Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Người thày Trường Đảng trí tuệ, tâm huyết và yêu nghề, phấn đấu rèn luyện sáng chữ tâm, vẹn chữ tài
Thứ tư, 17 Tháng 11 2021 09:52
3351 Lượt xem

Người thày Trường Đảng trí tuệ, tâm huyết và yêu nghề, phấn đấu rèn luyện sáng chữ tâm, vẹn chữ tài

(LLCT) - Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ luôn đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng tình hình và nhiệm vụ. Thực tiễn hiện nay đang đặt ra yêu cầu bức thiết là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện ở cơ sở, xã phường, thị trấn.

Ảnh minh họa: Tập thể cán bộ, công chức, viên chức trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn. Nguồn: https://truongchinhtribackan.gov.vn

Để đáp ứng yêu cầu đó, vai trò của đội ngũ giảng viên các trường chính trị - người thày trường Đảng, là đặc biệt quan trọng. Người thầy trường Đảng vững vàng về bản lĩnh chính trị, sâu về chuyên môn, rộng về thực tiễn, tinh thông về phương pháp giảng dạy, chuẩn mực về phong cách, gương mẫu về đạo đức, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(1); “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức trường Đảng trên cả nước vượt lên mọi khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và niềm say mê dạy học, nghiên cứu khoa học cũng như trách nhiệm cao đối với công việc, với sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng ở địa phương, cơ sở.

Đội ngũ giảng viên trường Đảng trên cả nước đã đoàn kết, không ngừng đổi mới công tác,nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần mẫn với công việc đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhiệm vụ của người thầy lý luận chính trị không chỉ truyền thụ kiến thức mà là khơi dậy nguồn cảm hứng, truyền lửa cho học viên, lấy người học làm trung tâm, “học viên không phải là một chiếc bình cần phải đổ đầy, mà là một bó đuốc cần được thắp sáng”. Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định "Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”(2). Điều này đặt ra những yêu cầu lớn vàcũng là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên.

Hằng năm, các trường chính trị đào tạo, bồi dưỡng hằng trăm lượt học viên các hệ lớp. Năm 2020, các trường Đảng đã tổ chức tổng số 3.118 lớp đào tạo, bồi dưỡng,với 268.945 học viên (tăng 121,84% về số lớp, 135,82% về số học viên so với năm 2019), đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị cho công tác nhân sự đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có 1.346 lớp trung cấp chính trị - hành chính (chiếm 42,2%, tổng số lớp) với 94.976 học viên (chiếm 35,31% tổng số học viên)(3), phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII (năm 2021) có 74/74 trường tham gia dự thi. Hội thi giúp cho giảng viên các trường Đảng nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn, phương pháp giảng dạy cho các giảng viên và cơ hội để các giảng viên tự khẳng định và thể hiện năng lực của mình. Đồng thời, giúp cho lãnh đạo các trường Đảng có nhìn nhận tổng thể trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp cho đội ngũ giảng viên.

Với niềm say mê nghiên khoa học, giảng viên trường chính trị tích cực tham gia công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đã có nhiều sản phẩm, công trình khoa học có giá trị, nhiều đề tài nghiêncứu, hội thảo khoa học, khảo sát thực tế,đề cao tính thực tiễn, coi trọng ứng dụng, như: hệ thống chính trị cấp xã; kinh tế - xã hội địa phương; đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch….

Năm 2020, các trường đã triển khai nghiên cứu 3 đề tài cấp bộ, 29 đề tài cấp tỉnh, 247 đề tài khoa học cấp trường và nhiều đề tài cấp khoa, phòng, 647 sáng kiến kinh nghiệm các cấp, 4 hội thảo quốc gia, 55 hội thảo cấp khu vực, 56 hội thảo cấp tỉnh và 134 hội thảo cấp trường và hàng trăm hội thảo, tọa đàm cấp khoa của các trường được thực hiện.

Đội ngũ giảng viên trường chính trị luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng. Đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến hết mình trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; giữ gìn kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử. Đó là nét đẹp văn hóa trường Đảng, góp phần bồi đắp, làm giàu truyền thống văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận giảng viên các trường Đảng cũng còn những hạn chế, bất cập với với yêu cầu. Đội ngũ giảng viên của nhiều trường còn mỏng, chưa được quan tâm đào tạo ngang tầm nhiệm vụ,...

Một bộ phận giảng viên vẫn còn tâm lý ngại đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Giảng dạy lý luận chính trị, đạo đức cách mạng là phải đi vào tình cảm của người học. Nhưng một bộ phận giảng viên bằng lòng với phương pháp truyền thống, dẫn đến hệ quả là giảng viên truyền đạt bài giảng một chiều, trong khi kiến thức khoa học chính trị khô khan,nên khó làm được người học rung động, cảm thụ được.

Nhiều giảng viên chưa mạnh dạn đổi mới nội dung bài giảng, một số giảng viên chưa cập nhật kiến thức mới vào bài giảng; trong nghiên cứu khoa học chưa có nhiều công trình có giá trị sáng tạo cao; chưa lý giải sâu sắc và thuyết phục một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh mới. Mặt trái của kinh tế thị trường, lối sống thực dụng của xã hội tác động.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường Đảng vừa có tâm, vừa có tài là yêu cầu tất yếu của đất nước. Để chữ tâm và chữ tài luôn thống nhất, hòa nguyện trong người thầy, làm cho người thầy có trách nhiệm trước tương lai của học viên; đối với công tác giảng dạy, dốc toàn tâm, toàn lực công hiến cho sự nghiệp đào tạo, ươm mầm tài năng cho đất nước.

Trách nhiệm của người thầy Trường Đảng là vô cùng lớn lao, đòi hỏiphải tỏ rõ tài năng, trí tuệ và nhân cách, là tấm gương về đạo đức cách mạng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “Tập trung xây dựng, củng cố, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”(4).

Sẽ làm tổn hại tới danh dự nhà giáo nếu như có hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức nhà giáo dưới mọi hình thức. Người thầy luôn phải có thái độ lịch sự, đúng mực trong giao tiếp ứng xử; thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động.

Người thầy phải có văn hóa học tập, tự học, học suốt đời, rèn luyện không ngừng, thường xuyên chủ động cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc.

Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và đi sâu nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để đủ sức trang bị cho người học những kiến thức bổ ích, củng cố niềm tin, nuôi dưỡng lý tưởng và hướng dẫn kỹ năng hành động cho học viên.

Người thầy phải có tâm trong sáng để tạo dựng nên nhân cách con người, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thời kỳ mới.

Người thầy trường Đảng giỏi về chuyên môn, thành thạo về phương pháp và mẫu mực trong tác phong sẽ tạo được nhiều thiện cảm với học viên, làm cho người học cảm phục, tin tưởng, cảm nhận được hơi thở cuộc sống và nâng cao trách nhiệm công dân của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Và đó cũng là thiên chức cao cả của đội ngũ giảng viên giảng trường Đảng, những người đang đứng ở tuyến đầu của côngtác tư tưởng.

Người thầy Trường Đảng còn phải là tấm gương về tinh thần tự học và nghiên cứu khoa học. Việc tự học đòi hỏi phải có ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Đặc biệt,trong tình hình hiện nay khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi người thầy phải liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu; phải học tập không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức.

Đó chính là thực hiện tinh thần Đại hội XIII của Đảng ta “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận và thực tiễn”(5).

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn chính sách cho các cấp ủy, chính quyền là công việc rất khó và nhạy cảm, đòi hỏi người thầy trường Đảng phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Bên cạch những đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, chú trọng nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổng kết thực tiễn “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(6), làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ hoặc do thực tiễn mới đặt ra, làm cơ sở cho việc giáo dục, định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học.

Phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, để giảng viên Trường Đảng là những nhà khoa học và là người chiến sĩ trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa. Luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy, kịp thời cập nhật, bổ sung những thông tin, kiến thức mới, nhất là tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy và định hướng giáo dục cho học viên. Để mỗi bài giảng phải thể hiện tính sáng tạo như một nghiên cứu khoa học, phải đầu tư tìm hiểu tài liệu thật kỹ, chuẩn bị chu đáo, kết hợp phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tiễn để học viên dễ hiểu, dễ vận dụng trong công việc.

Người thầy không đơn giản chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn trao đổi kinh nghiệm, tỏ rõ niềm đam mê, niềm tin, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, giúp hình thành ở học viên một quan niệm, lý tưởng sống tích cực, đặt biệt trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống có nhiều cám dỗ, đòi hỏi người thầy, nhất là những giảng viên trẻ phải rèn luyện cho mình bản lĩnh kiên định, giữ gìn sự trong sạch về đạo đức. Điều quan trọng của người thầy là phải biết gợi mở tư duy sáng tạo, khơi dậy nguồn cảm hứng cho người học, hướng họ vấn đề gì cần phải biết, điều gì cần tìm hiểu và áp dụng vào cuộc sống như thế nào.

Người thày trường Đảng phải giúp cho học viên nắm vững phương pháp tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ, tự mình giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra trên cơ sở nắm vững lý luận và phương pháp.

Người thầy trường Đảng phải nêu cao đức liêm chính, tâm, trí vẹn toàn, hành xử phù hợp với truyền thống đạo lý, bản sắc văn hóa dân tộc, với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trường Đảng có đối tượng học viên dự đào tạo,bồi dưỡng không thuần nhất, đa dạng trên nhiều phương diện, đa số học viên đang giữ chức vụ trong hệ thống chính trị, có trình độ chuyên môn, học vấn. Học viên cũng là đồng chí, đồng nghiệp, do vậy mỗi giảng viên cần xây dựng phong cách cư xử chuẩn mực. Cần xây dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại, khoa học, nhân văn, đúng nguyên tắc sư phạm, phù hợp với đạo đức nhà giáo, phải khoan dung, độ lượng, phải có tình yêu đối với nghề nghiệp, trách nhiệm với con người và cuộc sống.

Người thầy không chỉ truyền đạt tri thức mà còn phải dạy bằng chính nhân cách của mình, giữ gìn hình ảnh người thầy trường Đảng. Hình ảnh người thầy giáo luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại.

Người thầy vừa hồng, vừa chuyên, vừa có hiểu biết rộng, sâu, vừa có tính nhân văn, có tư duy thực tiễn, hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Phải có thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tâm, tận tụy, cởi mở, phương pháp giảng dạy dễ hiểu, cuốn hút, luôn gắn liền với tiễn, không chỉ truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm mà còn truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho học viên. Chỉ có lòng yêu nghề, cố gắng làm việc hết mình, luôn gắn bó với nghề nghiệp, cùng với năng lực sáng tạo dẫn dắt mới có thể đạt được thành công.

Trí tuệ, tâm huyết và lòng yêu nghề có lẽ là những yếu tố chủ chốt tạo nên hình ảnh người thầy Trường Đảng. Không bằng lòng với hiện tại, người thầy trường Đảng phải phấn đấu, rèn luyện sáng chữ tâm, vẹn chữ tài.

Người thầy có tâm, có tài càng khiêm tốn, tránh xa bệnh kiêu ngạo. Chứng kiêu ngạo rất có hại, gây ra nhiều hệ lụy, làm cho người học hiểu sai vai trò của người thầy, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và nó sẽ cản trở người thầy tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Những người trí thức phải biết rõ khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn, chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm việc thực tế.

Bài học quý giá nhất mà người thầy đọng lại trong lòng học viên, chính là người thầy chỉ có thể dạy những giá trị mà chính thầy là hiện thân.

__________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.400.

(2), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170, 236, 235, 324-325.

(3)  Báo cáo công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2021.

                                            TS NGUYỄN VIỆT THANH

                          Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long

                                         ThS LÊ MINH SƠN

                                     Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền