Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng của C.Mác về chủ thể hoạt động hiện thực hóa và ý nghĩa trong xác định động lực phát triển nước ta hiện nay
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 11:07
2669 Lượt xem

Tư tưởng của C.Mác về chủ thể hoạt động hiện thực hóa và ý nghĩa trong xác định động lực phát triển nước ta hiện nay

(LLCT) - Chủ đề “chủ thể hoạt động hiện thực hóa” được C.Mác trình bày theo một hệ thống thống nhất, từ chỗ chủ yếu đề cập vấn đề chủ thể tự hiện thực hóa chính mình, tự giải phóng cho mình đến tập trung phân tích chủ thể hiện thực hóa trong sự ảnh hưởng của các thể chế kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản (CNTB), vị trí, vai trò của sở hữu tư nhân và điều kiện tất yếu của CNCS. Qua phân tích về chủ thể hiện thực hóa, có thể thấy hệ thống các thể chế có vai trò thúc đẩy hoạt động hiện thực hóa như: hệ thống thể chế văn hóa, thể chế đạo đức... Đây chính là định hướng phương pháp luận quan trọng để phát huy khát vọng của Việt Nam hướng đến phát triển đất nước hùng cường như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định.

Ảnh: Chân dung C.Mác. Nguồn: hanoimoi.com

1. Lý luận triết học của C.Mác về chủ thể - sự thống nhất trong lịch sử triết học Mác

Xuất phát từ chủ thể để xây dựng hệ thống lý luận triết học là hướng tiếp cận phổ biến trong triết học Tây Âu cận đại. Việc coi con người là chủ thể trong triết học phương Tây hiện đại có lịch sử tương đối dài, từ Đềcáctơ (R.Descartes)(1), Lốccơ (Loke), Cantơ (I.Kant), Phíchtơ (Fichte), Senling (Selling), Hêghen (G.V.Ph.Hegel), C.Mác, Sáctơrơ (J.Sarte)... Khi C.Mác còn trẻ, mới bắt đầu bước vào nghiên cứu triết học thì Hêghen đã trở thành tên tuổi lớn trên bầu trời triết học nước Đức lúc đó. Ngay từ đầu, C.Mác đi theo khuynh hướng tiếp cận con người là chủ thể - nơi mà Hêghen đang là biểu tượng và đỉnh cao của tư duy triết học Đức. Điều này nói lên hai vấn đề quan trọng: một là, C.Mác đủ tự tin khi lựa chọn chủ đề triết học là trào lưu mạnh nhất đang chi phối thời đó; hai là, việc chọn đứng trong vùng ảnh hưởng của Hêghen và phê phán tư tưởng của Hêghen chứng tỏ C.Mác đã nhận thấy ý tưởng của mình có thể sánh với bộ óc vĩ đại của của nước Đức khi đó. Những hình dung của C.Mác về chủ thể hoạt động hiện thực hóa ngay từ khi bắt đầu xây dựng lý luận triết học đã thể hiện rõ ràng ở hai mức độ: chủ thể tự hiện thực hóa chính mình và chủ thể tự hiện thực hóa trong không gian xã hội của CNTB. Ở khía cạnh thứ nhất, C.Mác đã xem xét chủ thể và tính tự quyết của chủ thể trong việc tự hiện thực hóa chính mình, tự giải phóng cho bản thân mình. Ở khía cạnh thứ hai, C.Mác xem xét khả năng chủ thể giải phóng mình khỏi kinh tế và chính trị, thoát khỏi những mối ràng buộc về kinh tế, chính trị để giải thoát cho chính mình.

Vấn đề chủ thể tự hiện thực hóa, tự giải phóng cho mình được C.Mác phân tích trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. Khi tác phẩm này được xuất bản năm 1932, một số nhà mácxít như Sáctơrơ (J.P.Sartre), Pônty (J.J.M.Ponty), Ađônô (T.W.Adorno)... cho rằng, đây là tác phẩm triết học đích thực với các chủ đề triết học đang thịnh hành thời đó về con người, hiện thực hóa con người, tha hóa con người và giải phóng con người. Họ cho rằng, tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 là tác phẩm triết học hoàn chỉnh của C.Mác(2). Thừa nhận “Mác trẻ” là nhà nhân bản, nhưng nhà mácxít người Pháp Antútsơ (L.P.Althusser)(3) cho rằng đó không phải là những gì cấp tiến và thú vị nhất về C.Mác.

An-tút-sơ cho rằng, C.Mác trưởng thành đặt chủ thể con người trong tương quan giữa kinh tế và chính trị, coi đó như là môi trường cơ bản, bản chất nhất để con người hiện thực hóa chính mình.

C.Mác đấu tranh và phê phán rất nhiều Hêghen và Senling về chủ thể hiện thực hóa (đặc biệt là Hêghen về vấn đề “tha hóa của ý niệm tuyệt đối”) và thông qua phê phán để đề xuất quan điểm của mình. Cho đến nay, có hai quan điểm trái ngược nhau khi đánh giá về những phê phán của C.Mác đối với Hêghen: một là, C.Mác đã phê phán để bác bỏ, vượt qua Hêghen: hai là, C.Mác đã phê phán Hêghen để đi xa hơn, đưa sự trừu tượng của Hêghen về gần với thực tiễn hơn và qua đó, phù hợp với thực tiễn, lý giải đúng đắn hơn sự tồn tại của CNTB. Hiện nay đa số vẫn nghiêng về phía quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, cần hiểu, sự “phê phán” trong “triết học phê phán” còn là phương pháp để xây dựng và phát triển một học thuyết triết học - một trào lưu và là phương pháp chung được các nhà triết học giai đoạn này thực hiện khi tiếp nối và đề xuất quan điểm của mình. Vì vậy, những tác phẩm giai đoạn đầu, đặc biệt là trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác vẫn sử dụng phong cách, văn phong của Hêghen để phê phán chính Hêghen(4). Đó cần phải được xem là phương pháp trình bày quan điểm, phương pháp để phát hiện ra những vấn đề mới từ tư tưởng của người tiền nhiệm C.Mác, chứ không phải bị ảnh hưởng hoặc đang theo đuổi tư tưởng của Hêghen. Trong nhiều tác phẩm, C.Mác dùng thuật ngữ “phê phán” như: Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen... Thuật ngữ “phê phán” trong văn cảnh như vậy có thể hiểu là góp phần làm đúng hơn, rõ hơn, gần với thực tiễn hơn... Có thể gặp phương thức trình bày tư tưởng triết học theo cách thức như trên ở nhiều nhà triết học phương Tây: sử dụng những phạm trù, phương pháp của người tiền nhiệm để phê phán quan điểm của người đó, qua đó đề xuất ý tưởng, quan điểm của mình. Chính Hêghen cũng đã nhiều lần phê phán những tư tưởng về biện chứng của Cantơ để xây dựng học thuyết đồ sộ về phép biện chứng duy tâm... Trong quá trình phát triển triết học theo cách này, những tư tưởng của C.Mác về nguồn gốc của kinh tế, chính trị và hệ tư tưởng cũng như những ảnh hưởng của nó đến khả năng chủ thể tự hiện thực hóa chính mình đã ra đời. Những tác phẩm sau này như cuốn Phác thảo góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị và Bộ Tư bản... đều là những phân tích ở khía cạnh khác nhau, những liên hệ khác nhau của vấn đề chủ thể tích cực hiện thực hóa trong bối cảnh ảnh hưởng của các thể chế kinh tế và chính trị. Bước chuyển và sự nảy sinh những ý tưởng mới của C.Mác nên được hiểu là một quá trình thống nhất giữa người dân chủ cách mạng hay người cộng sản khoa học, giữa duy tâm sang duy vật triệt để. C.Mác đã tạo nên sự kết hợp tuyệt vời giữa nhãn quan khoa học với sự vận dụng nhãn quan khoa học vào giải quyết những vấn đề của triết học - đó là sự thống nhất tuyệt vời giữa khoa học và sự cách mạng triết học theo nghĩa đi xa hơn, giải quyết những vấn đề thực tiễn có tính cách mạng mà CNTB đã tạo ra.

2. Vấn đề chủ thể trong nền sản xuất xã hội của CNTB

Thứ nhất, vấn đề chủ thể trong nền sản xuất xã hội của CNTB là sự vượt xa và đưa lý luận về chủ thể gần với thực tiễn hơn của C.Mác.

Thực chất, trong Khoa học logic và Triết học pháp quyền, Hêghen là người đặt vấn đề về hoạt động hiện thực hóa lý tính, của tư tưởng, khái niệm chứ chưa đặt hoạt động hiện thực hóa của con người với tư cách là chủ thể của thực tiễn. Khi đề cập đến giải phóng con người, Hêghen mới chỉ đề cập đến sự chuẩn bị cần thiết về tư duy, về lý tính của con người để giải phóng khỏi thiết chế xã hội. Hêghen có những phân tích rất dài dòng, trừu tượng về sở hữu tư nhân và việc gắn Nhà nước Phổ với quyền sở hữu tư nhân đã không giúp Hêghen lý giải được vai trò của sở hữu tư nhân với CNTB. Việc coi con người là chủ thể tích cực của thực tiễn đã giúp C.Mác phân tích và vượt xa Hêghen trong việc chỉ ra vị trí, vai trò của sở hữu tư nhân đối với sự hình thành, phát triển và bị phủ định của CNTB.

Sự thống nhất trong tư tưởng C.Mác về chủ thể tích cực hiện thực hóa còn thể hiện qua việc ông phê phán Phoiơbắc (L.Fouerbach). Phoiơbắc phê phán tôn giáo: trong tôn giáo con người bị tha hóa vào Chúa, con người nhìn thấy bản chất cao quý nhất của mình ở Chúa. Tuy nhiên, Phoiơbắc cũng tiếp tục ý tưởng về sự hiện thực hóa của Hêghen bằng việc cho rằng con người nhìn thấy bản chất của mình tha hóa vào trong tôn giáo, thì qua tôn giáo con người nhận thức được chính mình. Vượt qua những phê phán của Phoiơbắc, C.Mác cho rằng phải tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao con người lại tha hóa vào trong tôn giáo. Người cũng đi xa hơn Hêghen khi cho rằng, nếu con người bị tha hóa vào trong tôn giáo không phải là lỗi do lý tính của con người. C.Mác cũng nhận thấy sự hợp lý của Phoiơbắc khi cho rằng sự tha hóa của con người là cụ thể và hữu hạn. Tuy nhiên, Phoiơbắc chưa đi tới gốc gác của sự tha hóa: phân tích nguồn gốc kinh tế, xã hội đã tạo ra sự tha hóa trong lao động của con người. Vì vậy, chưa thể yêu cầu ngay từ đầu C.Mác phải phát triển một học thuyết đầy đủ về giá trị (vì phải trình bày cơ sở lý luận triết học trước rồi mới giải thích được vì sao lựa chọn hàng hóa là chìa khóa để phân tích CNTB).

Thứ hai, vấn đề bản thể luận và nhận thức luận của chủ thể trong nền sản xuất TBCN.

Trong tư tưởng của C.Mác, khả năng cho sự tự hiện thực hóa của con người không chỉ lệ thuộc vào bản thể luận xã hội của con người, mà nó cần được thôi thúc bởi lý tính. Trong bản thể luận xã hội của tồn tại người, các thể chế xã hội và không gian xã hội tạo nên một áp lực rất lớn đối với con người. Không gian xã hội nơi con người tồn tại được tạo bởi nhiều hình thức của các mối liên hệ xã hội, trong đó có những mối liên hệ xã hội có thể trực quan và thực chứng được, nhưng có những mối liên hệ xã hội buộc con người phải nhận thức về nó thông qua sự trừu tượng, khái quát của tư duy trong lý tính. Chẳng hạn, các mối liên hệ lợi ích, văn hóa, niềm tin... cần đến động lực từ lý tính để nhận thức về mối liên hệ này. Từ góc độ bản thể luận, rất khó để có thể phân tích cụ thể về động lực, nhu cầu, khát vọng phát triển của xã hội con người là gì nếu như nó không có sự tham dự của lý tính. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, sự phân tích triết học của C.Mác là sự kết hợp giữa hai yếu tố. Một là, nỗ lực tự hoạt động hiện thực hóa của chính con người. Xét cả quá trình tồn tại của con người, nỗ lực hoạt động của con người thường bắt đầu bằng một thế giới quan nhất định và đi kèm với nó là sự thôi thúc của lý tính. C.Mác viết: “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống... Mọi khoa ghi chép lịch sử đều phải xuất phát từ những cơ sở tự nhiên ấy và những thay đổi của chúng do hoạt động của con người gây ra trong quá trình lịch sử”(5). Hai là, áp lực của thể chế và không gian xã hội của CNTB hiển hiện trong từng ngóc ngách của quá trình hiện thực hóa của con người. Trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác cũng đề cập đến thể chế và không gian xã hội của CNTB, nhưng đề cập dưới những khía cạnh làm tha hóa con người. Vì vậy, ngay trong tác phẩm này, C.Mác đã đề cập đến CNCS và chỉ dừng lại ở việc đề xuất về một thể chế và không gian xã hội - nơi mà tha hóa con người bị phủ định. Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác đã giải thích rõ hơn: “Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra”(6). Điều này có nghĩa là “tha hóa” được C.Mác sử dụng ở trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 là tha hóa của chủ thể đã được định hình, gắn với một bối cảnh lịch sử nhất định. Đề xuất này của C.Mác là đối lập với quan điểm của Hêghen (xuất phát từ chủ thể trừu tượng, phi lịch sử), tuy cùng bàn về sự “tha hóa” của chủ thể. Không chỉ riêng C.Mác mà cả Hêghen không bao giờ coi bản chất con người là không thay đổi. C.Mác hiểu con người (với tư cách là chủ thể xã hội) vừa là con người giống loài, vừa là con người có ý thức và con nguời lịch sử, cụ thể. Con người là chủ thể lịch sử, sáng tạo ra lịch sử, đồng thời là sản phẩm của lịch sử. Từ đây, C.Mác phân tích cách thức mà lịch sử tạo nên những áp lực đối với con người như thế nào.

Theo C.Mác, tồn tại xã hội là phải hoạt động xã hội (nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật, công nhân phải lao động và ông chủ phải quản lý và điều hành sản xuất...). Lao động là hoạt động có tính loài, nghĩa là nó là hoạt động luôn song hành với sự tồn tại của xã hội con người, còn xã hội thì con người còn lao động. Vì vậy, ở bước đầu tiên để chứng minh cho học thuyết triết học của mình, C.Mác đã phân tích lao động với tư cách là hoạt động hiện thực hóa. Thông qua sản phẩm lao động, con người đã khách quan hóa bản thân và nhìn thấy bản thân qua sản phẩm mình đã sáng tạo ra trong lịch sử. Thông qua lao động, tạo ra những sản phẩm mà nhìn vào đó, con người nhìn thấy mục đích và ý nghĩa của mình. C.Mác gọi con người theo nghĩa này là con người “giống loài” và đây chính là quá trình “còn đời sống sản xuất chính là đời sống có tính loài. Đó là đời sống đẻ ra đời sống”(7). Thông qua con người “giống loài”, con người thành con người xã hội và vì vậy nó vẫn là con người tự nhiên đã hiện thực hóa mình thành xã hội. Quá trình sản xuất ra sản phẩm là quá trình con người sản xuất ra chính mình và sản phẩm mà con người sản xuất ra là vật trung gian mà qua đó, con người tự nhiên biến thành con người “giống loài”, con người có tính xã hội. Những phân tích của C.Mác sau này về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng, sự vận động của hình thái kinh tế - xã hội, hàng hóa, về tư bản... đều là sự mở rộng và sâu sắc hơn về hoạt động hiện thực hóa của con người. Trong tác phẩm Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, C.Mác có những dòng viết khá trừu tượng về sự vận động và phát triển của hình thái kinh tế - xã hội từ sự lập luận về “sản xuất xã hội”: “trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình,...”(8). Thuật ngữ “sản xuất xã hội” được C.Mác sử dụng trước một đoạn lập luận dài trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị được hiểu với hai nghĩa: một là, đó chính là phương thức sản xuất của xã hội ở một nấc thang nhất định; hai là, đó chính là những sản phẩm được sản xuất ra trong lòng một xã hội, là sản phẩm có được từ hoạt động hiện thực hóa của chủ thể xã hội. Hiểu theo nghĩa thứ hai gần với nội dung C.Mác trình bày hơn, vì luận điểm này được viết trong “Lời tựa” và ở chương 1 trình bày về hàng hóa, là cơ sở, chìa khóa để C.Mác phân tích về tư bản và CNTB. Hàng hóa trong CNTB là sản phẩm của nền sản xuất xã hội, nhưng nó khác với tất cả các sản phẩm được tạo ra bởi nền sản xuất xã hội của hình thái kinh tế - xã hội trước đây là sản xuất ra để bán. Như vậy, trong phân tích triết học từ góc độ là hoạt động hiện thực hóa, ở C.Mác không có sự thay đổi mang tính “đảo lộn” nào cả, là một quá trình thống nhất, tiếp tục sự phân tích sâu hơn vào không gian, thời gian xã hội của CNTB. Những lập luận về sự xuất hiện của CNCS cũng vậy, ngay ở thời kỳ dân chủ cách mạng (theo quan điểm của chúng ta hay Mác trẻ theo phân chia của các nhà mácxít phương Tây), C.Mác xem CNCS chính là thể chế xã hội cho phép chủ thể tự hiện thực hóa một cách tự do. Đó là một hệ thống thể chế xã hội mà ở đó, sự hiện thực hóa con người thông qua việc sản xuất và sự gia nhập vào giải quyết những công việc chung của cả cộng đồng - nơi chủ thể là thành viên - đều diễn ra một cách tự nguyện. C.Mác viết: “sự phát triển đầy đủ và tự do của mỗi người là nguyên tắc cơ bản của xã hội cộng sản chủ nghĩa”(9). Như vậy, CNCS là sự hòa giải giữa chủ quan và khách quan, giữa con người sản xuất và sản phẩm được sản xuất ra; đó là nơi con người trở thành chính con người như là ở trong ngôi nhà của mình và con người không bị tha hóa nữa. Cuối cùng, con người không bị ràng buộc nào về kinh tế và chính trị. C.Mác chưa nói rõ về CNCS và liệu trong CNCS con người có bị ràng buộc bởi các mối liên hệ giữa kinh tế và chính trị theo hình thức nào nữa hay không. Như vậy, trong tư tưởng thời kỳ đầu, rõ ràng Mác đã để ngỏ những khả năng để phân tích những mối liên hệ giữa kinh tế và chính trị và sự ảnh hưởng của nó đến khả năng chủ thể tự hiện thực hóa. Điều này cần thời gian và Người đã thực hiện nó ở giai đoạn trưởng thành.

CNCS là hình thái kinh tế - xã hội ra đời sau CNTB, nó được thoát thai từ CNTB. Phân tích những nhân tố bản chất quy định nên sản phẩm hàng hóa của CNTB, C.Mác đã nhận thấy tính chất đối lập của nó đối với hoạt động hiện thực hóa của con người thông qua hiện tượng tha hóa. Trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, bằng việc tiếp tục phân tích hoạt động hiện thực hóa trong CNTB, C.Mác đã luận chứng vấn đề CNCS nhất thiết phải ra đời từ CNTB. Tuy sau này V.I.Lênin có bổ sung thêm cho lý luận của C.Mác về khả năng CNCS có thể ra đời ở một nước TBCN, nhưng cần đặt luận điểm này trong hệ thống lập luận của C.Mác. Tiếp tục những chuỗi lập luận từ hoạt động hiện thực hóa của chủ thể, C.Mác đã chứng minh về cơ sở xuất hiện một hình thái kinh tế - xã hội giải quyết được mâu thuẫn trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa của CNTB. Thiết chế xã hội giải quyết được mâu thuẫn đó phải đạt được tiêu chí con người tự do phát triển toàn diện mà tự do của người này không làm mất tự do của người khác.

3. Một số vấn đề cần khẳng định trong tư tưởng của C.Mác về chủ thể làm nền tảng phương pháp luận cho những chính sách phát triển đất nước theo định hướng XHCN

Thứ nhất, bằng việc vận dụng lý luận về chủ thể hoạt động hiện thực hóa trong bối cảnh không gian, thời gian xã hội của CNTB, C.Mác đã đề xuất và xây dựng thành công quan điểm duy vật lịch sử. Thông qua việc chỉ ra hoạt động hiện thực hóa quan trọng nhất của bản thể luận xã hội là lao động, Người đã kết luận rằng, không phải khi nào lao động cũng tạo ra sự tha hóa. Những nhân tố ảnh hưởng đến lao động con người rất nhiều, nhưng cần đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống thể chế kinh tế và chính trị của CNTB. Điều này không có nghĩa là C.Mác khẳng định chỉ có hệ thống thể chế kinh tế, chính trị mới làm tha hóa hoạt động lao động của con người.

Việc Đại hội XIII của Đảng xác định phải phát huy sức mạnh văn hóa, khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường chính là khẳng định động lực thúc đẩy của hệ thống thể chế văn hóa và đạo đức, thúc đẩy hoạt động hiện thực hóa của con người và dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, cho đến nay, trong số những nhà mácxít phương Tây, không còn ai cho rằng có sự phân chia giữa Mác trẻ và Mác trưởng thành. Các nhà mácxít phương Tây đang cố gắng tái khám phá những vấn đề lý luận được chính C.Mác kiên trì xây dựng và phát triển thành một hệ thống thống nhất. Những khuynh hướng “Marx after Marxism” (Mác sau chủ nghĩa Mác), “Marx before Marxism” (Mác trước chủ nghĩa Mác)... đều chứa đựng mục tiêu nêu trên. Tuy vậy, sự thừa nhận của chúng ta về học thuyết triết học của C.Mác vẫn chứa đựng mâu thuẫn: khẳng định học thuyết triết học của C.Mác là thống nhất, nhưng vẫn hàm ý những vấn đề triết học C.Mác đề cập thời kỳ đầu là chưa chín muồi. Tuy có những thời điểm, chính bản thân C.Mác thốt lên rằng, trong thời kỳ đầu, quan điểm của mình mang dáng dấp của Phoiơbắc, nhưng không giải thích rằng nó sai hay đúng. Việc thừa nhận những chủ đề triết học được C.Mác kiên trì xây dựng trong thời gian dài (gần như toàn bộ cuộc đời) không làm ảnh hưởng đến bản chất khoa học và cách mạng của triết học Mác.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu những áp lực từ không gian, thời gian xã hội lên hoạt động hiện thực hóa của chủ thể hiện nay là vô cùng quan trọng. Những áp lực này có hai dạng: tạo thành động lực để con người hoạt động hiện thực hóa hoặc tạo sự tha hóa trong quá trình con người hoạt động hiện thực hóa. Về thực chất, thành công của những chủ trương như khoán 100 trong nông nghiệp hay phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của đất nước có bản chất chính là sử dụng đòn bẩy, là lợi ích cá nhân để thúc đẩy chủ thể hoạt động hiện thực hóa. Như vậy, muốn biến khát vọng phát triển Việt Nam thành một quốc gia hùng cường, phải xây dựng được một hệ thống thể chế văn hóa và đạo đức hướng đến thúc đẩy các chủ thể hoạt động hiện thực hóa một cách chủ động và tích cực.

__________________

 

(1) Trước R.Đềcáctơ, con người chỉ là thành phần của vũ trụ, một thành phần thấp kém thua nhiều thành phần khác. Từ Đềcáctơ về sau, vũ trụ chỉ là chỗ đứng của con người và trong khi con người đã nhận ra tự do và tính chất siêu việt của mình, thì vũ trụ là một ảo ảnh đã mất hết tính thần thánh xưa kia của nó.

(2) Trong lịch sử triết học phương Tây, các nhà triết học thường trình bày học thuyết mang tên mình trong một tác phẩm. Chẳng hạn, Arítxtốt có The Politics (Chính trị), Platôn với The Public (Nền Cộng hòa)... C.Mác thường viết những luận điểm triết học của mình ở những đoạn ngắn trong nhiều tác phẩm, trong các lời tựa, các bức thư gửi đồng nghiệp và người cộng sự thân thiết là Ph.Ănghen. Riêng tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, các nhà triết học mácxít phương Tây lưu ý đến chỉ dẫn của C.Mác: “Tôi thấy rằng, điều hết sức quan trọng là trước khi tôi trình bày vấn đề một cách chính diện thì cần phải có một tác phẩm luận chiến chống lại nền triết học Đức và chống lại chủ nghĩa xã hội Đức. Điều đó là cần thiết để chuẩn bị cho công chúng tiếp thu quan điểm của tôi trong lĩnh vực kinh tế - chính trị, quan điểm này trực tiếp đối lập với khoa học Đức” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.27, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.398-399). Chính vì lý do này mà Hệ tư tưởng Đức không được coi là một tác phẩm triết học riêng biệt để trình bày nội dung tư tưởng của mình.

(3) Antútxơ là nhà mácxít người Pháp, tham gia Đảng Cộng sản Pháp, là người xây dựng lý luận về “Chủ nghĩa Mác cấu trúc” (structuralist Marxism). Những tư tưởng này được ông trình bày trong cuốn For Marx được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1968.

(4) Quan niệm chung của các nhà lý luận Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn đầu, do còn ảnh hưởng của Hêghen, nên ngôn ngữ triết học của C.Mác vẫn trừu tượng và rất khó nắm bắt. Nó được khắc phục ở giai đoạn sau, khi ông đã thực hiện một cuộc cách mạng để bác bỏ Hêghen. Sự trừu tượng trong triết học đã được Hêghen đẩy lên đến đỉnh cao - như chính ông thừa nhận ông là đỉnh cao của triết học. Điều này nói lên rằng, C.Mác muốn chứng tỏ vai trò của mình là đã nắm bắt được tinh thần của Hêghen để phê phán chính Hêghen chứ không phải do ảnh hưởng của Hêghen nên C.Mác phải sử dụng thuật ngữ của Hêghen trừu tượng đến mức độ tối tăm.

(5), (6) C.Mác - Ph.Ănghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.29, 28-29.

(7) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.42, Sđd, tr.136.

(8) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.13, Sđd, 1995, tr.14.

(9) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.23, Sđd, tr.835.

TS PHẠM ANH HÙNG

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền