Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại của Việt Nam
Thứ tư, 22 Tháng 12 2021 09:16
11970 Lượt xem

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại của Việt Nam

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng đã nêu quan điểm, chủ trương mới về xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại. Đây là sự kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng công nghiệp, công nghiệp hiện đại và giai cấp công nhân hiện đại… gắn với sứ mệnh lịch sử của giai cấp này trong thời đại hiện nay. Trên cơ sở lý luận đúng và những đặc thù của thực tiễn Việt Nam, cần có giải pháp xây dựng GCCN hiện đại của Việt Nam đến năm 2030 và năm 2045.

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại - Ảnh: dangcongsan.vn

Một trong những điểm mới và quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng ta nêu quan điểm, chủ trương lớn: “xây dựng giai cấp công nhân hiện đại”(1). Điểm mới này là rất xác đáng, khả thi và nhất quán với mục tiêu đến năm 2030, nước ta “có công nghiệp hiện đại”(2), trong đó công nghiệp hiện đại không chỉ là cơ sở vật chất hiện đại, mà quan trọng hơn là “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”(3). GCCN hiện đại của Việt Nam chẳng những là chủ thể trực tiếp nhất trong sản xuất công nghiệp hiện đại, mà còn là giai cấp lãnh đạo xã hội thông qua Đảng ta.

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp công nhân hiện đại

C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập các khái niệm “cách mạng công nghiệp”, “công nghiệp hiện đại”, “giai cấp công nhân hiện đại” ngay trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Sau này, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(4)

Trước hết, C.Mác và Ph.Ăngghen nói đến “cách mạng công nghiệp”(5) - một thực tiễn rất mới trong lịch sử nhân loại kể từ khi có máy hơi nước do Giêm Oát phát minh năm 1765 tại Xcốtlen. Cùng với một số nhà khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen đã gọi cái “mốc lịch sử” đó là cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ nhất” và sau đó nhận định rất đúng về việc hình thành một giai cấp mới: GCCN “do cuộc cách mạng công nghiệp sản sinh ra”(6) và giai cấp vô sản “là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(7). C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã nghiên cứu về “các thời đại” kế tiếp nhau trong lịch sử nhân loại (ngoài lý luận về các hình thái kinh tế - xã hội), trong đó có “thời đại mông muội”,  “thời đại dã man”, “thời đại văn minh nông nghiệp”, “thời đại văn minh công nghiệp”. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, khi vận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nhân loại đã bước vào thời kỳ sản xuất hiện đại, với các công cụ sản xuất mới là bằng máy móc của “công nghiệp hiện đại”(8). Từ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra khái niệm phản ánh một tập đoàn người lao động đông đảo - chủ thể trực tiếp nhất vận hành sản xuất công nghiệp - là “giai cấp công nhân hiện đại”(9).

2. Giá trị thực tiễn và khoa học bền vững của học thuyết Mác - Lênin về “cách mạng công nghiệp”, “nền sản xuất công nghiệp” và “giai cấp công nhân hiện đại” trong thời đại hiện nay

Trước hết, cần phản bác một số quan điểm sai lệch, xuyên tạc, chống chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những người “đồng lõa” (trên thế giới và cả ở Việt Nam) về các vấn đề trên.

Ngay từ giữa thế kỷ XX, một số học giả đã đưa ra lý thuyết mới về “ba nền văn minh”, với “cú sốc tương lai” và “làn sóng thứ ba”... Nổi bật là các quan điểm của “Tương lai học phương Tây”-  mà đại diện là Pier Druker và Alvin Tofler (người Mỹ). Họ kết luận một cách chủ quan rằng: trong “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ”, “kinh tế tri thức” (nay họ thêm “thời đại số hóa”)..., các quan điểm Mác - Lênin về công nghiệp, nền sản xuất công nghiệp, GCCN hiện đại là sản phẩm của nền sản xuất công nghiệp gắn với sứ mệnh lịch sử của GCCN thông qua đảng cộng sản lãnh đạo xã hội đã lỗi thời. Các quan điểm “Tương lai học phương Tây” đó đã làm cho không ít cán bộ, đảng viên cộng sản, trí thức… ở nhiều nước (trong đó có Việt Nam) mơ hồ, dao động, mất dần niềm tin, suy thoái, “tự diễn biến” về lập trường tư tưởng chính trị, nhất là về GCCN trong quá trình xây dựng CNXH.

“Tương lai học phương Tây” khẳng định rằng: khi đã có “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ”... thì sẽ diễn ra “CÁI CHẾT CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP”(10) (tên một mục trong bộ sách của A.Tofler). Đến nay, “cái chết của nền công nghiệp” đã xảy ra chưa? Về mặt lý luận, chính A.Tofler đã vừa không nhất quán, vừa không có căn cứ khoa học, ngay sau khi bác bỏ “công nghiệp”, ông ta vẫn nói đến các “khu công nghiệp”, “siêu công nghiệp” trong “làn sóng thứ ba”(!) Về mặt thực tiễn, hiện nay trên toàn thế giới, nền công nghiệp vẫn đang hoạt động, phát triển ở hầu hết các nước. Nhiều nước đã và đang có quá trình công nghiệp hóa, có các khu công nghiệp. Trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây đã và đang có rất nhiều ngành công nghiệp như: công nghiệp điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo cơ khí, công nghiệp xây dựng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp quốc phòng”... Gần đây lại thêm những ngành rất mới như: công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp dịch vụ, công nghiệp môi trường, công nghiệp sinh học, công nghiệp vũ trụ... Thậm chí, các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch... cũng đều có công nghiệp mới. Đặc biệt, mới đây, nhà kinh tế lừng danh - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới là giáo sư Klaus Schwab, đã công bố tác phẩm mới nhất: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(11), trong đó ông chẳng những thừa nhận, mà còn thống kê lại sự thật lịch sử nhân loại cho đến nay đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Chắc chắn là “nền sản xuất công nghiệp” vẫn đang là sự thật và có giá trị phổ biến toàn cầu và nó đã bao hàm cả những cái mới cụ thể như “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ”, “kinh tế tri thức”, “thời đại số hóa”.

Như vậy, trong thời đại hiện nay, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng công nghiệp, công nghiệp hiện đại và GCCN hiện đại... gắn với sứ mệnh lịch sử của GCCN vẫn có giá trị bền vững, phổ biến toàn cầu. Qua phân tích trên đây, chúng ta càng củng cố niềm tin rằng: Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm, chủ trương “xây dựng giai cấp công nhân hiện đại” của Việt Nam là có đủ căn cứ thực tiễn và khoa học để thực thi và chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, theo các tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045(12).

3. Giải pháp cơ bản để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại của Việt Nam 

Trước hết, các tư liệu thực tế cho thấy, có đủ căn cứ vững chắc để đề xuất những giải pháp cơ bản xây dựng GCCN hiện đại của Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng ta. Mới đây, trong lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã công bố số liệu khái quát: tuy GCCN Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động, song hằng năm GCCN đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước… Với bản lĩnh cách mạng và tính chính trị - xã hội tích cực, GCCN nước ta thật sự là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo xã hội thông qua Đảng ta... Tổng cục Thống kê nước ta công bố: lực lượng lao động nước ta năm 2020 ước tính là 48,3 triệu người (nếu cộng cả số giảm đi trong năm 2019 thì “tính tròn” khoảng 50 triệu người). Trong 50 triệu người đó, có 64,8% ở khu vực thành thị, bao gồm nhiều loại công nhân, trong đó số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 23,1%. Với đà phát triển mới, khoảng 10 đến 20 năm nữa, việc GCCN Việt Nam trở thành GCCN hiện đại là khả thi. Tuy nhiên, cần có một số giải pháp cơ bản, khả thi và quyết liệt thì mục tiêu này mới thành hiện thực. 

Một là, thống nhất và nâng cao nhận thức về xây dựng GCCN hiện đại

Cần triển khai tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống tuyên giáo, hệ thống các trường chính trị, qua các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước về quan điểm, chủ trương của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại - tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, gắn liền với mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo đúng định hướng XHCN. Việc tuyên truyền, giáo dục này phải được tiến hành thường xuyên từ trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, công đoàn, đoàn thanh niên các cấp, các loại doanh nghiệp, nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước. Đối với cán bộ, đảng viên, khẩn trương mở các đợt tập huấn về những cái mới của GCCN hiện đại Việt Nam từ cán bộ cấp chiến lược đến các cấp dưới, để đội ngũ này làm nòng cốt, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục cho toàn xã hội…

Hai là, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng GCCN hiện đại

Sớm cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bằng việc xây dựng một nghị quyết mới về xây dựng giai cấp công nhân hiện đại của Việt Nam. Sau đó, xây dựng Chiến lược phát triển GCCN Việt Nam đến năm 2030, 2045; cụ thể hóa tiếp thành Chương trình hành động, kế hoạch… Tập trung đào tạo công nhân chất lượng cao về trình độ học vấn, khoa học - công nghệ, tay nghề, chính trị, đạo đức…, trước hết ở các ngành mũi nhọn, nòng cốt, tiêu biểu. Xây dựng các cơ chế cụ thể hơn để giám sát được việc thực thi quyền dân chủ của công nhân trong các đơn vị, tạo việc làm đúng tay nghề, sử dụng, đãi ngộ công nhân, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng sống về vật chất, tinh thần của công nhân. Có kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp công nhân ưu tú vào Đảng và bố trí cán bộ xuất thân từ công nhân tham gia cấp ủy các cấp. Đảng lãnh đạo Nhà nước đưa các nội dung đó vào một số luật, chính sách mới của Nhà nước để các doanh nghiệp, công đoàn thực hiện.

__________________

(1), (2), (3), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.166, 112, 115, 166.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.1.

(5), (6), (7), (8), (9) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.457, 457, 610, 605, 605.

(10) Alvin Tofler: Cú sốc tương lai, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr.171.

(11) Klans Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.20.

PGS, TS NGUYỄN ĐỨC BÁCH

Viện Khoa học môi trường và xã hội, 

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền