Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Khát vọng phát triển đất nước trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thứ tư, 31 Tháng 8 2022 13:45
2103 Lượt xem

Khát vọng phát triển đất nước trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(LLCT) - Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về đường lối đổi mới, về phát triển đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Thông qua cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước và các phương hướng, biện pháp để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Kiên quyết, kiên trì xây dựng thành công CNXH với những giá trị bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới - Ảnh: dangcongsan.vn

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” với 464 trang, tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cách diễn đạt dung dị, gần gũi, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp nhân dân, được chắt lọc từ đời sống thực tiễn sinh động của đất nước, cuốn sách đã thể hiện rõ và làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH và khát vọng phát triển đất nước trong thời đại mới - khát vọng một Việt Nam phát triển “phồn vinh và hạnh phúc”.

1. Khát vọng phát triển đất nước

Trong chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước cho đến nay, khát vọng xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước luôn là nguồn lực nội sinh lớn mạnh làm nên nhiều chiến công hiển hách. Việt Nam đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà trước hết và chủ yếu là bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Những chiến công oanh liệt đó được tạo nên bằng sức mạnh vô địch của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng...

Tiếp nối khát vọng của dân tộc, giá trị cốt lõi, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định đó là: kiên quyết, kiên trì xây dựng thành công CNXH với những giá trị bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới: “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người...; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(1). Khát vọng xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(2). Khát vọng phát triển đó được Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định bằng mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(3); “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(4)

Đây không phải là khát vọng giản đơn, chủ quan, mà được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức, trở ngại cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua. Đây là khát vọng mang sức sống hiện thực được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích, bước đi được dự liệu rõ ràng và là sự kế thừa, hoàn thiện những khát vọng đã được xác định từ những giai đoạn trước.   

Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng... 

Đây là khát vọng hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân - xây dựng đất nước theo con đường XHCN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu thực hiện.

2. Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhất trong cuốn sách là làm sao và bằng cách nào để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Ðây là chủ đề xuyên suốt được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra qua các Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Diễn văn bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam và các bài phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị về đối ngoại toàn quốc, Hội nghị tổng kết của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ðại hội Công đoàn Việt Nam, Ðại hội Hội Nông dân, Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc... và diễn văn tại các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước. Thông qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các tổ chức, các cấp, các ngành, các lực lượng... đối với việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Thứ nhất, phải kiên định con đường Đảng, nhân dân ta đã chọn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(5).

Thứ hai, phải không ngừng xây dựng, đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, cần một phương thức, cách làm mới, bài bản, khoa học, với tinh thần như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng, Nhất hô bá ứng, Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt”.

Đối với Đảng, để đảm đương vai trò lãnh đạo, thì “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức, là văn minh”;  chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”(6). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với cán bộ “dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng”(7). Cùng với đó, để giữ vững, làm trong sạch tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ đảng viên cần xem công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị.

Đối với Quốc hội, “cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát..., hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi...; Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn...; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế”(8).

Đối với Chính phủ, cần “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp...; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi”(9).

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cần “năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”(10).

Thứ ba, phải xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” do vậy, “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự “là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển con người “xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với việc giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”(11).

Thứ tư, cần quan tâm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: cần xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc, cụ thể: “chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, (“thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!”(12).

Thứ năm, để tạo động lực thúc đẩy quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thì cần đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần phải hướng tới việc cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu... để đưa đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển”(13). Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích... Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân”(14).

Thứ sáu, cần quan tâm đến phát huy sức mạnh của các chủ thể, lực lượng trong xã hội. Đây là yếu tố quyết định trực tiếp của việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Đối với giai cấp công nhân, Tổng Bí thư yêu cầu phải xây dựng giai cấp công nhân cùng tổ chức công đoàn lớn mạnh, cụ thể: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân...; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Nhà nước quan tâm sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống của công nhân, người lao động. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai cấp công nhân vững mạnh”(15).

Đối với giai cấp nông dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới: “phong trào nông dân và tổ chức Hội phải không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới”(16).

Đối với Thanh niên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng. Điều đó đòi hỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên”(17); “Hãy luôn xung kích tiến lên trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(18).

Đối với lực lượng quân đội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, “đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta”(19).

Đối với lực lượng công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xây dựng lực lượng công an thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân: “Mỗi cán bộ, chiến sỹ công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo các yêu cầu về tư cách, phẩm chất... Phải coi đây là việc làm thường xuyên, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình”(20).

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đặc biệt, trong đó thể hiện những nội dung, quan điểm cụ thể, quan trọng về khát vọng phát triển đất nước “phồn vinh và hạnh phúc”. Cuốn sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là tổng kết lý luận về đường lối đổi mới, những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đồng thời là cơ sở giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước “phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

_________________

Ngày nhận bài: 3-4-2022; Ngày bình duyệt: 6-4-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.9, 24, 53, 53, 51, 375, 379, 80, 98, 118, 170, 184, 420-421, 421-422, 293-294, 300, 311, 314,  449, 460.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Minh Khương: Việt Nam 2045: tầm nhìn, khát vọng và sứ mệnh lịch sử, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam điện tử, https://vjol.info.vn/index.php/khcn/article/view/47943, truy cập 17-01-2020.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

TS LÊ VĂN PHỤC

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền