Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy
Thứ hai, 15 Tháng 9 2014 11:09
5540 Lượt xem

Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy

(LLCT) - Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nhấn mạnh: “Cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, coi đó là nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách,trong đó vấn đề thứ ba là “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấpủy, cơ quan, đơn vị...”.

1. Sự cần thiết và tính cấp bách phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với cấp ủy, cơ quan, đơn vị

Xuất pháp từ vị trí, vai trò của người đứng đầu. Sau công việc quy hoạch, tuyển chọn được người đứng đầu, thì “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu...” là việc hết sức quan trọng, nếu không “người đứng đầu” sẽ rất dễ mắc các bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền hoặc không thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ, hoặc chỉ là bù nhìn, là con rối.

Lịch sử thế giới cũng như nước ta đã minh chứng điều này. Sự tồn vong, thịnh suy của các nước từ cổ đại đến thời cận, hiện đại đều gắn với tên tuổi, đức tài của những “người đứng đầu”. Việt Nam không ngoại lệ, sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc đều gắn liền với tên tuổi của các “minh quân” hay “hôn quân bạo chúa” thời phong kiến. Trong chế độ phong kiến, khi đất nước có được “minh quân”, “vua hiền, tôi trung” thì quốc gia hưng thịnh, thiên hạ thái bình.

Từ khi Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” được đề cao, nhưng không coi nhẹ vai trò “cá nhân phụ trách”. Chừng nào, “người đứng đầu” tài hèn, đức kém, hoặc hư hỏng thì sức tàn phá và tai họa với nhân dân thật khôn lường. Sự kiện những “người đứng đầu” ở các tập đoàn, tổng công ty có nhiều sai phạm lớn trong những năm qua cho thấy rõ điều đó.

Có thể đưa ra một “công thức” ở Việt Nam: “chất Hồ Chí Minh” có được bao nhiêu trong những “người đứng đầu” Đảng và chính quyền (ở tất cả các cấp) là tỷ lệ thuận với mức độ thành đạt, thắng lợi, hưng thịnh, phát triển của từng cá nhân, tổ chức, tập thể, cộng đồng, cơ quan, đơn vị cho đến toàn thể đất nước Việt Nam.

Với “công thức” này, Đảng đã phát động Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minhvà sau đó là tiếp tục thực hiện liên tục việc học tập và làm theo gương Bác trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt yêu cầu những “người đứng đầu” phải gương mẫu đi đầu làm theo Bác. Đây là việc hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt, thuận theo quy luật và hợp lòng người.

Thực trạng hệ thống tổ chức còn nhiều bất cập

- Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị... không được xác định rõ ràng, minh bạch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu khuyết điểm trong việc xác định vai trò của người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể, với tổ chức, với cấp ủy là “không xác định rõ được trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, cứ nhập nhằng, sai thì đổ cho tập thể, thành tích thì nhận của mình”(1).

Tình trạng khá phổ biến ở mỗi cơ quan, có thành tích thì ai cũng nhận về mình, và “người đứng đầu” thường có công lớn. Khi có khuyết điểm, xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng thì không ai chịu trách nhiệm, thường đổ lỗi cho cơ chế, cho tập thể lãnh đạo. Tình trạng người làm tốt không được khen thưởng, người làm không tròn trách nhiệm, thậm chí không làm cũng chẳng sao (30% công chức vào loại có cũng được, không cũng chẳng sao, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”(2[1]), đã dẫn tới việc không động viên được những nhân tố tích cực trong xã hội. 

-  Một thực tế nữa, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu, nhưng khi xảy ra sai phạm, tiêu cực, đi tìm trách nhiệm người đứng đầu lại rất khó.

Điều 10 Luật Cán bộ, công chức 2008, ghi rõ cán bộ, công chức là người đứng đầu có nghĩa vụ: “1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; 2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; 3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;…”.

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) cũng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân khác có trách nhiệm trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước về việc để xảy ra hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật PCTN và điều lệ, quy chế của tổ chức đó (Điều 54).

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp (bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự), hoặc phải chịu trách nhiệm liên đới (bị xử lý kỷ luật).

Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng và xử lý người đứng đầu là rất khó. Làm thế nào để những quy phạm pháp luật trên được đi vào cuộc sống? Đó là “vấn đề cấp bách” mà Nghị quyết Trung ương 4 phải nêu ra để tập trung giải quyết?

2. Những giải pháp

Một là, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, pháp quy, quy chế có liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể trong cả hệ thống chính trị theo hướng:

Phân công, xác định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, của từng cán bộ, công chức, nhân viên và mọi vấn đề phải được luật hóa.

Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan vấn đề này, nhưng chúng  khó đi vào cuộc sống, khó thực thi vì thiếu cụ thể, rõ ràng trong việc phân công, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu.

Hậu quả là rất nhiều vụ việc sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, gây bức xúc dư luận, nhưng không thể xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cũng như tập thể hoặc cá nhân nào.

Trao mạnh quyền cho người đứng đầu. Trách nhiệm phải đi đôi với thẩm quyền.  Người đứng đầu chưa có được thực quyền thì cũng khó có trách nhiệm thực sự. 

Cần quy định cụ thể và được luật hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo thế nào, những gì, phạm vi nào? Cá nhân phụ trách là thế nào, đến đâu? v.v.. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầutrong giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của mình. Tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân cũng phải được quy định rõ.

Cơ cấu tổ chức của ta hiện nay sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu. Bởi vì, theo quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước(3), Bộ trưởng không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức các Thứ trưởng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức cấp phó; Trưởng phòng không có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức phó phòng...thì thử hỏi làm sao cấp trưởng phải chịu trách nhiệm khi cấp phó của họ có tiêu cực, tham nhũng, hoặc sai phạm nghiêm trọng? Hơn nữa, kế hoạch của một tổ chức, cơ quan, xí nghiệp là do cấp ủy thông qua, nhiều khi người đứng đầu cơ quan đơn vị không đồng ý nhưng vẫn phải thực hiện, nhưng khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng do thực thi kế hoạch ấy mà người đứng đầu lại bị xử lý kỷ luật thì còn ai dám làm ...người đứng đầu nữa! 

Nêu cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trên cơ sở thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đây là thực hiện “nguyên tắc tập trung, dân chủ” một cách hài hòa. Phải tập trung thẩm quyền, trách nhiệm vào người đứng đầu trên cơ sở thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở. Bởi nếu quá nhấn mạnh tập trung sẽ dẫn đến gia trưởng, độc đoán của người đứng đầu. Nếu quá nhấn mạnh dân chủ thì người đứng đầu sẽ không thực hiện được đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Người đứng đầu dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở biết mở rộng dân chủ, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, khuyến khích, thúc đẩy “Quy chế dân chủ ở cơ sở” thì sẽ tránh được sai lầm, khuyết điểm, công tác nhất định tốt. Tập thể, quần chúng phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật có tính xây dựng cho người đứng đầu, sẽ là “diễm phúc” cho cả đôi bên. Sự kiện ở Bệnh viện Hoài Đức là bài học đắt giá cho vấn đề này: người đứng đầu (Giám đốc) thoái hóa biến chất, mang nặng đầu óc gia trưởng, độc đoán, môi trường dân chủ ở Bệnh viện bị phá hoại, trong thời gian dài, nhiều người thấy sai phạm nghiêm trọng của Bệnh viện, của Giám đốc, nhưng không dám nói, không dám tố cáo, sợ bị trù dập. Chỉ đến khi “tức nước vỡ bờ”, “quả bom” nổ ra thì sự việc mới vỡ lở, vì cái lợi, cái hại như mọi người đã biết.

Cần có cơ chế có hiệu lực, có người thực thi, giám sát thực sự các vụ tiêu cực, sai phạm, tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu được luật hóa khá đầy đủ, chặt chẽ... nhưng khi xảy ra chuyện sai sót tiêu cực, quy trách nhiệm người đứng đầu lại rất khó vì luật lại bỏ trống trách nhiệm, quyền hạn người thực thi. Rõ ràng, cũng bức xúc trước những tiêu cực tham nhũng, tuy nhiên khi kêu gọi mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, lại chẳng thấy ai cả. Tất cả các tội phạm, tiêu cực, tham nhũng phần lớn  do người dân phơi bày. Vậy là cơ chế có, con người có nhưng chỉ là hình thức.

Hai là, người đứng đầu các cấp cần nêu cao phẩm chất, dũng khí, bản lĩnh của của mình, phải dám “tự xử”

Mấu chốt của vấn đề vẫn là nhân tố con người, nhân tố người đứng đầu. Bởi vì, dù có đầy đủ giấy tờ, văn bản pháp quy, quy chế, có thực hiện được không lại phải qua “con người”, nhất là người đứng đầu. Những “người” này có đủ năng lực, phẩm chất, có dũng khí, bản lĩnh, muốn thực hiện, dám thực hiện những quy chế về thẩm quyền, trách nhiệm của họ thì không đến nỗi có những bê bối, bức xúc như hiện nay, mọi việc sẽ rất “đơn giản”, “dễ chịu”.

Thực tế của những bất cập, xét cho cùng vì đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ chủ chốt, người đứng đầu “có vấn đề”, họ không đủ phẩm chất, dũng khí, bản lĩnh của “người đứng đầu” (như một thuyền trưởng, đứng mũi chịu sào trước sóng to gió lớn để chèo lái con thuyền đi đúng hướng, tới đích cuối cùng).

Tình trạng phổ biến ở ta là người đứng đầu ở mọi cấp thường không dám “tự xử”, tự nhận hình thức kỷ luật khi có sai phạm lớn. Người đứng đầu cấp trên, có thẩm quyền nhưng rất e ngại, nương nhẹ trong việc xử lý cấp dưới khi có sai phạm (trừ trường hợp đã quá nghiêm trọng, cơ quan pháp luật đã vào cuộc). Hầu như họ chỉ nhấn mạnh, hoặc hiểu sai thế nào là “đoàn kết trên tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”. Bác Hồ là biểu tượng của tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng bào, nhưng Bác vẫn phải qua một “Đêm trắng” để đi đến quyết định xử bắn Trần Dụ Châu về tội tham nhũng.

Trong một cơ quan, đơn vị, người đứng đầu (thủ trưởng) không biết cấp phó và nhân viên có sai phạm, tội lỗi gì đã là khuyết điểm, biết mà không dám xử lý, hoặc quá nương nhẹ, thì đó là tội lỗi. Điều đó cũng chứng tỏ “thủ trưởng” thiếu bản lĩnh, thiếu phẩm chất. Người đứng đầu (thủ trưởng) nên  có dũng khí, dám đề nghị cách chức cấp phó khi cấp phó không còn xứng đáng. Thậm chí người đứng đầu còn phải dám “tự xử”, nếu có khuyết điểm thì phải tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với khuyết điểm của mình, ví như xin từ chức. Nếu người đứng đầu tự giác, có dũng khí, bản lĩnh như thế thì mọi việc sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng. Ở nước ngoài, một cây cầu đổ, con tàu đắm, bộ trưởng xin từ chức. Đã là người cán bộ theo đúng nghĩa vì nước vì dân thì làm tốt việc sẽ được Đảng, Nhà nước khen thưởng, đề bạt, còn làm không tốt lại có khuyết điểm cũng nên tự xử.  Công tác cán bộ (công tác con nguời, dùng người), xét cho cùng phải làm sao có được những người cán bộ, người đứng đầu đúng nghĩa và thực chất. Dòng chữ khắc trên tấm bia mộ tỷ phú người Mỹ là Andrew Carnegie (1835 - 1919): “Nơi đây an nghỉ một người tài biết dùng những người tài hơn mình”, đến nay vẫn là danh ngôn của không chỉ tầng lớp doanh nhân thành đạt.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1) Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (ngày 27 đến 29-2-2012).

(2) Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, ngày 25-1-2013, nguồn: http://laodong.com.vn

(3) Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003; Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18-4-2012 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04-02-2008 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

TS Nguyễn Quốc Sửu

Học viện Hành chính

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền