Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Năng lực lãnh đạo chiến lược - quan niệm, vấn đề và giải pháp
Thứ sáu, 09 Tháng 5 2014 15:22
5108 Lượt xem

Năng lực lãnh đạo chiến lược - quan niệm, vấn đề và giải pháp

(LLCT) - Năng lực lãnh đạo chiến lược, trước hết phải gắn liền với phẩm chất lãnh đạo, đồng thời là chính phẩm chất ấy. Phẩm chất đạo đức, nhân cách quy định năng lực và năng lực biểu hiện phẩm chất. Đây là sự thống nhất hữu cơ giữa đạo đức, chính trị với tiềm lực tư tưởng, thực lực trí tuệ, bản lĩnh của nhà lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược.

1. Lãnh đạo chiến lược

Cần tiếp cận về lãnh đạo chiến lược theo những hướng nào?

Thứ nhất, đó là một hoạt động đặc biệt và đặc thù. Đây là hoạt động ở tầm chiến lược, mang tính chiến lược, là hoạt động vạch ra đường lối, chủ trương, chiến lược, tác động tới đời sống xã hội, tới cộng đồng dân cư, có ảnh hưởng và sức chi phối lâu dài đến ổn định, phát triển đất nước.

Hơn bất cứ một lĩnh vực hoạt động nào diễn ra trong xã hội, hoạt động lãnh đạo luôn đứng trước yêu cầu đổi mới, cách tân và sáng tạo. Trong điều kiện hiện nay, khi xã hội dân chủ đang định hình và phát triển, khi nhà nước pháp quyền đang xây dựng và từng bước hoàn thiện, khi toàn cầu hóa và hội nhập đang là một xu hướng phổ biến, tác động tới mọi quốc gia dân tộc, muốn phát triển phải phá vỡ thế biệt lập, khép kín, ốc đảo trong mô hình đơn tuyến, đơn trị và tuyến tính để tìm kiếm phương thức phát triển mới - mở cửa và hội nhập, hợp tác và cạnh tranh, song phương và đa phương. Lãnh đạo tập trung trước hết ở lãnh đạo chính trị chiến lược. Điều này không chỉ thể hiện trong lĩnh vực chính trị mà còn phải thể hiện ở mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội, từ kinh tế đến xã hội và văn hóa. Trên thực tế, lãnh đạo bất cứ lĩnh vực nào cũng phải dựa trên những định hướng chính trị. Chính phương hướng chính trị sáng suốt, đúng đắn là đảm bảo thành công cho mọi hoạt động của lãnh đạo, quản lý.

Thứ hai, lãnh đạo là vấn đề năng lực và bản lĩnh của chủ thể, từ các chính trị gia, các chuyên gia quản lý và quản trị, các nhà hoạt động xã hội, sáng tạo khoa học và văn hóa đến các chủ doanh nghiệp, các doanh nhân.

Chủ thể năng lực và bản lĩnh lãnh đạo có thể là cá nhân mà cũng có thể là một tập hợp những cá nhân cùng cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm khi thực thi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền lãnh đạo. Chủ thể năng lực và bản lĩnh lãnh đạo có khi là một tổ chức (thiết chế và bộ máy) cũng phải đồng hành trong hoạt động, do đó, cũng tất yếu phải đồng thuận để thực hiện lý tưởng, mục tiêu phát triển đã định ra.

Năng lực lãnh đạo (và quản lý) là chỉ số tổng hợp nói lên tiềm lực tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, được biểu đạt bằng trình độ và phương pháp, kinh nghiệm và vốn sống được tích lũy, được trải nghiệm của chủ thể cùng với sự sáng suốt, mẫn cảm, nhạy bén của họ, khi đưa ra những dự báo hay phát hiện đúng và kịp thời những tình huống trong phát triển, đề xuất những cách thức và giải pháp xử lý, nhất là khả năng nhận biết những “phản phát triển”, những “phát triển xấu” khi nó còn đang là những mầm mống phôi thai để phòng tránh. Chính trị - nhìn từ phương diện năng lực và bản lĩnh là nghệ thuật vận dụng và xử lý các khả năng, cái có thể và cái không thể. Nhãn quan chính trị sáng suốt là cái không thể thiếu, không được yếu ở những nhà lãnh đạo các cấp, các ngành, các lĩnh vực.

Thứ ba, lãnh đạo vừa là một chức trách, bổn phận, trách nhiệm và thẩm quyền mà một chủ thể được giao phó, được ủy thác lại vừa là một chuyên môn, một nghề cần phải trải qua đào tạo, huấn luyện, tự đào tạo và tự huấn luyện, trong môi trường khoa học, lý luận, trong trường đời - cuộc sống thực tiễn. Chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa không chỉ đặt ra với mọi người, ở mọi ngành mà còn đặc biệt được đặt ra trong chính giới, trong hoạt động tham chính và hoạt động xã hội.

Từ đó, lãnh đạo và lãnh đạo chiến lược đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn. Lãnh đạo và lãnh đạo học trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học lãnh đạo, khoa học quản lý, cũng có thể là khoa học chính sách công.

Khoa học lãnh đạo (lãnh đạo học) đóng góp trực tiếp vào việc hình thành văn hóa lãnh đạo, ở chỗ, nó vũ trang cho nhà lãnh đạo, tập thể lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo hệ thống tri thức lý luận, trau dồi cho họ phương pháp và kỹ năng để lãnh đạo một cách khoa học với sức mạnh của tư duy lý luận sáng tạo, đem lại cho họ tầm nhìn chiến lược, năng lực dự báo. Nhờ đó, chủ thể lãnh đạo tự giải phóng mình khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm, biết giải quyết nhiệm vụ thực tiễn một cách có lý luận, tìm thấy câu trả lời lý luận trước những câu hỏi thực tiễn.

Năng lực lãnh đạo chiến lược có sức mạnh ưu trội so với mọi năng lực thông thường là ở chỗ, biết sử dụng lý luận như một phương pháp để cắt nghĩa chính xác bản chất của thực tiễn, biết giải quyết những vấn đề thực tiễn bằng giải pháp lý luận. Đồng thời, biết kiểm chứng lý luận, đánh giá tính đúng - sai của lý luận từ thực tiễn, tìm thấy, phát hiện thấy lý luận mới trong thực tiễn, trong sự biến đổi và xu thế phát triển của thực tiễn.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, giữa thực tiễn với lý luận là rất cần thiết đối với nhà lãnh đạo khi thực thi hoạt động lãnh đạo.

Vậy nên hiểu lãnh đạo chiến lược một cách cụ thể trên những lớp nghĩa nào?

- Lãnh đạo chiến lược là lãnh đạo ở tầm vĩ mô, quốc gia, tổng thể và chỉnh thể.

- Lãnh đạo chiến lược là lãnh đạo việc soạn thảo đường lối, hoạch định chiến lược và chính sách có quan hệ tới phát triển chung hay phát triển từng lĩnh vực trong phát triển quốc gia, trong đối nội và đối ngoại.

- Lãnh đạo chiến lược là thể hiện tầm vóc, sức ảnh hưởng, quy mô, chiều kích tác động của nhà lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo đối với sự phát triển của cộng đồng xã hội.

Biểu hiện dễ nhận thấy của lãnh đạo chiến lược là tác động, ảnh hưởng đối với xã hội, trên phạm vi toàn quốc và trong quan hệ với quốc tế, với thế giới bên ngoài.

Cấp tỉnh, cấp vùng, miền cũng phải được coi là cấp chiến lược. Các lãnh đạo ở khu vực này hỗ trợ, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới phát triển của địa phương, vùng miền với tư cách là hình ảnh thu nhỏ của quốc gia.

Cấp cơ sở - vi mô có tầm quan trọng đặc biệt vì nó là những tế bào khởi phát làm nên xã hội, cộng đồng và nhà nước cùng với chính thể của mình.

Cần phải khắc phục một sai lầm trong nhận thức, với thói quen và kinh nghiệm, với những thiên kiến chủ quan bám rễ bền chặt bấy lâu nay, khi cho rằng, cái thấp nhất, nhỏ nhất là kém quan trọng nhất, lãnh đạo ở cơ sở trình độ thấp nhất. Thực tế không phải như vậy. Lãnh đạo ở cơ sở không đơn giản một chút nào. Cơ sở là nơi diễn ra cuộc sống của dân, lãnh đạo phải sống và làm việc trực tiếp với dân. Do đó, lãnh đạo ở cơ sở càng phải thấu hiểu dân và cuộc sống của dân, không chỉ cần kinh nghiệm và vốn sống mà còn cần, rất cần tới lý luận, phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn.

2. Năng lực lãnh đạo chiến lược

Năng lực lãnh đạo chiến lược, trước hết phải gắn liền với phẩm chất lãnh đạo, đồng thời là chính phẩm chất ấy. Phẩm chất đạo đức, nhân cách quy định năng lực và năng lực biểu hiện phẩm chất. Đây là sự thống nhất hữu cơ giữa đạo đức, chính trị với tiềm lực tư tưởng, thực lực trí tuệ, bản lĩnh của nhà lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược.

Đã là nhà lãnh đạo thì phải tự ý thức sâu sắc về sự nghiệp để dấn thân và hành động, để theo đuổi đến cùng những giá trị được lựa chọn, được khẳng định. Lãnh đạo và nhà lãnh đạo thể hiện tầm vóc nhà tư tưởng, nhà chiến lược, nhà sáng tạo, nhà cách tân, đổi mới.

Niềm tin trong phẩm chất và năng lực lãnh đạo chiến lược là niềm tin khoa học, được nuôi dưỡng không chỉ bằng hiểu biết khoa học mà còn là trải nghiệm thực tiễn và từ tổng kết kinh nghiệm. Nó mang tinh thần phê phán và hoài nghi khoa học để cái đã tin, trở thành đức tin là sâu sắc, mãnh liệt chứ không dễ dãi, giản đơn. Sức sáng tạo và nhu cầu đổi mới luôn luôn là điều nổi bật của năng lực lãnh đạo, là tầm nhìn vượt lên những cái nhìn bình thường, thấu hiểu tình hình, hoàn cảnh sự kiện đời sống mà không rơi vào thiển cận. Cảm nhận sâu sắc cái cụ thể không phải chỉ thấy bề ngoài hiện tượng mà đi sâu vào bản chất, thực chất của mỗi vấn đề.

Năng lực lãnh đạo chiến lược, trước hết là năng lực vượt lên cái bình thường và vượt lên chính mình. Tư duy lãnh đạo đòi hỏi sự nhạy cảm thường trực với tinh thần phê phán và tự phê phán, tìm tòi cái mới, tiếp thu cái mới, sẵn sàng đổi mới để phát triển.

Năng lực lãnh đạo chiến lược đồng thời là năng lực tổ chức, tập hợp lực lượng, biết nhìn người, chọn người, dùng người chính xác, tinh tế, có tinh thần khoan dung. Không có năng lực này không thể lãnh đạo, bởi lãnh đạo là tạo ra hoạt động, thúc đẩy hoạt động của những người khác, biến tư tưởng chiến lược thành hiện thực. Đó là năng lực làm việc với con người, thuyết phục mọi người, đối thoại, dân chủ, tranh thủ sự đồng thuận, đoàn kết tối đa của dân chúng.

Năng lực lãnh đạo chiến lược, lẽ dĩ nhiên còn là năng lực dự báo, biết nhìn xa trông rộng, chủ động trước mọi tình huống, biết quyết đoán lúc cần thiết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

3. Trau dồi và phát triển năng lực lãnh đạo cho đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược ở nước ta hiện nay - Sứ mệnh của lãnh đạo học và khoa học quản lý

Thực tiễn hơn một phần tư thế kỷ đổi mới ở nước ta đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu gắn với tổng kết kinh nghiệm về công tác tổ chức và cán bộ, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược.

Ai nấy đều biết, muốn phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc cần có nhiều nhân tài, hiền tài. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Nhà lãnh đạo dĩ nhiên phải là người có học vấn, học thức cao đi liền với những phẩm chất và trình độ vượt lên và vượt xa trình độ thông thường (mặt bằng) của xã hội. Như đã nói, lãnh đạo đòi hỏi những phẩm chất - năng lực đặc biệt mà bản thân hoạt động lãnh đạo cũng như yêu cầu phát triển đất nước và xã hội trong thời kỳ đổi mới yêu cầu, nhân dân mong đợi. Do đó, cần chủ động quy hoạch và coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng chiến lược công tác cán bộ, trong đó chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài trí thức được đặt ra một cách cấp bách. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược được đặt trong chiến lược tổng thể này và là nội dung trọng yếu của chiến lược. Đây thực sự là thành phần quan trọng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao. Chọn lãnh đạo đương nhiên phải chọn trong số những người tài nhưng không phải mọi người tài đều trở thành lãnh đạo. Tài (năng lực vượt trội) là điều kiện cần để trở thành lãnh đạo. Điều kiện đủ đối với người lãnh đạo là phải được thừa nhận bởi tổ chức và xã hội thông qua bầu cử dân chủ, sự bổ nhiệm, đề bạt, bố trí của các cơ quan lãnh đạo theo đúng quy định của luật, của thể chế một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Trong trường hợp tốt nhất, sự thừa nhận của tổ chức đồng thuận với đánh giá xã hội của dư luận, công luận, đảm bảo cho uy tín, ảnh hưởng xã hội và độ tin cậy của người lãnh đạo xứng đáng với trọng trách lãnh đạo mà họ được giao phó, ủy thác.

Làm thế nào để đưa được người tài vào bộ máy, đó là một đòi hỏi chính đáng, nghiêm túc mà xã hội và dân chúng mong đợi từ thể chế lãnh đạo, cầm quyền.

Đào tạo, bồi dưỡng để trau dồi và phát triển năng lực lãnh đạo cho cán bộ cấp chiến lược là một trong những công việc cần thiết, một trong những bước đi cần thực hiện trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt này đối với Đảng và Nhà nước ta(1).

Có những vấn đề gì đặt ra để thực hiện công việc này? Trước hết, nội dung và phương pháp trau dồi năng lực lãnh đạo chiến lược cần tập trung giải quyết những vấn đề sau đây:

- Bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, chú trọng những kiến thức mới, hiện đại, định hướng vào việc nâng cao năng lực, trình độ tư duy chiến lược. Cập nhật kiến thức mới, đồng thời “làm mới” những kiến thức, hiểu biết đã có. Đó là loại kiến thức giúp mở mang hiểu biết ở tầm chiến lược, chú trọng những kiến thức triết học và triết lý phát triển, kinh tế và quản lý kinh tế hiện đại (mô hình - thể chế - chính sách quốc gia và quản trị xã hội cũng như quản trị doanh nghiệp), chính trị phát triển, nhất là chính sách công hướng tới phát triển, tổ chức và hoạt động của nhà nước làm chức năng dịch vụ xã hội, chính trị, so sánh quốc tế, khu vực - những xu hướng cải cách, địa chính trị và chiến lược các nước lớn, dự báo chính trị, công nghệ và các kịch bản chính trị xử lý tình huống trong phát triển. Văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo và cầm quyền, văn hóa quản lý và quản trị là một chủ đề quan trọng mà nhà lãnh đạo cần phải được trau dồi, nhất là thực hành trong ứng xử với người, với việc.

Bên thềm của đổi mới, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trước những dằn vặt “tồn tại hay không tồn tại” liên quan đến sự sống và đời sống của người dân, cần đến trí tuệ, tâm huyết, dũng khí và đức hy sinh của người đứng mũi chịu sào trong tư cách người lãnh đạo thì những nhân cách như Kim Ngọc đã xuất hiện(2). Cuộc sống của người dân rất cần đến những mẫu nhân cách lãnh đạo như thế.

- Trau dồi phương pháp, giáo dục và thực hành phương pháp. Đó là phương pháp ở tầm tư tưởng, lý luận, là tầm nhìn, là chiến lược chứ không phải là những thủ thuật, tiểu xảo, những tiểu tiết, những kinh nghiệm, thói quen chỉ như những lẽ phải thông thường, giúp cho nhà lãnh đạo biết tự mình sản xuất ra tri thức nhờ có công cụ phương pháp không phải là tri thức sách vở, học đường được tích lũy, được tái hiện thuần túy trong giới hạn chật hẹp của sách vở mà là tri thức từ cuộc sống.

Giáo dục phương pháp về thực chất là giáo dục trí tuệ, là rèn luyện nhân cách, trước hết là rèn luyện năng lực tư duy lý luận sáng tạo ở tầm chiến lược để chuẩn bị cho việc thực hành kỹ năng lãnh đạo. Nhà lãnh đạo biết làm chủ phương pháp là người tiêu hóa nhuần nhuyễn tri thức, ở họ có sự chín muồi, thành thục về tư tưởng và phương pháp, nhờ đó biết giải quyết những vấn đề phức tạp một cách giản dị. Hiệu quả của phương pháp là phải thiết thực, hữu ích, sống động, gần và đúng với hiện thực cuộc sống thường nhật. Đó là thực dụng với tất cả ý nghĩa tích cực của nó, nơi thể hiện nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn. Rõ ràng, tri thức mà lãnh đạo chiến lược cần có là sự tổng hợp mọi tri thức, cả vốn sống, kinh nghiệm và trải nghiệm để chuyển hóa thành phương pháp, phong cách và bản lĩnh sáng tạo.

Trau dồi, rèn luyện phương pháp đáp ứng đòi hỏi của lãnh đạo chiến lược phải là nỗ lực thực sự của trí tuệ khoa học, trải nghiệm thực tiễn, đạo đức cầm quyền để thực sự trở thành người có tư cách lãnh đạo.

- Bồi dưỡng tình cảm và niềm tin.

Lãnh đạo chiến lược không chỉ cần tri thức lý luận khoa học và phương pháp sáng tạo mà còn cần và rất cần có những tình cảm lớn, niềm tin sâu sắc với lý tưởng và sự nghiệp đã lựa chọn và theo đuổi. Đây là sức mạnh tinh thần để củng cố ý chí và nghị lực, sự kiên định vững vàng trước những khó khăn và thử thách.

Phải có tình cảm lớn làm điểm tựa cho những hành động lớn. Tình cảm cũng là nguồn dinh dưỡng cho sự nảy nở những suy nghĩ lớn, những tìm tòi, phát kiến, bứt phá và đột phá để đổi mới và phát triển. Đây là sức mạnh của ý chí chứ không phải chủ quan, duy ý chí. Tình cảm và niềm tin ở nhà lãnh đạo chiến lược vừa là đạo đức, vừa là năng lực mà cũng vừa là chính trị. Nhờ sự hòa quyện những yếu tố đó, nhà lãnh đạo mới có thể hiểu người để tập hợp và cổ vũ họ, biết việc để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra sao cho đúng nhất, tốt nhất trong những trường hợp và hoàn cảnh cụ thể.

Tình cảm lớn làm cho người lãnh đạo là người nhân văn; niềm tin, đức tin làm cho người lãnh đạo không những tự tin ở mình mà còn tin yêu, tôn trọng con người để được mọi người tin cậy. Tình cảm và niềm tin của nhà lãnh đạo không chỉ thể hiện giá trị của họ mà còn tạo ra hiệu ứng của họ đối với xã hội...

Đó là những vấn đề cốt yếu về năng lực lãnh đạo cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng một cách công phu, khổ luyện. Điều quan trọng là biết tự đào tạo, tự bồi dưỡng chính mình, không bao giờ bằng lòng với chính mình, mất phương hướng do suy suyển niềm tin, đức tin.  Niềm tin, đức tin ở nhà lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp tới số đông xung quanh, nó như đảm bảo sức khỏe tinh thần của cộng đồng xã hội.

Để góp phần đào tạo nên những nhà lãnh đạo như vậy thì lãnh đạo học phải làm gì? Phải đáp ứng như thế nào? Khoa học lãnh đạo, quản lý phải thực sự trở thành khoa học, một ngành khoa học mũi nhọn trong phát triển, vì phát triển.

Nó còn rất mới mẻ trong đời sống khoa học nước nhà nhưng chắc chắn, lãnh đạo học có một triển vọng to lớn. Nghiên cứu khoa học về sự lãnh đạo thực sự là một miền đất hứa. Sứ mệnh của lãnh đạo học, tự nó tạo ra triển vọng và làm thành miền đất hứa ấy.

Trung tâm nghiên cứu Lãnh đạo học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cần được tổ chức thành một Viện nghiên cứu chiến lược, cần sớm bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển, lấy nghiên cứu làm chức năng trọng yếu, lấy giảng dạy - đào tạo bằng chính kết quả nghiên cứu làm một phương diện quan trọng trong hoạt động của mình, coi trọng ngay từ đầu hoạt động hợp tác quốc tế (cả nghiên cứu và đào tạo) làm xung lực kích thích phát triển. Cần xây dựng đội ngũ chuyên ngành và liên ngành, chuyên môn hóa sâu và có tính chuyên nghiệp cao để sớm hình thành tiềm lực phát triển.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013

(1) Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp mở tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh là một thí dụ.

(2) Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú với tư duy đổi mới và hành động đổi mới đã vì dân mà chịu trách nhiệm về những quyết định dũng cảm của mình. Ông là người rất có công với đổi mới.

GS,TS Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền