Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tiếp tục đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới
Thứ bảy, 23 Tháng 4 2022 13:40
6054 Lượt xem

Tiếp tục đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới

(LLCT) - Một trong những phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là bằng Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết và định hướng các chủ trương, chính sách lớn. Để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cần đổi mới cả việc xây dựng, ban hành nghị quyết và việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Bài viết đề xuất một số biện pháp cụ thể tiếp tục đổi mới cả hai khâu này.

 

 

 

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ việc xây dựng, ban hành nghị quyết, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết - Ảnh: vtv.vn

1. Đổi mới một số khâu trong quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo, cầm quyền

Một là, quy định chặt chẽ, tương đối thống nhất số lượng kỳ họp và số lượng các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) và các cấp ủy sẽ ban hành trong một nhiệm kỳ Đại hội. 

Trong điều kiện đất nước phát triển bình thường, không có những biến động đột xuất, nên quy định số lượng các kỳ họp, số lượng các nghị quyết, kết luận BCHTW cần ban hành trong nhiệm kỳ tương ứng với thứ tự Hội nghị BCHTW trong nhiệm kỳ. Thực hiện ổn định như vậy sẽ giúp các cấp bộ đảng trực thuộc; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đội ngũ cán bộ tham mưu, nghiên cứu, giảng dạy sẽ dễ nhớ, nắm vững nội dung và có thể so sánh nội dung nghị quyết giữa các nhiệm kỳ.

Những năm vừa qua, mặc dù chưa quy định cụ thể, nhưng trên thực tế Đảng ta cũng đã dành một số hội nghị BCHTW bàn chuyên về một số vấn đề, thí dụ: các Hội nghị lần thứ tư của BCHTW ba khóa XI, XII, XIII đều ban hành nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa IX, khóa X đều bàn và ban hành nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí và công tác kiểm tra, giám sát; các Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa VII, khóa X đều ban hành nghị quyết về công tác dân vận, Đảng lãnh đạo công tác dân vận; những vấn đề quốc phòng, an ninh đều được các Hội nghị BCHTW lần thứ tám xem xét, ban hành nghị quyết.

Việc quy định như vậy tuy có phần cứng nhắc về số lượng hội nghị và số lượng nghị quyết sẽ được Hội nghị BCHTW ban hành, nhưng có tác dụng quan trọng: một là, định hướng cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng nêu cao tính chủ động trong công tác chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết của BCHTW, nhờ đó, ngay sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc, các cơ quan tham mưu, giúp việc BCHTW đã nắm vững công việc cần làm trong suốt nhiệm kỳ để chuẩn bị sớm; hai là, các Ủy viên BCHTW cũng chủ động để chuẩn bị ý kiến phát biểu; dù công tác ở lĩnh vực công tác nào, cũng đều có thể nhớ được những nội dung cơ bản của nghị quyết đã được Hội nghị BCHTW ban hành; ba là, tiết giảm số lượng các nghị quyết chưa thật sự cần thiết phải do BCHTW ban hành, đồng thời nâng cao chất lượng các nghị quyết thật sự cần phải ban hành; bốn là, các cấp ủy trực thuộc Trung ương chủ động chuẩn bị ý kiến đóng góp với BCHTW, lên kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của BCHTW, xây dựng kế hoạch ban hành nghị quyết, kết luận, chương trình công tác của cấp ủy.

Nếu thực hiện giải pháp này, có thể hình dung, mỗi nhiệm kỳ Đại hội chỉ có khoảng 12 Hội nghị BCHTW, trong đó nội dung chính của từng Hội nghị là: Hội nghị lần thứ nhất và thứ hai để bầu các cơ quan lãnh đạo; Hội nghị lần thứ ba thông qua Quy định hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, Quyết định ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và một số vấn đề cấp bách cần thông qua sớm; Hội nghị lần thứ tư ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường...; Hội nghị lần thứ năm ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, các công tác tư tưởng, kiểm tra, giám sát; Hội nghị lần thứ sáu ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác tổ chức; công tác cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Hội nghị lần thứ bảy ban hành nghị quyết chuyên đề bàn về công tác dân vận; công tác đối ngoại của Đảng; Hội nghị lần thứ tám ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Hội nghị lần thứ chín ban hành chuẩn bị xây dựng văn kiện nhiệm kỳ tới; Hội nghị lần thứ mười xem xét các văn kiện dự thảo và công tác nhân sự đại hội nhiệm kỳ mới; Hội nghị lần thứ mười một, mười hai bàn những vấn đề cụ thể chuẩn bị cho Đại hội.

Hai là, tổ chức tốt việc xây dựng dự thảo nghị quyết.

Trước khi ban hành nghị quyết, kết luận lãnh đạo, đặc biệt là Nghị quyết của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức một số nhóm chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn, các cơ quan nghiên cứu có uy tín giao thực hiện các đề án tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận những vấn đề liên quan đến nội dung nghị quyết sẽ ban hành. Căn cứ kết quả nghiên cứu của các nhóm thực hiện đề án, cơ quan lãnh đạo sẽ chọn lấy những kết quả nghiên cứu có căn cứ khoa học tốt nhất cho việc xây dựng nghị quyết. Giải pháp này tuy mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan lãnh đạo, nhưng là cần thiết và hoàn toàn có cơ sở để làm tốt. Bởi lẽ, sau mỗi Đại hội đại biểu toàn quốc, BCHTW các khóa đều phải xây dựng chương trình công tác toàn khóa, trong đó đã xác định rõ những vấn đề lớn cần tập trung lãnh đạo. Vì vậy, các cơ quan tham mưu, giúp việc BCHTW hoàn toàn chủ động về thời gian cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phục vụ lãnh đạo. Việc làm này không mới, trong những năm vừa qua, khi xây dựng một số nghị quyết của BCHTW, Đảng ta đã thực hiện biện pháp này, vấn đề chỉ là quy định thành chế độ công tác chính thức. 

Ba là, khi có bản dự thảo Nghị quyết của BCHTW, Ban Bí thư tổ chức xin ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan, đặc biệt là ý kiến của các lực lượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết. 

Trên cơ sở những góp ý, phản biện của các cơ quan, tổ chức, các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo đưa ra Hội nghị BCHTW xem xét quyết định. Đảng ta đã có quy định về việc các tầng lớp nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp ý xây dựng, phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết của Đảng ở các cấp. Vấn đề chỉ là chú trọng xin ý kiến đóng góp các đối tượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết, những đối tượng mà Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thể hiểu hết họ. Nghị quyết của BCHTW là những quyết sách lãnh đạo của Đảng vì lợi ích của nhân dân, của đất nước và dân tộc. Hơn ai hết, quần chúng nhân dân là người chịu tác động, cảm nhận rõ nhất tính đúng đắn, khả thi của nghị quyết. Đảng xin ý kiến của nhân dân là để học nhân dân. Về mối quan hệ giữa người lãnh đạo và quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “nếu cứ theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta”(1), từ đó cách lãnh đạo mà người yêu cầu là: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(2), nói cách khác trong mọi công việc cách mạng, người lãnh đạo đều phải “thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng”(3)

Bốn là, phát huy quyền dân chủ và trách nhiệm của cấp ủy viên trong xây dựng nghị quyết lãnh đạo. 

Phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của cấp ủy viên trong hội nghị xây dựng nghị quyết lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng nói chung, của BCHTW nói riêng, là cách thực hiện đúng tính tập thể của quyết định lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã có chủ trương thực hiện chất vấn trong các hội nghị lãnh đạo của Đảng, nhưng trong thực tế chưa thực hiện tốt chủ trương quan trọng này. Để góp phần tiếp tục thực hiện chủ trương lớn này, cần thực hiện một số biện pháp sau: BCHTW ban hành Quy chế chất vấn trong các hội nghị cấp ủy đảng. Nội dung quy chế cần quy định rõ: BCHTW thực hiện làm mẫu quy trình, cách thức chất vấn, trả lời chất vấn... để các cấp ủy đảng vận dụng; BCHTW giao Thường trực, Ban Bí thư, một số Ủy viên BCHTW và ban đảng Trung ương theo dõi việc thực hiện. Người được chất vấn, kiến nghị phải có trách nhiệm giải trình, trả lời, hoặc xin được nghiên cứu câu hỏi và trả lời sau. Khi việc chất vấn ở BCHTW đi vào nền nếp, có hiệu quả tốt sẽ mở rộng thực hiện trong toàn Đảng.

2. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức thực hiện nghị quyết

Một là, đổi mới khâu tổ chức phổ biến, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết. 

Các Ủy viên BCHTW, các cán bộ lãnh đạo tham gia xây dựng Nghị quyết của BCHTW là người trực tiếp phổ biến, quán triệt nghị quyết đến toàn Đảng, trong đó tập trung làm rõ những điểm trọng tâm, những phát triển mới so với các nghị quyết có cùng nội dung và đối tượng lãnh đạo trước đó. 

Sau khi phổ biến, quán triệt nghị quyết, các cơ quan, tổ chức - căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao - xây dựng đề án, chương trình hành động, kế hoạch công tác thực hiện nghị quyết; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết; quy định cả nội dung, thời gian hoàn thành, lộ trình thực hiện. Về tổ chức thực hiện nghị quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành. Mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến dân chúng”(4). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết”(5).

Hai là, chú trọng thực hiện thí điểm thực hiện những nghị quyết, chủ trương mới trước khi triển khai trên phạm vi cả nước. 

Sau khi nghị quyết được ban hành, cần thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, từ đó triển khai trên phạm vi toàn quốc là một trong những phương thức lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng: “Bất kỳ việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”(6). Liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng là phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điểm thực hiện một nghị quyết lãnh đạo nào đó ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể, làm căn cứ rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng nghị quyết đó trên phạm vi toàn quốc, Người giải thích: “Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng? 

Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.

Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực”(7)

Trong thực hiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điểm, việc lựa chọn cơ quan, đơn vị, địa phương làm điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nơi được chọn làm điểm phải có ý nghĩa đại diện cho cái chung, không quá đặc thù, không được tạo ra những lợi thế đặc biệt cho đơn vị làm điểm, có như thế, những kinh nghiệm mới thu nhận được từ nơi làm điểm có ý nghĩa phổ biến. 

3. Chú trọng thể chế hóa và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thể chế hóa nghị quyết, quyết định lãnh đạo của Đảng thành luật pháp, chính sách, thực hiện cầm quyền bằng pháp luật

Là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước là nội dung lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng. Việc ban hành Cương lĩnh, đường lối, chính sách và lãnh đạo thể chế hóa các nghị quyết của Đảng thành luật pháp, chính sách là phương thức lãnh đạo, cầm quyền cơ bản nhất của Đảng nhằm đưa đường lối, chính sách vào thực tiễn. Nếu như lãnh đạo chính trị bằng đường lối, chủ trương, thì cầm quyền phải bằng chính sách, pháp luật buộc tất cả các lực lượng xã hội phải tuân theo, các tổ chức đảng và đảng viên càng phải gương mẫu thực hiện. Thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thành luật pháp, chính sách là phương thức cầm quyền thực hiện kết nối giữa Đảng lãnh đạo chính trị với Đảng cầm quyền bằng pháp luật.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, của BCHTW là trí tuệ và ý chí chính trị của toàn Đảng, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và toàn dân tộc, do đó nó phải được thể chế hóa thành pháp luật để tổ chức cho toàn dân thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Song, từ văn bản nghị quyết đến ban hành thành văn bản pháp luật là hai quá trình khác nhau về không gian, thời gian, quy trình, do đó rất dễ có sự không tương thích và sai lạc về bản chất giữa nội dung nghị quyết và các quy định pháp luật. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế thị trường, khó tránh khỏi sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, biểu hiện “tham nhũng chính sách” gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước và nhân dân; do đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng pháp luật, chính sách là trực tiếp góp phần giữ vững sự cầm quyền của Đảng, chống tiêu cực từ sớm, từ xa. 

Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật kịp thời, đúng với nội dung nghị quyết; không để các “nhóm lợi ích” tác động vào quá trình thể chế hóa nghị quyết của Đảng hòng trục lợi, làm chệch hướng quan điểm, chủ trương của Đảng, cần thực hiện một số biện pháp: 

Căn cứ chương trình làm việc toàn khóa của BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ và các bộ phối hợp xây dựng chương trình ban hành pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Theo đó, các nghị quyết của BCHTW dự kiến sẽ ban hành trong nhiệm kỳ có những quan điểm, chủ trương mới cần thể chế thành các luật mới, hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện có cho phù hợp giữa nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thì các tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước nói trên chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. 

Đối với những nội dung nghị quyết liên quan đến các mặt đời sống xã hội, đến Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội, đến các tầng lớp nhân dân, thì ngay từ khi dự thảo nghị quyết cần chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị những dự thảo văn bản pháp luật cần ban hành mới, hoặc cần sửa đổi để sớm thể chế hóa. 

Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, các cơ quan tham gia soạn thảo nghị quyết cần chỉ rõ những quy định pháp luật nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để các cơ quan nhà nước có liên quan chủ động nghiên cứu thực hiện. 

Nên có quy định cho phép Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử các nhóm công tác giám sát chặt chẽ Đảng đoàn Quốc hội, các ban cán sự đảng và đảng viên hoạt động trong cơ quan nhà nước thực hiện việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự án luật. Nếu việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành pháp luật chưa đúng, chưa sát hoặc để kéo dài thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền kiến nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân. 

4. Quản lý chặt chẽ và phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước thực hiện kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước

Người đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước vừa đại diện cho Đảng, vừa đại diện cho cơ quan nhà nước trong quan hệ với các lực lượng xã hội, do đó đảng viên là công chức nhà nước phải đề cao tính đảng và tính thượng tôn pháp luật. Để Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng nhất quán với luật pháp, chính sách cả trong văn bản và trong hành động thực tiễn, hơn ai hết, đảng viên phải tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật nhà nước, chấp hành kỷ luật đảng trên cương vị công tác được giao. Tăng cường công tác quản lý đảng viên, củng cố các chế độ công tác đảng, chế độ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tình trạng quản lý đảng viên trong bộ máy nhà nước chưa nghiêm là nguyên nhân làm cho một bộ phận đảng viên, nhất là những đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước, xa rời Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng, sa vào lối sống thực dụng, “lợi ích nhóm”. Tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến tha hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyền hóa” của những đảng viên đồng thời là cán bộ, công chức này.

Đảng viên là cán bộ, công chức hoạt động trong bộ máy nhà nước là những người được giao nắm quyền thực thi luật pháp, chính sách; nắm quyền phân bổ nguồn lực công, quyền điều tra, truy tố, xét xử... Họ được nhân danh và đại diện cho cơ quan nhà nước trong quan hệ với công dân, nên có sức mạnh của quyền lực nhà nước. Vì vậy, việc quản lý những đảng viên này phải chặt chẽ, cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được giao. Cần xây dựng chế độ kỷ luật đảng nghiêm minh cho từng đối tượng đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước.

__________________

(1), (2), (3), (4), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.288, 330, 331, 299-300, 328, 328.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.199.

PGS, TS NGÔ HUY TIẾP

ThS NGUYỄN VĂN HÙNG

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền