Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội trong thời kỳ đổi mới
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 14:17
5251 Lượt xem

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội là hệ thống những quan điểm toàn diện, sâu sắc về những chính sách nhằm giúp người dân phòng ngừa, khắc phục, hạn chế những rủi ro trong cuộc sống. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, sự vận dụng tư tưởng của Người trong thực tiễn hiện nay.

Ảnh: Phường Linh Trung, TP Thủ Đức thành lập điểm an sinh xã hội khẩn cấp trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Nguồn: nld.com.vn

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội

Trong suốt cuộc đời cách mạng, Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho mục tiêu cháy bỏng: độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Đây là tư tưởng bao trùm triết lý về an sinh xã hội của Người. Trong thời đại ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội vẫn vẹn nguyên giá trị không chỉ trong phạm vi quốc gia mà ở tầm quốc tế, thể hiện cụ thể trong mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia mà Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đã đưa ra là: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp này là giá trị cốt lõi và xuyên suốt trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc giai đoạn 2015-2030 (Chương trình 2030), với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây cũng là các tiêu chí đo lường mức độ cải thiện căn bản cuộc sống của những người nghèo, nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Do đó, các mục tiêu này nằm trong chiến lược phát triển, trong đó có chiến lược an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

Ngày nay, khái niệm an sinh xã hội (ASXH) thường được đề cập với hai nghĩa rộng và hẹp. Nghĩa rộng, ASXH là sự bảo đảm các quyền để con người được sống tự do, an bình, hạnh phúc trong một xã hội ổn định, phát triển. Nghĩa hẹp, ASXH là sự bảo đảm nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của mỗi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những người bị thiệt hại bởi thiên tai, địch họa, bệnh tật... Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH bao hàm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Người dân, bất kể ai được an toàn sinh sống và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm. Vấn đề đó chỉ có thể được thực hiện trong điều kiện đất nước được độc lập, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mới tạo mọi điều kiện để người dân được ấm no, hạnh phúc. 

Sinh thời, Hồ Chí Minh không nhắc đến “an sinh xã hội”, song quan điểm của Người về ASXH đã được thể hiện từ rất sớm, và dần hoàn thiện trong quá trình nhận thức và hành động. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927), khi bàn về vai trò của Công hội, Người đã nêu nội dung: “Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích”(2).

Sau Hội nghị Trung ương Tám (tháng 5-1941), để tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, nhằm thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Người đã sáng tác Diễn ca Mười chính sách của Việt Minh(3) bằng thể thơ lục bát rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền tụng trong quần chúng nhân dân. Trong diễn ca, Người đề cập đến những chính sách dành cho mọi đối tượng trong xã hội, thể hiện sự “bao trùm” và “không bỏ sót” một ai.

Đến Chương trình Việt Minh(4), tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH được thể hiện rõ nét, đầy đủ hơn. Người đề cập đến việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, chế độ hưu trí, cứu tế thất nghiệp đối với công nhân, cứu tế nông dân trong những năm mất mùa, hậu đãi binh lính và gia đình họ... Người chủ trương xây dựng một xã hội được bảo đảm an sinh đối với tất cả các tầng lớp xã hội, đó là: “1. Thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ.  2. Giúp đỡ các gia đình đông con. 3. Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con. 4. Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân. 5. Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”(5).

Với quan điểm luôn phấn đấu vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (2-9-1945), trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách bởi thù trong giặc ngoài, phần đông người dân đói nghèo, không có cơm ăn, áo mặc, trước nguy cơ nạn đói, ngay phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Hồ Chí Minh đã nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ nhằm bảo đảm đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó trước hết là “Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Hồ Chí Minh đề nghị: Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò... Để giải quyết tình hình cấp bách, Người đề nghị Chính phủ “mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”(6). Hình thức tương trợ “lá lành đùm lá rách” - truyền thống của dân tộc - được Người phát động và gương mẫu thực hành.

Hồ Chí Minh quan niệm: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(7), “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Vì thế, Người yêu cầu Đảng và Chính phủ phải “gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”(8), Người nêu rõ: “Chúng ta phải thực hiện ngay:  1. Làm cho dân có ăn.  2. Làm cho dân có mặc.  3. Làm cho dân có chỗ ở.  4. Làm cho dân có học hành”(9).

Nói đi đôi với làm, trong 24 năm giữ cương vị lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng bảo đảm chế độ tiền lương, hưu trí, chế độ trợ cấp khi công chức, viên chức nhà nước bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, già yếu hoặc bị chết. Người đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL (ngày 12-3-1947) tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm ốm đau, tai nạn, chăm sóc sức khỏe. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam sau này.

Những năm 60 thế kỷ XX, nhu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động được đặt ra một cách cấp thiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức công đoàn. Người căn dặn: “Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước. Bộ Luật lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con”(10). Công đoàn cần khẳng định vị thế, vai trò trong việc bảo đảm các chế độ liên quan trực tiếp đến người lao động như: bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, tử tuất...

Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(11), trong đó “Đầu tiên là công việc đối với con người”(12).

Như vậy, mục tiêu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH là luôn vì cuộc sống hạnh phúc của mọi người dân, nhằm bảo đảm đời sống của người dân, từ những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, như: ăn, mặc, chỗ ở đến những nhu cầu cao hơn như: học hành..., đều mang những giá trị vượt trước với tinh thần phát triển bền vững, bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc hiện nay. Để thực hiện được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải tiến hành đồng thời xây dựng, phát triển nền kinh tế vững chắc, toàn diện, kết hợp phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng con người mới có đạo đức mới, lối sống mới phù hợp. Rõ ràng, đây là tư duy vượt trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đó cũng là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho việc hoạch định và thực thi chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

2. Thực hiện an sinh xã hội trong thời kỳ đổi mới

Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện tư tưởng của Người về ASXH. Bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững đất nước, ổn định chính trị - xã hội. Đại hội X của Đảng (2006) đã nêu rõ: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội”(13). Đến Đại hội XI, Đảng ta xác định “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”(14), do đó, bảo đảm ASXH chính là cơ sở cho phát triển bền vững giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội và bảo vệ mội trường. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi và bổ sung) đã lần đầu tiên khẳng định quyền ASXH là quyền cơ bản cho người dân. Điều 34 của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần thực hiện ASXH cho người dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bộ luật (mới ra đời hoặc sửa đổi, bổ sung) đã được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH cho toàn thể người dân, như: Luật Người Khuyết tật (năm 2010), trợ giúp người yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội; Luật Lao động (sửa đổi năm 2012) có thêm quy định tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động yếu thế trên thị trường thông qua các chính sách đào tạo, hướng nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi năm 2013) mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc có hợp đồng từ 1 tháng trở lên; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện về việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức; khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội...

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 tiếp tục khẳng định bảo đảm ASXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Chủ trương của Đảng tại Đại hội XII là: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn nhân lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động”(15). Năm 2019, để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra, Việt Nam đã xây dựng Bộ chỉ tiêu Thống kê phát triển bền vững(16), phản ánh toàn diện các đặc trưng về kinh tế - xã hội của đất nước. Các mục tiêu cụ thể trong Bộ chỉ tiêu (gồm nhiều chỉ tiêu ở lĩnh vực xã hội như: nhóm chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo, về bình đẳng...) phục vụ các bộ, ngành đánh giá thực chất việc thực hiện tiêu chí “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt là đối với những người yếu thế(17), thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện ASXH, thể hiện rõ bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam hoàn thành xuất sắc Mục tiêu Thiên niên kỷ, được thế giới đánh giá cao, như: chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chăm sóc sức khỏe toàn dân... Đồng thời, đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong năm 2020, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động tự do có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội. Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành một loạt chính sách ASXH hỗ trợ người dân, như gói hỗ trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng được hướng tới 20 triệu người thuộc sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách(18). Mô hình chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nhìn lại kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã nhận định: mặc dù năm cuối của nhiệm kỳ có đại dịch Covid - 19 và thiên tai bão lụt, song Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới)(19). Đại hội XIII khẳng định, trong 35 năm đổi mới, Việt Nam đã: “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn. Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm”(20). Đây thực sự là thành tựu có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh chung trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, trong những năm tới tiếp tục: “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”(21). Điều này đã thêm một lần khẳng định ASXH, an ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm, bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vững bước tiến lên để “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(22).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1), (6), (7), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187, 7, 64, 64, 175, 477.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 335.

(3) “Có mười chính sách bày ra, Một là ích nước, hai là lợi dân. Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân, Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền. Hội hè, tín ngưỡng, báo chương, Họp hành, đi lại, có quyền tự do. Nông dân có ruộng, có bò, Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.  Công nhân làm lụng gian nan, Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ. Gặp khi tai nạn bất ngờ, Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho. Thương nhân buôn nhỏ, bán to, Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền. Nào là những kẻ chức viên, Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng. Binh lính giữ nước có công, Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu. Thanh niên có trường học nhiều, Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho. Đàn bà cũng được tự do, Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền. Người tàn tật, kẻ lão niên, Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho. Trẻ em, bố mẹ khỏi lo, Dạy nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy”.

(4) Tác phẩm được cho là của Hồ Chí Minh viết.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 632.

(11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622, 616.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.56, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 202.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, Hà Nội, tr. 98

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr 136 - 137.

(16) Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu, phản ánh 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam; Trong đó 55 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em, 48 chỉ tiêu liên quan đến dân số và phát triển, 13 chỉ tiêu liên quan đến lao động, 70 chỉ tiêu liên quan đến giới, 19 chỉ tiêu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu và nhiều chỉ tiêu lên quan đến người khuyết tật.

(17) “Không để ai bị bỏ lại phía sau - Mục tiêu cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”, https://vovworld.vn.

(18) Sáu nhóm người được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội do ảnh hưởng dịch covid-19, là: 1. Người có công với cách mạng (500.000 đồng/tháng); 2. Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia (1 triệu đồng/tháng); 3. Lao động bị buộc thôi việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (1 triệu đồng/tháng); 4. Hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm ngừng kinh doanh (1 triệu đồng/tháng); 5. Lao động bị tạm nghỉ do doanh nghiệp khó khăn bởi Covid-19 (1,8 triệu đồng/tháng); 6. Doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng được vay lãi suất 0% để trả lương (vay không quá 12 tháng) tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn: http://www.tuyengiao.vn: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

(19), (20), (21), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.60-61, 65-66, 47, 112.

ThS NGUYỄN TUYẾT HẠNH

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền