Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Chống chủ nghĩa cá nhân trong phát triển con người Việt Nam
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:54
5440 Lượt xem

Chống chủ nghĩa cá nhân trong phát triển con người Việt Nam

(LLCT) - Chủ nghĩa cá nhân là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, sự tự do của cá nhân con người, hướng tới thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên, những mục đích vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, tính hiếu danh...  hạ thấp lợi ích tập thể, cộng đồng, xã hội. Những người cá nhân chủ nghĩa thậm chí sẵn sàng hy sinh lợi ích dân tộc, quê hương, đất nước, để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ.  Những người cá nhân chủ nghĩa thường vô cảm, hững hờ trước nỗi đau, mất mát, khó khăn của đồng loại.

Chủ nghĩa cá nhân có nhiều biểu hiện khác nhau từ việc chỉ biết mình, lợi ích của mình mà không quan tâm lợi ích của người; ngại làm việc khó, ngại va chạm; đến kéo bè kéo cánh, cục bộ, lợi ích nhóm; vì lợi ích của bản thân cá nhân mình mà quên lợi ích của tập thể, cộng đồng, xã hội...

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân vô cùng lớn, sinh ra trăm thứ bệnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”(1).

Nhưng tác hại lớn nhất của chủ nghĩa cá nhân khi nó thịnh hành trong xã hội là sẽ hình thành lớp người có lối sống ích kỷ, chỉ biết lo vun vén cho bản thân mình, không quan tâm đến người khác, đến tập thể, cộng đồng, xã hội.

Chống chủ nghĩa cá nhân trong phát triển con người có hiệu quả cần thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tác hại của chủ nghĩa cá nhân, lối sống cá nhân chủ nghĩa.

Trong xã hội và trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa thấy hết được tác hại của chủ nghĩa cá nhân, lối sống cá nhân chủ nghĩa. Một số người cho cho rằng lo vun vén lợi ích cho cá nhân mình là lẽ đương nhiên. Chủ nghĩa cá nhân còn được củng cố bằng những tư tưởng sai lầm như “một người làm quan cả họ được nhờ”; tư tưởng cục bộ được che đậy bằng tình “đồng hương”,v.v.. Do vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người biết phân biệt việc bảo vệ lợi ích cá nhân chân chính với chủ nghĩa cá nhân là hai nội dung khác nhau về bản chất. Bảo vệ lợi ích cá nhân chân chính là bảo vệ những lợi ích được pháp luật thừa nhận, bảo vệ; những lợi ích này không mâu thuẫn với lợi ích của người khác, của tập thể, cộng đồng, xã hội và cao hơn là lợi ích của Tổ quốc, dân tộc.

Phải chú trọng giáo dục, tuyên truyền cho mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, để từ ấu thơ đã không ích kỷ, chỉ nghĩ đến cá nhân mình, mà phải biết chia sẻ với những người khác. Việc tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, chống chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, có sự phối hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cần tuyên dương những tấm gương người tốt việc tốt và nhân rộng những điển hình tốt, hình thành trong xã hội và trong mỗi người niềm tin về chân - thiện - mỹ. Trong tuyên truyền, giáo dục cần khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp như tinh thần tương thân tương ái, sự chia sẻ, nhường cơm, sẻ áo cho nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn,v.v.. 

Thứ hai, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Sự thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật là một trong những nguyên nhân chủ nghĩa cá nhân tồn tại. Bởi lẽ, sự không đồng bộ của pháp luật đã làm cho việc quản lý xã hội còn những kẽ hở; mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, cộng đồng, xã hội không được phân định một cách rạch ròi. 

Hơn nữa, pháp luật không đồng bộ đã gây trở ngại cho việc xét xử những những trường hợp tham ô, lãng phí, tham nhũng của công, bảo vệ “lợi ích nhóm” bằng cách hy sinh lợi ích xã hội - những hình thái biến tướng của chủ nghĩa cá nhân thời nay.

Điều quan trọng là pháp luật phải thể hiện được không chỉ tính giáo dục mà còn phải răn đe, ngăn ngừa, trừng trị thích đáng. Sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ của pháp luật còn làm cho việc xét xử những tội danh tham ô, lãng phí không nghiêm. Vô hình trung dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.

Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trực tiếp ngăn ngừa, chống chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng và nhân dân nói chung.

Thứ ba, toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng con người mới có nhân cách trong sáng.

Cùng với các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế, chống chủ nghĩa cá nhân, phải chăm lo xây dựng con người mới có lối sống trong sáng. Trước hết, phải thực hiện tốt chủ trương “Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”(2). Những phẩm chất tốt đẹp của con người mới trở thành giá trị xã hội phổ biến thì chủ nghĩa cá nhân không có cơ sở tồn tại và bị đẩy lùi một cách căn bản.

Trong khi xây dựng con người mới, không nên tuyên truyền cho chủ nghĩa tập thể một cách máy móc, một chiều như trước đây. Cần phải nhận thức rõ, chủ nghĩa tập thể chân chính đã bao hàm sự quan tâm tới từng cá nhân. Con người có nhân cách trong sáng là vừa biết quan tâm đến bản thân mình, vừa biết quan tâm đến mọi người. Trong một môi trường mà mỗi người đều xử lý hài hòa giữa cá nhân và tập thể, vừa quan tâm mình và người khác thì tập thể đó sẽ luôn quan tâm đến từng người. Đúng như C.Mác đã từng viết: “Bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì cũng sản xuất ra xã hội như thế”(3). Do vậy, chủ nghĩa tập thể chân chính không loại trừ lợi ích cá nhân, ngược lại lợi ích cá nhân chân chính không đối lập với lợi ích tập thể.

Thứ tư, tạo lập môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội lành mạnh cho việc xây dựng con người mới sống có văn hóa, nghĩa tình, trách nhiệm.

Xét đến cùng, con người luôn là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể. Tạo lập môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh là từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, khai thác được tối đa mặt tích cực của kinh tế thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực của nó. Cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ tạo ra môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh cho cá nhân con người phát triển trong mối quan hệ hài hòa với xã hội.

Tạo lập môi trường văn hóa tiến bộ làm chỗ dựa tinh thần cho việc xây dựng con người mới Việt Nam. Trên nền tảng đời sống văn hóa lành mạnh, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; hình thành thế hệ con người mới sống có nhân cách, hoài bão, ước mơ chính đáng.

Môi trường văn hóa tiến bộ, lành mạnh làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hàng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại.

Để chăm lo phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội, làm chỗ dựa tinh thần cho xây dựng con người mới Việt Nam cần củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng, trong đó cái chân - thiện - mỹ được cổ vũ, ca ngợi, ủng hộ, cái ác, cái xấu, cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ,... bị lên án. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng trong giáo dục nhân cách con người Việt Nam. Phát triển hệ thống thông tin đại chúng theo hướng nâng cao tính tư tưởng, tính giáo dục, tuyên truyền lối sống lành mạnh, trong sáng làm chỗ dựa cho việc giáo dục con người mới Việt Nam. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa để tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, bồi dưỡng, nâng cao sức đề kháng của công chúng đối với những hiện tượng phản văn hóa.

Thứ năm, đẩy mạnh tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và trong toàn xã hội.

Để rèn luyện đạo đức cách mạng, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài. “Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”(4).

Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, theo Hồ Chí Minh “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”(5). Rõ ràng, có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thì mới phát huy được vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Ở đâu có dân chủ rộng rãi, ở đó chủ nghĩa cá nhân không có điều kiện để tồn tại. Hơn nữa, thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn xã hội, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Cùng với thực hành dân chủ rộng rãi, Đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Người ta luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí”(6).

Tự phê bình, xem xét, đánh giá những ưu, khuyết điểm của một người, một tổ chức, một sự việc, về thực chất là cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên, nó đòi hỏi tính tự giác cao, bản lĩnh chính trị vững vàng của cán bộ, đảng viên. Người được phê bình hiểu được mặt mạnh, nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót để sửa chữa, phấn đấu rèn luyện tốt hơn.

Từ phê bình người khác mà người đảng viên có dịp nhìn nhận lại chính bản thân mình, để trên cơ sở đó sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở tình đồng chí, thương yêu giúp đỡ nhau chân tình, làm cho cái chân, cái thiện, cái mỹ sinh sôi nảy nở, đẩy lùi dần cái xấu, cái ác, sự vô cảm, sự ích kỷ.

Phải lôi cuốn, hoan nghênh, khuyến khích nhân dân tham gia phê bình cán bộ, đảng viên. Để chống được chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng thì phải lôi cuốn quần chúng phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Nhân dân quan tâm xây dựng Đảng, thật thà góp ý, phê bình tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên thì Đảng mới mau tiến bộ. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân, kịp thời khắc phục thiếu sót, sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cách mạng. Lắng nghe nhân dân, được dân tin, dân mến, chủ nghĩa cá nhân sẽ không có điều kiện để nảy sinh.

Trước mắt, thực hiện nghiêm túc “Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống”(7) và “Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”(8).

Thực hiện tốt những nội dung trên trước hết trong cán bộ, đảng viên, sẽ hạn chế, ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân trong phát triển con người Việt Nam

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

(1),(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.438-439, 497.

(2),(4),(7),(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76-77, 257-258, 258, 260.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr.169.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.209.

 

 

PGS, TS Trần Văn Phòng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Huỳnh Thị Thu Năm

Trường Chính trị tỉnh Long An

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền