Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng và sự vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
Thứ năm, 28 Tháng 7 2022 10:25
3924 Lượt xem

Quan điểm của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng và sự vận dụng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

(LLCT) - Khẳng định tính khoa học, cách mạng trong cách tiếp cận của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng, bài viết đề xuất một số nội dung cơ bản, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” - Ảnh minh họa: internet

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1)

Tuy nhiên, các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Chúng lợi dụng “một bộ phận cán bộ, đảng viên... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật...”(2); đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, phá hoại. 

Như một yêu cầu khách quan của mọi cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng...”(3).

1. Quan điểm của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng

Kể từ lúc ra đời cho đến nay, học thuyết Mác - Lênin luôn vấp phải sự “ghen ghét, đố kỵ” của các thế lực thù địch và những kẻ chủ nghĩa cơ hội.  Chúng điên cuồng phá hoại chủ nghĩa Mác - Lênin; ra sức tác động, làm suy yếu của tổ chức đảng cộng sản từ bên trong. Vì thế, Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “chủ nghĩa cơ hội biến chủ nghĩa Mác thành một thứ “chủ nghĩa Mác” bị xuyên tạc méo mó”(4). Thực chất của các luận điệu này là thù địch của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng sẵn sàng hy sinh lợi ích cơ bản, để đạt lợi ích trước mắt; chủ trương hành động vô nguyên tắc: phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.

Vào đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, trên báo Người vô sản, số 10, ngày 6 tháng 9 năm 1917, V.I.Lênin đã viết bài “Một vụ săng-ta chính trị” nhằm đấu tranh chống lại bọn săng-ta chính trị, mục đích của bọn phản động này là: bịa đặt, dọa dẫm, vu khống Đảng và các lãnh tụ của Đảng, đặc biệt là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, bảo vệ Đảng trong những thời khắc vô cùng khó khăn khi mà các lực lượng đối lập, thù địch bôi nhọ Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng nhân dân, giai cấp công nhân với nông dân và trí thức, V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”(5)

Trước “phút giao thừa” của cuộc cách mạng, quyết tâm “bảo vệ năng lực công tác của đảng ta, bảo vệ các lãnh tụ của đảng”(6). V.I.Lênin đã kêu gọi toàn thể đảng viên nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các âm mưu chia rẽ nội bộ và hãy đoàn kết, siết chặt đội ngũ, tin tưởng vào tư cách của một đảng chân chính cách mạng và bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng(7).

Theo V.I.Lênin, Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. V.I.Lênin đặc biệt quan tâm tới sự đoàn kết, thống nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền, cho rằng bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị. Đây là nguồn gốc của sự chia rẽ trong nội bộ, tự nó phá hoại sức mạnh của Đảng. 

Người xác định, muốn bảo vệ Đảng, trước hết phải đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức trong Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất ở đây không phải là xuôi chiều, cả nể mà phải trên cơ sở thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình để khắc phục sai lầm và khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Người cho rằng, chuyên chính vô sản không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết nhất trí của những người lao động và “công khai thừa nhận sai lầm” của một đảng là tiêu chí quan trọng để đánh giá xem đảng đó có thật sự là đảng mácxít hay không hoặc “cần phải để cho tất cả các đảng viên được hết sức tự do phê bình các cơ quan trung ương và công kích các cơ quan trung ương”(8).

Sự đoàn kết, thống nhất trong đảng phải dựa trên cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng, là sự đoàn kết có nguyên tắc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, dân tộc và giai cấp.

V.I.Lênin cho rằng, muốn tự bảo vệ mình, Đảng phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng; phải được sự ủng hộ của chính giai cấp. Đây là vấn đề luôn được V.I.Lênin lưu ý đối với chính đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền, muốn trở thành một đảng dân chủ - xã hội.

Bởi vì, đảng không thể lãnh đạo được giai cấp, nếu không có mối liên hệ chặt chẽ với giai cấp công nhân ngoài đảng và các tầng lớp lao động khác. Người lưu ý rằng, một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự cắt đứt liên hệ với quần chúng. V.I.Lênin tiếp tục nhấn mạnh, đó “là nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất” để thấy tầm quan trọng của vấn đề. Đồng thời, khi trở thành đảng cầm quyền, đảng cách mạng cần chú ý một nguy cơ dễ xuất hiện đó là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, những thói hư, tật xấu, như theo đuôi quần chúng hoặc xa rời quần chúng...

V.I.Lênin khẳng định, một trong những “kẻ thù phá hoại đảng” là chủ nghĩa cơ hội. Thứ chủ nghĩa mà Người vạch rõ bộ mặt thật là “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”(9)

Nguy hại của chủ nghĩa cơ hội khi xuất hiện trong đảng là họ sẵn sàng thỏa hiệp chính trị. Ngoài ra, V.I.Lênin phê phán bọn chủ nghĩa cơ hội hiểu chủ nghĩa Mác một cách phiến diện, siêu hình, không có hệ thống. Và do vậy, họ luôn “nhảy từ một cực đoan bất lực này sang một cực đoan bất lực khác”, rất nguy hại cho đảng. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa rất tinh vi và xảo quyệt, song bằng trí tuệ uyên bác, tư duy khoa học, V.I.Lênin đã nhắc nhở một cách nghiêm túc: “bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự: đấy là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu tranh đó”(10)

V.I.Lênin ý thức rất cao về sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội trong đảng, đây là bộ phận thoái hóa, biến chất làm cho đảng cách mạng suy yếu, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Vì vậy, thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong đảng sẽ làm cho đảng mạnh lên. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong nội bộ, sẽ có tác dụng tích cực, vừa bảo vệ đảng, vừa làm cho đảng mạnh hơn.

Với thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống mọi kẻ thù lớn nhỏ của chủ nghĩa Mác: “Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”(11) và dù cho bản thân đảng có “phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”(12)

Sự say mê lao động khoa học, tìm tòi nghiên cứu, V.I.Lênin đã nâng tầm cao uy tín, vị thế, giá trị và ý nghĩa lý luận - thực tiễn của chủ nghĩa Mác. Người đã nêu tấm gương mẫu mực về sự trung thành, đổi mới sáng tạo trong kế thừa, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - hệ tư tưởng của đảng vô sản trong điều kiện mới với tầm nhìn mới. 

Bằng tư duy khoa học, sắc bén, V.I.Lênin không hề coi lý luận của C.Mác như một cái gì đó đã xong xuôi và bất khả xâm phạm, mà trái lại, ông cho rằng, lý luận của C.Mác mới chỉ đặt nền móng cho một môn khoa học mà những người cộng sản cần phải phát triển hơn nữa, nếu không muốn trở thành lạc hậu và bị cuộc sống đào thải. 

Cách tiếp cận khoa học và cách mạng của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng phù hợp với sự vận động, biến đổi của thực tiễn lịch sử. Cách tiếp cận và tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là một đóng góp to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn quan trọng cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

2. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Kiên định và khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. 

Từ nghiên cứu lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(13)

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Người, từ Đại hội VII của Đảng (1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn nhất quán kiên định và khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh giành chính quyền, đập tan xiềng xích đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tiếp đến là chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đánh thắng hai đế quốc có tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, vững bước đưa đất nước đi lên xây dựng CNXH. Trong hơn 35 năm đổi mới, nước ta luôn giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đạt thành tựu to lớn trên mọi mặt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay... 

Từ điều kiện thực tiễn của cách mạng, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là minh chứng sống động và thuyết phục, khẳng định tính đúng đắn, khoa học của đường lối cách mạng Việt Nam, đúng đắn trong việc lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều khẳng định và kiên định chân lý đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”(14).

Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực tiễn luôn vận động, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần có những nội dung, phương thức phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vậy, ngoài các hình thức đấu tranh truyền thống, cần bổ sung những hình thức đấu tranh mới, như: đấu tranh trực tiếp, trực diện trên không gian mạng, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội; xây dựng đội ngũ thông tin viên rộng rãi, nhất là hội viên các đoàn thể nhân dân...

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Chính Ph.Ăngghen từng nói: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(15). Sau này, V.I.Lênin cũng khẳng định và nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(16)

Phương pháp tốt nhất để phát triển, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tiếp tục phát triển hệ thống các nguyên lý, lý luận khoa học trên cơ sở thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, giải quyết thành công những nhiệm vụ mới và trả lời được những vấn đề do cuộc sống đặt ra, nhất là trong hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(17).

Theo đó, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề căn bản nhất trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, như: Kinh tế thị trường định hướng XHCN; con đường CNH, HĐH theo định hướng XHCN ở nước ta; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; phát huy dân chủ; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới; phát triển văn hóa, con người và nguồn lực con người; đặc điểm nội dung của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của kinh tế tri thức, phát triển bền vững...

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam, tập trung tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, “đồng thanh” phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thâm độc hơn, chúng đưa ra luận điệu đòi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin, nhằm phủ nhận nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh; thực chất là để phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin và cũng phủ định chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của V.I.Lênin về bảo vệ Đảng trong đấu tranh để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là chỉ dẫn để công tác này đạt kết quả trong điều kiện mới.

__________________

(1), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25-26, 40-41.

(2) ĐCSVN: Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Hà Nội, ngày 25-10-2021, tr.1-2.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.113.

(5), (6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.122, 123.

(7) Xem: Lê Trọng Hanh, Nguyễn Thị Lam: Vận dụng quan điểm của Lênin đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo, số 1/2019, tr.21.

(8) Phạm Văn Linh: Tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới và sự vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, Trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 15-4-2020.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.239.

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Sđd, tr.229.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Sđd, tr.327.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.27, Sđd, tr.154.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.

(14), (17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn để lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, ngày 17-5-2021.

(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.796.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.232.

TS ĐỖ NGỌC HANH

Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền