Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Công tác dân vận trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 11:20
4771 Lượt xem

Công tác dân vận trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ

(LLCT) - Công tác dân vận là một phương thức quan trọng, chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; được tiến hành thường xuyên, toàn diện, trên mọi địa bàn, với mọi đối tượng. Bài viết làm rõ quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng và quá trình triển khai thực hiện thành công của các cấp ủy Đảng về công tác dân vận, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Ảnh tư liệu: Dân công vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ: Nguồn: nhandan.vn

1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận

Sau các thắng lợi Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, quyền chủ động chiến lược trên chiến trường của ta được củng cố vững chắc, không chỉ ở Bắc Bộ mà mở rộng trên toàn Bắc Đông Dương. Lực lượng kháng chiến của nhân dân ta đã lớn mạnh. Hậu phương kháng chiến được tăng cường về mọi mặt. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Các chính sách kinh tế, tài chính của Đảng và Chính phủ được nhân dân hưởng ứng.

Để động viên các nguồn lựccho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, ngày 9-1-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị gửi các Liên khu uỷ để động viên nhân lực, vật lực phục vụ mặt trận. Chỉ thị nêu rõ yêu cầu cung cấp cho mặt trận: Về dân công, cung cấp số dân công cần thiết trong thời gian sắp tới là việc trọng yếu bậc nhất. Đó cũng là một việc gay go, vì mới đây một số lớn đồng bào đi dân công vừa về địa phương có người tinh thần phấn khởi, nhưng còn một số tinh thần chán nản. Cho nên cán bộ các cấp liên khu và tỉnh cần phải giải thích sâu rộng trong nhân dân để họ tự giác ra sức phục vụ kháng chiến, đồng thời phải giúp đỡ gia đình có người ra tiền tuyến về mặt sản xuất; Về gạo, lương thực, phải phụ trách việc xay giã và đưa đủ số gạo cần thiết trong thời gian đã định; Về sửa đường, công tác này nặng và gấp hơn trước nên sửa đường là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của các liên khu và tỉnh; Về các phương tiện vận tải, các tỉnh phải chuẩn bị động viên theo thể lệ đã quy định(1).Trước yêu cầu cấp bách đó, Trung ương quyết định tất cả các liên khu và các tỉnh thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận, phụ trách toàn bộ công tác cung cấp cho mặt trận về nhân lực, vật lực. Hội đồng cung cấp Mặt trận sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị của Ban Bí thư đã kịp thời đẩy mạnh vận động các cấp, các ngành huy động nhân lực, vật lực phục vụ cuộc kháng chiến.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa II (họp từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953): xác định những công tác chính trong năm 1953: Một là, phát động quần chúng; Hai là, tăng cường sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đẩy mạnh các công tác chỉnh quân và tác chiến để tiêu diệt nhiều sinh lực của địch; Ba là, phảichú ý cải thiện đời sống nhân dân, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, tích cực đề phòng và chống nạn đói; Bốn là, về công tác sau lưng địch, tiếp tục tăng cường về mọi mặt, phát triển chiến tranh du kích, chống và phá càn quét để củng cố và mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích. Phá âm mưu của địch xây dựng ngụy quyền và ngụy quân, chống địch phá hoại và cướp bóc kinh tế, chống sự tuyên truyền lừa bịp của địch. Phải tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức nhân dân. Phải thực hiện thống nhất lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ ở sau lưng địch; Năm là, về chỉnh Đảng, kết hợp với công tác phát động quần chúng để chỉnh đốn chi bộ xã. Tiếp tục chỉnh huấn cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng(2).

Trước yêu cầu mới về công tác vận động quần chúng vùng kháng chiến,Hội nghị Nông vận và dân vận toàn quốc được triệu tập (diễn ra từ ngày 5-2 đến ngày 18-3-1953), Hội nghị chỉ rõ vai trò to lớn của nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ, coi cách mạng dân tộc dân chủ là cách mạng nông dân và cơ sở của nó là ruộng đất, nông dân là động lực trong cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hội nghị thảo luận về sự lãnh đạo công tác nông vận ở khu, tỉnh và nhất trí cần nâng cao lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân và đường lối quần chúng lãnh đạo nông dân trong kháng chiến và kiến quốc(3).

Hội nghị Cán bộ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân (tháng 3-1953): Hội nghị được triệu tập để thảo luận làm rõ một số nội dung về công tác vận động quần chúng nông dân. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh cần chỉ rõ công tác phát động quần chúng nông dân như sau: Ai phát? Cán bộ phải phát. Muốn phát phải hiểu rõ chính sách của Đảng, của Chính phủ, phải hiểu rõ quần chúng; Phát là thế nào? Là phải đoàn kết bần, cố, trung nông. Phải tổ chức họ chặt chẽ, phải giáo dục cho họ giác ngộ; Động rồi phải làm gì? Phải triệt để giảm tô để cải thiện đời sống nông dân. Giảm tô rồi phải thi đua tăng gia sản xuất. Cán bộ phải nắm vững chính sách của Đảng, của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, tuyệt đối không bao biện, lúc phát động nông dân phải đoàn kết giác ngộ họ. Cán bộ phải nói cho nông dân hiểu rõ. Đồng bào thiểu số hay đa số, lương hay giáo, cán bộ biết cách làm thì đều vận động được(4).

Ngày 26-1-1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị gửi các Liên khu uỷ về công tác ở những xã đã vận động quần chúng giảm tô. Nội dung Chỉ thị nhấn mạnh việc chú trọng công tác giáo dục nông dân tăng cường đoàn kết, ổn định việc tăng gia sản xuất, quan tâm đến đời sống hằng ngày của quần chúng để đẩy mạnh mọi công tác kháng chiến và sửa đổi lề lối làm việc. Ở những xã đã phát động quần chúng giảm tô thì Việt gian phản động, cường hào gian ác đã bị đánh đổ, thế lực kinh tế, chính trị của giai cấp địa chủ đã bị suy yếu. Đảng và Chính phủ đã bước đầu giành được ưu thế chính trị cho nông dân lao động, thoả mãn một phần yêu cầu kinh tế của nông dân. Sau khi giảm tô, thoái tô, nông dân hăng hái sản xuất, phong trào đổi công giúp nhau làm ăn, phục vụ kháng chiến phát triển mạnh. Công tác thuế nông nghiệp, đi dân công, tòng quân, học tập văn hóa... đều được đẩy mạnh.

Thực hiện mục tiêu phá kế hoạch bắt lính của địch và đẩy mạnh phong trào chống bắt lính ở vùng sau lưng địch và vùng tạm bị chiếm, ngày 9-3-1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng raChỉ thị về việc chống địch bắt lính. Chỉ thị yêu cầu các cấp uỷ phải nhận thức rõ âm mưu của địch và nhiệm vụ rất trọng yếu của đấu tranh chống bắt lính. Tuyên truyền rộng rãi chống địch bắt lính: vạch rõ âm mưu thâm độc của địch dùng người Việt đánh người Việt, đưa thanh niên làm bia đỡ đạn cho chúng để kéo dài chiến tranh xâm lược, gây ra cảnh cốt nhục tương tàn, làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh tang tóc. Vạch rõ những luận điệu độc lập giả hiệu của đế quốc và bọn bù nhìn phản quốc, vạch rõ mưu mô của địch tuyên truyền lập địa phương quân để dễ bắt lính cơ động đi đánh nơi khác; đề phòng tư tưởng chủ quan của nhân dân và cán bộ xem thường sự nguy hiểm của ngụy binh. Phải vận động, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ âm mưu của địch và nhiệm vụ chống bắt lính trong nhân dân, làm cho nhân dân quyết tâm và hăng hái chống địch bắt lính, kịp thời nêu rõ những thủ đoạn bắt lính dã man của địch và những cuộc đấu tranh anh dũng chống địch bắt lính của nhân dân.

2. Triển khai thực hiện công tác dân vận, góp phần trực tiếp vào chiến thắng

Vận động nhân dân tham gia chiến dịch giao thông, cầu đường: Để động viên sức người, của phục vụ cho giai đoạn phản công trên chiến trường, vấn đề bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quân sự. Ngày 15-6-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc lãnh đạo công tác làm cầu đường giao thông vận tải “để đảm bảo việc vận chuyển quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân và đồng thời cũng để mở rộng việc vận chuyển kinh tế”. Các cấp uỷ Liên khu Việt Bắc và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Liên khu IV và tỉnh Thanh Hóa, Liên khu III và tỉnh Hòa Bình phải tăng cường việc lãnh đạo công tác cầu đường, điều động những cán bộ tích cực, có năng lực phụ trách các công tác ấy(5).

Một “chiến dịch cầu đường” được triển khai trên quy mô lớn tại khắp các tỉnh thuộc vùng tự do Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV. Với khẩu hiệu “Quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết!”, hàng vạn dân công ở các địa phương, trên khắp các công trường cầu, phà, với những phương tiện thô sơ là chủ yếu, đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn làm đường, cầu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thời hạn. Cùng với đường liên tỉnh trong từng liên khu, khu, đã hình thành hệ thống đường chiến lược nối liền Việt Bắc với Tây Bắc, Tây Bắc với Liên khu III và Liên khu IV(6).

Vận động nhân dân tham gia dân công, vận tải hàng hóa: Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp Hội nghị bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, hướng tiến công chính là Tây Bắc. Bộ Chính trị ra Nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 với quyết tâm: giữ vững quyền chủ động, đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương. Bộ Chính trị nêu phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt(7).Công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch được khẩn trương triển khai. Hội đồng cung cấp tiền phương được thành lập để chỉ đạo công tác huy động sức người, sức của, tổ chức vận chuyển ra mặt trận. Trước đó, tháng 7-1953, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ủy ban chi viện tiền tuyến nhằm huy động tối đa sức người, sức của của hậu phương vào việc chuẩn bị cho Đông Xuân đánh lớn(8).Thực hiện kế hoạch tiến quân lên Tây Bắc, Trung ương yêu cầu các vùng hậu phương phải tăng cường, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch. Trung ương chỉ rõ: “Công tác dân công là công tác chính trị… Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở yếu, thiếu cán bộ, phải cố tìm cho được những phần tử tích cực ở địa phương làm cán bộ và phải giúp đỡ, hướng dẫn họ trong công tác”(9).

Từ thực tế các vùng hậu phương lớn ở xa, việc vận chuyển vô cùng khó khăn(10), Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương Liên khu IV và Việt Bắc. Để huy động đạt hiệu quả cao và không ảnh hưởng tới chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Tây Bắc phải lấy phương châm vận động đồng bào làm chính, không nên dùng mệnh lệnh bắt nhân dân nộp thóc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: công tác cung cấp trên chiến dịch phải là công tác vận động quần chúng, động viên giáo dục nhân dân căm thù giặc Pháp, hợp sức để đánh Pháp(11).

Các đoàn vận tải của nhân dân được Chính phủ khuyến khích phát triển. Từ Liên khu IV trở ra đã có 34 công đoàn thuyền, 216 đoàn vận tải thô sơ, 1 đoàn ô tô. Phương tiện vận tải chủ yếu trên đường thủy là thuyền, trên đường bộ là xe súc vật kéo và xe đạp. Lực lượng xe đạp thồ phát triển nhanh chóng. Năm 1953, Hội đồng cung cấp mặt trận đã huy động được 12.400 xe đạp thồ của đồng bào Việt Bắc phục vụ các chiến dịch(12).

Nhờ huy động lực lượng vận tải của toàn dân mà trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta hoàn thành được khối lượng vận chuyển gấp 36 lần chiến dịch Biên Giới. Ngoài ô tô, ta sử dụng 11.800 thuyền mảng, ca nô, gần 21.000 xe đạp thồ, trên 26 vạn dân công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ(13).

Chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân, công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ở vùng tự do, công tác vùng địch hậu được khẩn trương triển khai. Sức mạnh của hậu phương kháng chiến được huy động từ các vùng tự do và cả trong vùng tạm bị địch chiếm đóng để bảo đảm cho hoạt động quân sự trên các chiến trường. Hàng chục vạn dân công được động viên, điều động chuẩn bị vận tải cho các chiến trường. Hàng vạn xe đạp thồ và xe đẩy thô sơ, hàng nghìn thuyền, mảng, hàng đoàn ngựa được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men ra tiền tuyến... Tất cả đều tập trung bảo đảm cho kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 toàn thắng.

Vận động nhân dân thực hiện giảm tô, tiến hành cải cách ruộng đất: Để bồi dưỡng lực lượng kháng chiến và đẩy mạnh cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, trên cơ sở hai đợt phát động quần chúng triệt để giảm tô và do nhu cầu bồi dưỡng sức dân trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến, Đảng chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách ruộng đất.Trong đó nêu rõ đường lối chính sách của Đảng trong phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất là “dựa vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, đánh đổ Việt gian, phản động và cường hào gian ác”. Việc đoàn kết chặt chẽ với trung nông “không phải là một sách lược nhất thời, mà là một chiến lược lâu dài”. Bộ Chính trị chỉ rõ: “cuộc phát động quần chúng thực hiện giảm tô, thoái tô hiện nay là một bước chuẩn bị tiến lên cải cách ruộng đất. Vì nhu cầu của cuộc kháng chiến, vì nguyện vọng thiết tha của nông dân, cuộc cải cách ruộng đất cần được mau chóng thực hiện”(14). Từ đây nhiệm vụ cách mạng ruộng đất được đẩy cao hơn một bước.

Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1954, Đảng lãnh đạo nông dân tiến hành năm đợt giảm tô và một đợt cải cách ruộng đất. Kết quả của việc thực hiện từng bước chính sách ruộng đất đã làm thay đổi tình hình sở hữu ruộng đất của các giai tầng xã hội ở nông thôn. Tại Liên khu Việt Bắc, cuối năm 1953, 748 xã trong tổng số 1.908 xã đã hoàn thành giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất. Chính quyền các cấp đã trưng thu 316.213 mẫu ruộng, chia cho 314.749 hộ nông dân nghèo(15).

Về phương diện kinh tế, chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp đã từng bước xoá bỏ hình thức chiếm hữu ruộng đất phong kiến, giải phóng lực lượng sản xuất khỏi sự trói buộc của quan hệ sản xuất đã quá lạc hậu; đem lại ruộng đất cho nông dân lao động, tạo nên sự thay đổi căn bản về chủ thể của nền kinh tế nông nghiệp. Sự đổi thay từng bước nhưng có ý nghĩa cách mạng đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, mang lại một bầu không khí chính trị mới, có tác dụng động viên mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của nông dân và bộ đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc tích cực tham gia xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, hăng hái sản xuất, chiến đấu, bảo vệ hậu phương căn cứ địa cách mạng, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vận động nhân dân tăng gia sản xuất, đẩy mạnh công tác địch vận, chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ: Từ cuối năm 1953, phong trào chiến tranh du kích phát triển đều khắp ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Được sự hỗ trợ của tiến công quân sự, Đảng bộ các địa phương vận động nhân dân ra sức thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, tiến công địch bằng chính trị và binh địch vận. Tính riêng trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, có khoảng 4.000 binh lính đào, rã ngũ.

Năm 1953, dưới sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, các tỉnh ủy, huyện ủy tập trung chỉ đạo cứu đói và chữa bệnh đi đôi với tăng gia sản xuất, vận động nhân dân vùng căn cứ giúp dân vùng mới giải phóng để sản xuất.

Nắm được kế hoạch Nava,Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo kế hoạch của địch với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận được ý kiến chỉ đạo: “Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”(16). Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị xem xét và quyết định thông qua phương án tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bản báo cáo nêu rõ, chiến dịch này “có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”(17). Báo cáo nhấn mạnh: “Ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương của Trung ương, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá”(18). Ngày 1-1-1954, Bộ Chính trị thành lập cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quân đội làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, trên các chiến trường, hậu phương và vùng sau lưng địch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dốc sức tiến hành nhiều hoạt động tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của với tinh thần quyết tâm cao giành thắng lợi tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, những khó khăn về cung cấp, tiếp tế sẽ giải quyết được, vì nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm cao; cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi; toàn dân tin tưởng, đoàn kết. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, nhân dân ta cũng sẽ đem hết tinh thần và sức lực, nhiệt tình, của cải vật chất phục vụ kháng chiến, phục vụ bộ đội đánh địch ở Điện Biên Phủ.Từ nhận định đó, trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hiện chiến dịch, Đảng chú trọng đến vấn đề phát huy sức mạnh của cả dân tộc, đặc biệt là sức mạnh của nhân dân ở các hậu phương tại chỗ Tây Bắc, Việt Bắc và Khu 4, đồng thời tổ chức chiến đấu rộng khắp trên các chiến trường nhằm “chia lửa” với Điện Biên Phủ.

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra dồn dập, khẩn trương. Ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ đã triệu tập họp đột xuất Đảng ủy Mặt trận, đi đến quyết chọn phương án đánh chắc tiến chắc(19). Chuyển từ cách đánh ba đêm hai ngày sang cách đánh mới kéo theo biết bao khó khăn, nhất là việc huy động lương thực, nhân lực vận chuyển để bảo đảm cung cấp cho hàng vạn chiến sĩ và dân công là công việc mà Đảng, Chính phủ và nhân dân phải gắng sức thực hiện.

Lãnh đạo thực hiện phương án đánh chắc tiến chắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến dịch.

Quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng đã nhanh chóng biến thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong phong trào hậu phương chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, hàng chục vạn dân công đã vượt qua bom đạn, bệnh tật, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận với hơn 18 triệu ngày công, 25.000 tấn gạo được huy động từ nhân dân đồng bằng Bắc Bộ lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Tây Bắc, phong trào ủng hộ kháng chiến của nhân dân rất sôi nổi.

Khu ủy Tây Bắc tập trung chỉ đạo thành lập Hội đồng cung cấp và Ban chuẩn bị chiến trường các địa phương. Ban chuẩn bị chiến trường có nhiệm vụ đi sâu vào tất cả các vùng, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Tất cả bộ máy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng như Mặt trận, Hội Phụ nữ, Thanh niên... khẩn trương tổ chức vận động đồng bào các dân tộc hăng hái tham gia các đoàn dân công mở đường, vận tải và đóng góp lương thực thực phẩm, ngựa thồ, thuyền mảng phục vụ chiến dịch. Hàng ngàn thanh niên, gái trai ở các địa phương đã tích cực tham gia đi dân công phục vụ chiến dịch.

Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương. Đầu tháng 3-1954, các công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành. Bộ Chính trị chỉ thị phải tổ chức dự trữ gấp đôi hoặc ít nhất gấp rưỡi so với yêu cầu của mặt trận.Từ cơ quan của Chính phủ đến các Khu ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến các cấp thuộc Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV động viên nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tinh thần cách mạng, tình nguyện vào bộ đội, đi dân công hỏa tuyến... Trên 100.000 dân công được tăng cường cho công tác phục vụ chiến trường.

Với khẩu hiệu Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, nhân dân các dân tộc nỗ lực khắc phục những khó khăn, trở ngại, ngày đêm ra sức phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ tuyến đường qua Đèo Cà - Yên Thế, Pha Đin - Điện Biên Phủ(20), dân công và thanh niên xung phong có đóng góp quan trọng để bảo vệ tuyến đường. Được sự chỉ đạo, động viên của Đảng bộ và các cấp chính quyền, hàng vạn dân công và công nhân kiên trì bám trụ ngày đêm dũng cảm, gan dạ tháo gỡ bom nổ chậm, nhanh chóng sửa đường, cầu phà, đảm bảo giao thông thông suốt. Trong những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ ác liệt, đoàn Thanh niên với sức trẻ, đã nêu cao tinh thần dũng cảm chiến đấu và đảm bảo giao thông. Lực lượng thanh niên hướng dẫn ô tô chở hàng và kéo pháo an toàn lên Điện Biên Phủ. Đồng bào Tây Bắc tổ chức cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh.

Số vật chất và nhân lực do đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu IV đóng góp cho chiến dịch là rất lớn, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội xây dựng trận địa và chiến đấu ròng rã trong nhiều tháng. Các địa phương đã huy động trên 260.000 dân công miền ngược, miền xuôi, cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, đã phục vụ tiền tuyến. 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ; cung cấp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn hai vạn tấn(21).

Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh; đóng góp 31.818 dân công (tương đương 1.296.078 ngày công) để vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây dựng kho lán(22). Trước yêu cầu to lớn và khẩn trương của chiến dịch, từng đoàn dân công Việt Bắc ngày đêm vượt núi, băng rừng, vượt đèo cao, suối sâu, vận chuyển vũ khí và lương thực.. Nhân dân các địa phương ven đường quốc lộ có sáng kiến lập nhiều tổ, đội nhân dân, ngày đêm bám sát bảo vệ các cung đường, bảo đảm giao thông thường xuyên thông suốt tới mặt trận.

Công tác vận chuyển tiếp tế đã góp phần quyết định vào thắng lợi trên chiến trường. Bảo đảm vật chất cho nhiệm vụ chiến đấu đòi hỏi phải huy động một khối lượng rất lớn về sức người sức của. Riêng trong bảo đảm chiến dịch phần lớn phải dựa vào dân, vào sự chi viện của hậu phương. Vì thế, công tác dân vận là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch.

Có thể thấy, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện sự đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, sức mạnh của cả dân tộc. Trong đó đường lối và quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác dân vận là một thành công quan trọng, quyết định sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Việc vận động nhân dân cung cấp nhân lực, vật lực ở hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên, quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng.

__________________

(1), (2), (5), (9), (14), (16), (17), (18) ĐCSVN:Văn kiện Đảng, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.7-9, 135, 244, 345-346, 277- 281, (141 và 152), 594, 598.

(3) Hồ Chí Minh: Bài phát biểu tại Hội nghị Nông vận và dân vận toàn quốc, Báo Nhân dân,21-5-1953.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.192.

(6) Đường số 13 mới mở nối liền quốc lộ 2 ở phía Nam tỉnh Yên Bái với đường số 14 ở phía Nam tỉnh Sơn La, dài hơn 100 km, kể từ khi khởi công đến làm xong đã sử dụng hơn 2 triệu ngày công, lực lượng thường xuyên trên mặt đường là hơn 2 vạn người. Tuyến đường xuyên Liên khu III - Liên khu IV qua suối Rút (Hòa Bình), Quan Hóa, Nông Cống (Thanh Hóa), Phủ Quỳ, Đô Lương (Nghệ An) dài mấy trăm kilômét, cần tới 2,6 triệu ngày công, với hơn 2,6 vạn dân công thường xuyên làm trên mặt đường.

(7), (21), (22) Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, tr.192, 202, 202.

(8) Trong Ủy ban, ở cấp Trung ương, có các ban giúp việc từng mặt công tác như cầu đường, vận tải, bưu điện, y tế, tuyên huấn, công an. Ở cấp khu, cấp tỉnh cũng tổ chức các ban tương tự để trực tiếp tổ chức, đôn đốc các công việc của mỗi địa phương.

(10) Nếu một người đưa 25 kg gạo từ hậu phương lên tới chiến trường thì số lượng ăn dọc đường hết khoảng 20 kg.

(11) Báo Quân đội nhân dân, số ngày 7-5-1960.

(12), (13) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1997, tr.63-64, 64.

(15) Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng 1954-1975, t.1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.318.

(19) Điện Biên Phủ văn kiện Đảng và Nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.562.

(20) Đây là một trong các tuyến đường vận chuyển quan trọng cho chiến dịch Điện Biên Phủ luôn bị địch ném bom bắn phá ác liệt.

TS VŨ THÁI DŨNG

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền