Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Trung Quốc đang đốt cháy hòa bình ở Biển Đông
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 16:14
2326 Lượt xem

Trung Quốc đang đốt cháy hòa bình ở Biển Đông

(LLCT) - Mượn cớ để bảo vệ và phục vụ giàn khoan 981, từ đầu tháng 5-2014, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường hàng trăm tàu các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tấn công nhanh…). Việc đưa giàn khoan cùng tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hung hăng đâm vào tàu thực thi pháp luật và tàu đánh cá của Việt Nam với sự yểm trợ của máy bay, gây hư hỏng tàu và thương tích cho nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam, Trung Quốc đã lấy cớ tìm kiếm dầu để “đổ thêm dầu” đốt cháy các nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

 

Với tham vọng độc quyền khai thác nguồn dầu khí giàu có ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 952 triệu USD để chế tạo giàn khoan biển sâu mang tên Haiyang Shiyou-981 (gọi theo tiếng Việt là Hải Dương-981). Đây là một “giàn khoan khủng”, dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31 nghìn tấn với diện tích boong rộng bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000m, chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động ngày 9-5-2012 và lần đầu tiên tiến hành khoan trên biển ở độ sâu 1.500m tại một khu vực ở Biển Đông, cách Hồng Kông 320 km về phía Đông Nam.

Ngày 3-5-2014, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương ra thông báo hàng hải rằng giàn khoan 981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc - 111o12’06” kinh Đông từ ngày 2-5 đến 15-8-2014. Khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Khu vực này thuộc phạm vi bồn trũng dầu khí Hoàng Sa và thềm lục địa pháp lý của Việt Nam đã được biết là có tiềm năng dầu khí lớn.

Mượn cớ để bảo vệ và phục vụ giàn khoan 981, từ đầu tháng 5-2014, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường hàng trăm tàu các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tấn công nhanh…). Việc đưa giàn khoan cùng tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hung hăng đâm vào tàu thực thi pháp luật và tàu đánh cá của Việt Nam với sự yểm trợ của máy bay, gây hư hỏng tàu và thương tích cho nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam, Trung Quốc đã lấy cớ tìm kiếm dầu để “đổ thêm dầu” đốt cháy các nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

1. Theo đuổi “Giấc mơ Trung Hoa”

Trong cuốn sách Bàn về quyền lực biển, Alfred Thayer Mahan có câu nói nổi tiếng: “Ai kiểm soát được biển, người đó sẽ kiểm soát được cả thế giới”. Câu nói trên đã được kiểm chứng qua hai cuộc đại chiến thế giới và qua vai trò chi phối của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và đồng minh ở thế kỷ XIX, XX. Đối với Trung Quốc, mục tiêu phục hưng dân tộc và giành vị trí trung tâm của một nước lớn trên bàn cờ thế giới đã manh nha qua các triều đại của Trung Quốc, và dần trở thành “Giấc mơ Trung Hoa”.

Khi nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố về trách nhiệm tiếp tục thực hiện Giấc mơ Trung Hoa của các vị tiền bối, và ưu tiên giải quyết vấn đề biển, đảo. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” sẽ là những “cơn ác mộng” cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực Biển Đông, ý đồ và mục tiêu cuối cùng của giấc mơ này sẽ là: “độc quyền” khai thác các nguồn tài nguyên, tiến tới “độc chiếm” Biển Đông. Phát biểu trước Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 31-7-2013, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp trên biểnmột cách hòa bình thông qua đàm phán, song sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền và cần phải tăng cường năng lực quốc phòng. Trung Quốc sẽ chuẩn bị để đối phó với các diễn biến phức tạp, củng cố năng lực bảo vệ quyền và lợi ích biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển”. Ông cũng nhấn mạnh, việc trở thành cường quốc biển là “nhiệm vụ quan trọng” của Trung Quốc bởi “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ”. 

Theo Jyrki Kallio, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan (4-2014): “Phòng thủ chiến lược và tấn công chiến thuật” là hình ảnh của chiến lược biển theo tư duy của Mao Trạch Đông và các nhà quân sự kinh điển của Trung Quốc coi việc “lừa đối phương” là một trong những chiến lược cơ bản, và bảo bối trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cải cách là “giấu mình chờ thời”. Cùng với việc tăng cường tiềm lực kinh tế và hiện đại hóa quân đội, ưu tiên xây dựng “hạm đội pháo đài”, Trung Quốc đã ngấm ngầm hợp thức hóa, chính trị hóa “Đường lưỡi bò 11 khúc đứt đoạn” do một công chức Đài Loan vẽ (khoảng năm 1947) để triển khai cái gọi là “Chiến lược lưỡi bò xanh” (tức chiến lược biển manh nha từ năm 1957) đối với khu vực Biển Đông. Khi “trỗi dậy hòa bình” Trung Quốc đã có trong tay “cây gậy” (sức mạnh hải quân) và “củ cà rốt” (sức mạnh kinh tế đứng thứ 2 thế giới) và đang nổi lên như một nguy cơ đối với sự ổn định của trật tự quốc tế.

2. Thực hiện ý đồ “Độc chiếm Biển Đông”

Tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông”, Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi với nước cờ “dùng đi, dùng lại” và cách tiếp cận khác nhau, như: mở rộng biên giới quốc gia mềm, sử dụng quyền lực mềm và mượn cớ dân sự,...Họ đã chủ động chuẩn bị các “kịch bản” với nhiều “màn diễn” khác nhau trên Biển Đông, và luôn kiếm cớ đổ lỗi cho đối phương. Từ việc Trung Quốc chiếm đóng 1/2 quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1956), đến sử dụng vũ lực chiếm giữ trái phép toàn bộ quần đảo này vào năm 1974; dùng vũ lực chiếm bãi cạn Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (1988); cắt cáp tàu thăm dò dầu khí và bắt giữ ngư dân Việt Nam (2011) hoạt động trên vùng biển của Việt Nam và tuyên bố vùng cấm đánh cá vô lý trong vùng biển Việt Nam; phản đối Luật Biển của Việt Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa; mở thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (cuối tháng 6-2012),… Trong chuỗi các sự kiện trên, đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên Hợp quốc yêu sách phi lý về “Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Theo một số học giả: dù lặp đi lặp lại, nhưng tất cả các nước cờ trên đều phục vụ cho hai mục đích chính: “biến không thành có” để hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồng thời, để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự” như nói trên. Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) do Philippines tuyên bố chủ quyền; năm 2013, chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền, và lần này Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Năm 2012, ông Vương Dĩ Lâm (Wang Yilin) - Chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) nói rằng: “Những giàn khoan biển sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong việc xúc tiến phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ xa bờ”. Và bây giờ, sự hiện diện của “lãnh thổ di động” như vậy tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã phát đi thông điệp: bắt đầu và sẵn sàng xâm chiếm vùng biển của Việt Nam. 

Các hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc gần đây và sự việc giàn khoan 981 hiện nay khiến tình hình Biển Đông trở nên nóng hơn bao giờ hết. Và lần này, Trung Quốc vẫn dùng những chiêu thức cũ để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển Việt Nam một cách ngang ngược và trắng trợn. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã không tôn trọng các thỏa thuận song phương và cam kết cấp cao giữa hai nước về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển ký tháng 10-2011. Việc đặt trái phép giàn khoan khủng với “chiêu bài” tìm kiếm khả năng dầu khí, rồi tiến tới thăm dò và khai thác ở khu vực nước sâu thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đặc biệt, cách thức hành xử kiểu “nước lớn, trịch thượng” này đang từng bước làm xói mòn tình cảm và tình hữu nghị lâu đời vốn có của nhân dân hai nước Việt - Trung.

Dư luận thế giới, trong nước Trung Quốc và ở nước ta đều cho rằng cùng với yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò và những hành động gây hấn gần đây, Trung Quốc đang tiến những bước đi nguy hiểm, đầy thách thức, bất chấp luật pháp quốc tế và công luận thế giới. Trong thời điểm các tổ chức pháp luật quốc tế của Liên Hợp quốc đang xem xét vụ kiện về Đường lưỡi bò, thì hành động của Trung Quốc không phù hợp với “Văn hóa ứng xử” của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đang làm mất dần hình ảnh của một nước lớn đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế ở châu Á. Trung Quốc đang biến vùng biển không tranh chấp thành thành vùng tranh chấp.

Đối với khu vực, việc Trung Quốc đơn phương hành động đã vi phạm công khai Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và thể hiện hành động không thiện chí trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử đa phương trên Biển Đông (COC), thách thức mọi nỗ lực của các quốc gia ASEAN về giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Điều này, chắc chắn khiến các nước trong khu vực Biển Đông và ASEAN đoàn kết lại, tạo sức mạnh tổng hợp để ứng phó với những tình huống từ phía Trung Quốc gây ra.

Chính Trung Quốc, với thái độ hung hăng, đe dọa các nước láng giềng và thách thức luật pháp quốc tế đã khiến Mỹ - đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, quyết tâm chuyển trục an ninh về Đông Á - Thái Bình Dương, và tăng cường hiện diện quân đội ở khu vực Biển Đông. Như một phản ứng tự nhiên, các nước bị áp đặt chính trị cường quyền trong khu vực rất dễ “ngả” nhiều hơn sang Mỹ và các cường quốc khác để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

3. Không thể để Trung Quốc “được đằng chân, lân đằng đầu”

Đường lưỡi bò phi lý Trung Quốc công bố viền theo rìa trong của một cấu trúc “Bồn trũng nước sâu” chiếm trên 50% diện tích đáy Biển Đông (độ sâu trung bình toàn bồn là 1.800m) và phần lưỡi bò phía Nam “liếm” tiếp xuống thềm lục địa của Malaysia và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (gần quần đảo Natuna). Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới và bồn trũng nước sâu này là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhất, trong đó có triển vọng dầu khí lớn. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan,...

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng băng cháy (khí hydrat metan đóng băng) với trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.

Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết Công ước Luật Biển 1982, nên họ phải gương mẫu tuân thủ các quy định của Công ước, cũng như phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Để giải quyết sự việc và ngăn ngừa không để tái diễn những hành động tương tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn tình hữu nghị và tình cảm giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nêu rõ: Hành động của Bắc Kinh là bất hợp pháp và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác.

Ngày 9-5-2014, ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa” và giải quyết bằng con đường hòa bình. Ngày 10-5-2014, các Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực. Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Một nước nhỏ như Việt Nam, để không nhỏ yếu rất cần sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Hành vi sai trái của phía Trung Quốc thách thức toàn thế giới, gây bất ổn định khu vực, thái độ của Chính phủ Việt Nam đã rõ ràng và kịp thời, và đang có những bước đi cần thiết. Hơn lúc nào hết, người Việt trong và ngoài nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hãy sát cánh với Chính phủ Việt Nam, làm rõ âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của Trung Quốc trong việc đơn phương giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đoàn kết dân tộc cần sát cánh cùng các nước ASEAN để gia tăng sức mạnh đoàn kết toàn khu vực. Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, ủng hộ chủ trương giải quyết của Chính phủ, lên án những hành vi sai trái, đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc.

Kiên định tiếp cận các giải pháp hòa bình, nhưng không từ bỏ quyền tự vệ chính đáng theo quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam nên có thư chính thức thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và bảo lưu như một văn bản pháp lý theo tập quán luật pháp quốc tế. Vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong Biển Đông là vấn đề phức tạp và dài lâu, đối tác tranh chấp chủ quyền nham hiểm, tính toán kỹ, liều lĩnh. Cho nên, cùng với việc chúng ta tiếp tục kiên trì và kiềm chế, cần sớm đưa sự việc này ra Trọng tài pháp lý Quốc tế. 

Ngoài ra, các lực lượng thực thi pháp luật  và ngư dân ta tiếp tục bám biển thực hiện các hoạt động kiểm soát và sản xuất như thường lệ ở những vùng biển và trên những ngư trường truyền thống bao đời nay .

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền