Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Luật khoa học và công nghệ 2013
Thứ năm, 14 Tháng 8 2014 14:38
3363 Lượt xem

Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Luật khoa học và công nghệ 2013

(LLCT) - Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của nước ta còn nhiều bất cập, chưa thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp; cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ còn mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động sáng tạo... Do đó, Luật khoa học và công nghệ được sửa đổi, bổ sung toàn diện để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, nhằm tiếp tục khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

1.Cơ sở lý luận và thực tiễn

Đối với xây dựng và triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI

Thứ nhất,khoa học và công nghệ là vấn đề đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII ngày 24 -12 -1996 đã xác định: “Phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ khoa học - công nghệ và củng cố quốc phòng, an ninh. Coi trọng cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tiềm lực khoa học, công nghệ; thị trường và các dịch vụ khoa học, công nghệ…

Thứ hai, xuất phát từ những hạn chế, thiếu sót và yếu kém của hoạt động khoa học và công nghệ. Không ít cấp ủy Đảng nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ cũng như chưa tích cực, chủ động đề ra chính sách đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, để tạo động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó dẫn đến thực trạng: Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều thiếu sót, bất cập. Đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thiếu định hướng chiến lược, kết quả còn hạn chế.

Thứ ba, cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước(1). Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, coi đây là khâu đột phá. Xác định nhân lực khoa học công nghệ là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ. Ưu tiên nguồn lực quốc gia, tạo động lực để phát triển khoa học và công nghệ. Chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả. Khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH, phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, trong đó có tính đến thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

Đối với xây dựng và triển khai Luật khoa học và công nghệ 2013

Để tiếp tục khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, tạo động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững; phát huy và tận dụng mọi cơ hội để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước, việc ban hành Luật khoa học và công nghệ năm 2013 là rất cần thiết.

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của khoa học và công nghệ. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”,nên cần phải được luật hóa, thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ hai, xuất phát từ những bất cập, những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành của Luật khoa học và công nghệ ban hành năm 2000, nêncần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống luật pháp của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ ba, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý khoa học, công nghệ có đổi mới, thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ. Thị trường khoa học, côngnghệ bước đầu hình thành. Đầu tư cho khoa học, công nghệ được nâng lên”. 

Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ còn một số yếu kém, tồn tại chưa tương xứng với vai trò là động lực then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển đất nước, do đó cần được nhìn nhận khách quan để đề ra giải pháp khắc phục: Việc đổi mới công tác tổ chức, quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ còn chậm, nặng về thủ tục hành chính; đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn chưa được coi trọng và tương xứng, trong khi đó lại sử dụng chưa hiệu quả; cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù hoạt động sáng tạo...

Thứ tư, nhằm tạo hành lang pháp lý, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế; khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng và nhân lực; tạo lập các trung tâm và tập thể khoa học mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế...

2. Thực hiện hiệu quả Luật khoa học và công nghệ 2013

Đây là một cơ hội thực sự, một bước ngoặt quan trọng mở đường và tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm tới. Để Luật khoa học và công nghệ 2013 thực sự đi vào cuộc sống, cần chú ý đến một số vấn đề sau:

Một là, phải dựa vào thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của đất nước trong thời gian qua để đưa ra được kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện một cách hợp lý và hiệu quả với một nguồn lực tài chính đảm bảo.

Hai là, hoạt động khoa học công nghệ phải thực sự đi vào chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, đột phá vào một số lĩnh vực mũi nhọn, bảo đảm tính hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không chú trọng đến chiều sâu.Quan tâm đặc biệt đến việc hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ba là, tạo lập được một môi trường nghiên cứu khoa học thông thoáng, không hạn chế trong sáng tạo khoa học, công nghệ. Mở rộng dân chủ, tự do cho nghiên cứu, khuyến khích mọi sự sáng tạo trên các lĩnh vực nghiên cứu của khoa học và công nghệ.

Bốn là, cần phải mạnh dạn áp dụng thực hiện những cơ chế tài chính; tạo lập các quỹ khuyến khích nghiên cứu khoa học với những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có thành tựu khoa học và công nghệ cao.

Năm là, tạo điều kiện đẩy mạnh quá trình chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ thành sản phẩm hàng hóa nhằm đem lại nguồn thu nhập xứng đáng với trí tuệ và công sức của người sáng tạo ra nó.

Sáu là, đặc biệt coi trọng đến vấn đề giám sát chặt chẽ chất lượng của các hoạt động nghiên cứu khoa học và cần phải được thực hiện bởi cơ quan hoặc nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan chủ quản của tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học.

Một chủ trương, một nghị quyết đúng nhưng để đi vào cuộc sống cần có chỉ đạo quyết liệt và sự tổ chức thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Chúng ta tin tưởng rằng, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Luật khoa học và công nghệ 2013 sẽ tạo một bước phát triển đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở nước ta trong thời gian tới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1) Xem: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII,  ngày 24 -12 -1996

PGS,TS Lê Quốc Lý 

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền