Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Tăng cường hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, đảo
Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 16:18
3380 Lượt xem

Tăng cường hợp tác quốc tế bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, đảo

(LLCT) - Chủ quyền, an ninh trên biển, đảo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Một vùng biển, vùng trời hòa bình, hữu nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vững mạnh của đất nước

 

Do án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời có nguồn tài nguyên phong phú nên Biển Đông có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với các nước trong khu vực và các nước lớn trên thế giới. Nước ta có 28 tỉnh, thành phố ven biển; bờ biển Việt Nam dài 3.260km. Ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển Việt Nam còn có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ ven bờ, nhiều đảo có nhân dân sinh sống, thềm lục địa đa dạng tạo thành vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Vì vậy, vùng lãnh hải ven biển của Việt Nam giữ vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh. Thực tiễn lịch sử cho thấy, kẻ thù thường lấy biển làm hướng chủ yếu để tiến công xâm lược nước ta. Do vậy, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển ngày nay phải luôn gắn kết với nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền an ninh quốc gia.

Nhận thức rõ vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của các vùng biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển và phát triển kinh tế biển. Ngay sau ngày hoà bình lập lại (1954), Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vùng biển và khai thác tài nguyên biển. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển của ta rất giàu và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trước khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lịch sử: giải phóng quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của Việt Nam trên Biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 12-5-1977, Chính phủ ra Tuyên bố về các vùng biển Việt Nam. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, ngày 12-11-1982, Chính phủ ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, mở đầu một trang mới trong lịch sử tiến ra biển, thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên biển. Nghị quyết Quốc hội khoá IX, Kỳ họp thứ 5 về phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 đã thể hiện rõ: “lập trường trước sau như một của Chính phủ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các tranh chấp khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Việt Nam có ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa chung với hầu hết các nước xung quanh Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Campuchia. Hiện nay, còn bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa;  bảo vệ chủ quyền và giải quyết hoà bình tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa giữa 4 nước 5 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipin, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tranh chấp chủ quyền nói chung ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam theo nhiều khía cạnh. Vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển thông qua biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước nhằm bảo đảm môi trường hoà bình để phát triển. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay để bảo đảm được chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, một mặt, chúng ta cần không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phát triển hệ thống giao thông đường biển; mặt khác, phải tích cực đối thoại với các bên liên quan, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp cơ bản và lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Cơ sở của việc giải quyết tranh chấp, giữ gìn hoà bình và ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trên Biển Đông là luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nước có liên quan cần tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi nước được quy định trong Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực; các nước trong khu vực đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương giữa các nước có liên quan, nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, sử dụng, khai thác biển và bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả. Điều quan tâm và đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển Việt Nam đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ.

Ngày 2-5-2014, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan  Hải Dương 981 ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những ngày sau đó, nhiều lần tàu của Trung Quốc hung hăng gây hấn đâm tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong khu vực, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đây là hành động trái với luật pháp quốc tế và trái với đạo lý.

Tình hình Biển Đông đang trở thành một trong những “điểm nóng”, là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Trong những ngày qua, chính phủ, các nhà khoa học quân sự, chính trị, giới học giả và các hãng thông tấn báo chí nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển, thềm lục địa của Việt Nam. Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực thi chính sách trỗi dậy gây căng thẳng trong khu vực - một trong những nguyên nhân chủ yếu, đồng thời là nguy cơ tiềm tàng gây mất ổn định an ninh, thậm chí cả xung đột vũ trang trên các vùng biển, đảo trong khu vực Biển Đông.

Trước các động thái đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường đối thoại để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo, ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường hoà bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển.

Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong quá trình này, theo tôi cần:

Trước hết, nắm vững luật pháp quốc tế, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác quản lý biển, đảo, biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”(1). Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanma ngày 22-5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:“Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”. Đây là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, là định hướng cho các cấp, các ngành, các lực lượng quán triệt và thực hiện trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển, đảo với các nước láng giềng, khu vực.

Để giải quyết vấn đề biên giới với các nước trong khu vực, chúng ta phải dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm tìm ra giải pháp cơ bản, hài hoà và hợp lý. Phải căn cứ vào Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thông qua đàm phán giải quyết, xây dựng đường biên giới pháp lý ổn định lâu dài.

Hợp tác quốc tế giải quyết biên giới, lãnh thổ là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều vấn đề về chủ quyền an ninh của quốc gia. Do đó, trong quá trình đàm phán quốc tế giải quyết các tranh chấp trên biển phải luôn nắm vững nguyên tắc tối cao của Nhà nước, không thoả hiệp, nhân nhượng vô nguyên tắc, phải nắm vững tài liệu, nguồn gốc lịch sử, phải biết về quản lý thực tế, hiểu biết nghệ thuật đàm phán.
Quá trình đàm phán về lãnh thổ biên giới với Trung Quốc và các nước phải có sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ, phát huy trách nhiệm của đoàn đàm phán, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về biên giới, biển, đảo và các ngành chủ quản, học tập kinh nghiệm quốc tế, không chủ quan áp đặt. Ngăn chặn các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch gây chia rẽ quan hệ truyền thống giữa nước ta với các nước láng giềng và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán.

Hai là, quán triệt mục tiêu, nguyên tắc, phương châm trong giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển với các nước có liên quan.

Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngày nay, khái niệm về chủ quyền quốc gia có nội dung lớn hơn trước, bao gồm nhiều lĩnh vực, như: chủ quyền về lãnh thổ, biển đảo, biên giới, kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại… Giải quyết các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển gắn liền và đan xen trong các quan hệ chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Đó là quá trình vừa đấu tranh quyết liệt, vừa thương lượng, thoả thuận, chiếu cố lẫn nhau, nhưng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong quá trình giải quyết các vấn đề trên biển phải giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, coi đó là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt và nhất quán.

Để xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta phải tiếp tục củng cố, xây dựng biên giới, vùng biển, vùng trời hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài nhằm tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời, phải loại bỏ những sơ hở, những điều kiện mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền trên vùng biển để tạo cớ can thiệp, gây mất ổn định tình hình đất nước. Trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với các nước láng giềng và các nước trong khu vực, các cấp, các ngành và mỗi người dân phải nhận thức sâu sắc yêu cầu này, tránh gây xung đột, đối đầu, gây căng thẳng làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ chung.

Ba là, cần xác định nội dung hợp tác quốc tế phù hợp với quan hệ từng nước trong từng giai đoạn để giải quyết các vấn đề về chủ quyền biển, đảo.

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng gần gũi. Từ lâu hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển. Tuyến biên giới trên biển trong vùng Vịnh Bắc Bộ đã được hai bên ký hiệp định phân định theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng ở Biển Đông, Trung Quốc với tham vọng độc chiếm Biển Đông đang có những hành động ngang ngược, chúng ta phải kiên quyết phản đối.

Chúng ta vẫn cần chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ biển, hải đảo của nước láng giềng để tiến hành các hoạt động quản lý, kiểm soát, bảo vệ biển, đảo chung. Thông qua cơ chế phối hợp đã thoả thuận và công tác đối ngoại để phát hiện giải quyết những vấn đề nảy sinh, không để xảy ra tranh chấp, xung đột trên biển làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng trên các vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của chúng ta hoạt động trên các vùng biển, đảo cần có quan hệ tốt với các lực lượng tương ứng của nước láng giềng, thoả thuận hợp tác về những vấn đề thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Các cấp, các ngành của nước ta phải có sự phối hợp đồng bộ trong quan hệ hợp tác với nước láng giềng và khu vực. Trong quan hệ với các nước cần phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định phát triển của mỗi nước để thương lượng, nhân nhượng lẫn nhau. Theo đó, với Trung Quốc cần dựa vào quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản.Đồng thời, phải dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các điều khoản Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong khi thực hiện pháp luật về lãnh thổ và luật biển không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực. Ưu tiên tiến hành đàm phán trên cơ sở Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng một Bộ luật về ứng xử ở Biển Đông (COC).

Riêng các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành trong công tác đối ngoại. Tăng cường trao đổi, hiệp đồng với các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh trên các vùng biển, hải đảo và chính quyền địa phương các nước láng giềng trên cơ sở các hiệp định, hiệp nghị, quy chế, thoả thuận đã được ký kết giữa hai bên để tuyên truyền phát triển quan hệ hữu nghị, chủ động gặp gỡ giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra trên vùng biển ngay từ cơ sở, không để căng thẳng xung đột, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, tạo môi trường ổn định. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các lực lượng đứng chân trên biển, nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tập quán, luật pháp quốc tế. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân và các ngành có liên quan trên các vùng biển, đảo về ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề biển, đảo là một nội dung quan trọng của công tác đối ngoại nhằm tạo môi trường ổn định, xây dựng vùng biển, hải đảo hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng và khu vực, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và quyền tài phán trên biển trong tình hình mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. tr.  237

                                               

TS, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

                                 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền