Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ngoại giao văn hóa với vấn đề gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam
Thứ tư, 27 Tháng 5 2015 14:55
5161 Lượt xem

Ngoại giao văn hóa với vấn đề gia tăng “sức mạnh mềm” của Việt Nam

(LLCT) - Sức mạnh mềm là khả năng lôi cuốn, thu phục, cảm hóa người khác bằng sức hấp dẫn của các giá trị về văn hóa, về thể chế, chính sách được thực thi hiệu quả ở nước mình, thông qua đó mà nhận được cảm tình, sự nể phục và hợp tác bền vững của các nước khác.

Ngoài ba yếu tố cơ bản nói trên (các giá trị văn hóa quốc gia, thể chế quốc gia và chính sách quốc gia), sức mạnh mềm còn có thể được tạo lập bởi một số yếu tố khác nữa, ví như tốc độ phát triển kinh tế, hoặc danh tiếng, ảnh hưởng của những danh nhân quốc gia có tài năng, uy tín lớn…với nhân loại.

Chiến lược sức mạnh mềm chỉ được triển khai hiệu quả khi bản thân quốc gia đótạo ra đượcnhững giá trị đích thực, nhất là về văn hóa, được nhiều người thừa nhận, mến mộ và chia sẻ. Văn hóa là một lợi thế của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường và phát huy sức mạnh mềm của mình, bắt đầu từ văn hóa.

1. Tiềm năng sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, được thừa hưởng của cha ông những giá trị văn hóa tinh thần vô giá, có khả năng tạo ra sức mạnh mềm góp phần vào tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân ta đã nêu một tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần dũng cảm, trí tuệ sáng tạo,…trong chiến tranh. Nhờ đó, chúng ta đã thu phục được lòng yêu mến và cảm phục của nhân loại tiến bộ, yêu hòa bình, công lý, dân chủ và nhân đạo trên toàn thế giới.

Ở thời kỳ đó, chúng ta được coi là biểu tượng lương tâm, danh dự của thời đại, một dân tộc nhỏ dám kiên cường đương đầu, chống lại những đế quốc lớn, vì các mục tiêu cao cả: độc lập dân tộc, dân chủ, nhân quyền - mà cao nhất là quyền được sống trong độc lập, tự do, theo con đường lựa chọn của mình. Chính điều đó là sức mạnh mềm tạo nên lực hấp dẫn của Việt Nam.

Sức mạnh mềm của Việt Nam còn được thể hiện ởtinh thần khoan dung văn hóa. Con người Việt Nam không hẹp hòi, kỳ thị mà sẵn sàng thâu hóa những giá trị khác nhau của nhân loại (văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chămpa,…cũng như văn hóa phương Tây sau này) làm phong phú thêm văn hoá của mình.

Chẳng hạn, về chữ viết, chúng ta đã học chữ Hán, rồi dựa vào nó mà tạo ra chữ Nôm; rồi sau này sẵn sàng tiếp thu chữ cái Latinh. Về văn hóa tâm linh, người Việt đã có đạo thờ cúng tổ tiên, nhưng vẫn tiếp thu Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành,... Đó là sức mạnh mềm của Việt Nam: khả năng dung hóa, thâu hóa cái hay, cái tốt, cái đúng, cái đẹp của văn hóa nhân loại, để nâng cao và làm giàu cho văn hóa của mình.

Người phương Tây rất khâm phục và ca ngợi tinh thần bao dung, nhân ái của người Việt Nam. Chính các Tổng thống Mỹ Bill Clinton, G.W.Bush sang thăm Việt Nam cũng ngạc nhiên trước lòng khoan dung, hiếu khách của người Việt chúng ta, họ có được cảm giác thật sự an toàn, thoải mái khi đi dạo trên đường phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, với hơn 3.200 km bờ biển, lại nằm ở ngã tư đường giao thông hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây; tài nguyên thiên nhiên không nghèo nàn; nhân dân ta vốn có truyền thống lao động cần cùvàsức mạnh vượt khó đáng ngạc nhiên. Với dân số 90 triệu người, phần đông là lao động trẻ, năng động, có chí tiến thủ - một nguồn lao động đầy tiềm năng,…

Người Việt Nam thông minh và hiếu học. Chỉ số IQ và EQ cùng những giải thưởng giành được trong các kỳ thi quốc tế đã chứng minh điều này. Đó là một lợi thế của chúng ta. Ngày nay, nhân loại đã đạt được những thành tựu lớn lao về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Nhiều quốc gia lân bang vào nửa cuối thế kỷ trước vốn có trình độ phát triển không mấy hơn nước ta, thậm chí có mặt còn thua, nhưng do biết tận dụng cơ hội thời đại mang đến, họ đã bứt lên trong cuộc cạnh tranh, đem lại phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc mình.

Lịch sử mỗi nước tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn định hướng của các nhà lãnh đạo nước đó. Ông Lý Quang Diệu trong cuốn Bí quyết hóa rồng đã cắt nghĩa rõ bài học thành công của Singapore. Theo ông, Thắng cuộc đua trong giáo dục thì mới thắng cuộc đua trong kinh tế”.Hiện nay, chúng ta mới thật thấm thía bài học này. Kinh tế trì trệ, kém phát triển vì giáo dục quá lạc hậu, cũ kỹ cả về nội dung lẫn phương pháp, không nâng cao được chất lượng đào tạo.

Trong nội dung và phương pháp giảng dạy, ta thường chỉ chú trọng truyền thụ, áp đặt một chiều,không khuyến khích tư duy độc lập, không cho phép nêu phản đề, tranh luận, phản biện,… để tìm ra cái mới. 

Để tiến cùng thời đại, chúng ta phải bắt đầu lại từ giáo dục, phải thay đổi triết lý giáo dục, trên nền tảng đó mà xác định lại mục tiêu, cơ cấu lại nội dung, chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương châm, phương pháp dạy và học, nhanh chóng đưa giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng, tạo ra sức mạnh mới, làm thay đổi vị thế của đất nước.

Nêu ra một số điều như trên để muốn nói rằng sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam tuy dồi dào, nhưng hiện nay chủ yếu vẫn đang tồn tại ở thế tiềm năng, ta phải tìm cách làm cho nó trở thành hiện hữu.

2. “Ngoại giao văn hóa” góp phần phát huy sức mạnh mềm của đất nước

Một là, đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Sức mạnh mềm của một quốc gia được thể hiện trước hết ở sức thu hút, hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa của quốc gia đó, bao gồm các giá trị vật chất (hay giá trị tự nhiên, như phong cảnh, tài nguyên, môi trường…), giá trị tinh thần (hay giá trị nhân văn, như văn hóa, đạo đức, tôn giáo…) và giá trị con người (phẩm chất và năng lực của người dân, đặc biệt là vai trò của các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước,…). Những lợi thế này nếu biết phát huy tốt sẽ tạo nên thương hiệu quốc gia, có sức mời gọi đối với thế giới. Ví như, nói đến Ai Cập người ta nhắc tới Kim tự tháp; nói đến nước Pháp người ta nhắc đến tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, nói đến nước Nhật ta nhắc đến núi Phú Sĩ, hoa anh đào và trà đạo Nhật Bản; nói đến Trung Quốc là nhắc đến Vạn lý trường thành và những cảnh đẹp đã đi vào văn chương như: sương bến Phong Kiều, tuyết rơi Tây Hồ,…

Về di sản thiên nhiên, Việt Nam có nhiều phong cảnhvà danh thắng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên hàng đầu của nhân loại như vịnh Hạ Long, động Phong Nha, Kẻ Bàng, nước ta có nhiều bãi biển đẹp, có du lịch sinh thái sông rạch, miệt vườn Nam Bộ độc đáo…

Về văn hóa, chúng ta được thừa hưởng của cha ông một nền văn hóa đa dân tộc, phong phú về thể loại (cả dân gian lẫn bác học), trong đó một số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại (như kiến trúc cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, nhã nhạc, cồng chiêng,…). Nhưng được công nhận rồi không phải chỉ để bảo tồn, lưu giữ, mà cần tiếp tục được nâng cao, phát triển, đem ra quảng bá với thế giới, làm cho bạn bè hiểu biết và tìm đến với nền văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam có sức hấp dẫn với du khách, do khẩu vị Việt Nam gắn liền với sản vật nông nghiệp nhiệt đới, giúp cho các món ăn Việt Nam bổ dưỡng mà nhẹ nhàng, thanh nhã, rất hấp dẫn du khách nước ngoài.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, chủ yếu được thể hiện ở con người Việt Nam với sự thân thiện, cởi mở, có tinh thần bao dung, hòa hợp, không hẹp hòi, kỳ thị với những cái còn xa lạ đối với mình,…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa của đơn vị mình. Theo tôi, đây không phải là vấn đề của các bộ, các ngành và địa phương. Cái mà chúng ta đang thiếu hiện nay là một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia về quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, nghĩa là hiện vẫn chưa có một cơ quan, hay tổ chức nào được giao trách nhiệm đứng ra tập hợp những nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật,… của cả nước để xây dựng nên một chiến lược toàn diện trong cuộc đua tranh về sức mạnh mềm của văn hóa hiện nay.

Thí dụ ngành du lịch, hiện nay vẫn do từng địa phương đảm nhiệm, chủ yếu như một ngành kinh tế, một nguồn thu cho ngân sách địa phương, chứ chưa thực sự coi du lịch như một ngành văn hóa, có chức năng hàng đầu là quảng bá những giá trị của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, nó vẫn đang diễn ra một cách manh mún, sơ sài, nghèo nàn, thiếu một sự phối hợp, liên thông giữa các ngành với nhau.

Quan trọng hơn là cần chú trọng xây dựng hình ảnh con người Việt Nam hiện đại - với tư cách là “sứ giả” của văn hóa - để họ biết nên có, cần có thái độ như thế nào khi tiếp xúc với du khách nước ngoài hoặc khi đi ra nước ngoài (nụ cười thân thiện, lòng hiếu khách, sự giúp đỡ vô tư không vụ lợi, ngôn ngữ, y phục, cách ứng xử, giao tiếp,…) phải tỏ ra là người dân của một nước văn hóa.

Hai là, tăng cường sức mạnh mềm của “ngoại giao công chúng” để giúp họ cập nhật những thông tin đúng đắn về Việt Nam.

Ngoại giao công chúng khác với ngoại giao nhà nước ở chỗ nó không nhằm tác động đến các chính phủ; đối tượng mà nó hướng đến là công chúng, là các tổ chức phi chính phủ, tiếng nói của nó thể hiện sự đa dạng các quan điểm của cá nhân, như là một sự bổ sung vào quan điểm của chính phủ.

Ngoại giao công chúng có thể được tiến hành bằng nhiều con đường, nhưng trước hết cần tận dụng con đường truyền thông.

Chúng ta hiện có hơn 700 cơ quan báo chí, gần trăm đài phát thanh - truyền hình, trong đó có không ít được xuất bản và truyền hình bằng tiếng Anh, tiếng Trung,… Ta cần xúc tiến liên tục, bền bỉ các chương trình truyền thông (về văn hóa Việt Nam, về thực trạng Biển Đông, về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong lịch sử,…). Đó chính là một sức mạnh mềm để cải thiện hình ảnh và tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng các nước trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.

Người ta gọi thông tin - truyền thông là một hình thức “ngoại giao công chúng” (public diplomacy).

Thông tin là sức mạnh. Nhưng ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thông tin trở nên bội thực, trong đống hỗn độn ấy, người ta không biết tin vào cái gì, cái nào là giả, cái nào là thật? Cách đưa tin của thời chiến tranh lạnh đã mất chỗ đứng trong lòng tin người nghe. Chân thật, chính xác, đáng tin cậy phải trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu của sức mạnh mềm truyền thông, bởi chính trị là địa hạt giành giật lòng tin, các thông tin nếu quá thiên về tuyên truyền, thiếu sự khả tín quốc gia, không thể biến thành sức mạnh mềm.

Nội dung của “ngoại giao công chúng” còn được thực hiện thông qua hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế, các hội thảo khoa học, các khóa tập huấn, các chương trình tài trợ cho du học sinh, các cuộc trao đổi, giao lưu văn hóa - nghệ thuật,… với sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội, nghệ sỹ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi,… Trong các cuộc giao lưu, tiếp xúc với công chúng ở các nước sở tại thường diễn ra các cuộc phỏng vấn, tọa đàm, đối thoại hai chiều, trao đổi trong phạm vi hẹp, những thông tin công chúng họ thu được tại đây sẽ có tính thuyết phục hơn, trở nên đáng tin cậy hơn.

Ngoại giao công chúng sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu nó được thuyết phục bằng hành động, bởi hành động bao giờ cũng mạnh hơn mọi lời nói. Một thí dụ điển hình là Na uy, một nước chỉ có 5 triệu dân, không nằm ở trung tâm châu Âu, nhưng lại là một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế, đó là vì họ đã có những hoạt động đóng góp tích cực vào nền hòa bình trên thế giới, đóng góp đáng kể vào các quỹ viện trợ cho nhiều nước; là thường trực của các lực lượng giữ gìn hòa bình trên thế giới.

Việt Nam, tùy theo khả năng hiện nay, có thể từng bước tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, vào giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, cho quân đội tham gia cứu trợ, cứu nạn trên Biển Đông hay tham gia các lực lượng bảo vệ hòa bình của Liên Hợp quốc, v.v.. Thông qua những hoạt động đó, hình ảnh Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều trong con mắt của thế giới.

Việt Nam sẽ triển khai sức mạnh “ngoại giao văn hóa” của mình như thế nào? Để tạo ra sức mạnh mềm mới, có lẽ ta cần sáng suốt định vị lại mình là ai, đang ở vị thế nào trong thế giới hiện đại, cần phải thay đổi những gìđể có thể tái thu hút được sự yêu mến và cảm phục của nhân loại như một thời ta đã có? Đó là những câu hỏi cần đặt ra để giải quyết.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

 

GS Song Thành

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền