Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII - sự phát triển toàn diện và sáng tạo đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
Thứ hai, 15 Tháng 9 2014 11:22
82403 Lượt xem

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII - sự phát triển toàn diện và sáng tạo đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

(LLCT) - Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đi vào cuộc sống 15 năm, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng tình ủng hộ, được cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện. Có thể nói, nó không chỉ là một văn kiện mang tính đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, mà còn thể hiện tư duy lý luận văn hóa một cách toàn diện và sâu sắc trong giai đoạn cách mạng mới. Thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong 15 năm qua đã gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu để bổ sung và phát triển tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI tới đây.
 

Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam được xác định tại Đề cương văn hóaViệt Nam(1943): “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)”; “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa…”; “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(1) và “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội…”(2); “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”(3). Mục tiêu trước mắt mà Đề cương văn hóa Việt Nam đề ra là xây dựng nền văn hóa mới dân tộc, khoa học, đại chúng và mục tiêu lâu dài là xây dựng “văn hóa xã hội chủ nghĩa”(4). Muốn xây dựng nền văn hóa dân  tộc, khoa học, đại chúng phải nắm vững ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đường lối ấy được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội, hội nghị Trung ương từ khóa I đến khóa VIII. Nhưng có thể nói đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) mới là văn kiện đánh dấu sự phát triển toàn diện đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Sự phát triển toàn diện ấy được thể hiện ở các điểm chủ yếu sau đây:

Từ nhận thức văn hóa, bao gồm tư tưởng, học thuật, nghệ thuật (Đề cương văn hóa Việt Nam 1943) đến văn hóa bao gồm: tư tưởng, đạo đức, lối sống, khoa học, giáo dục - đào tạo, thông đại chúng, văn học - nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng…

Từ nền văn hóa mới: dân tộc, khoa học, đại chúng; dân tộc là hình thức, tân dân chủ là nội dung (1943); là nền văn hóa “có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc”(5) (1982) đến nền văn hóa mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn (Hiến pháp 1992) và xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII - 1998).

Từ quan niệm “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” (1943); cách mạng tư tưởng - văn hóa là động lực (Đại hội IV) đến văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII).

Từ ba nguyên tắc vận động cách tân văn hóa: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa (1943); tiến hành cách mạng XHCN trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội: kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước; “tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”(6). “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”(7) (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII).

Từ định hướng chỉ đạo: “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”, văn hóa là một trong ba mặt trận, các nhà báo, đội ngũ văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy đến năm quan điểm chỉ đạo:

- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

-Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”(8).

Từ nhiệm vụ văn hóa là: giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng đấu tranh với tư tưởng phi vô sản (Đại hội I)(9), giáo dục, động viên văn hóa thật sự tham gia kháng chiến, đào tạo nhân tài và cán bộ (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1948), “Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học… phát triển văn hóa” (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai mươi, tháng 4-1972)(10), giáo dục tư tưởng XHCN, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ khoa học - kỹ thuật, sức khỏe và tay nghề của người lao động, mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thanh, truyền hình…(11) (Hội nghị Trung ương 2 khóa IX), phát triển đầy đủ thành 10 nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, từ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới, xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; phát triển văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo đến củng cố, xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII).

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu lên bốn giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa:

- Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

- Xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa.

- Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa.

- Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

Như vậy, Nghị quyết đã bổ sung và phát triển toàn diện đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, phù hợp với xu hướng phát triển tiến bộ của thời đại từ quan niệm về văn hóa, vị thế, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII không chỉ phát triển toàn diện mà còn phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng tiến bộ của nhân loại về văn hóa, về xây dựng và phát triển nền văn hóa trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Sự phát triển sáng tạo ấy được thể hiện đậm nét ở những quan niệm, tư tưởng chủ yếu như sau:

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đưa ra mô hình văn hóa XHCN nhưng cũng nêu lên tính chất của nền văn hóa là phải kết hợp giữa cái truyền thống với cái hiện đại, giữa cái dân tộc và cái quốc tế trên nền tảng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.

Từ những ý tưởng ban đầu của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra mô hình văn hóa XHCN để hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mô hình văn hóa với hai đặc trưng cơ bản: tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc đã hàm chứa được tất cả những gì tốt nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất, nhân đạo nhất của văn hóa Việt Nam, phù hợp với sự tiến bộ văn hóa của nhân loại. Đây là sự phát triển sáng tạo lý luận văn hóa mácxít của Đảng ta và khắc phục được hạn chế trong nhận thức xem bản sắc văn hóa dân tộc là hình thức.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) không chỉ xác định mô hình mà còn làm sáng tỏ đặc trưng của một nền văn hóa tiên tiến và đặc trưng của bản sắc dân tộc. Cốt lõi của nền văn hóa tiên tiến là “lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên”[1](12), tiên tiến không chỉ ở nội dung tư tưởng mà còn tiên tiến trong cả hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc văn hóa Việt Nam là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo(13).

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là luận điểm mới mẻ, sáng tạo nói lên mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và sự phát triển, nhấn mạnh vị thế, vai trò của văn hóa đối với chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội là quan niệm mới mẻ và sáng tạo của Đảng ta bổ sung vào lý luận văn hóa mácxít. Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển cũng là sự phát triển sáng tạo trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Mác: chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị; văn hóa vô sản = chủ nghĩa cộng sản của Lênin và văn hóa là “hệ quy chiếu” của sự phát triển (theo UNESCO). Văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chính là bổ sung vào tư tưởng mácxít về vai trò của các hình thái ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội, khoa học, giáo dục là động lực của lịch sử. Văn hóa là yếu tố nội sinh, là động lực của sự phát triển.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam và môi trường văn hóa.

Con người theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(14). Con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, vừa là chủ thể của tiến trình lịch sử, nó gắn với những điều kiện lịch sử nhất định, một phương thức sản xuất, một dân tộc nhất định. Với ý nghĩa ấy, con người cũng vừa là chủ thể của văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa. Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người XHCN. Thế nhưng trong thời gian khá dài, mối quan hệ giữa con người và văn hóa chưa được đề cập một cách khoa học, trong đường lối thường tách xây dựng con người mới và nền văn hóa mới. Từ thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã khắc phục những khiếm khuyết nêu trên, đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh như là một hệ quả tất yếu từ biện chứng giữa con người và văn hóa theo quy luật nhân quả. Việc bổ sung vào lý luận văn hóa mácxít thuật ngữ môi trường văn hóa và xác định đặc trưng của con người mà chúng ta hướng tới xây dựng, chính là sự phát triển sáng tạo đường lối văn hóa của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Không tách rời hệ tư tưởng với văn hóa, xem hệ tư tưởng là cái cốt lõi của văn hóa, xây dựng tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa cơ bản, thường xuyên và lâu dài của sự nghiệp văn hóa, là điểm mới, sáng tạo trong sự phát triển đường lối văn hóa.

Hồ Chí Minh luôn xem công tác tư tưởng là công tác hàng đầu của Đảng. Theo Người, tư tưởng có thống nhất thì hành động mới thống nhất, tư tưởng và hành động có thống nhất thì mọi việc cách mạng mới thành công. Đảng ta không tách rời cách mạng tư tưởng và cách mạng văn hóa, xem tư tưởng, học thuật, nghệ thuật nằm trong phạm trù văn hóa (Đề cương văn hóa 1943) và ngay từ Hội nghị Trung ương 3 (khóa III) đã xác định: “Cùng với đà phát triển của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên mặt trận kinh tế, cần xúc tiến sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật”(15).

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII từ những quan điểm nêu trên đã phát triển một cách sáng tạo đường lối xây dựng và phát triển văn hóa: xem việc xây dựng tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, cấp bách và lâu dài của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Từ đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam đến quan điểm nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc mới được cụ thể hóa một cách lôgíc, sáng tạo. Từ quan điểm chỉ đạo: nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cũng từ quan điểm chỉ đạo cơ bản này để xác định nhiệm vụ mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam là bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Tính thống nhất theo tinh thần Nghị quyết là thống nhất ở hệ tư tưởng, ở những giá trị phổ biến, vững bền, đặc trưng cho cả nền văn hóa Việt Nam; bảo tồn, phát huy không tách rời phát triển văn hóa, bởi đậm đà bản sắc phải gắn với cái hiện đại, cái tiên tiến.

Điểm mới trong sự phát triển sáng tạo đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là đã xác định rõ ràng, cụ thể chủ thể lãnh đạo và chủ thể xây dựng nền văn hóa.Chủ thể lãnh đạo sự nghiệp xây dựng nền văn hóa là Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ thể xây dựng là toàn dân, trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chính sách trên lĩnh vực văn hóa: chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, bảo tồn các di sản văn hóa, khuyến khích sáng tạo văn hóa mới, chính sách hợp lý trong hưởng thụ, tiêu dùng các giá trị văn hóa, chính sách đối với nghệ nhân, xã hội hóa hoạt động văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, cho nên giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, mang tính đột phá là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, gắn chặt phong trào thi đua yêu nước với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là giải pháp, bao gồm nhiều biện pháp để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, từ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống đến xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, đơn vị văn hóa, môi trường văn hóa; từ phong trào xóa đói giảm nghèo, người tốt, việc tốt, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đến phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại…

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã phát triển toàn diện, sáng tạo đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam, song ở một nghị quyết, cùng một lúc không thể đề cập một cách đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực văn hóa. Chẳng hạn như đặc trưng mô hình văn hóa: tiên tiến là yêu nước và tiến bộ; đậm đà bản sắc, nhiệm vụ cụ thể chưa đề cập đến lĩnh vực thể dục, thể thao; giải pháp xây dựng tư tưởng, đạo đức vẫn còn chung chung; vận dụng quy luật và tính quy luật trong sự phát triển văn hóa mới chú trọng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, còn mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, văn hóa với các lĩnh vực xã hội khác, với môi trường chưa thật đậm nét; chưa nêu được nội dung và giải pháp để xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam hiện đại…

Những hạn chế đó, đã được Hội nghị Trung ương 10 khóa IX và Đại hội X của Đảng bổ sung toàn diện hơn, đầy đủ hơn: “Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”(16)[1]; “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa”(17)

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đi vào cuộc sống 15 năm, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng tình ủng hộ, được cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện. Có thể nói, nó không chỉ là một văn kiện mang tính đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, mà còn thể hiện tư duy lý luận văn hóa một cách toàn diện và sâu sắc trong giai đoạn cách mạng mới. Thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong 15 năm qua đã gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu để bổ sung và phát triển tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI tới đây.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1), (2), (3), (4), (5), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.43,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 316, 318, 318, 319, 98,484.

(6) Sđd, t. 51, tr. 135-136.

(7), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương  khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.54-55, 56, 98.

(8), (9), (10), (11) Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương (1930-2002), Nxb Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 1408-1410, 106, 622, 751-752.

(14) C.Mác - Ph.Ănghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.11.

(16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 178-179, 213.

 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền