Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Đảng về phân phối công bằng tư liệu sản xuất
Thứ hai, 15 Tháng 9 2014 11:18
3745 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về phân phối công bằng tư liệu sản xuất

(LLCT) - Nếu như trước đây trong quan hệ phân phối, chúng ta chỉ nhấn mạnh đến phân phối công bằng kết quả của quá trình sản xuất, thì với tư duy đổi mới, Đảng ta đã khẳng định phân phối công bằng về tư liệu sản xuất. Với quan điểm“Công bằng xã hội thể hiện cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất, lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất”(1) và được vận dụng vào thực tiễn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta trong những năm qua. 

Khái niệm tư liệu sản xuất so với trước đây cũng được quan niệm đa dạng hơn. Nếu như trong nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa, cái để phân phối thường mang tính hiện vật, cho nên tư liệu sản xuất chỉ được hiểu là nguồn vật tư, máy móc, hay cơ sở vật chất nhất định, được phân phối mang tính dàn trải. Trong nền kinh tế thị trường, nguồn tư liệu sản xuất còn được hiểu chung là nguồn vốn, ngân sách, công nghệ…(vì có vốn là có tư liệu sản xuất). Hơn nữa, phân phối nguồn vốn bảo đảm công bằng hiện nay vừa được thực hiện bằng thước đo hiệu quả kinh tế, vừa được thực hiện bằng thước đo hiệu quả xã hội, bảo đảm định hướng XHCN. Nói cách khác, ở thời kỳ đổi mới, phân phối công bằng là sự thống nhất giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Việc phân phối tư liệu sản xuất trên đây phải được thực hiện như thế nào mới được coi là công bằng, đồng thời cũng là hợp lý?C.Mác cho rằng: “Bất kỳ một sự phân phối nào về tư liệu tiêu dùng cũng chỉ là hậu quả của sự phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất; nhưng sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một tính chất của chính ngay phương thức sản xuất”(2). Có thể hiểu rằng, phân phối hợp lý tư liệu sản xuất phải xuất phát từ tính chất của phương thức sản xuất, cụ thể đối với nước ta, đó chính là phải xuất phát từ tính chất của chính ngay “phương thức sản xuất” trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

Trong thời kỳ trước đổi mới, chế độ sở hữu XHCN dưới hai hình thức toàn dân và tập thể đã được xác lập một cách phổ biến. Vì vậy, việc phân phối tư liệu sản xuất đã được tập trung cho hai khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể (đến năm 1975 trong khu vực sản xuất vật chất, 99,7% tài sản cố định đã thuộc về kinh tế XHCN)(3), còn các thành phần kinh tế khác hoàn toàn không được đầu tư phát triển. Hơn nữa, chế độ phân phối chỉ được thực hiện duy nhất theo cơ chế cấp phát, xin-cho(hiện vật) mang tính hành chính, mệnh lệnh chứ không phải là dựa vào hiệu quả sử dụng mọi nguồn tư liệu sản xuất để làm thước đo thực hiện phân phối tư liệu sản xuất. Do đó, trên thực tế chế độ phân phối tư liệu sản xuất trong giai đoạn trước đổi mới không phải khi nào, nơi nào cũng hợp lý (nơi cần thì thiếu, nơi không cần thì thừa). Hậu quả của hình thức phân phối này là việc sử dụng nguồn tư liệu sản xuất kém hiệu quả, nhiều nguồn lực đã không được khai thác, nhiều tiềm năng đã không được phát huy.

Bước sang thời kỳ đổi mới, trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc phân phối tư liệu sản xuất đã ngày càng hợp lý, công bằng hơn, mặc dầu đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, quan điểm công bằng xã hội phải được thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất mới được nêu ra. Sự hợp lý ấy thể hiện ở chỗ việc phân phối tư liệu sản xuất đã ngày càng giảm dần tính bình quân, cào bằng trong khu vực kinh tế nhà nước hay kinh tế tập thể, mà đã lấy hiệu quả kinh tế của việc sử dụng nguồn tư liệu sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để phân phối vì chỉ khi nào nguồn tư liệu sản xuất được sử dụng một cách có hiệu quả thì nền kinh tế mới tăng trưởng, đất nước mới giàu mạnh, đời sống nhân dân mới được cải thiện. Tính hợp lý ở đây cũng đồng thời thể hiện tính công bằng, vì ai sử dụng tư liệu sản xuất có hiệu quả hơn, người đó sẽ được phân phối nhiều tư liệu sản xuất hơn, nhờ đó vừa làm giàu cho xã hội nhiều hơn, vừa làm giàu nhiều hơn cho mình.

Nếu trước đổi mới, nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền phân phối tư liệu sản xuất theo kế hoạch tập trung, thì từ khi đổi mới đến nay ngay cả chủ thể được phân phối tư liệu sản xuất cũng đồng thời được trao quyền tự chủ trong việc sử dụng nguồn tư liệu sản xuất dưới nhiều hình thức (chẳng hạn Luật Đất đai năm 1993 đã trao cho người sử dụng đất có 5 quyền cơ bản đối với đất đai là quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền thế chấp, quyền chuyển nhượng và quyền góp vốn liên doanh). Nhờ đó, thị trường cũng đóng vai trò trung gian điều tiết sự lưu động nguồn vốn và tư liệu sản xuất trong nền kinh tế quốc dân.

Việc phân phối hợp lý dựa vào hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tư liệu sản xuất trong thời kỳ đổi mới đã kéo theo sự hợp lý trong việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế. Hơn nữa, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế lại tác động tích cực đến sự hình thành một cơ chế phân bổ nguồn nhân lực có hiệu quả (theo hướng hình thành các quan hệ thị trường lao động), từng bước loại bỏ sự phân công (điều động) lao động theo kế hoạch tập trung, quan liêu. Những kết quả đó đã tạo được nhiều việc làm, phát huy được tính năng động của người lao động theo đúng ngành nghề, sở trường và khả năng. Như vậy, việc phân phối một cách hợp lý tư liệu sản xuất và kéo theo nó việc phân bổ hợp lý nguồn nhân lực đã hạn chế được tình trạng thiếu hụt việc làm và thất nghiệp. Đây cũng chính là kết quả mở rộng việc tiếp cận cơ hội bình đẳng - có việc làm cho người lao động, phát huy được năng lực của mình, mà kết quả trước hết là người lao động từng bước nâng cao được đời sống nhờ vào thu nhập theo lao động của mình.

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn còn được thể hiện ở tỷ lệ giữa số vốn được đầu tư và số việc làm được tạo ra. Như vậy, thực tiễn đổi mới những năm qua đã khẳng định việc phát triển một cơ cấu kinh tế với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau là đúng hướng. Nó đã mở ra cơ hội cho mọi chủ thể và mọi cá nhân cùng được phát triển và hưởng thụ tương xứng với những thành quả cống hiến vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc phân phối tư liệu sản xuất một cách hợp lý còn đòi hỏi phải lấy hiệu quả xã hội làm căn cứ để phân phối. Bởi vì, nguồn tư liệu sản xuất là tài sản của toàn xã hội, mặt khác, chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng đó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó, đòi hỏi việc sử dụng tài sản của toàn xã hội phải nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội, trong đó cần hết sức chú ý cho các vùng nghèo, hộ nghèo, các nhóm yếu thế,… Chính trên tinh thần ấy, với chủ trương lấy hiệu quả xã hội làm căn cứ quan trọng để đầu tư, ngay từ đầu những năm 90 thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư đáng kể vào việc giải quyết việc làm, thậm chí đã có cả một Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và đã mang lại hiệu quả xã hội rất rõ rệt. Với những kết quả đạt được trên đây, Đại hội IX nhấn mạnh: “Nhà nước đầu tư vốn phát triển từ ngân sách nhà nước căn cứ vào hiệu quả kinh tế - xã hội”(4).

Việc lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chí để phân phối tư liệu sản xuất đã buộc mọi chủ thể kinh tế phải nâng cao hiệu quả sử dụng tư liệu sản xuất (vốn, vật tư, tài sản,…) được phân phối để vừa góp phần vào sự phát triển của toàn xã hội, vừa được hưởng thành quả của sự phát triển một cách tương xứng với đóng góp của mình trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chính tiêu chí đó đã ngày càng thúc đẩy mọi nguồn lực vật chất và con người được phát huy để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua. Ngoài ra, chính việc sử dụng có hiệu quả nguồn tư liệu sản xuất đã khắc phục được hậu quả của sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế do chế độ phân phối tư liệu sản xuất mang tính mệnh lệnh trước đây, làm cho cơ cấu của nền kinh tế ngày càng trở nên thích ứng với tình hình phát triển ở mỗi giai đoạn khác nhau. Nhờ tính hiệu quả của sản xuất được nâng cao nên quy mô của nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu của nền kinh tế ngày càng hợp lý, nghĩa vụ ngân sách đóng góp cho Nhà nước ngày càng nhiều, đời sống người lao động không ngừng được nâng cao.

Để việc phân phối tư liệu sản xuất được thực hiện một cách hợp lý căn cứ vào hiệu quả sử dụng chúng, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các chủ thể đều có quyền ngang nhaucùng được tiếp cận với nguồn vốn, tư liệu sản xuất và những điều kiện sản xuất -  kinh doanh nói chung dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp với khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của mỗi chủ thể kinh tế (như quyền vay vốn, quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp, quyền sử dụng, quyền được bảo hộ sản xuất…).

Đại hội VIII, IX của Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu phải thúc đẩy việc hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường, đặc biệt quan tâm đến các thị trường quan trọng như: thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường khoa học và công nghệ hay là thị trường các yếu tố sản xuất nói chung(5). Đại hội X tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh”(6). Nhấn mạnh đến sự phát triển đồng bộ thị trường với tư cách là một trong những nhiệm vụ chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội X khẳng định: “Chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường”(7). Đây cũng chính là điều kiện để thực hiện phân phối tư liệu sản xuất ngày càng hợp lý và công bằng, tạo động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh: “Các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược”(8).

Như vậy, từ quan điểm của Đảng trong việc xác lập một quan hệ phân phối công bằng tư liệu sản xuất, với việc triển khai những quan điểm ấy trong thực tiễn đã đóng vai trò cho giải phóng lực lượng sản xuất, và cũng từ thực tiễn ấy tiếp tục phản ánh vào quan điểm mà Đại hội XI của Đảng về xây dựng“nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(9).

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khoá VII), Nxb Chính trị quốc gia,  Hà Nội, 1994, tr.47.

 (2) Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.36-37.

 (3) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.29.

 (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.103.

 (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.100.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.80, 187.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.74, 70.

 

PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền