Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sự phát triển nhận thức của Đảng về phát triển bền vững
Thứ năm, 14 Tháng 8 2014 14:51
6025 Lượt xem

Sự phát triển nhận thức của Đảng về phát triển bền vững

(LLCT) - Bên cạnh việc chú trọng tới tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, Đảng ta còn nhấn mạnh thêm vấn đề phát triển văn hóa và củng cố an ninh, quốc phòng. Đây là một trong những đặc điểm cơ bản trong quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, phù hợp với nền văn hiến và truyền thống của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữ nước. 

(Festival Huế 2014, nguồn: internet)

Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới tư duy về phát triển đất nước theo hướng bền vững: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội,…”(1), “bảo vệ môi trường sống”(2); đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường phải luôn luôn quan tâm tới phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới đang đi theo con đường phát triển bền vững thường chỉ chú trọng tới tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường thì Đảng ta còn nhấn mạnh thêm vấn đề phát triển văn hóa và củng cố an ninh, quốc phòng. Đây là một trong những đặc điểm cơ bản trong quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, phù hợp với nền văn hiến và truyền thống của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữ nước.

Trong Văn kiện Đại hội, khái niệm phát triển bền vững với ba thành tố là kinh tế - xã hội - môi trường chưa được sử dụng chính thức và vấn đề kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường cũng chưa được đặt ra một cách trực tiếp, nhưng Đại hội VI đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của Đảng về phát triển đất nước, vì đây là lần đầu tiên Đảng yêu cầu phải có sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Quan điểm đó của Đảng hoàn toàn phù hợp với quan niệm của thế giới về phát triển bền vững.

So với nội dung quan điểm của Đại hội VI thì nội dung quan điểm của Đại hội VII (1991) về phát triển bền vững được trình bày rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn, nhất là về vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều cụm từ đã được sử dụng để thể hiện nội dung thực chất của phát triển bền vững, như “bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội”, “kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”, “tăng trưởng kinh tế”, “tiến bộ xã hội”. Tuy nhiên, khái niệm “phát triển bền vững” vẫn chưa được sử dụng chính thức trong Văn kiện Đại hội và “bảo vệ môi trường” chưa được gắn chặt vào cụm từ “kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội”.

Kế thừa và phát triển quan điểm của Đại hội VII, Đại hội VIII (1996) đã đề cập vấn đề phát triển bền vững một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn và các giải pháp đưa ra cũng cụ thể và rõ ràng hơn, thể hiện tư duy độc lập và sáng tạo của Đảng về con đường phát triển đất nước trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế. Những điểm mới trong quan điểm của Đại hội VIII về phát triển bền vững thể hiện ở chỗ: lần đầu tiên Đảngđề cậpđến việc “ứng dụng công nghệ sạch”; thay từ “vững chắc” bằng từ “bền vững” khi đề cập vấn đề phát triển kinh tế và sử dụng khái niệm “phát triển bền vững” đối với cả đất nước chứ không chỉ đối với lĩnh vực kinh tế; yêu cầu kết hợp một cách “hài hoà” giữa phát triển kinh tế với việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; đưa các nhà máy, cơ sở sản xuất không có khả năng xử lý ô nhiễm môi trường ra khỏi các thành phố và ưu tiên sử dụng “công nghệ sạch”; gắn bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển văn hóa: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”(3). Như vậy, tới Đại hội VIII thì quan điểm của Đảng về phát triển bền vững đã được bổ sung bằng nhiều nội dung mới, vừa thể hiện được đặc điểm phát triển của Việt Nam hiện nay, vừa phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới đương đại, nhờ đó mà nội dung khái niệm “phát triển bền vững” cũng được hoàn thiện thêm một bước đáng kể mà trọng tâm là kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữatăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa và củng cố an ninh - quốc phòng.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IX (2001), Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc gắn kết giữa năm thành tố của phát triển bền vững ở Việt Nam mà Đại hội VIII đưa ra là kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và an ninh - quốc phòng: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng và an ninh”(4) (lần đầu tiên sử dụng cụm từ “cải thiện môi trường”); coi bảo vệ, cải thiện môi trường là một nội dung quan trọng của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án (một điểm mới trong tư tưởng của Đại hội IX về bảo vệ môi trường); xác định rõ hơn mục tiêu cụ thể của việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội là phát triển và lành mạnh hoá xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội(5). Như vậy, Đại hội IX đã kế thừa quan điểm của Đại hội VIII về phát triển bền vững với 5 thành tố cơ bản, đồng thời bổ sung một số điểm mới trong nội dung bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Quan điểm của Đại hội IX về phát triển bền vững là cơ sở lý luận khoa học để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17-8-2004 về việc ban hành Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước ta về những định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó chỉ rõ phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam; nêu ra những lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững và đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam.

Điểm mới nổi bật trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X (năm 2006)là gắn tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hộivới phát triển con người: “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”(6); “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục,…giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(7). Việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển con người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, vì con người vừa là mục tiêu, động lực vừa là bảo đảm quan trọng nhất của phát triển bền vững. Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiệnmôi trườngtự nhiên và đưa ra hai quan điểm mới làsử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch và thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Đây là các vấn đề cấp thiết cần giải quyết khi nước ta đang tiến hành CNH, HĐH và cũng là những vấn đề của toàn cầu.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng (2011) tiếp tục khẳng định: “phát triển kinh tế thị trường gắn với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, môi trường; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần cho xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia”(8). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội thông qua cũng chứa đựng nhiều nội dung quan trọng của phát triển bền vững, như gắn phát triển kinh tế tri thức với bảo vệ môi trường; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn(9). Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững còn được phát triển, hoàn thiện và cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng, trong đó nổi bật nhất là quan điểm về mối quan hệ tác động qua lại giữa “phát triển nhanh” với “phát triển bền vững”: “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”(10).

Như vậy, Đại hội XI của Đảng đã kế thừa và phát triển quan điểm của các Đại hội Đảng trước đây về phát triển bền vững ở Việt Nam với những nội dung phong phú, đa dạng, cụ thể, toàn diện và khoa học, vừa thể hiện được quan niệm chung của thế giới về phát triển bền vững, vừa phù hợp với khả năng, điều kiện và đặc điểm của Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nhằm triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/2012/QĐ-TTg ngày 12-4-2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 160/2013/QĐ-TTg ngày 15-1-2013 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015. Điều đó cho thấy có sự thống nhất cao trong nhận thức tư tưởng của Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu những quan điểm của Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội XI về phát triển bền vững ở Việt Nam, có thể đưa ra một số nhận định sau đây:

Một là, vấn đề phát triển kinh tế đồng thời với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường đã được Đảng nêu ra từ thời kỳ trước đổi mới, đến Đại hội VI thì chủ trương đó tiếp tục được nhấn mạnh, tạo tiền đề quan trọng để đổi mới tư duy của toàn xã hội về phát triển đất nước theo hướng ổn định, bền vững. Tuy nhiên, Đại hội VI còn chưa đề cập vấn đề kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tới Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng đưa ra quan điểm phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về phát triển bền vững ở Việt Nam, phù hợp với quan niệm chung của thế giới. Tuy nhiên, Đại hội VII cũng mới yêu cầu kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, còn “bảo vệ môi trường” chưa được gắn chặt với cụm từ “kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội” và khái niệm “phát triển bền vững” cũng chưa được sử dụng chính thức trong Văn kiện Đại hội.

Hai là, lần đầu tiên khái niệm “phát triển bền vững” được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội VIII, đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về phát triển đất nước. Nếu trước đây, Đảng mới chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội mà chưa gắn với bảo vệ môi trường thì nay, Đảng yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ, hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế, xã hội không chỉ với bảo vệ, cải thiện môi trường mà còn với phát triển văn hóa (theo nghĩa rộng của từ này) và củng cố an ninh, quốc phòng. Như vậy, tới Đại hội VIII thì quan niệm khoa học của thế giới về phát triển bền vững với ba trụ cột chính là kinh tế - xã hội - môi trường và mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng với nhau đã chính thức được Đảng ghi nhận. Bên cạnh việc thừa nhận và khẳng định những giá trị chung của phát triển bền vững, Đảng ta cũng phân tích một cách khoa học và sâu sắc thực tiễn Việt Nam và đưa ra quan điểm của mình về phát triển bền vững ở Việt Nam - đó là sự phát triển, trong đó có kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường với phát triển bền vững về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và củng cố an ninh - quốc phòng.

Ba , các Đại hội IX, X, XI diễn ra trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cùng với những biến đổi nhanh chóng theo chiều hướng tích cực ở trong nước về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở phân tích sâu sắc và toàn diện những thành tựu, hạn chế của nước ta trong việc thực hiện mục phát triển bền vững, nêu rõ triển vọng và thách thức đối với Việt Nam, Đảng tiếp tục phát triển, hoàn thiện quan điểm của mình về phát triển bền vững ở Việt Nam trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

Bốn là, quan điểm của Đảng ta về phát triển bền vững ở Việt Nam luôn luôn là cơ sở tư tưởng khoa học để xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật bảo đảm phát triển bền vững của Việt Nam, tạo tiền đề chính trị - pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh, quốc phòng.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014

(1), (2)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.86, 162.

 (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.14.

 (4)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.89.

 (5) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.95, 104.

 (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.76, 78.

 (8), (9), (10)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187, 82, 99.

 PGS, TS Nguyễn Văn Động

Trường Đại học luật Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền