Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thứ tư, 20 Tháng 5 2015 14:32
3539 Lượt xem

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc trên thế giới, đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người đã để lại cho đời sau di sản vô cùng to lớn, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã và đang soi đường thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

 

Quan điểm cơ bản, cốt lõi, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Nhân dân là nền tảng, sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự. Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An)”, ngày 17-9-1945, Người chỉ rõ: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(1). Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ công an: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được. Nhân dân có hàng triệu tai mắt. Nếu công an biết dựa vào nhân dân, thì nhân dân sẽ là người giúp việc rất đắc lực của công an”(2). Trong bài “Giữ gìn trật tự, an ninh” đăng trên Báo Nhân dânsố 236, ngày 9, 10-10-1954, Người nêu rõ: “Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân. Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”(3).

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sức mạnh to lớn của đoàn kết toàn dân tộc. Đây không chỉ là tư tưởng chiến lược, là nghệ thuật chính trị giành thắng lợi, mà còn là phẩm chất nhân văn, đại nhân, đại nghĩa của nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh. Trên Báo Việt Nam độc lập, số 117, ngày 1-2-1942, Người tổng kết: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên... Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(4).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc, nhất là trong bối cảnh đất nước ta luôn bị các thế lực đế quốc, phản động phá hoại, gây hận thù, chia rẽ, reo rắc tư tưởng kỳ thị dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải “Đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau như ruột thịt”(5). Đồng thời, Người mong muốn đồng bào các dân tộc: “Phải luôn luôn tỉnh táovà sẵn sàng giúp bộ đội và công an chống âm mưu địch chia rẽ và phá hoại”(6).

 Nhận rõ tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng cũng như âm mưu, hoạt động của các thế lực đế quốc, phản động luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để mê hoặc quần chúng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và lôi kéo tập hợp lực lượng chống phá cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(7). Người tha thiết kêu gọi: “Tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương”(8).

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phong trào là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Đây là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam; là cơ sở để phát triển nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Tại Hội nghị cán bộ ngành Công an ngày 29-4-1963, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân”(9), đồng thời “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, giáo dục cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc”(10).

Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cần xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đó là quyền lợi và nghĩa vụ để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng xã hội. Điều kiện tiên quyết để bảo đảm thắng lợi là vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, kết hợp sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân. Tại buổi nói chuyện với Đoàn Công an Cuba, ngày 9-8-1966, Người nêu rõ: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả. Do đó, công tác công an phải dựa vào quần chúng. Cũng giống như quân sự cũng phải dựa vào dân, công an cũng phải dựa vào dân. Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch, giấu địch những điều của ta. Nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật. Mắt để phát hiện địch. Tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên, cần có kỹ thuật, nhưng chủ yếu là phải dựa vào dân”(11). Người cho rằng: “Đối với quần chúng, vì trình độ quần chúng còn thấp, phải nói đơn giản, gọn. Ví dụ: trong thời kỳ hoạt động bí mật áp dụng khẩu hiệu 3 không - quần chúng hiểu và làm được, đồng thời phát huy sáng tạo của mình, ví dụ khi địch rải gio, căng dây để phát hiện cán bộ, thì quần chúng đã bảo vệ cán bộ và kẻ địch không phát hiện được cán bộ”(12). “Công an phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân. Như thế công tác mới có kết quả”(13).

Để phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có hiệu quả thiết thực, cần thường xuyên chăm lo hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Trong Thư khen Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Sở Công an Hà Nội, ngày 3-8-1966, Người nhấn mạnh: “Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”(14).

Trong khi nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở về phương pháp công tác, trong đó, sự tôn kính, tấm lòng yêu thương nhân dân là nguyên tắc, là đạo lý của người công an cách mạng. Phát biểu  tại Trường Công an trung cấp khóa 2, năm 1951, Người chỉ rõ: “Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”(15) và nhấn mạnh: “Phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”(16). Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị Về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, nêu rõ: “Hình thức thích hợp nhất và phổ biến nhất là tiến hành tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng để phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, động viên quần chúng tích cực tham gia đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an”. Thực tiễn cho thấy, lực lượng Công an càng tổ chức được nhiều hình thức thích hợp để động viên, lôi cuốn, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự thì nhân dân càng tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam từ nhiều hướng, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt nhằm gây mất ổn định chính trị, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn sống động, vẫn còn nguyên giá trị và là bài học quý báu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Công an nhân dân xác định rõ biện pháp vận động quần chúng là một trong bảy biện pháp công tác công an, làm nền tảng cho các biện pháp khác và toàn bộ hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong công tác vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xây dựng, củng cố, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, triệt xóa tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.20.

(2), (5), (8) Sđd, t.8, tr.119, 230, 285.

(3), (6) Sđd, t. 7,tr.363, 544.

(4) Sđd,t. 3, tr.216-217.

(7), (9) Sđd, t.11, tr.314, 55.

 (10) Sđd, t.10, tr.611.

(11), (12), (14)  Sđd, t.12, tr.117, 120, 114.

 (13) Sđd, t.9, tr.404.

 (15), (16) Sđd, t. 6, tr.366, 366.

 

Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền