Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số vấn đề đặt ra đối với giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 07 Tháng 5 2014 14:06
5404 Lượt xem

Một số vấn đề đặt ra đối với giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị (Khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế đã tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn. Song, hội nhập quốc tế cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của giai cấp nông dân hiện nay.

Hội nhập quốc tế là xu thế của thời đại, đang diễn ra nhanh chóng, quyết liệt trên nhiều cấp độ từ song phương, đa phương, tiểu vùng, khu vực, đến liên khu vực và toàn cầu. Mức độ hội nhập cũng ngày một sâu sắc, toàn diện. Hội nhập quốc tế đem lại nhiều thuận lợi và không ít thách thứccho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở mỗi nước. Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đạt được nhiều thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của trên trường quốc tế được nâng lên.

Nông dân nước tahiện chiếm gần 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội(1), đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc. Sản phẩm nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu tới trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh lương thực.

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tuy có bước cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2013 gần 7,8%), nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh thấp, giá nông sản không ổn định; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm. Nông dân khó tiếp cận các chính sách tín dụng của Nhà nước, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa phù hợp, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị còn lớn, đang có xu hướng nới dần khoảng cách. Trong tiến trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều yêu cầu mới cần tập trung giải quyết:

Một là, thực hiện vai trò, trách nhiệm chính trị của nông dân

Nông dân nước ta chưa ý thức rõ lợi ích và trách nhiệm chính trị của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tư tưởng thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước chậm được khắc phục. Cần nghiên cứu sự biến đổi, xu hướng phát triển và vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam, thực hiện xây dựng nông dân kiểu mẫu trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; giúp cho nông dân ý thức rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện trách nhiệm chính trị của mình, trở thành chủ thể xây dựng nông thôn mới, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy tính tích cực chính trị của nông dân. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp người dân ý thức được trách nhiệm của mình; tự giác, chủ động, sáng tạo tham gia các hoạt động của cộng đồng; tham gia vào quá trình chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh dân chủ hoá đời sống xã hội gắn với việc tôn trọng và thực thi pháp luật, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội và hội nhập quốc tế.

Hai là, đào tạo, nâng cao trình độ sản xuất cho  nông dân

Phát huy vai trò của Hội Nông dân, Hội Khuyến học các cấp, củng cố hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, thị trấn để thực sự trở thành trung tâm học tập của toàn dân. Tổ chức các lớp dạy nghề, ứng dụng khoa học công nghệ... tại các khu dân cư để đông đảo nông dân có điều kiện tiếp cận, tham gia học tập nâng cao kiến thức và trình độ sản xuất; tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến. Chú trọng ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và công tác khuyến nông, nghiên cứu và ứng dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ba là, tạo sự thích ứng trong hội nhập quốc tế

Nông dân nước ta hiện nay chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cho việc tham gia hội nhập quốc tế, chưa thích ứng trong hội nhập, thiếu hiểu biết về pháp luật, sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng nông sản chưa cao... Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, tham gia hội nhập quốc tế; sản xuất hàng hoá theo theo nhu cầu của thị trường, theo hợp đồng, sản xuất "nông nghiệp sạch" theo các tiêu chuẩn quốc tế... Đồng thời, tuyên truyền để nông dân nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm trong CNH, HĐH đất nước, tự giác, tích cực tham gia hội nhập để phát triển sản xuất, làm giàu cho bản thân và cho đất nước.

Bốn là, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp

Đây là một trong các điều kiện cốt lõi để tham gia thị trường quốc tế, cạnh tranh bình đẳng. Do đó, cần có sự đầu tư từ quy trình sản xuất sạch, bao bì, mẫu mã... đến xây dựng thương hiệu sản phẩm; từng bước hình thành mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cần cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, giá cả nông sản, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất để nông dân lựa chọn và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng nơi. Rà soát quy trình thực hiện liên kết 4 nhà, nhất là giữa doanh nghiệp và nhà nông; từng bước thay đổi phương thức can thiệp của Nhà nước vào thị trường sang hỗ trợ nông dân nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát huy hiệu quả các hợp tác xã, các hiệp hội. Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là từ các nước có thế mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Canada, Ixraen...

Năm là, đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn

Ngành nông nghiệp đang thực hiện các giải pháp tái cấu trúc ngành theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ đầu tư vào nông nghiệp. Do tác động của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông dân ngày càng giảm đi về số lượng. Theo dự báo, lao động nông nghiệp nước ta sẽ chiếm khoảng 40% lao động xã hội vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Hiện tượng thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hoặc dạy nghề không muốn trở về nông thôn mà tìm việc làm ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn; nông dân khi nông nhàn lên thành phố để tìm việc làm... đặt ra nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.

Trước yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận về nông dân và giai cấp nông dân. Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tính tích cực chính trị của nông dântrong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huytruyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

_________________

(1) Hội Nông dân Việt Nam, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VI, Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2013 - 2018

 

ThS Đào Huy Toàn

                                                          Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tiên Yên

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền