Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số nội dung về văn hóa trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Thứ tư, 27 Tháng 5 2015 15:12
2738 Lượt xem

Một số nội dung về văn hóa trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

(LLCT) - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tuy chưa đưa ra các giải pháp cụ thể cho vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, song nó đã phác thảo đường hướng lớn để đi đến đích văn hóa đích thực. Tư tưởng nhân văn là cốt lõi, xuyên suốt Tuyên ngôn. Đó là tư tưởng vì tự do, bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. 

 

1. Tư tưởng nhân văn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Tư tưởng nhân văn là cốt lõi, xuyên suốt Tuyên ngôn. Đó là tư tưởng vì tự do, bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Tư tưởng về sự giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, về những khát vọng tự do, bình đẳng, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đã được thể hiện trong văn học, lý luận, trong các triết thuyết như một dòng chảy liên tục từ thời cổ đại đến nay. Tuy nhiên, có thể nói rằng, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnvẫn là đỉnh cao của tư tưởng nhân văn chiến đấu. Đây là bản Tuyên ngônkhái quát nhất, tiêu biểu nhất về sự giải phóng con người, bản Tuyên ngônvề quyền con người theo nghĩa đầy đủ nhất, chân chính nhất của từ này. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnkhông phải ý tưởng giải phóng một giai cấp mà là lời tuyên bố sự giải phóng toàn nhân loại. Ở đây, không phải chỉ đơn thuần là sự khát vọng mà Tuyên ngôn đã chỉ ra con đường đi đến mục đích đó. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnchứng minh rằng, cuộc đấu tranh giai cấp đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi những cuộc đấu tranh giai cấp, đồng thời cũng chứng minh một cách khoa học rằng, chỉ có thời đại tư bản chủ nghĩa mới tạo được những tiền đề, điều kiện để thực hiện mục tiêu của loài người là xóa bỏ mọi hình thức áp bức bóc lột, nhưng không phải bằng cách thủ tiêu đấu tranh mà bằng cách tiến hành đấu tranh một cách tự giác. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc bằng hình thức phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

Quan điểm đấu tranh giai cấp của Tuyên ngônlà sự thể hiện sâu sắc, triệt để tư tưởng giải phóng con người và loài người khỏi mọi sự tha hóa. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnphân tích sâu sắc cuộc đấu tranh lâu dài để giành lại quyền con người, quyền làm người trong lịch sử nhân loại, xác định những giai đoạn quan trọng của cuộc đấu tranh giành quyền con người. Giai đoạn đầu tiên là đấu tranh giành chính quyền. Tiếp đó giai cấp vô sản sẽ xây dựng nhà nước kiểu mới, làm thay đổi nội dung giai cấp của dân chủ, của nhân quyền: Đây là dân chủ, nhân quyền cho giai cấp vô sản, cho đại đa số nhân dân lao động. C.Mác và Ph.Ăngghen đã kế thừa những giá trị nhân đạo truyền thống, nhất là các trào lưu tư tưởng XHCN không tưởng, hướng tới giải phóng những người lao động nghèo khổ, đồng thời, dựa trên cơ sở phân tích một cách khoa học sự phát triển của lịch sử xã hội đã đi đến khẳng định rằng thay cho xã hội tư bản, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

Tuyên ngôn đề cao quyền tự do cá nhân và bảo đảm quyền tự do của mỗi người như là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người trong xã hội. Vấn đề bảo đảm phát triển quyền con người ở mỗi cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm khai thác được động lực của mỗi con người cho xã hội. Tất nhiên, ở đây nói đến cá nhân con người là nói đến tổng thể nhu cầu và quan hệ cá nhân như một nhân cách, điều đó hoàn toàn khác với chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, con người là con người xã hội, dựa vào xã hội để tồn tại và phát triển và cũng chịu sự ràng buộc của mọi quan hệ xã hội. Do vậy, trong thực tế, mọi nhu cầu của cá nhân chỉ có thể hợp lý và được thỏa mãn khi đặt nó trong quan hệ với người khác, với cộng đồng xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể tự do cá nhân(1).

Như vậy, việc giải phóng cá nhân phải gắn liền với giải phóng xã hội. Sự phát triển tự do của mỗi người phải gắn liền với một chế độ xã hội nhất định, một nhà nước nhất định. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng một nhà nước, một xã hội thực sự vì con người. Tuyên ngôn đã phác họa ra những nét cơ bản của xã hội đó - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong xã hội đó không còn áp bức, bóc lột, không còn sự phân biệt giai cấp, mọi người đều tự do, bình đẳng. Tuyên ngôn đã đề cập đến hàng loạt quyền con người như quyền tự do, bình đẳng, quyền được lao động và hưởng thụ những thành quả lao động, quyền được quản lý xã hội, quyền học hành v.v... Đặc biệt, Tuyên ngônnêu lên quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng của phụ nữ và nhất là quyền của trẻ em trong xã hội mới: “Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,v.v..”(2). C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ rằng, muốn hiện thực hóa các quyền con người, trước hết phải khôi phục lại quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất cho những người lao động, coi đó là khâu then chốt của sự nghiệp giải phóng. Để thực hiện được mục tiêu ấy, đòi hỏi phải có sự đoàn kết trong công nhân và sự liên minh giữa giai cấp công nhân các nước trên thế giới.

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen nêu rõ rằng, CNCS không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. CNCS giải phóng mọi cá nhân khỏi xiềng xích của chế độ tư hữu tư sản và tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác; CNCS xóa bỏ hoàn toàn tình trạng dân tộc này nô dịch dân tộc khác, xóa bỏ tình trạng phụ nữ trở thành công cụ giản đơn của sản xuất, tình trạng người lao động bị biến thành một bộ phận của máy móc - tình trạng mà qua đó, con người phải hứng chịu một sự phát triển phiến diện, méo mó.

2. Dự báo về toàn cầu hóa văn hóa

Theo phân tích trong Tuyên ngôn, quốc tế hóa (hay là toàn cầu hóa) là sản phẩm của lịch sử, sản phẩm ở giai đoạn phát triển cao độ của lực lượng sản xuất, gắn liền với sự phát triển của CNTB, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ các mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Quốc tế hóa kinh tế kéo theo xu hướng quốc tế hóa đời sống văn hóa và chính trị. Tuyên ngôn nêu rõ: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(3).

Tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc, các nước, các khu vực trên thế giới trong tiến trình quốc tế hóa là một xu hướng tất yếu đã được Tuyên ngônnêu rõ. Đó là sự phụ thuộc của những nước dã man hay nửa dã man vào các nước văn minh, sự phụ thuộc của những dân tộc nông dân (những nước nông nghiệp) vào những dân tộc tư sản (những nước công nghiệp), sự phụ thuộc của phương Đông vào phương Tây. Tuyên ngônchỉ ra rằng, trong tiến trình thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau đó, “nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó”(4).

Những dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngônvề xu hướng toàn cầu hóa văn hóa đã được hiện thực chứng minh. Ngày nay, sự giao lưu và hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới ngày càng gia tăng. Sức lan tỏa và ảnh hưởng của toàn cầu hóa văn hóa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội là rất lớn. Nó được ví như “sức mạnh mềm”. Chính vì vậy, chú ý đến vấn đề này để xây dựng chiến lược phát triển văn hóa là điều hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Ngày nay, việc mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, nhằm tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, muốn không đánh mất mình thì phải có sách lược giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

3. Vấn đề đạo đức và đời sống tinh thần

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản phác họa một bức tranh toàn cảnh về xã hội, trong đó có vấn đề đạo đức và đời sống tinh thần. Dưới ngòi bút phân tích sắc sảo của C.Mác và Ph.Ăngghen, đạo đức của con người trong xã hội tư sản được phơi bày qua các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, dân tộc...

Tuyên ngôn cho rằng, mối quan hệ giữa người với người trong xã hội tư sản không có mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị. Những hoạt động thuộc lĩnh vực nhân văn xưa nay vẫn được xã hội trọng vọng thì trong xã hội tư sản đều trở thành thương mại hóa. Bác sỹ, luật gia, tu sỹ, thi sỹ, bác học đều trở thành người làm thuê cho giai cấp tư sản. Tuyên ngônnêu rõ: “tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo”(5).

Quan hệ giữa con người với con người trong xã hội tư sản là như vậy. Còn quan hệ gia đình trong xã hội tư sản thì sao? Tuyên ngônnêu rằng, giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần. Gia đình tư sản dựa trên cơ sở tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Chính vì thế, mọi quan hệ của gia đình tư sản hết sức ghẻ lạnh, không có sự tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình. Sự băng hoại đạo đức trong quan hệ vợ chồng, con cái tư sản trở nên phổ biến. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất. Cho nên nghe nói công cụ sản xuất phải được đem dùng chung thì tất nhiên là hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị xã hội hóa... Các ngài tư sản của chúng ta chưa thỏa mãn là đã sẵn có vợ và con gái của vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mãi dâm công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt”(6). Với một thực trạng quan hệ hôn nhân, gia đình như thế, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ bản chất hôn nhân của giai cấp tư sản là chế độ cộng thê.

Mối quan hệ gia đình của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản cũng được phác họa trong Tuyên ngôn: “Đại công nghiệp phát triển càng phá hủy mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm”(7). Qua Tuyên ngôn, chúng ta thấy rằng, xã hội tư sản đã làm biến dạng không những quan hệ gia đình tư sản, mà cả quan hệ gia đình vô sản. Tuyên ngônviết: “Người vô sản không có tài sản; quan hệ giữa anh ta với vợ con không còn giống một chút nào với những quan hệ gia đình tư sản”(8). Con cái trong gia đình vô sản thiếu sự chăm sóc và quan tâm của cha mẹ, bị bóc lột lao động khi chưa đến tuổi lao động; Các tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện rượu v.v... trở nên phổ biến. Còn về khía cạnh đời sống tinh thần, thì “Luật pháp, đạo đức, tôn giáo đều bị người vô sản coi là những thành kiến tư sản che giấu những lợi ích tư sản”(9). Như thế, quan hệ giai cấp trong xã hội tư sản là quan hệ đối kháng, thù địch dựa trên cơ sở những người này bóc lột những người kia.

Những nhận định của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề đạo đức và đời sống tinh thần trong xã hội tư sản trong Tuyên ngônlà điều chúng ta cần suy nghĩ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Tuyên ngôn tuy chưa đưa ra các giải pháp cụ thể cho vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, song nó đã phác thảo đường hướng lớn để đi đến đích văn hóa đích thực. Đó là tiến hành cuộc cách mạng CSCN, đoạn tuyệt với hệ tư tưởng của giai cấp bóc lột dựa trên chế độ sở hữu tư nhân. Các vấn đề giáo dục, gia đình, quan hệ giữa thành thị và nông thôn trong xã hội cộng sản cũng được Tuyên ngônmô tả theo hướng tiến bộ, dân chủ, bình đẳng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là nền giáo dục không mất tiền cho tất cả các trẻ em, là hình thức gia đình được duy trì bằng mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa vợ và chồng, giữa con cái với cha mẹ và không có nạn mại dâm; là sự bình đẳng và xích lại gần nhau giữa nông thôn và thành thị. Tuyên ngôncũng đặc biệt chú trọng vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc hình thành nhân cách, lối sống của con người trong xã hội mới. Một điều quan trọng nữa trong tư tưởng của Tuyên ngônlà để đạt được các mục tiêu văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân, thì chỉ có phát triển kinh tế, tăng lực lượng sản xuất.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập,  t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.406.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Sđd, t.4, tr. 628, 602, 602, 601, 623, 620, 610-611, 611.

 

ThS Trần Kim Cúc

Viện Văn hóa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền