Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng - Những vấn đề lý luận
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 11:46
70575 Lượt xem

Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng - Những vấn đề lý luận

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta sử dụng phổ biến cụm từ phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cùng với khái niệm phương thức lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên Đảng sử dụng khái niệm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Bài viết góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức cầm quyền của Đảng; quan hệ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng; phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Bài viết là sản phẩm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước KX.04.02/21-25.

Ảnh minh họa - dangcongsan.vn

1. Về phương thức lãnh đạo của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng các khái niệm: cách lãnh đạo, lối làm việc... của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng cho đến trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta dùng đồng thời các khái niệm: phương pháp lãnh đạo, phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo, phong cách công tác, lề lối làm việc, quy chế công tác, quy trình làm việc... nhưng chủ yếu áp dụng đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, chưa đề cập đối với các tổ chức đảng. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989) Đảng ta chính thức dùng khái niệm “phương thức lãnh đạo của Đảng” với cách đặt vấn đề “phương thức lãnh đạo” là khái niệm ở tầm tổng quát và cao hơn. Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết và các nội dung lãnh đạo của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng. 

Nội dung của phương thức lãnh đạo của Đảng (hay các phương thức lãnh đạo của Đảng), lần đầu tiên được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) kế thừa và bổ sung những nội dung cơ bản của phương thức lãnh đạo của Đảng được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều 41 Điều lệ Đảng do Đại hội XI của Đảng thông qua đã quy định rõ các phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát;... Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(1)

Qua các văn kiện của Đảng, có thể khái quát phương thức lãnh đạo của Đảng gồm: một là, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; ba là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị và bằng công tác tổ chức, cán bộ; bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; năm là, Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đó là những cách thức chủ yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trên thực tế, trong hoạt động lãnh đạo, Đảng còn sử dụng nhiều hình thức, biện pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc cụ thể, như: tổ chức hội nghị phổ biến nghị quyết (trong cấp ủy, tổ chức đảng và đối với cán bộ chủ chốt các tổ chức trong hệ thống chính trị); hình thức giao ban giữa các cơ quan lãnh đạo đảng với lãnh đạo cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc làm việc giữa đại diện lãnh đạo cấp ủy đảng với lãnh đạo cơ quan nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; cấp ủy viên cấp ủy cấp trên trực tiếp dự sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới; đối thoại giữa đại diện cấp ủy, tổ chức đảng với một số cá nhân; chỉ đạo làm thí điểm; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, trong đó xác định đúng và rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân và các chế độ công tác chủ yếu, nhất là chế độ hội họp, chế độ thông tin, chế độ báo cáo; xây dựng các quy chế phối hợp công tác giữa các tổ chức, cơ quan có liên quan; việc phân công cấp ủy viên phụ trách một số tổ chức, một số lĩnh vực; phân công đảng viên theo dõi, phụ trách lĩnh vực công tác, đơn vị, hộ gia đình; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng; sử dụng văn bản và các hình thức thông tin khác; v.v.. Trong đánh giá thực trạng thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhắc đến các hình thức, phương pháp, quy trình cụ thể này. Có thể xem đây là nội hàm của khái niệm “chỉ đạo” vẫn thường được dùng sau từ “lãnh đạo”.

2. Về phương thức cầm quyền của Đảng

Trên bình diện chung nhất có thể định nghĩa: Phương thức cầm quyền của Đảng là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc... mà Đảng cầm quyền sử dụng để tác động vào các tổ chức, trước hết là Nhà nước, nhằm thực hiện đúng đắn, đầy đủ ý chí chính trị, quyền và trách nhiệm của Đảng cầm quyền, quyền làm chủ của nhân dân, nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng và phát triển đất nước trong từng thời kỳ xây dựng CNXH.

Về nội dung của phương thức cầm quyền của Đảng, hiện nay đang có các cách trình bày khác nhau ít nhiều. 

Các trình bày thứ nhất - gắn phương thức cầm quyền của Đảng với phương thức lãnh đạo của Đảng. 

Khái niệm “phương thức cầm quyền của Đảng” gắn liền với khái niệm Đảng cầm quyền, chỉ phương diện hoạt động của Đảng cầm quyền. Ở nước ta chỉ có một Đảng duy nhất, đồng thời là Đảng cầm quyền, nên hiện nay trên tổng thể, phương thức cầm quyền của Đảng cơ bản cũng là phương thức lãnh đạo của Đảng, chỉ có sự khác biệt là - xét từ vị thế, trách nhiệm của Đảng cầm quyền và đối tượng tác động chủ yếu của Đảng - cần nhấn mạnh một số nội dung trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo đó, có thể xác định các phương thức cầm quyền của Đảng gồm:

Một là, Đảng cầm quyền bằng sử dụng Cương lĩnh, chiến lược, các nghị quyết, kết luận của Đảng làm căn cứ và chỉ đạo để Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, chính sách, kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện.

Hai là, Đảng cầm quyền bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động (nhất là đối với các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp không là đảng viên) để các cơ quan nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tán thành, hăng hái thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.

Ba là, Đảng cầm quyền bằng phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và bố trí đúng, đề cao trách nhiệm của đảng viên giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác tổ chức và công tác cán bộ của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bốn là, Đảng cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên công tác trong các tổ chức của hệ thống chính trị, qua đó kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Năm là, Đảng cầm quyền bằng phát huy vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm nêu gương, của đảng viên công tác trong các tổ chức của hệ thống chính trị. 

Cách trình bày thứ hai - nhấn mạnh phương thức cầm quyền đối với Nhà nước. 

Một là, Đảng cầm quyền bằng pháp luật và tuân theo pháp luật

Trong phương thức này nhấn mạnh việc Đảng lãnh đạo Quốc hội thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật; khi đường lối, chủ trương của Đảng đã trở thành Hiến pháp, pháp luật, thì tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân đều phải chấp hành; chấp hành Hiến pháp, pháp luật cũng tức là đã chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng. Nếu đường lối, chủ trương của Đảng chỉ có hiệu lực tuyệt đối đối với các tổ chức đảng và đảng viên, còn đối với xã hội thì chỉ là sự định hướng, nhưng khi đường lối, chủ trương của Đảng đã được Quốc hội luật hóa thành Hiến pháp, pháp luật thì đường lối, chủ trương của Đảng trở thành bắt buộc, có hiệu lực cao nhất đối với cả xã hội; bản thân các tổ chức đảng và mọi đảng viên đều có trách nhiệm chấp hành, không được đứng ngoài, đứng trên pháp luật, hơn nữa phải gương mẫu trong chấp hành pháp luật; nếu có vi phạm, thì ngoài kỷ luật đảng, đảng viên còn bị xử lý theo pháp luật với tư cách là công dân. Phương thức này cũng bao hàm cả nghĩa Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình: quyết định về đường lối và quyết định việc lãnh đạo Quốc hội thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật, Quốc hội và Chính phủ cụ thể hóa đường lối của Đảng thành chính sách, quy định.

Hai là, Đảng cầm quyền bằng công tác tư tưởng

Thông qua các tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng tuyên truyền, phổ biến để thành viên của các cơ quan, tổ chức này không là đảng viên nắm được đường lối, chủ trương của Đảng; thuyết phục họ tán thành, nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; vận động họ hăng hái, sáng tạo trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, tổ chức đã đề ra. Đảng sử dụng các cơ quan truyền thông của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới tất cả các tầng lớp nhân dân, tạo lập sự đồng thuận xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó củng cố uy tín của Đảng.

Ba là, Đảng cầm quyền bằng nắm công tác tổ chức, cán bộ của Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội  

Sau khi giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân thiết lập bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị để thực hiện đường lối của Đảng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đảng thống nhất nắm, chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức không chỉ của Đảng, mà của cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức bộ máy nhà nước. Đảng định hướng chính trị hoạt động của Nhà nước; thông qua các tổ chức đảng và cán bộ đảng trong các cơ quan nhà nước để sắp xếp, kiện toàn tổ chức và nắm chặt bộ máy nhà nước theo đúng đường lối chính trị và đường lối tổ chức của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với toàn bộ hệ thống tổ chức của cả hệ thống chính trị. Đảng dùng đa số đảng viên trong Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp để bầu các đại biểu là đảng viên do cấp ủy đảng giới thiệu nắm giữ các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, nhất là ở cấp trung ương; để nắm quyền điều khiển, định hướng hoạt động của cơ quan nhà nước theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời, Đảng cũng bố trí đảng viên tham gia, nắm giữ những vị trí then chốt của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, một số tổ chức xã hội quan trọng.

Bốn là, Đảng cầm quyền bằng việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực thi quyền lực nhà nước

Đảng thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước bằng việc trực tiếp kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và lãnh đạo tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước kiểm soát quyền lực nhà nước. Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không chỉ phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, mà còn phải thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đảng giám sát hoạt động của đội ngũ đảng viên làm việc trong bộ máy nhà nước; giám sát việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước; giám sát, kiểm soát việc thực thi Hiến pháp và pháp luật của các cơ quan, công chức nhà nước, nhằm bảo đảm Nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định. Các đảng viên nắm giữ những chức vụ trong bộ máy nhà nước có trách nhiệm báo cáo công tác trước tổ chức đảng (đảng đoàn, ban cán sự đảng), cấp ủy đảng, chi bộ nơi sinh hoạt đảng về mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra, Đảng xử lý nghiêm minh, kịp thời những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật.

Như vậy, trong thực chất, hai cách trình bày nêu trên về các nội dung phương thức cầm quyền của Đảng cơ bản là giống nhau, cách trình bày thứ hai nhấn mạnh một số khía cạnh trong cách trình bày thứ nhất về các phương thức cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước. 

3. Quan hệ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng

Các phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định lại. Phương thức lãnh đạo gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng, nên được hình thành từ khi Đảng ra đời lãnh đạo cách mạng; là vấn đề cơ bản, xuyên suốt, có tính chất bao trùm và chi phối toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Do Đảng cầm quyền chỉ là Đảng lãnh đạo trong thời kỳ có chính quyền, nên phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền có sự giống nhau trên những nội dung cơ bản, chỉ có sự khác biệt nhất định về phạm vi, mức độ; trong đó, phương thức cầm quyền chỉ hình thành trong thời kỳ Đảng có chính quyền và nhấn mạnh hai nội dung của phương thức lãnh đạo: một là, Đảng sử dụng quyền lực của mình để tác động, chi phối việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; hai là, Đảng bố trí nhân sự chủ chốt của các cơ quan nhà nước, nhất là ở cấp trung ương.

Giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng có quan hệ mật thiết với nhau, vừa tương đồng, vừa có sự khác biệt nhất định. Tương đồng ở chỗ: cả phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền đều là của cùng một chủ thể là Đảng; trong điều kiện có chính quyền, đều tác động tới các đối tượng là Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân; cùng nhằm mục tiêu cao nhất là thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, chiến lược, đường lối, mục tiêu chính trị của Đảng; đều phải sử dụng các phương pháp tư tưởng, hành chính, tổ chức, kiểm tra, giám sát, nêu gương... Khác biệt ở chỗ: phương thức cầm quyền chú trọng việc chỉ đạo các cơ quan nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách và định hướng hoạt động của Nhà nước; nắm công tác tổ chức, cán bộ của Nhà nước bằng việc định hướng kiện toàn tổ chức và đưa cán bộ, đảng viên vào nắm giữ quyền lực và trực tiếp điều hành, thực thi quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước; cùng với các phương pháp dân chủ, tuyên truyền, thuyết phục, vận động, Đảng sử dụng quyền lực của Đảng cầm quyền và các nguyên tắc của Đảng để tác động, chi phối hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Tuy nhiên, phương thức cầm quyền thực chất là phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng trong điều kiện có chính quyền, kể cả khi là lực lượng duy nhất cầm quyền, nên sự phân biệt giữa phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo chỉ là tương đối. Ví dụ, Đảng cầm quyền cũng phải sử dụng các biện pháp công tác tư tưởng để tuyên truyền, thuyết phục, vận động và bảo vệ đường lối của Đảng. Đó cũng là phương thức lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động để đưa đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đội ngũ đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Khi nói Đảng cầm quyền bằng tổ chức, bằng công tác cán bộ, bằng công tác tư tưởng... thì khó có thể phân biệt rạch ròi với Đảng lãnh đạo bằng tổ chức, bằng cán bộ, bằng sự tác động tư tưởng.

4. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên chính thức dùng “khái niệm kép” “phương thức lãnh đạo, cầm quyền” của Đảng mà không phải là “phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền” hay “phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền” của Đảng. Việc sử dụng “khái niệm kép” này chứng tỏ, giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay cơ bản là giống nhau (nên không tách bạch riêng phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền), nhưng có sự khác biệt nhất định (nên phải bổ sung từ “cầm quyền” sau từ “lãnh đạo”). Việc bổ sung từ “cầm quyền” là để: một là, nhấn mạnh phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng vừa có quyền lãnh đạo, vừa phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình; hai là, nhấn mạnh trọng tâm cầm quyền của Đảng là đối với Nhà nước.

Từ quan niệm về phương thức lãnh đạo của Đảng và phương thức cầm quyền của Đảng, bước đầu có thể quan niệm: Phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng là toàn bộ các cách thức, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc mà Đảng sử dụng quyền lực của Đảng cầm quyền để tác động, chi phối Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối của Đảng, xứng đáng với vai trò, vị thế và trách nhiệm của Đảng duy nhất cầm quyền. 

Có thể quan niệm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gồm các nội dung chính sau: 

Một là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết và định hướng chủ trương, chính sách lớn; bằng đa số đảng viên để lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện; lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của tổ chức mình và tổ chức thực hiện.

Bằng đa số đảng viên trong Quốc hội, Đảng tác động vào công tác xây dựng pháp luật; bằng đa số đảng viên trong Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, Đảng tác động vào việc ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch công tác của các cơ quan nhà nước và tổ chức thực hiện tốt pháp luật, các chính sách, chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; thông qua đảng viên là cán bộ chủ chốt trong cơ quan lãnh đạo của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng tác động vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của các tổ chức này để bảo đảm theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chức năng, vai trò của mỗi tổ chức. Nghị quyết của Đảng cũng là căn cứ để đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của tổ chức đảng, đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Hai là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động các tổ chức trong hệ thống chính trị và cả xã hội tán thành, ủng hộ và tích cực thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bằng hệ thống các cơ quan tuyên giáo, hệ thống cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước, Đảng tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là thành viên trong cơ quan lãnh đạo của tổ chức này không là đảng viên, nắm được đầy đủ, đúng đắn, kịp thời các đường lối, chủ trương của Đảng; thuyết phục các tổ chức và cá nhân tán thành, nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, từ đó đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; vận động các tổ chức và cá nhân tích cực, sáng tạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch của tổ chức đã đề ra; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới tất cả các tầng lớp nhân dân, tạo lập và củng cố sự đồng thuận xã hội; phê phán các tư tưởng sai trái, đấu tranh chống các luận điệu thù địch.

Ba là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng việc giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ứng cử các chức danh chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị; thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị.

Bằng việc đa số đảng viên là đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp phải chấp hành nghị quyết, chủ trương của cấp ủy trong việc bầu các đảng viên do cấp ủy đảng cùng cấp giới thiệu, Đảng nắm giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước, trước hết là cấp trung ương, để những cán bộ này nắm quyền theo quy định của pháp luật trực tiếp điều hành, định hướng cơ quan nhà nước thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng và kịp thời phản ánh với Đảng những vấn đề cần lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, Đảng cũng giới thiệu và thông qua đảng viên trong MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để hiệp thương, bầu đảng viên tham gia, nắm giữ những vị trí chủ chốt trong cơ quan lãnh đạo của từng tổ chức. 

Bằng công tác tuyên truyền, Đảng động viên, lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia xây dựng Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện công tác tổ chức của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt chú trong tổ chức bộ máy nhà nước. Đảng lãnh đạo, định hướng chính trị hoạt động của Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; thông qua các tổ chức đảng và cán bộ đảng trong các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để sắp xếp, kiện toàn tổ chức theo đúng đường lối chính trị và đường lối tổ chức của Đảng. 

Bốn là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền thông qua các tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là cấp ủy viên, đảng viên ở cương vị người đứng đầu trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Đảng lập các tổ chức đảng (Đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy đảng) trong các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; chỉ định cấp ủy viên là người đứng đầu Đảng đoàn, ban cán sự đảng để các tổ chức này trực tiếp lãnh đạo cơ quan nhà nước, cơ quan lãnh đạo của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp ủy về chất lượng nội bộ và toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức; đề xuất với cấp ủy các chủ trương, thông qua đó Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Phương thức này vừa bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vừa thực hiện đúng nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật: Đảng không chỉ thị, giao nhiệm vụ cho cơ quan nhà nước, chỉ chỉ thị, giao nhiệm vụ cho tổ chức đảng và cán bộ đảng trong các cơ quan nhà nước. Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng hành động gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. 

Năm là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong các cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều có tổ chức đảng và đa số thành viên cơ quan lãnh đạo của các tổ chức này là đảng viên, người đứng đầu các cơ quan nhà nước là cấp ủy viên, nên Đảng dùng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng để kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, đảng viên ở đó. Tuy chỉ là kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhưng thực chất cũng là việc kiểm tra, giám sát của Đảng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mà không vi phạm Hiến pháp, pháp luật.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 196-197.

PGS, TS TRẦN KHẮC VIỆT

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền