Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quyền tư pháp và kiểm soát quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 10 Tháng 6 2014 11:14
6141 Lượt xem

Quyền tư pháp và kiểm soát quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Kiểm soát quyền tư pháp nhằm mục đích chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm quyền lực nhà nước thực hiện khách quan, khoa học, hiệu quả, giữ vững bản chất nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu, quyền tư pháp được định nghĩa là: quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, hành chính.

Ở một số nước, quyền tư pháp không chỉ đơn thuần được hiểu là quyền áp dụng các quy định của pháp luật vào các tranh chấp cụ thể để xác định sự đúng sai, hợp pháp hay bất hợp pháp trong hành vi của con người, từ đó, xác định biện pháp chế tài tương ứng, mà còn bao gồm quyền giải thích pháp luật để phục vụ việc giải quyết vụ việc ấy. Ở một số quốc gia có thiết lập cơ chế bảo hiến theo mô hình Tòa Tối cao là cơ quan bảo hiến hoặc thành lập Tòa Hiến pháp, thì quyền tư pháp còn bao hàm cả quyền tuyên vi hiến các đạo luật, các hành vi của các nhánh quyền lực nhà nước. Thêm vào đó, ở các nước theo hệ thống luật án lệ (common law), quyền tư pháp còn được hiểu bao gồm cả quyền tạo ra án lệ.

Ở nước ta, trong một thời gian dài trước khi thành lập các thiết chế tài phán hành chính, quyền tư pháp không bao hàm quyền xét xử các vụ án hành chính. Tuy nhiên, với việc tiếp thu ngày càng nhiều hơn những yếu tố hợp lý trong lý thuyết phân quyền vào thiết kế bộ máy nhà nước, quyền tư pháp ở nước ta đã từng bước mở rộng. Theo đó, tòa án không chỉ xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, mà còn xét xử cả các vụ án hành chính. Mặc dù vậy, cho tới nay, tòa án Việt Nam vẫn chưa được chính thức trao cho thẩm quyền xét xử tính hợp pháp hay bất hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Tòa án Việt Nam cũng chưa được phép tiến hành việc xét xử các vụ khiếu kiện liên quan tới các quyết định hành chính do những người có thẩm quyền cao hơn cấp Bộ trưởng ban hành.

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-6-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng chỉ rõ: các cơ quan tư pháp không chỉ là tòa án, mà còn bao gồm cả các viện kiểm sát, các cơ quan điều tra và cả các cơ quan thi hành án (dân sự hoặc hình sự). Theo đó, quyền tư pháp còn bao gồm cả việc hợp lý hóa lại thẩm quyền, chức năng, cơ cấu, tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ của hệ thống tòa án (dù coi tòa án là trung tâm của nền tư pháp), hệ thống viện kiểm sát, hệ thống cơ quan điều tra, hệ thống cơ quan thi hành án, hệ thống các thiết chế bổ trợ tư pháp.

Nếu chúng ta nhất quán với quan niệm “tư pháp” là “xét xử” và cơ quan tư pháp chỉ là tòa án, thì khái niệm “cải cách tư pháp” sẽ có nội hàm không còn giống với quan niệm hiện nay của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn với cách hiểu về cơ quan tư pháp hiện nay, chúng ta nên sử dụng thuật ngữ “cơ quan thực hiện quyền tư pháp” với ý nghĩa chính là các tòa án.

Nếu chúng ta quan niệm, quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của công dân, tổ chức không mang quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền, thì quyền tư pháp trở thành một công cụ để kiểm soát việc thực hiện các hành vi thực thi quyền lực nhà nước, trong đó có việc thực thi quyền hành pháp và việc thực thi quyền lập pháp. Khi đó, cơ quan thực hiện quyền tư pháp (tòa án) sẽ trở thành công cụ của người dân để kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước.

Từ những phân tích trên, khái niệm quyền tư pháp có thể được hiểu như sau:

Theo nghĩa rộng: Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử của hệ thống tòa án nói riêng, cũng như các hoạt động áp dụng pháp luật của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án…) và các cơ quan bổ trợ tư pháp để bảo đảm thực hiện quyền xét xử đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, các quyền và tự do của con người, của công dân, đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật.

Theo nghĩa hẹp: Quyền tư pháp chỉ là quyền xét xử của tòa án và được thực hiện bằng hoạt động tố tụnghình sự, hành chính, lao động, dân sự, kinh tế để giải quyết các xung đột của các mối quan hệ xã hội nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, các quyền và tự do của con người, của công dân, đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật.

Quyền tư pháp là bộ phận cấu thành của quyền lực nhà nước, là quyền lực có được do sự phân công (phân chia) của quyền lực nhà nước (quyền lực do ủy quyền của cộng đồng). Kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, quyền tư pháp nói riêng là một trong những vấn đề khó khăn và phức tạp trong xây dựng và tổ chức quyền lực nhà nước. Đây là vấn đề đã được quan tâm từ rất sớm, song hành cùng với tổ chức quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền tư pháp đã trở thành vấn đề cần giải quyết cả về phương diện thực tiễn cũng như lý luận chính trị - pháp lý.

Theo nghĩa chung nhất,“kiểm soát” được hiểu là: “xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”(1). Kiểm soát quyền tư pháp là một khái niệm chính trị - pháp lý và thể chế, bao hàm sự hạn chế nhất định đối với quyền tư pháp; là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà n­ướcpháp quyền.Có hai loại kiểm soát là: tiền kiểm soát và hậu kiểm soát. Tiền kiểm soát là hành động tự kiểm soát của từng chủ thể tr­ước khi thực hiện hành động. Hậu kiểm soát là hành động kiểm soát những gì đã xảy ra, đã đ­ược tiến hành. Trong tr­ường hợp này, chủ thể kiểm soát và đối tượng kiểm soát là những chủ thể khác nhau; chủ thể kiểm soát không tham gia vào những gì đã diễn ra nên có khả năng tiến hành kiểm soát một cách khách quan, không thiên vị.

Như vậy, kiểm soát quyền tư pháp là hệ thống cơ chế, thể chế được thực hiện bởi nhà nước và xã hội để xem xét, giám sát, phát hiện việc lạm dụng quyền tư pháp trong hoạt động xét xử, đảm bảo cho việc thực thi quyền tư pháp đúng mục đích và đạt hiệu quả.

Căn cứ vào bản chất và đặc điểm chủ thể kiểm soát, loại hình kiểm soát thể chế do các cơ quan nhà n­ước thực hiện và loại hình kiểm soát phi thể chế do các tổ chức, nhóm xã hội phi chính thức thực hiện. Loại hình kiểm soát thể chế bao gồm kiểm soát chính trị, kiểm soát tư­ pháp, kiểm soát hành chính và kiểm soát xã hội. Loại hình kiểm soát phi thể chế bao gồm kiểm soát do các ph­ương tiện thông tin, dư­ luận xã hội thực hiện và kiểm soát do các tổ chức phi chính phủ, các nhóm đại diện tiến hành.

Kiểm soát quyền tư pháp thường được thực hiện bởi chính các yếu tố hợp thành bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp), hoặc bởi các yếu tố bên ngoài (báo chí, xã hội dân sự,…). Kiểm soát bên trong hệ thống cơ quan thực hiện quyền tư pháp (tự giám sát), thể hiện tính quyền lực nhà nước. Giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước đối với quyền tư pháp thực chất là hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đối với các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giám sát của cơ quan hành chính đối với hệ thống cơ quan tư pháp, giám sát của cơ quan tư pháp trong hệ thống bộ máy của cơ quan tư pháp, giám sát của những người quản lý trong các cơ quan tư pháp thực hiện trong tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp.

Kiểm soát quyền tư pháp củaxã hội (bên ngoài) được thực hiện bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau như: các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, giám sát của cá nhân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước, kiểm soát của báo chí, của các nhóm lợi ích... Ở cấp độ này, hoạt  động kiểm soát chỉ có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị với đối tượng, song không có quyền xử lý.

Xuất phát từ các đặc điểm về hệ thống chính trị Việt Nam, có thể hiểu kiểm soát quyền tư pháp là quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, giới truyền thông và công dân quan sát, theo dõi, xem xét, kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền tư pháp nhằm bảo đảm cho cơ quan thực hiện quyền tư pháp mà cụ thể là tòa án, thẩm phán, cán bộ, công chức của cơ quan thực hiện quyền tư pháp hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn được giao theo quy định của Hiến pháp, pháp luật nhằm mục đích chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm quyền lực nhà nước thực hiện khách quan, khoa học, hiệu quả, giữ vững bản chất nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

________________

(1)   Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997.

(2)   Trịnh Thị Xuyến, Kiểm soát quyền lực nhà nước, một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2008.

 

TS Cao Anh Đô

Viện Nhà nước và Pháp luật

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền