Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà văn hoá chính trị
Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 11:59
4476 Lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà văn hoá chính trị

(LLCT) - Kể từ ngày bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố và toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đã qua chặng đường 45 năm. Đất nước đã phát triển toàn diện và lớn lao. Qua thực tế lịch sử và sự phát triển của nhận thức bởi thời gian, càng sáng giá trị lâu bền của Di chúc về nhiều phương diện, thể hiện tầm vóc to lớn về trí tuệ, nhân cách cao đẹp của một Danh nhân văn hoá kiệt xuất.

 

Trong các quyết định chính trị, ở Hồ Chí Minh đều có dấu ấn sâu đậm của một nhà văn hoá (Ảnh: Tư liệu)

 

Những điều được viết trong Di chúc là tất cả tình cảm của Người - một con người có trái tim, tâm hồn mang tính dân tộc và nhân loại sâu sắc, nồng nàn trước khi “từ biệt thế giới này để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”; là những suy nghĩ, những trăn trở, những đề xuất đạt đến trình độ tư tưởng về kế sách giữ nước và dựng nước có tính lâu bền của dân tộc, một thể chế chính trị. Di chúc cũng đề cập đến “việc riêng”, nhưng chỉ vỏn vẹn trong 79 chữ, để trở thành định hướng cho hành động của mọi người với tư cách là con người văn hoá.

Trong số các nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn trên thế giới, chỉ một số ít được tôn vinh, được thừa nhận là Lãnh tụ, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá. Và rất ít người được ghi nhận vừa là Anh hùng giải phóng dân tộc vừa là Danh nhân văn hoá. Các phẩm chất cao quý nhất của con người được hội tụ, Người là Anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Các phẩm chất cao đẹp đó chi phối nhận thức, tình cảm và hành động của Nhà văn hoá - chính trị, và hành trang văn hóa là cái có trước, là bệ đỡ để Người trở thành lãnh tụ chính trị vĩ đại của dân tộc. Đó là những giá trị văn hoá được Người tiếp thu, tích hợp lại trở thành tài sản cá nhân qua giáo dục của gia đình, qua tiếp thu truyền thống quê hương, qua học tập và tự học tập và nhất là qua trải nghiệm trực tiếp cuộc sống, lao động của bản thân. Các giá trị văn hoá đó, được quy tụ xoay quanh vấn đề con người, quê hương, đất nước mà rộng lớn nhất là nhân loại, hình thành một nhân sinh quan, một thế giới quan vì con người, thôi thúc sự nghiệp hoạt động vì con người.

Thực tế là, trong hoàn cảnh, điều kiện của con một phó bảng tri huyện, dù là quan tri huyện thanh liêm thì vẫn thuận lợi hơn so với nhiều cá nhân khác cùng thời, song Nguyễn Tất Thành đã không lựa chọn con đường thuần tuý vốn là mơ ước của nhiều người, mà quyết chí ra đi tìm một con đường khác đầy chông gai, biến cố để phục vụ đồng bào mình. Chính ông Bùi Quang Chiêu, trên cùng chuyến tàu đã hỏi Nguyễn Tất Thành: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn nghề khác, danh giá hơn”(1). Nguyễn Tất Thành đã chấp nhận làm chân phụ bếp với mục tiêu “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(2). Đó là sự khởi đầu cho hành trình bôn ba 30 năm, để giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, hành trang văn hoá nhân văn mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tình yêu thương đồng bào mình bị giày xéo, nô dịch là động lực nâng bước Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Những động lực văn hóa, nhân văn đã thôi thúc Người trên hành trình hoạt động cách mạng trở thành một nhà chính trị chuyên nghiệp. Điều này cũng lý giải vì sao Hồ Chí Minh lại nhanh chóng xác định và đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin như Người đã bộc bạch rằng “Lúc đó ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không hiểu thế nào là Công hội, thế nào là bãi công, thế nào là chính đảng”(3).

Với hành trang nền tảng văn hoá, qua thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, một lần nữa, văn hoá ở Người được phát lộ, có thể tích hợp nhiều giá trị văn hoá của các dân tộc trên thế giới để hoàn thiện nhân cách văn hoá của mình.

Sau khi đã trải nghiệm thực tế các nước phương Tây, tìm hiểu các nền văn hóa học thuyết, chính trị, Người đã chọn con đường đi cho dân tộc, để cứu dân, cứu nước đó là phải tiến hành cách mạng và chỉ có cách mạng vô sản là đến nơi, triệt để vì “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Hiểu rồi, tin tưởng vững chắc vào lựa chọn, Người đi đầu trong cuộc cách mạng ấy, trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Với hành trang văn hoá được tích hợp, được làm giàu bởi các giá trị của quê hương, đất nước và nhân loại, Hồ Chí Minh tham gia hoạt động chính trị và trở thành một nhà văn hoá chính trị. Chính hành trang văn hoá đó là nền tảng, bệ đỡ, và chi phối nhận thức, tình cảm và cả hành động chính trị của Người, thể hiện qua những sự kiện, những suy tư và quyết định chính trị của Người.

Trong nhận thức chính trị, các quyết định chính trị, ở Hồ Chí Minh đều có dấu ấn sâu đậm của một nhà văn hóa. Yêu chuộng hoà bình và suốt đời phấn đấu vì mục tiêu ấy, vì vậy Người dẫn dắt toàn dân tộc trên con đường đấu tranh, đứng dậy tiến hành cuộc cách mạng, kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm. Phải vũ trang chiến đấu là quyết định khó khăn, sự lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp hoà bình đã không còn tác dụng. Không những thế, khi lựa chọn công cụ để thực hiện mục tiêu, Người thường lựa chọn giải pháp ít gây tổn thất nhất sinh mạng của đồng bào, đồng chí, thậm chí cả đối với những người bên kia chiến tuyến. Hồ Chí Minh mang trong mình giá trị nhân văn của dân tộc, với hình ảnh của vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa, Nguyễn Trãi khi tuyên ngôn về phương châm kháng chiến chống xâm lược Minh, Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Ở Người, đức khoan dung, một trong những giá trị trụ cột của văn hóa, được trầm tích, phát lộ không chỉ khi cách mạng thuận lợi mà cả khi cách mạng khó khăn. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh luôn khoan thứ với tù binh, với những người là nạn nhân, những người vì lý do gì đó đi ngược lại với cách mạng, phân biệt rạch ròi kẻ chủ mưu và người bị cưỡng bức, phân biệt giữa nhân dân lao động với các thế lực thực dân, đế quốc; có tình cảm vô cùng chân thành với những thân phận đau khổ trên toàn thế giới... Ngưởi trở thành Danh nhân văn hoá kiệt xuất, được nhân loại tôn vinh là nhờ vậy.

Bản Di chúc thiêng liêng, đã trở thành di sản có giá trị lâu bền cho dân tộc và nhân loại, thấm đẫm các giá trị văn hoá, các giá trị văn hoá chính trị của một nhà văn hoá chính trị kiệt xuất, với tính văn hoá chính trị sâu sắc và mẫu mực, đề cập những vấn đề cốt lõi nhất của con người, của cách mạng. Các vấn đề ấy được trăn trở, suy nghĩ, và ghi lại trong Di chúc. Về phương diện văn hoá chính trị trong Bản Di chúc có thể nêu một số điểm chủ yếu sau đây:

Ngay trong phần đầu của Di chúc, Bác viết rằng, “để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Ở đây, giá trị văn hóa chính trị thể hiện ở chỗ, Bác viết Di chúc không chỉ là tâm thư của một người, để dặn dò trước khi rời xa thế gian mà còn vì để đồng bào cả nước, các đồng chí trong Đảng, bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột. Và, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm cao của Bác về những suy nghĩ của mình, về con người và sự nghiệp cách mạng.

Tiếp theo phần mở đầu, Di chúc đề cập các vấn đề trọng yếu liên quan đến con người đang tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược và những vấn đề mà cách mạng cần giải quyết liên quan đến con người. Ngay trong vấn đề đầu tiên, “Trước hết nói về Đảng” cũng thấm đẫm tình cảm đồng chí, tình cảm giữa con người với con người và trách nhiệm của Đảng đối với con người. Bác đề nghị, Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu nhau.

Như vậy, ngay trong hoạt động chính trị của Đảng, tình cảm giữa con người với nhau cũng trở thành hạt nhân trong nhân sinh quan chính trị của Bác.

Tiếp theo vần đề về Đảng, Bác đề cập đến các vấn đề về thanh niên, nông dân, phụ nữ, các cháu thiếu niên và nhi đồng… Trong tư tưởng chính trị của Người, kế sách để bảo vệ và phát triển đất nước đều được đề cập trên trên cơ sở những hạt nhân của chủ nghĩa nhân đạo - tư tưởng vì con người.

Trong bản thảo bổ sung Di chúc được viết vào tháng 5-1968, Người đề nghị, sau khi chiến tranh kết thúc, ngoài việc phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh là công việc chỉnh đốn Đảng “nhằm làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Mặc dù đề cập vấn đề của đảng chính trị nhưng nội dung văn hoá là cốt lõi. Nội dung đó là sợi chỉ đỏ xuyên qua các tư tưởng chính trị của Người, biểu hiện thông qua việc lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, tự nguyện trở thành người cộng sản, qua những phẩm chất chính trị, đạo đức mà người theo đuổi và giáo dục cán bộ cách mạng phấn đấu noi theo. Đó là các giá trị tiêu biểu, nhất quán: cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, là công bộc của nhân dân… “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng mệnh của quốc dân mà ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(4).

Sự nhất quán sâu sắc được thể hiện trong Di chúc, khi nói về việc riêng, Người vô cùng thanh thản, dự liệu về những điều sẽ diễn ra ở phía trước. Về việc riêng, Người đề nghị “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng limh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người yêu cầu thi hài của Người được hoả táng, được chôn cất trên đồi mà không cần bia đá, tượng vàng…

Với việc riêng là vậy, song khi nói về việc chung, “Đầu tiên là công việc đối với con người”, Bác lại rất nghiêm cẩn và chi tiết. Bác không chỉ quan tâm đến các lực lượng đã trực tiếp hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, gợi ý về phương thức, biện pháp nhằm tiếp tục động viên, tổ chức các lực lượng ấy trong sự nghiệp phát triển đất nước mà còn quan tâm cả những đối tượng được Người xem là nạn nhân của chế độ cũ. Theo Người, “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Di chúc là bức tâm thư của một nhà văn hoá chính trị lỗi lạc mà ngôn từ và tư tưởng đã vượt khỏi khuôn khổ của một tư duy chính trị thuần tuý, đạt đến tầm phổ quát của chủ nghĩa nhân đạo hiện đại. Đó là sự tích hợp, sự vượt gộp các giá trị văn hoá chính trị Việt Nam truyền thống vốn được nuôi dưỡng bởi tư tưởng trọng dân, thân dân và các giá trị nhân đạo của nhân loại. Đúng như ông Modagat Ahmet, Giám đốcUNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của UNESCO tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá lớn” tổ chức tại Hà Nội tháng 3-1990 đã khẳng định, “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng ra khỏi trái đất này(5).

Đã 45 năm qua, đất nước ta đã có những bước tiến dài trong hành trình phát triển. Thực hiện tâm nguyện của Bác, Đảng ta và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự nghiệp đổi mới đã thu được thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, nhiều nội dung Bác di huấn đã được thực hiện trên thực tế. Cũng còn nhiều điều Bác căn dặn còn phải nỗ lực phấn đấu, thực hiện. Tuy nhiên, trong hành trình phát triển của dân tộc, trong một bộ phận cán bộ đảng viên, các giá trị văn hoá chính trị của cách mạng phai nhạt; trong cơ chế thị trường, tư tưởng vì con người, vì dân tộc và nhân loại, tư tưởng trọng dân, thương dân, dưỡng dân của Bác có khi bị lãng quên. Vì vậy, thiết thực nhất là tự thanh lọc tâm hồn, nâng cao trí lực và hành động theo tấm gương và nhân cách Hồ Chí Minh.

__________________________

(1), (2), (3) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr.11, 14, 30

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.161, 162

(5) UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá lớn”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 22

                                                                     PGS,TS Hồ Trọng Hoài

                                                        Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền