phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền để cập nhật vào hệ thống. Việc cung cấp thông tin, dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập cũng cần có những quy định hướng dẫnthực hiện. Theo đó,quy định theo hướng Thanh tra tỉnh cung cấp thông tin dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của mình theo yêu cầu của Ban Thường vụ cấp ủy các cấp trong tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh; Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khi được yêu cầu thì cung cấp thông tin, dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của mình cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu thông tin để phục vụ công tác cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Ban Tổ chức Trung ương, Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của mình theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn, Ban cán sự và Đảng ủy trực thuộc Trung ương để phục vụ công tác cán bộ.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa nội dung này vào Tiểu mục 4: Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Cơ sở dữ liệu này được giao cho Thanh tra Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cơ sở dữ liệu này cần phải được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, về căn cước công dân; cơ sở dữ liệu về thuế và kiểm soát giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, đất đai... để có sự liên kết, trở thành cơ sở dữ liệu quốc gia trên mọi lĩnh vực, dễ khai thác, sử dụng. Đồng thời, cơ sở dữ liệu này cũng có thể được kết nối, truy xuất được với Phần mềm Quản lý đảng viên của Ban Tổ chức Trung ương để thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.

Ngoài ra, những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì phải chịu sự kiểm tra, giám sát đặc biệt. Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã quy định rõ công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Căn cứ quy định này, các tỉnh ủy, thành ủy cũng xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp tỉnh quản lý. Trình tự, thủ tục kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được thực hiện theo quy định của Đảng. Khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp Trung ương, cấp tỉnh hoặc chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt có thể tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện cấp ủy (cấp Trung ương, cấp tỉnh) quản lý. Các cán bộ này phải báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời về việc kê khai tài sản theo yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát; giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện trách nhiệm và quyền của đối tượng kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng.

Thứ bảy, hoàn thiện các quy định về xử lý kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm

Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, để thực hiện được lại phụ thuộc vào việc phát hiện các trường hợp kê khai không trung thực. Do đó,cần tăng cường việc xem xét, xác minh để bảo đảm trong một thời kỳ nhất định, tất cả những người thuộc diện phải kê khai đều được xác minh, đánh giá về tính đúng đắn, đầy đủ, trung thực của việc kê khai. Bên cạnh đó,cần bổ sung thêm một số các biện pháp như cấm đảm nhiệm chức vụ trong một số thời gian nhất định. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc theo hướng đánh thuế hoặc tịch thu toàn bộ hay một phần. Đây chính là phương thức để có thể thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả và góp phần răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Để thực hiện được điều này, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự về vấn đề này.

Bổ sung các chế tài dân sự để xử lý đối với các tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý thì bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của toà án. Tuy nhiên,đối với tài sản kê khai không trung thực, thì cần xác định hai trường hợp: i)Trường hợp người phải kê khai giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập là hợp pháp thì chỉ áp dụng các chế tài truy thu thuế đối với tài sản, thu nhập chưa kê khai; ii)Trường hợp không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thu nhập thì áp dụng chế tài dân sự truy thu đối với tài sản này.

Cũng cần phải khẳng định rằng, việc tịch thu tài sản bất chính cũng không thay thế hoặc loại trừ quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với người không giải trình được về nguồn gốc tài sản tăng thêm, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi tham nhũng khác có liên quan. Quy định này chính là để cụ thể hóa Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Kết luận số 05-KL/TW ngày 03-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW.

2. Hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn

Cùng với việc tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn, cũng cần phải nghiên cứu để từng bước kiểm soát tài sản, thu nhập trên toàn xã hội thông qua việc đăng ký tài sản, kiểm soát thu nhập cá nhân qua thuế, các biện pháp chống rửa tiền, việc dịch chuyển các dòng tiền và tài sản; cải cách chế độ chính sách, tiền lương... Cần bổ sung quy định về nộp lại quà tặng vượt quá giá trị cho phép, quy định việc hạn chế việc thanh toán dùng tiền mặt; bổ sung một số quy định cấm cán bộ, công chức không được mở các tài khoản ở nước ngoài trong thời gian đương chức; việc mở các tài khoản trong nước phải được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền quản lý bản kê khai tài sản. Đây có thể coi là các biện pháp bổ trợ cho các giải pháp nêu trên, nhưng lại mang tính chất nền tảng nhất trong việc bảo đảm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, vì trong thực tiễn, những tài sản có giá trị lớn do tham nhũng thường được đứng tên những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn. Bổ sung các quy định này để có thể tiến hành đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp, cách thức để minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách hiệu quả, thực chất; khiến cho cán bộ, công chức, viên chức có một môi trường làm việc minh bạch, nghiêm minh: “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.

Để kiểm soát tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn một cách hiệu quả, cần sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật có liên quan. Nếu kiểm soát chỉ bằng việc kê khai, công khai và giải trình, xác minh thì chỉ thấy được hiện tại của người kê khai, mà khó điều chỉnh được những quan hệ khác liên quan đến việc hình thành tài sản, thu nhập, đến việc chi tiêu dùng, chi đầu tư,... Nhất là khi các khoản thu nhập không được tích lũy thành tài sản mà chuyển hóa thành các khoản chi tiêu dùng lớn như đi du lịch, chữa bệnh,... Để kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của đảng viên có chức vụ, quyền hạn, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, cần thiết hoàn thiện pháp luật có liên quan sau đây.

Thứ nhất, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bắt buộc thực hiện việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ,quyền hạn

Xác định rõ những mục chi chưa thực hiện chi trả qua tài khoản, đặc biệt là các mục chi như: phụ cấp, thưởng, thù lao thực hiện các dịch vụ (giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ...), thù lao họp, công tác phí,... và nguyên nhân chưa thực hiện chi trả qua tài khoản những khoản chi này. Trên cơ sở đó xác định các giải pháp nhằm thực hiện triệt để việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó có việc, nghiên cứu xây dựng văn bản quy định bắt buộc việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả kiểm soát việc chi trả các khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, đảng viên qua tài khoản ngân hàng. Để thực hiện được điều này, cần có các quy định, kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện phương thức chi trả qua tài khoản ngân hàng mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn; triển khai thực hiện thí điểm với một số địa phương có hạ tầng kỹ thuật tốt, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện trên toàn quốc. Đồng thời,cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về việc thực hiện chi trả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm soát thu nhập bằng công cụ thuế thu nhập cá nhân

Cần tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai thu nhập cá nhân của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi kiểm soát thu nhập của các cơ quan, tổ chức. Thực hiện phối hợp cung cấp thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn giữa cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó,thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn; các vi phạm về quản lý và sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ ba, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc kê khai, xác minh các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của đảng viêncó chức vụ, quyền hạn

Đây là nội dung quan trọng, nhằm đối chiếu trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Cần quy định nghĩa vụ kê khai các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn với mục chi và giá trị cụ thể, nhằm đối chiếu với thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Quy định nghĩa vụ bắt buộc sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đối với các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn. Quy định cơ quan ngân hàng, cơ quan chống rửa tiền và các cơ quan quản lý nhà nước khác tiến hành xác minh đối với những khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó,cần có quy định bổ sung về việc thực hiện kiểm soát các khoản chi đầu tư, chi tiêu dùng có giá trị lớn của cán bộ, đảng viên. Thực hiện kê khai, xác minh và giải trình đối với các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn và kiểm soát chặt chẽ các khoản thu của doanh nghiệp liên quan đến việc chi tiêu dùng của cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ tư, cần có quy định về việc kiểm tra, giám sát từ phía các tổ chức xã hội và người dân đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên

Quy định về việc mở rộng thu thập thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thông qua phản ánh, tố cáo của người dân. Nâng cao vai trò của xã hội trong việc thực hiện giám sát, phát hiện tài sản và các khoản thu nhập bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn. Huy động sự tham gia của công dân và các tổ chức xã hội trong việc cung cấp thông tin, phản ánh về các khoản chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn.

Thứ năm, cần xem xét lộ trình sớm xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản

Vì khi thực hiện đăng ký tài sản theo luật định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản không thể để “tài sản chìm - không xuất hiện trong bản kê khai”. Nói cách khác,họ buộc phải kê khai đầy đủ tài sản hiện có. Do đó,“Luật đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn. Nếu có luật này, người đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này có thể ngăn chặn tài sản bị tẩu tán từ những đối tượng tham nhũng”. Bởi thực tế “có nhiều người có những tài sản lớn, nhưng không rõ nguồn gốc, mà luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản. Điều này nảy sinh ra vấn đề, nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, ma túy…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản, trang sức thì lại trở thành hợp pháp. Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách “lách”, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh”(8).

Tuy nhiên, cần lưu ý để các quy định trong Luật Đăng ký tài sản phải cân nhắc rất kỹ. Bởi tài sản hợp pháp của công dân đã được pháp luật bảo hộ. “Chúng ta có thêm quy định để quản lý nhưng cũng không được gây thêm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(9). Đồng thời, phải tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã có Luật Đăng ký tài sản để tiếp thu có chọn lọc và rút ngắn thời gian xây dựng văn bản.

__________________

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.212-213.

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.195.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.

(4) Nguyễn Quyết:8 năm kê khai tài sản, chỉ 18 người bị kỷ luật, https://phunu.nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/8-nam-ke-khai-tai-san-chi-18-nguoi-bi-ky-luat-20151216224548089.htm, truy cập ngày 10-10-2021.

(5),(6) Vân Hồng: Thiếu cơ chế kiểm soát, cán bộ kê khai tài sản vẫn chỉ để cho đẹp, https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/chinh-tri-xa-hoi/thieu-co-che-kiem-soat-can-bo-ke-khai-tai-san-van-chi-decho-dep-1757273.html, truy cập ngày 10-10-2021.

(7),(9)Ái Vân:Luật Đăng ký tài sản có ngăn được tài sản tham nhũng “ẩn nấp”?, https://laodong.vn/thoi-su/luat-dang-ky-tai-san-co-ngan-duoc-tai-san-tham-nhung-an-nap-870970.ldo, LĐO, truy cập ngày 10-10-2021.

(8) Vũ Lê Minh:Xây dựng Luật Đăng ký tài sản thế nào để không vi hiến và trái với pháp luật dân sự?, https://phaply.netphaply.net.vn/, truy cập ngày 10-10-2021.

PGS,TS NGUYỄN THỊ BÁO

Viện Nhà nước và Pháp luật,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền