Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Mối quan hệ giữa đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế
Thứ hai, 21 Tháng 7 2014 14:34
3122 Lượt xem

Mối quan hệ giữa đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế

(LLCT) - Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế là bước chuẩn bị cho đất nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển nhanh, bền vững và tham gia có hiệu quả vào xu thế phát triển chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cần nhìn nhận một cách khách quan về mô hình tăng trưởng.

Tronglịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, chưa có một cách thức, mô hình tăng trưởng kinh tế nào là trường tồn mà thông thường và phổ biến là khi đến một thời điểm nhất định, mô hình tăng trưởng của một quốc gia sẽ không còn phù hợp, cần phải thay đổi do những chuyển biến của các yếu tố bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Bởi vậy, sự vươn lên hay thất bại của một quốc gia được quyết định ở khả năng tự thay đổi để vượt qua các ngưỡng phát triển. Thực tế sự phát các nước Đông Á cho thấy: với cùng một xuất phát điểm, nhưng trải qua vài thập kỷ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Xinhgapo trở thành các con rồng Châu Á, trong khi các nước Đông Nam Á khác rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Hiện thực nêu trên xuất hiện bởi nhiều căn nguyên, song tựu chung là do mọi nền kinh tế, mọi quốc gia đều không ngừng vận động, biến đổi. Quá trình vận động đó xuất hiện những nhân tố mới, đồng thời làm cũ và lỗi thời những nhân tố trước đó, nếu không có sự thay đổi phù hợp thì chính nó sẽ trở thành những yếu tố cản trở sự phát triển; mặt khác cùng với sự vận hành của nền kinh tế, nội tại nền kinh tế cũng nảy sinh những vấn đề cần được giải quyết. Bên cạnh đó, với tư cách là một bộ phận trong nền kinh tế khu vực, toàn cầu, mỗi nền kinh tế đều chịu tác động, ảnh hưởng từ hệ thống chung cả trên phương diện tích cực lẫn tiêu cực và ở chừng mức nhất định cũng yêu cầu sự thay đổi.

Xét một cách cụ thể, có thể thấy những vấn đề trên qua hai phương diện chủ yếu sau:

Những yếu tố nội tại. Trong thời kỳ đầu thực hiện tăng trưởng kinh tế, các quốc gia thường tập trung là khai thác các lợi thế của đất nước, mà trước hết là các lợi thế về tài nguyên, lao động…. Tuy nhiên, những lợi thế này là những nguồn lực rất giới hạn và khả năng tái tạo hạn chế hoặc không thể tái tạo, khi những lợi thế cạnh tranh này dần được khai thác hết (cạn kiệt tài nguyên, toàn dụng lao động, đạt ngưỡng hấp thụ vốn nước ngoài…), nền kinh tế buộc phải chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu nếu muốn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Các quốc gia Đông Nam Á là điển hình bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” khi không thể vượt qua được thách thức chuyển đổi này.

Yếu tố ngoại cảnh.Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế sẽ khó có thể phát triển một cách biệt lập, khép kín, đồng thời, sự phân bổ không đồng đều các nguồn lực, trình độ phát triển khác nhau, … tạo nên những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau để tối ưu hóa các nguồn lực và hướng đến sự phát triển chung trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho sự sinh tồn, phát triển của nhân loại (bảo đảm về lương thực, thực phẩm, môi trường)…. Do đó, xu hướng tất yếu trong phát triển nói chung, phát triển kinh tế nói riêng là sự phụ thuộc, ràng buộc và liên kết cùng phát triển. Mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia là một bộ phận hợp thành chỉnh thể của kinh tế khu vực, thế giới.

Trong thế giới toàn cầu hóa, một nền kinh tế muốn phát triển cần phải phù hợp với xu thế và đặc điểm quốc tế. Đối với các nền kinh tế nhỏ, để phát triển, cần đi vào các khoảng trống trong phân công lao động của khu vực và toàn cầu, hay còn gọi là chuỗi giá trị sản xuất. Do vậy, bất kể trình độ phát triển nào, mỗi nền kinh tế trong từng giai đoạn phát triển đều cần quan tâm tới việc nhận diện hiện trạng kinh tế để có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp. Trong đó, cần thiết có những thay đổi lớn, thậm chí là đổi mới cách thức, mô hình phát triển khi các điều kiện cho tăng trưởng, phát triển tới ngưỡng giới hạn.

Tăng trưởng kinh tế theo nghĩa chung nhất là việc tạo ra nhiều của cải hơn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cần xác lập “mô hình tăng trưởng’’, tức là phương tiện hay cách thức để đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Tùy thuộc vào đặc điểm mỗi thời kỳ, các quốc gia có thể có mục tiêu tăng trưởng khác nhau, thí dụ như mục tiêu “tăng trưởng bằng mọi giá” ở Trung Quốc thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu; tăng trưởng tập trung vào công nghiệp ở Hàn Quốc thời kỳ căng thẳng Nam - Bắc hay tăng trưởng đồng đều, bền vững theo quan điểm của nhiều nước hiện nay. Nhìn chung, quan điểm chung về tăng trưởng kinh tế là nhằm đem lại ngày một nhiều hơn sự phồn thịnh cho xã hội.

Tuy nhiên, không phải khi nào, mô hình được lựa chọn cũng đều đạt được các mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và mỗi mô hình tăng trưởng cũng chỉ thích ứng với những điều kiện cụ thể, nên trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, trên phạm vi thế giới, ‘chuyển đổi’, ‘đổi mới mô hình tăng trưởng’ là hoạt động kinh tế thường xuyên, phổ biến và ở mỗi quốc gia, chuyển đổi/đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là hoạt động kinh tế cấp thiết khi nền kinh tế phát triển tới giới hạn của nó.

Trên thực tế, có sự đan xen và khó tách bạch giữa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với tái cấu trúc nền kinh tế cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, nên dẫn đến tình trạng khó xác định phương pháp thực hiện. Bởi vậy, cần thiết phải có nhận thức một cách rõ ràng, đầy đủ về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu  trúc nền kinh tế nhằm hướng đến đạt hiệu quả cao nhất có thể trong thực hiện mục tiêu đã định.Việc phân định rõ sự khác biệt giữa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với tái cấu trúc nền kinh tế là căn cứ cho việc nghiên cứu, đề xuất phương thức thực hiện những nhiệm vụ này một cách phù hợp và hiệu quả nhất đồng thời đưa ra được một cái nhìn thấu đáo hơn đối với mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế khi chọn lựa những thay đổi trong cách thức mang lại tăng trưởng tiến bộ cho nền kinh tế quốc dân.

Thuật ngữ chuyển đổi hay đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo nghĩa phổ biến là việc thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế theo chiều hướng tiến bộ. Chẳng hạn, khi một quốc gia vận hành nền kinh tế với mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở khai thác các nguồn lực tự nhiên (tài nguyên, lao động và các lợi thế về địa lý) - hay còn gọi là tăng trưởng theo chiều rộng. Khi đạt tới mức giới hạn của các nguồn lực tự nhiên, để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, đồng thời khắc phục những hạn chế và hướng tới sự phát triển đất nước với một nền kinh tế hiệu quả, tiến bộ hơn, tất yếu cần có những thay đổi trong cách thức vận hành nền kinh tế mà ở đó việc khai thác các nhân tố tăng trưởng, các tiền đề tăng trưởng được tối ưu hóa. Như vậy, chuyển đổi hay thay đổi/đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khung khổ chung hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của đất nước với một cơ cấu nền kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Đổi mới mô hình tăng trưởng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt nhưng không thể hành động theo ý muốn mà phải tạo ra các tiền đề và điều kiện cho quá trình đổi mới. Những tiền đề và điều kiện đó chính là các đột phá chiến lược. Chính vì vậy, trong thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được lựa chọn, nhất là trong những năm đầu thực hiện chiến lược, phải tập trung giải quyết các khâu đột phá, thực hiện các bước chuyển đổi hợp lý từ mô hình tăng trưởng cũ sang mô hình tăng trưởng mới, trên cơ sở phù hợp với quy luật vận động khách quan và xu hướng phát triển của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đổi mới mô hình trăng trưởng kinh tếcó quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Khi thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải cơ cấu lại nền kinh tế, để khắc phục những khuyết tật, những hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước và tương thích với sự phát triển của khoa học, công nghệ và sự dịch chuyển lợi thế cạnh tranh giữa các nước; xây dựng một cơ cấu đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng chuyển đổi. Như vậy, tái cấu trúc nền kinh tế là hoạt động củng cố, tổ chức lại cấu trúc từng bộ phận cấu thành nền kinh tế (ngành, lĩnh vực, chủ thể) và tổng thể nền kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả

Việc tái cấu trúc (hay cơ cấu lại) nền kinh tế phải được xác định gắn với việc cơ cấu lại các ngành kinh tế - kỹ thuật, các lĩnh vực cho đến các bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và mỗi bộ phận của nền kinh tế cần có những tổng kết, đánh giá thực trạng vận hành, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, đề xuất những giải pháp có tính khả thi và có hiệu lực thực sự, đồng thời triệt tiêu nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế đó trên cơ sở hình thành một cấu trúc ngành/ lĩnh vực/bộ phận kinh tế theo hướng gắn với mô hình tăng trưởng.

Như vậy, chuyển đổi hay đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là xác lập/định hướng cách thức vận hành nền kinh tế để đạt các mục tiêu tăng trưởng, phát triển, còn tái cấu trúc nền kinh tế là việc thực hiện/ hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn.

Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế là bước chuẩn bị cho đất nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển nhanh, bền vững và tham gia có hiệu quả vào xu thế phát triển chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cần nhìn nhận một cách khách quan về mô hình tăng trưởng đã có (hay mô hình cũ) trên hai phương diện.

Một là, phát hiện những khuyết tật của mô hình cũ để có giải pháp loại bỏ.

Hai là, phát triển những thế mạnh, những ưu việt của mô hình đã có để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của mô hình mới. Việc phát triển này gắn với yêu cầu bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế để hình thành mô hình tăng trưởng mới.

Do đó, nếu không rà soát mô hình tăng trưởng cũ để có sự điều chỉnh, vừa loại bỏ, vừa bổ sung phát triển, thì không thể xác định được chính xác nội dung của mô hình mới. Tăng trưởng có thể được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố, các nhân tố này bổ trợ hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế mà một hay một số nhân tố này sẽ nổi lên trở thành nhân tố then chốt, hay còn gọi là động lực của tăng trưởng. Vì vậy, muốn thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải xác định được những động lực tăng trưởng phù hợp cho từng thời kỳ đồng thời ưu tiên tập trung mọi nguồn lực (vốn, lao động, tài nguyên, cơ chế ưu đãi v.v..) cho các động lực đó để hình thành một nền kinh tế phát triển có trọng tâm, định hướng.

Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế bao hàm nhiệm vụ tiếp tục thực hiện CNH, HĐH đất nước song hành với nhiệm vụ khắc phục những yếu kém sai sót (đã chính thức được xác nhận từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được), cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế và có sự tham khảo mô hình tăng trưởng của các nước, các nền kinh tế đi trước.

 

PGS,TS Phạm Thị Túy

                                                          PGS,TS Phạm Quốc Trung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền