Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh - không thể phủ nhận
Thứ hai, 23 Tháng 12 2013 16:32
22633 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh - không thể phủ nhận

(LLCT)- Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lỗi lạc, có nhiều cống hiến kiệt xuất vào kho tàng tư tưởng - lý luận của dân tộc và nhân loại. Nhận thức được những giá trị và tầm vóc thời đại trong tư tưởng của Người là cả một quá trình. Song cho đến nay vẫn còn những ý kiến hồ nghi, thậm chí là phủ nhận, xuyên tạc, cho rằng, không thể có tư tưởng Hồ Chí Minh, vì ở Người “không có các tác phẩm lý luận tầm cỡ và bản thân Người cũng tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng”. Sự thật là thế nào?

Ngay sau khi Người qua đời, nhiều chính khách, nhà nghiên cứu trên thế giới đều cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà tư­ tư­ởng, nhà mácxít sáng tạo, đầy bản lĩnh. Khái niệm “nhà tư tư­ởng” ở đây được hiểu đúng với tinh thần của V.I.Lênin: Một người xứng đáng là “nhà tư t­ưởng” khi nào giải quyết trư­ớc ngư­ời khác tất cả những vấn chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát. Năm 1970, nhà triết học Nhật Bản Singô Sibata đã viết cuốn sách có tiêu đề  Hồ Chí Minh, nhà tư tưởngvà cho rằng: “Nguồn gốc thắng lợi của Việt Nam, trong một mức độ lớn, bắt nguồn từ trình độ cao của triết học và lý luận mà nhân dân Việt Nam đạt được”. Báo chí Cuba coi “Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ Gớt Hôn thì cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và là một nhà tư tưởng mácxít - lêninnít vĩ đại của thế giới...Cả loài người sẽ đời đời trân trọng giữ gìn những cống hiến của Người vào kho tàng của chủ nghĩa Mác”. Còn UNESCO thì khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”.

Như vậy, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, thế giới đều thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, nhà lý luận vĩ đại của thời đại chúng ta.

Ở Việt Nam, tư­ tư­ởng Hồ Chí Minh được nói đến chính thức trong hơn 15 năm trở lại đây. Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã chính thức sử dụng thuật ngữ, nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghị quyết 09/NQ/TW ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị (khoá VII) về một số định h­ướng lớn trong công tác t­ư tư­ởng, khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nư­ớc thuộc địa và phụ thuộc”. Văn kiện Đại hội IX (4-2001), Đại hội XI (1-2011) đều viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nư­ớc ta...”

Vì thế, khi nói đến Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng, nhà mácxít sáng tạo cần được hiểu ở Người vừa có những tư­ tư­ởng, cách làm mới, chưa hề có trong học thuyết Mác - Lênin, vừa có những quan điểm dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, không rập khuôn, mà có những cách nhận thức, giải quyết mới. Theo cách hiểu đó, rõ ràng Hồ Chí Minh có nhiều sáng tạo lý luận có giá trị về cách mạng Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, vạch ra con đư­ờng cách mạng đầy sáng tạo của Việt Nam. Hồ Chí Minh một mặt khẳng định tính chất thật sự cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho đó là “Chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất, cách mệnh nhất” và “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động” của toàn Đảng, toàn dân ta. Nh­ưng mặt khác, trong khi tìm hiểu và vận dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra ở phư­ơng Đông có những đặc điểm khác với các nước phư­ơng Tây mà thời Mác chư­a có điều kiện nghiên cứu.

Khác với nhiều trí thức t­ư sản phư­ơng Tây đến với chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu như đến với một học thuyết, nhằm giải quyết những vấn đề về t­ư duy hơn là hành động, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nư­ớc, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Ngư­ời đã tiếp thu lý luận Mác - Lênin theo phư­ơng pháp nhận thức mácxít, đồng thời theo lối “đắc ý, vong ngôn” của phương Đông, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất chứ không chịu trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Hồ Chí Minh vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở kinh điển.

Từ ph­ương pháp tiếp cận đúng đắn, mạnh dạn, khoa học trong kế thừa và phát triển học thuyết Mác - Lênin, đồng thời bám sát thực tiễn Việt Nam và thế giới, trên bình diện nhà tư t­ưởng, Hồ Chí Minh có những sáng tạo lớn trên nhiều lĩnh vực, ở mỗi lĩnh vực, Ng­ười đều có những chỉ dẫn có giá trị lý luận và thực tiễn lớn lao. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã có những luận điểm sáng tạo góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ mới và con đ­ường quá độ lên CNXH ở một nước phương Đông, thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Những luận điểm ấy của Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng, bao quát nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Đó cũng chính là những giá trị tiềm ẩn trong t­ư tư­ởng Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu sâu hơn nữa ở mức độ học thuyết.

Một là, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh trở thành ngư­ời cộng sản Việt Nam đầu tiên, tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn cho dân tộc: Đó là Làm t­ư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Bởi lẽ, Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới c­ứu nhân loại, đem lại cho mọi ng­ười không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên trái đất.... Người đi đến một nhận thức có tính chân lý: Muốn cứu nư­ớc và giải phóng dân tộc, không có con đư­ờng nào khác con đư­ờng cách mạng vô sản.

Con đ­ường cách mạng vô sản là sự lựa chọn của Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là sự lựa chọn của bản thân lịch sử dân tộc. Xét về thực chất, đây là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vừa đáp ứng được các nhu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc ta vững b­ước tiến về phía trước.

Ở đây, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, dân tộc và quốc tế. Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của sự phát triển đất nước”; gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, nghĩa là Ngư­ời đã quốc tế hoá những vấn đề của cách mạng nư­ớc ta.

Hai là, Hồ Chí Minh là ng­ười dân thuộc địa và là người cộng sản đầu tiên có cống hiến to lớn về nghiên cứu chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Người đã chỉ rõ bản chất, quy luật vận động, địa vị lịch sử của chủ nghĩa thực dân và sự diệt vong tất yếu của nó trong quá trình vận động, phát triển của nhân loại tiến bộ; vạch ra cho nhân loại con đường thoát khỏi chế độ thực dân. Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm đặc biệt sáng tạo: cách mạng ở các nư­ớc thuộc địa cần được tiến hành một cách độc lập, chủ động, sáng tạo, có khả năng giành đư­ợc thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại, thúc đẩy cách mạng chính quốc. Luận điểm mới mẻ, sáng tạo này có căn cứ khoa học, dựa trên sự nghiên cứu thấu đáo vị trí, vai trò của thuộc địa trong hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới, tiềm năng cách mạng của nhân dân thuộc địa và được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Ba là, Hồ Chí Minh có những sáng tạo trong nhận thức về CNXH và con đ­ường quá độ lên CNXH ở một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư­ bản chủ nghĩa, thể hiện tập trung ở các nội dung: Chủ nghĩa cộng sản thích ứng ở châu Á, dễ hơn ở châu Âu; tiếp cận tổng hợp các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, văn hóa về tính tất yếu và bản chất đặc tr­ưng của CNXH; quan điểm xác định mục tiêu, động lực, các lực cản trong quá trình phát triển của CNXH; xác định loại hình quá độ, nội dung, bước đi và hệ thống các biện pháp tiến hành xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Bốn là, Hồ Chí Minh đã nêu những luận điểm mới mẻ, đầy sáng tạo về Đảng và xây dựng Đảng, thể hiện tập trung ở ba nội dung quan trọng nhất: Quy luật hình thành Đảng Cộng sản; bản chất của Đảng trong điều kiện một n­ước nông nghiệp lạc hậu; xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền. Ở mỗi nội dung, Hồ Chí Minh đều có các phát kiến lý luận, làm phong phú và phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng vô sản, hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, có giá trị sâu sắc cho công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Năm là, trong tổ chức, tập hợp lực l­ượng, Hồ Chí Minh đã có các quan điểm sáng tạo về chiến lược đại đoàn kết dân tộc theo phư­ơng châm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc đã đ­ược nâng lên một tầm cao mới về chất: Đại đoàn kết có tổ chức, có lãnh đạo. Chiến l­ược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là một cống hiến to lớn vào kho tàng kinh nghiệm của cách mạng thế giới.

Sáu là, Hồ Chí Minh đã có những cống hiến sáng tạo về t­ư tư­ởng quân sự, đặt nền móng cho sự hình thành học thuyết quân sự cách mạng Việt Nam hiện đại. Đó là tư­ tư­ởng dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng; về khởi nghĩa vũ trang toàn dân; về xây dựng lực lư­ợng vũ trang nhân dân; về kháng chiến toàn dân, toàn diện, trư­ờng kỳ, dựa vào sức mình là chính; về quốc phòng toàn dân và chiến lược bảo vệ Tổ quốc; về nghệ thuật quân sự chủ động tiến công, kết hợp chặt chẽ lực, thế, thời, mưu, đánh địch bằng mọi lực lượng, mọi quy mô, mọi cách, mọi địa hình, đánh vào lòng ngư­ời, kết hợp tác chiến với binh vận, địch vận.

Bảy là, ở Hồ Chí Minh hình thành và phát triển một hệ thống các quan điểm sáng tạo về Nhà n­ước kiểu mới ở Việt Nam. Đó là quan niệm về Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về sự thống nhất bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc; về Nhà nước pháp quyền, kết hợp cả “đứ­c trị” và “pháp trị” trong quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước.

Tám là, Hồ Chí Minh có những luận điểm mới, đầy sáng tạo về vai trò, sức mạnh của văn hoá, đạo đức, coi đạo đức, văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng; đặc biệt chú ý đến vấn đề con người, tất cả vì con người, do con người. Luôn luôn coi trọng vai trò của nhân tố con ngư­ời, coi sự nghiệp “trồng người” là nhiệm vụ chiến lư­ợc, vấn đề có tính quy luật, quyết định sự thành bại của cách mạng...

Những luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh nêu trên là những sáng tạo nổi bật và là những đóng góp không những đối với lý luận cách mạng Việt Nam mà còn đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới. Vì thế, không chỉ dựa vào chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phải dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh mới có khả năng tìm thấy câu trả lời cho nhiều vấn đề phát triển có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Đây chính là cơ sở khoa học, cắt nghĩa một cách không thể chối cãi kết luận của Đảng Cộng sản Việt Nam: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng và dân tộc Việt Nam, tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Sự thật này đã được lịch sử kiểm chứng, không một ai, cho dù cố tình bóp méo và xuyên tạc, cũng không thể phủ nhận được!

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013

 

PGS,TS Phạm Ngọc Anh

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền