Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới
Thứ năm, 07 Tháng 5 2015 15:39
11258 Lượt xem

Quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Hoạch định, bổ sung và phát triển đường lối đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cần kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao và hội nhập quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho đất nước, nâng cao thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế.

 

Tình hình thế giới và đất nước từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX có sự chuyển biến sâu sắc. Quan hệ chính trị quốc tế đổi thay và tác động mạnh mẽ đến chiến lược đối ngoại của các quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh đó, Đại hội VI của Đảng (12-1986), đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, trong đó, nhiệm vụ và chính sách đối ngoại được Đại hội VI xác định là: Ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Những điểm mới về tư duy đối ngoại tại Đại hội VI là: đã đúc rút những bài học về sự cần thiết phải đổi mới phương cách tập hợp lực lượng “phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới”; nhận thức được xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế, xã hội khác nhau, để từ đó “sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế và khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).

Cụ thể thể hóa quan điểm đối ngoại tại Đại hội VI, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13/NQ-TW Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Nghị quyết xác định phương châm “lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”(2); quan điểm chỉ đạo trong quan hệ quốc tế là “thêm bạn, bớt thù”, ra sức tranh thủ các nước anh em bầu bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, làm thất bại âm mưu bao vây, cô lập ta về kinh tế, chính trị; kiên quyết chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình; tranh thủ sự phát triển của cách mạng khoa học - kỹ thuật và xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới để tranh thủ vị trí có lợi nhất trong phân công lao động quốc tế; kiên quyết mở rộng quan hệ và đang dạng hóa quan hệ hợp tác quốc tế.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng về nhiều vấn đề then chốt thuộc lĩnh vực đối ngoại như: Nhận định về tình hình thế giới và xu thế quốc tế; về quan hệ chính trị quốc tế đương đại; về mục tiêu đối ngoại; về an ninh và phát triển; về đoàn kết quốc tế và tập hợp lực lượng trong hệ quốc tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khẳng định: “Nghị quyết 13 về đối ngoại của Bộ Chính trị là một cuộc đổi mới mạnh mẽ tư duy trong việc đánh giá tình hình thế giới, trong việc đề ra mục tiêu và chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của ta”(3).

Đảng ta xác định phương châm mở rộng quan hệ đối ngoại “thêm bạn, bớt thù” là một trong những nhiệm vụ cấp bách, không để các vấn đề cục bộ, tạm thời, thứ yếu cản trở việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết quốc tế phù hợp với tình hình mới; đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đẩy lùi từng bước chính sách bao vây, cấm vận đối với Việt Nam; xác định cách đóng góp tốt nhất và thiết thực nhất lúc này vào cách mạng thế giới là thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, làm cho Việt Nam ngày càng ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, xã hội, mạnh về quốc phòng và an ninh.

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, từ năm 1986 đến 1990, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế, đối ngoại chính trị. Kết quả bước đầu đạt được trong những năm cuối thập niên 80 có ý nghĩa quan trọng là đã giải tỏa được tình trạng đối đầu, thù địch, mở cửa giao lưu hợp tác với bên ngoài, tạo được vị thế mới cho đất nước trong quan hệ quốc tế.

Bước vào thập niên 90, tình hình các nước XHCN Đông Âu diễn biến phức tạp, Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo, chế độ chính trị thay đổi. Trong hoàn cảnh đó, Đại hội VII của Đảng (6-1991) xác định trọng tâm của công tác đối ngoại là: “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(4).

Những điểm mới về chủ trương và phương châm đối ngoại: Một là, khẳng định mạnh mẽ chủ trương hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; Hai là, phương châm đối ngoại “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”; Ba là, khẳng định quan điểm “sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các Đảng Xã hội - Dân chủ”; Bốn là, xác định nhiệm vụ chỉ đạo lĩnh vực đối ngoại là “tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, bảo vệ sản xuất, kinh tế và an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc”(5).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội xác định phương hướng cơ bản về đối ngoại của Việt Nam là: “thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(6).

Triển khai đường lối đối ngoại do Đại hội VII đề ra, đến giữa thập niên 90, Việt Nam đã phá được thế bao vây, cô lập; mở rộng quan hệ quốc tế trên phạm vi rộng lớn. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn, kể cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và cũng lần đầu tiên Việt Nam gia nhập một tổ chức khu vực là ASEAN, mà trong đó các thành viên không cùng chế độ chính trị, xã hội với Việt Nam; bình thường hóa quan hệ với Mỹ,v.v..

Từ phương diện lý luận và kết quả thực tiễn 10 năm đổi mới, Đại hội VIII của Đảng (1996) xác định nhiệm vụ đối ngoại là: Củng cố môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, CNH, HĐH đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội(7).

Đại hội VIII khẳng định: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và tranh chấp bằng thương lượng(8). Đại hội nêu rõ chủ trương tiếp theo việc gia nhập ASEAN và chuẩn bị cho việc tham gia Khối mậu dịch tự do (AFTA), cần xúc tiến tham gia APEC và WTO.

Tháng 12-1997, Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII ra Nghị quyết Về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để CNH, HĐH, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội đến năm 2000, khẳng định kiên trì đường lối kinh tế đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở. Một trong những chính sách lớn là trên cơ sở phát huy nội lực, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài; tích cực, chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế. Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO. Có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện các cam kết trong khuôn khổ AFTA.

Đó là những nội dung quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong quá trình hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng trong những năm cuối thế kỷ XX và chuẩn bị tiền đề bước vào thế kỷ XXI.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ đối ngoại của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp, với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức: cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục có bước phát triển nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; xu thế toàn cầu hóa đã lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh trạnh và tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế… Ở trong nước, sau 15 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; uy tín và vị thế trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy vậy, Việt Nam cũng phải đối phó với nhiều thách thức như sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệnh hướng XHCN; các thế lực thù địch, phản động thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

Đại hội IX của Đảng (4-2001) nhận định tổng quát sau 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội (1991-2000): “Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội; phá được thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đại hội xác định nhiệm vụ đối ngoại là: “Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia…”(9).

Đại hội IX đã phát triển phương châm “Việt Nam muốn là bạn với các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” của Đại hội VII thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(10).

Với phương châm này, lần đầu tiên Đảng đề ra chủ trương “xây dựng quan hệ đối tác” trong đường lối đối ngoại. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng, bởi mô hình quan hệ đối tác chiến lược được coi là mô hình hợp tác ở mức độ cao và quan trọng hơn so với hợp tác quốc tế thông thường.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07 NQ/TW (27-1-2001) Về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam vào các thể chế kinh tế trước hết là AFTA và sau đó là WTO trên tinh thần “phát huy tối đa nội lực”. Nghị quyết 07 xác định một số quan điểm chỉ đạo: Một là, hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, phải phát huy tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế; Hai là, hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức; Ba là, có kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế; Bốn là, kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, cảnh giác với những âm mưu thông qua hội nhập để thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam.

Nghị quyết là “kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trên con đường hội nhập, một con đường không ít chông gai mà chúng ta phải vượt qua và nhất định vượt qua để giành lấy cơ hội cho phát triển”(11).

Nếu như chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là một chiến lược lâu dài được Đại hội IX xác định, thì những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước buộc Đảng phải liên tục có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Tháng 7-2003, Hội nghị Trung ương 8 khóa IX ra Nghị quyết Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết xác định độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu cơ bản của cách mạng và cũng là  lợi ích căn bản của quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục chủ trương “lấy việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”(12).

Nghị quyết thể hiện những nhận thức mới của Đảng về nguyên tắc xác định đối tác và đối tượng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của Việt Nam; bất kể lực lượng nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh…

Như vậy, Nghị quyết đã xác định nguyên tắc và phương thức đối ngoại của Việt Nam với tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Tôi tin đây là Nghị quyết đi vào lịch sử bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình như Nghị quyết 15 trong chiến tranh chống Mỹ”(13).

Đến năm 2006, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 57 nước, nâng tổng số quốc gia có quan hệ chính thức lên 169 nước và có quan hệ buôn bán với 224/255 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ.

Đại hội X của Đảng (4-2006), khẳng định phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng  kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Đại hội đã nêu chủ trương lớn về mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội X đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Thứ nhất, khẳng định việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển (bổ sung cụm từ hòa bình, hợp tác và phát triển); Thứ hai, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế (coi đa phương hóa, đa dạng hóa là đặc trưng của chính sách đối ngoại rộng mở); Thứ ba, nhấn mạnh yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ với tinh thần “chủ động” mà còn phải “tích cực”, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác; Thứ tư, quan điểm của Đại hội X vừa tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung ương 4 khóa X (15-1-2007) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trên cơ sở quan điểm biện chứng, phát triển, Trung ương Đảng cho rằng những cơ hội, thách thức khi Việt Nam là thành viên của WTO có mối quan hệ, tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau.

Hội nghị Trung ương 9 khóa X (1-2009) một mặt khẳng định những thành tựu mà đối ngoại Việt Nam đã đạt được như trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mặt khác tiếp tục khẳng định thứ tự ưu tiên trong quan hệ quốc tế là “đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng, các tổ chức quốc tế và khu vực mà ta là thành viên”(14). Hội nghị Trung ương 9 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường ngoại giao nhân dân, thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa.

Đại hội XI của Đảng (1-2011) đề ra nhiệm vụ chủ yếu về đối ngoại đến năm 2015 là “mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”(15). So với nhiệm vụ đối ngoại được xác định tại Đại hội X: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, thì chủ trương đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XI đã thể hiện bước phát triển mới về tư duy, chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” lên “hội nhập quốc tế”- hội nhập toàn diện, đồng bộ từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh… Đây là bước ngoặt đổi mới về tư duy và chính sách đối ngoại của Đảng, là kết quả bước chuyển tư duy đối ngoại sang đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực.

Đại hội XI thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Về đối ngoại, Cương lĩnh có những điểm mới như: về đặc trưng, không giới hạn “quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới (như Cương lĩnh 1991), mà mở rộng hơn về đối tác “quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới; diễn đạt gọn và rõ hơn quan điểm, chủ trương đó là “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; định hướng phát triển đối ngoại được khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng và cụ thể, đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. 

Như vậy, đường đối ngoại rộng mở do Đại hội VI đề ra, được các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị từ khóa VI đến khóa XI tiếp tục bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế đã khẳng định vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đường lối đó đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Cũng từ đường lối đối ngoại đúng đắn đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương.

Trong thời gian tới, trước tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động khó lường, để tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hoạch định, bổ sung và phát triển đường lối đối ngoại cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Đảng phải giữ vững và phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, đồng thời luôn tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau và cùng có lợi.

Đường lối đối ngoại của Đảng phải kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam cần kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao và hội nhập quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi bật hơn cả là phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đường lối đối ngoại của Đảng phải kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho đất nước, nâng cao thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế.

_______________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.30-31.

(2), (3) Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy của chúng ta, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số 1, tháng 1-1990, tr.7, 9.

(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.88, 61-62.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51 (1991), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.134-136.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.120,120-121.

(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.119, 119-120.

(11) Phạm Quang Minh: Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam (1986-2010), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.111.

(12) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.46-47.

(13) Trả lời phỏng vấn Báo Vietnamnet ngày 8-1-2011: Dẫn theo: Phạm Quang Minh: Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam (1986-2010), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.117.

(14)ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.20.

(15)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.189.

 

ThS Lê Văn Phong

                                       Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền